Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

NGƯỜI TRẺ VÀ ĐỨC TIN (7)

CHẾT CHO NGƯỜI MÌNH YÊU
Như nhiều người, tôi đã nhiều lần tự hỏi: Tại sao Thiên Chúa phải chết? Bởi nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa thì Ngài dư quyền năng, đủ quyền phép để không phải chịu đóng đinh, mà vẫn cứu chuộc được nhân loại. Tôi đã thắc mắc như những  người Do Thái năm xưa đã thắc mắc, trong số đó có các môn đệ của Đức Giêsu.
Qủa thực, câu hỏi của bao người từ hơn hai ngàn năm nay, cũng là vấn nạn của người trẻ hôm nay: Cuộc thương khó và tử nạn của Đức Giêsu trên Thánh Giá có thực sự cần thiết không?
Vì cho là không cần thiết, nên tông đồ Phêrô mới vội vàng lên tiếng can ngăn:   
“Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16,22), khi Đức Giêsu loan báo sẽ lên Giêrusalem, ở đó “phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21); vì cho là cực kỳ phi lý một Thiên Chúa phải chết bởi tay con người, nên nhiều môn đệ đã ngã lòng, trốn chạy, bỏ rơi Thầy; vì không thể tin nổi một Thiên Chúa mà chịu treo trần truồng trên thập giá, mà không thể tự cứu mình, mà đám đông mới bực mình hỏi đểu: “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!” (Mt 27,40); và cũng vì không thể lý giải sự kiện Thiên Chúa chết, mà nhiều người của thời đại thực dụng đã cho rằng Đức Giêsu đã tự nguyện chọn cái chết như một cách thức tự tử, khi biết mình hết thời, bị hoàn toàn bế tắc, rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, khi tứ phía đối phương bao vây, xiết chặt, như nhà lãnh tụ cách mạng bị dồn vào đường cùng, tướng quân thất thủ trên trận địa, nên thay vì đầu hàng đã chọn phương án tự sát.  
Những ý nghĩ về cuộc thương khó và cái chết của Đức Giêsu trên có thể không sai, nếu Đức Giêsu chỉ là con người, mà không phải Thiên Chúa. Nói cách khác, trên bình diện nhân loại, người ta có thể suy diễn như vậy, và Đức Giêsu cùng lắm sẽ được tôn vinh là một người khí phách, can trường đi đến cùng đường lối, chủ trương, lý thuyết của mình được chứng minh bằng cái chết tự nguyện. Nhưng với đức tin và giáo huấn của Giáo Hội, chúng ta nhìn nhận liền sau cái chết “nhân tính” của Đức Giêsu là sự phục sinh “thiên tính” của Ngài, vì Ngài là Thiên Chúa làm người. Ngài là Tất Cả: là Thiên Chúa đã đau khổ, bị bỏ rơi, chịu đóng đinh, rồi sống lại. Sự sống lại đã cho cuộc sống trần gian của Ngài một ý nghiã và chiếu sáng sự sống nhân loại ấy bằng ánh sáng của Tình Yêu Cứu Độ.
1.   Hiến mạng sống vì người mình yêu:
Nghiã cử này không lạ với con người, như người mẹ sẵn sàng chết thay con, vợ hy sinh chết cho chồng, người chiến sĩ chết vì đất nước, quê hương, đồng bào. Nhưng hành động can trường bỏ mình, tự nguyện mất mình, xoá mình ấy cần một lý do, một động lực, một mục đích, như sống thì phải có “lẽ sống”, chết cũng cần một “lẽ chết”, nếu không cuộc sống sẽ vô nghiã, và cái chết cũng vô lý, vô vị.
“Lẽ chết” của những cái chết tự nguyện chính là tình yêu dành cho người mình yêu, như mẹ chết thay con vì yêu con, vợ chết cho chồng vì yêu chồng, tình nhân chết cho nhau vì yêu nhau, người lính chết ngoài mặt trận vì yêu quê hương, đồng bào. Không tình yêu, không ai dại dột mất mạng, toi mạng, bởi không ai điên khùng, vô duyên đến độ chết cho người mình không quen biết, không thân thiết, không yêu thương.
Và Đức Giêsu đã hiến mạng sống mình vì tình yêu, như những người yêu nhau đã chết cho nhau, vì nhau, khi nói với các môn đệ trước khi lên Giêrusalem để chịu bắt bớ, hành hình: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13), bởi ngoài cái chết, không còn cách nào để bầy tỏ tình yêu vô cùng và đến cùng của Thiên Chúa dành cho con người, không lời nào, việc làm nào đủ sức thuyết phục con người tin ở tình yêu bao la, vô tận của Thiên Chúa  đối với mình.
Như thế “lẽ chết” của Đức Giêsu chính là yêu con người, vì tình yêu Thiên Chúa mới cứu chuộc, chứ không phải đau khổ đã cứu chuộc, bởi đau khổ mà thiếu tình yêu, đau khổ không vì yêu thương, thì đau khố ấy chỉ làm con người bất hạnh nhiều hơn, nặng hơn gánh sầu, và tăng thêm khốn nạn cho nhân loại, mà không mang một giá trị cứu rỗi nào. 
2.   Hiến mạng sống mình vì sự sống của người mình yêu:
Không ai chết cho người không cần sống, như người mẹ chỉ chết cho con, khi bà biết cái chết của bà sẽ cho con bà được sống, và cái chết tự nguyện ấy được gọi là  cái chết thế mạng. Cũng như người vợ trong tiểu thuyết “Anh phải sống”  của nhà văn Khái Hưng thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã nói lên tình yêu hy sinh vĩ đại của chị Lạc, vợ anh phó Thức khi lẳng lặng buông tay khỏi vai chồng, chấp nhận bị cuốn trôi theo giòng nước lũ, “chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ”, để chồng được sống, khi thấy chồng không còn đủ sức xốc nổi mình nữa.   
Đức Giêsu cũng chết vì sự sống của con người, bởi cứ theo lẽ thường, thì con người phải chết, nghiã là sau khi nguyên tổ phạm tội, con người mất quyền làm con Thiên Chúa. Không còn là con, nên mất quyền thừa kế, không được dự phần hạnh phúc trong nhà Cha. Đó là lý do con người không có sự sống siêu nhiên trong Thiên Chúa, không có sự sống vĩnh cửu trong nhà Cha trên trời, không có đời sau vĩnh hằng trong vinh quang của Thiên Chúa sau khi lìa cõi đời tạm bợ, ngắn ngủi trên trần gian.
Vì thế, nếu không có cái chết thế mạng của Con Thiên Chúa, con người không thể hoà giải với Thiên Chúa, Đấng con người đã xúc phạm, khước từ; không có cái chết chuộc mạng của Đức Giêsu, nhân loại không thể nối lại được ân tình với Thiên Chúa; không có tình yêu hiến mạng của Ngôi Lời nhập thể, con người không được sống sự sống đời đời của Thiên Chúa, như Tin Mừng Gioan đã ghi lại lời Đức Giêsu: “Tôi là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”, “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10-11), bởi “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1 Ga 4,9).
Cũng qua cái chết của Đức Giêsu, chúng ta khám phá bản chất đích thực của tội. Tội không chỉ là những vi phạm, làm tổn thương ở mức độ bình thường, nhưng tội  giết chết Thiên Chúa trong tâm hồn người có tội. Do đó, tội trở thành vấn đề sống chết đối với con người, bởi khi tội lỗi thống trị, con người không có sự sống của Thiên Chúa, khi tội lỗi chiếm cứ tâm hồn, Thiên Chúa phải lánh mặt và con người bị giam cầm trong bóng tối tử thần. Đó chính là lý do, để cứu con người có tội khỏi chết, Đức Giêsu đã phải chết để thế mạng, hầu con người tìm lại ánh sáng sự sống.
3.   Hiến mạng sống mình vì hạnh phúc của người mình yêu:
Hạnh phúc lớn nhất của con người là biết mình được Thiên Chúa yêu thương, bởi “được Thiên Chúa yêu thương”, con người biết mình sẽ không lo sợ gì, không phải thiếu thốn chi, vì Thiên Chúa là người cha toàn năng, nhân hậu và quan phòng, không để con cái mình phải đói rách, cơ hàn (x. Mt 6,25-34).
Nhưng để nhận ra tình cha của Thiên Chúa luôn quan tâm lo lắng cho hạnh phúc của con cái, con người chỉ có thể cảm nghiệm tình yêu ấy khi chiêm ngắm cái chết của Đức Giêsu. Chính nhờ cái chết “bất hạnh” của Ngài, mà con người được trả lại hạnh phúc đã mất do tội lỗi; chính qua cái chết “tang thương, bẽ bàng” của Ngài, mà con người tìm lại được thiên đàng đã đóng cửa. 
Trong cái chết và phục sinh của Đức Giêsu, con người không còn lo sợ sẽ phải chết đời đời là bất hạnh lớn nhất, bởi chỉ hai chữ đời đời thôi cũng đủ làm con người sợ hãi, do khao khát bất tử tiềm tàng trong bản tính con người, bởi con người được sinh ra từ cung lòng Thiên Chúa là Đấng hằng sống, vô thủy vô chung.
Không những cái chết của Đức Giêsu đã chuộc lại sự sống đã mất, mà sự phục sinh của Ngài còn bảo đảm sự sống mới bất diệt của con người. Đó là hạnh phúc lớn mà con người nhận được từ cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu.
Ngoài hạnh phúc được sống sự sống đời đời của Thiên Chúa, vì được Đức Giêsu  xóa hết tội và trả lại quyền làm nghiã tử của Thiên Chúa, con người còn nhận ơn Bình An của Đức Giêsu, mà chỉ sau khi sống lại Đức Giêsu mới chính thức ban cho các môn đệ của Ngài, bởi đó là ơn Bình An của Thiên Chúa đã chết và sống lại, ơn Bình An mà thế gian không ban được. Đó là Bình An cho tâm hồn được hoàn toàn giải phóng khỏi ách nô lệ của tội lỗi, khi được Máu Thiên Chúa rửa sạch mọi tội khiên, lỗi lầm.   
Nhận ơn bình an từ Đức Giêsu chịu đóng đinh đã sống lại, chúng ta sẽ không xao xuyến trước những thử thách của cuộc đời, không sầu tủi vì nghèo hèn, chán nản vì bị khinh chê, nao núng, ngã lòng vì bị truy lùng, bách hại, nhưng bình an trong mọi hoàn cảnh, bình an trong mọi thử thách, và vui mừng hớn hở vì phần thưởng Thiên Chúa dành cho trên trời thật lớn lao (x. Mt 5,12).
Qủa thực, Yêu là mong ước và nỗ lực đem lại hạnh phúc cho người mình yêu, và đối nghịch với Yêu là Thù khi chỉ muốn và làm mọi cách để kẻ thù phải khổ sở, bất hạnh.
Thiên Chúa yêu thương nên tìm mọi cách cho con người hạnh phúc với Ngài, ngay cả khi con người tự ý khước từ hạnh phúc, tự mình cắt đứt, cách ly với nguồn hạnh phúc là Thiên Chúa, tự nguyện rời xa hạnh phúc địa đàng như ông bà nguyên tổ đã nghe Rắn Độc ăn qủa Thiên Chúa cấm. 
4.   Hiến mạng sống để làm theo ý Chúa Cha:
Đức Giêsu không tự ý mình chọn cái chết, như nhiều người quy tội tự tử, quyên sinh cho Ngài, nhưng “tự nguyện chịu khổ hình và chịu chết”, vì tự nguyện vâng lời Thiên Chúa Cha, Đấng sai Ngai xuống thế gian với một sứ vụ là thế mạng cho con người, chuộc mạng cho loài nguời, để mọi người được sống đời đời.
Hình ảnh đổ mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu trước giờ bị bắt, khi tha thiết cầu nguyện: “Lậy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này” (Mt 26,39) đã làm chứng Đức Giêsu ý thức “lên Giêrusalem chịu khổ hình và chịu đóng đinh” là một chén rất đắng đót, nhưng vì yêu mến và vâng lời Chúa Cha, Ngài đã thân thưa liền sau đó: “Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39), bởi vì giây phút này, vì chén đắng này mà Ngài đến trong thế gian.
Như thế, cuộc khổ hình và đóng đinh mà Đức Giêsu, Con Thiên Chúa phải chịu đã nằm trong kế họach yêu thương con người của Thiên Chúa Cha, đã ở trong chương trình chuộc lại con người đã hư mất vì tội lỗi của Chúa Cha, nên Đức Giêsu đã không chọn cái chết, vì công cuộc truyền giáo của Ngài bị bế tắc, thất bại, cũng không bất đắc dĩ chọn cái chết như một giải pháp của bại tướng để bảo toàn uy tín, danh dự, nhưng là sứ vụ được trao phó: thực hiện thánh ý “chuộc lại con người” của Thiên Chúa Cha đã có từ lúc nguyên tổ loài người sa ngã, phản bội, khi tự đánh mất quyền làm con và sự sống đời đời Thiên Chúa dành cho họ.
Tóm lại, cái chết của Đức Giêsu là chọn lựa của Thiên Chúa như cách thức tốt nhất để chuộc tội con người, trả cho con người ơn làm con và sự sống đời đời. Sự chết ấy còn là biểu chứng hùng hồn nói cho con người biết Thiên Chúa yêu thương họ “vô cùng và đến cùng”, đến hy sinh chính mạng sống.
Đây là sự thật của mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, mà chúng ta không thể chối cãi, nếu chúng ta khiêm tốn chiêm ngưỡng với đôi mắt đức tin và dưới ánh sáng của Tin Mừng, ở đó chúng ta sẽ được Chúa Thánh Thần dậy bảo để biết: Nếu không có mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu, không ai được cứu rỗi, tức không được hưởng hạnh phúc trong Thiên Chúa, với Thiên Chúa, vì ách thống trị của tội lỗi, tử thần; nếu Đức Giêsu không chịu khổ hình và đóng đinh chết trên Thánh Giá, không người nào được sống lại và lên trời, vì giữa loài người và Thiên Chúa không còn tình nghiã, bởi không có Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là Con Người làm trung gian giao hoà; nếu không có Đức Giêsu chịu đổ máu trên Thánh Giá, tội lỗi loài người và mỗi người mãi mãi ngăn cách Thiên Chúa với con người, và tình nghiã Cha Con giữa Thiên Chúa và con người không bao giờ được phục hồi, chuộc lại; nếu Đức Giêsu không chết như con người thì con người chẳng bao giờ bình an vì tương lai không lối thoát sau khi lìa bỏ cõi đời. Nhưng qua cái chết và sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu đã đem đến cho con người, cho từng người ơn Bình An viên mãn, ơn Bình An trước mọi thách đố, kể cả sự chết, vì mọi người biết mình sẽ được sống lại với Đức Giêsu và như Đức Giêsu trong vinh quang của Ngài, với điều kiện đón nhận ơn cứu chuộc từ sự chết và phục sinh của Ngài.
Vâng, Đức Giêsu đã chấp nhận chết trên Thánh Giá, và người Kitô hữu “rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái cho là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 2,23-24).
Cũng vậy, không ít người đương thời với chúng ta cho là “tào lao, chạm mạch, mát giây, không cần thiết” sự chết của Đức Giêsu. Nhưng với chúng ta, đó là tình yêu vô cùng cao qúy, lớn lao của Thiên Chúa khi “chết cho con người để con người khỏi phải chết, nhưng được sống”; đó là tình thiên thu, bền vững của một Thiên Chúa nhân từ và trung tín đã không chịu bỏ rơi con mình, dù con ngược ngạo, bội phản, bất xứng, nhưng cứu cho kỳ được, và tìm mọi cách chuộc lại những gì đã hư mất.
Thiên Chúa cũng nói với chúng ta: Ngài là Hy Vọng của mỗi người, nguồn hy vọng không bao giờ vơi cạn, niềm hy vọng không bao giờ làm chúng ta thất vọng, và cũng nói với chúng ta từ mầu nhiệm Tử Nạn, từ trên cao Thánh Giá lòng thương xót vô biên, vô cùng của Ngài, đồng thời dậy chúng ta học xót thương anh em với Ngài, bởi chỉ lòng xót thương mới sinh ơn Cứu Rỗi, chỉ lòng xót thương mới đem lại ơn Bình An, chỉ lòng xót thương mới nẩy sinh niềm Hy Vọng được sống lại và sống đời đời. 
Với Đức Giêsu chịu chết trên Thánh Giá, chúng ta nhận ra sự cao cả của Thiên Chúa khi sai Con Một của mình xuống thế gian và chết để cứu chuộc muôn người, đồng thời nhận ra sự cao cả của con người khi hiến mạng sống để làm chứng Công Lý và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa giữa anh em.
Và với Đức Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta học yêu đến hy sinh mạng sống cho người mình yêu. “Mạng sống” đây chính là những chịu đựng anh hùng trước những trái ý, thiệt thòi, bất công người khác gây ra; “mạng sống” được dâng hiến đây chính là những tha thứ qủang đại khi bị xúc phạm, làm tổn thương; “mạng sống” bị mất đi đây chính là những việc làm âm thầm, kín đáo, yên ắng, vô tư, vô vị lợi vì hạnh phúc của mọi người, bởi trên Thánh Giá, khi tự nguyện chết cho chúng ta được sống, Đức Giêsu đã khiêm nhường, hiền lành, vâng phục, chịu đựng, bao dung, thương xót và bình an để luôn hướng về Thiên Chúa như con cái và hướng đến đồng loại như anh em là “mẫu người” mà Thiên Chúa đã muốn khi tạo dựng nhân loại.
Qủa thực, không có Đức Giêsu, nếu không có Thánh Giá; không có ơn Cứu Độ, nếu Đức Giêsu đã không làm người và chịu đóng đinh; không có hạnh phúc được sống đời đời, nếu Đức Giêsu đã không sống lại từ cõi chết. Vì thế, đã là người Kitô hữu, chúng ta phải gắn bó với sự chết vì yêu thương của Đức Giêsu, bởi sự chết của Thiên Chúa làm người đã chuộc lại cho Thiên Chúa sự sống Thiên Chúa mà con người đã làm mất, để “nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài”, Thiên Chúa được tôn vinh và chúng ta được sống hạnh phúc trong vinh quang của Ngài.
Jorathe Nắng Tím