Tuổi
thơ bắt đầu bằng nhận thức thế giới bên ngoài với những thực tại còn xa lạ với
em. Cha mẹ là thực tại em nhận thức đầu tiên, sau đó là các thực tại khác… Giai
đọan nhận thức các đối tượng ở bên ngoài là giai đoạn khởi đầu của tiến trình
hình thành nhân cách, tức là tạo tương quan, tạo khoảng cách để định vi :
định vị mình và định vị người khác. Chính ở giai đoạn nhiều biến đổi còn hỗn
mang này, hiện tượng nói dối xuất hiện nơi em bé, hiện tượng mà nhiều cha mẹ đã
hốt hoảng, thất vọng khi đối diện vì cho đó là vấn đề lớn.
Khoa tâm lý có cái nhìn khác:
1.
Ngưỡng
cửa của phát triển nhân cách:
Nói
dối nơi các em bé không có gì trầm trọng. Em bé bóp méo, thay đổi sự thật là muốn
chứng tỏ mình bắt đầu đang là “cái gì đó” sẽ ngon lành, ghê gớm lắm. Để đạt đến
tình trạng định rõ chỗ đứng của mình đối với mọi người, em cần biểu lộ cái gì
riêng tư, độc đáo của em mà nói dối là cái em có thể làm người khác chú ý đến
em nhất. Kéo chú ý là điều em mong đợi để mọi người chung quanh nhận ra em là
em, với những độc đáo của riêng em. Nói dối còn nói lên khả năng biến báo, sáng
kiến tài tình “khác người” của em, vì em đang cần trở nên “khác” mọi người
chung quanh. Ta có thể hiểu đơn sơ: nói dối như
ngưỡng cửa bước vào giai đọan khám phá chính mình và tìm hình thành một
nhân cách của em bé.
2.
Nói
dối như bông đuà:
Em
bé 4, 5 tuổi rất hay nói dối để bông đùa, làm cho người khác cười. Khi dấu diếm
hay cắt xén một sự thật, em không có ý lừa người khác, cho bằng làm cho người
khác cười vui và nhận ra khả năng sáng chế độc đáo của em. Em đang ở thời kỳ tạo
ấn tượng về mình nơi người khác, nên chọn bất cứ phương cách nào hữu hiệu để
người khác có ấn tượng về mình.
3.
Nói
dối để tránh một hình phạt, qưở trách:
Với
trí thông minh ở tuổi lên 4 lên 5, em thừa biết phải làm gì để giảm thiểu hình
phạt hay cơn tức giận của cha mẹ trước sai trái của em. Óc tưởng tượng tuy còn
non nớt nhưng cũng đủ để em dàn thành một cảnh tượng mới, đạo diễn một tình tiết
mới và thủ một vai trò mới hầu đánh lạc hướng người lớn. Em vận dụng khả năng diễn xuất để cha mẹ không nhận ra sự
thật mà vì sự thật ấy, em có thể sẽ bị phạt hoặc bị la rầy. Sợ hình phạt cũng
là nguyên nhân để em bé nói dối, bịa chuyện, đặt điều. Ở điểm này, cha mẹ cần
lưu ý để không biến hình phạt thành mục đích của giáo dục mà quên đi mục đích
chính của giáo dục là sự trưỏng thành của con.
4.
Nói
dối để tránh một trách nhiệm do lười biếng, ỷ lại:
Em
bé quen hưởng thụ sẽ nói dối để không phải làm việc. Trong trường hợp này, nói
dối là cách trốn việc. Em nói dối đau bụng để khỏi đi học, được ở nhà xem phim
hoạt hoạ hay chơi “game”. Em nói dối đã học bài để được tiếp tục chơi với bạn.
5.
Nói
dối do dánh giá quá thấp chính bản thân mình:
Rất
nhiều trẻ em nói dối vì thiếu thốn, yếu kém, thua thiệt. Vì không có được những
“cái mình muốn có” trong thực tế, nên em bé phải nói dối để tạo cho mình một thế
giới ảo, trong đó em sẽ có tất cả những gì em muốn, mặc dù tất cả những cái có
đó đều ảo. Em cần có, dù có trong ảo tưởng để lấp đầy những thiếu thốn đang có
nơi em. Em cần nói dối vì không đủ khả
năng nhận ra giá trị thực của mình, nên phải vay mượn những giá trị ảo khi nói
dối. Đánh giá thấp về mình là một trong những nguyên nhân lớn của hiện tượng
nói dối nơi trẻ em. Vấn đề của người lớn là làm thế nào để trẻ em phân biệt đuợc
thực - hư, thật - ảo với quá trình đào tạo nhận thức về Thiện - Ác, Xấu - Tốt.
Đối
diện với con lần đầu nói dối, cha mẹ nào không hoảng, vì nghĩ : con mình bằng
ấy tuổi mà đã “ba xạo”, nói dối. Nỗi lo lắng không hẳn đã vô lý và không nền tảng,
vì kinh ngihiệm cho thấy: không uốn nắn tinh thần tôn trọng sự thật từ tấm bé,
đứa trẻ sẽ biến chất thành chú cuội nói dối chuyên nghiệp và khi lớn lên sẽ dễ
rơi vào những cám dỗ của lừa đảo, mánh mung.
Trách
nhiệm làm cha mẹ thường đẩy các vị đến những biện pháp đột ngột, bất ngờ đối với
con cái và gây nên những phản ứng bất lợi nơi con. Khi bị cha mẹ thình lình tấn
công, em bé sẽ hốt hoảng và không hiểu gì, nhất là khi em không đủ khả năng để
nhận ra “nguy hiểm độc hại cho tương lai” của nói dối. Cha mẹ nhìn xa, còn em
chẳng nhìn. Cha mẹ thấy, còn em không thấy gì. Hai bên xung kích. Hai bên xung
đột. Căng thẳng cho cả hai bên. Căng thẳng cho em vì em chỉ là con muỗi. Căng
thẳng cho cha mẹ là phải lấy búa lớn mà đập muỗi con. Không tương xứng, không cần
thiết, không hữu hiệu, không ích lợi cho
cả hai bên.
Các
nhà tâm lý đề nghị những giải pháp khác để giúp cha mẹ giải quyết hiện tượng
nói dối của con cái ở tuổi ấu thơ. Đây là những giải pháp được nghiên cứu cẩn
thận, áp dụng có hiệu qủa và nhất là luôn nhắm mục tiêu giúp con cái trưỏng
thành.
6.
Cha
mẹ trước hết hãy lắng nghe con.
Thiếu
thời giờ cho con và không quan tâm lắng nghe con ngày nay đã trở thành vấn đề lớn
của các gia đình. Vì hoàn cảnh khó khăn, vất vả cuả đời sống vật chất, cha mẹ
đã không còn đủ thời giờ dành cho con, nên càng ngày khoảng cách giữa cha mẹ -
con cái càng bị kéo xa, đào sâu. Có những người cha không gặp con ba ngày liền,
vì đòi hỏi của công việc. Có những người mẹ không có đến 5 phút thủ thỉ tâm sự
với con mỗi ngày. Thiếu giờ đã kéo theo thiếu quyến luyến, tâm sự và nhiều cái
thiếu khác.
Lắng
nghe con là nhiệm vụ hàng đầu của cha mẹ, vì không lắng nghe, cha mẹ không thể
biết con mình đang ở đâu, đang cần gì và một khi cha mẹ phó mặc con mình
cho “dòng trôi định mệnh”, con cái sẽ mất hẳn hướng đi trong cuộc sống. Lắng
nghe con, cha mẹ sẽ biết: tại sao con tôi nói dối ? Tại con lo âu chuyện gì hay
vì con qúa sợ một hình phạt nào đó do con tưởng tượng ? Lắng nghe con, cha
mẹ sẽ thông cảm với mặc cảm yếu kém, thua thiệt bấy lâu đè nặng tâm hồn con và
giúp con giải toả nhanh chóng những áp lực tâm lý này. Chính vì thế, liệu pháp
đầu tiên cha mẹ nên dùng, đó là ngồi với con để nghe con nói.
7.
Giúp
con phân biệt thế giới thực và thế giới ảo:
Trẻ
em thường lẫn lộn hai thế giới thực - ảo, vì chưa định hình được thế giới bên
ngoài, đồng thời chưa định được vị trí của mình đối với thế giới. Giúp em phân
biệt hư - thực là giúp em va chạm với thực tế, đụng độ với cuộc sống thực bằng
cách để em trực tiếp với người khác và tập
làm những công việc nhỏ, thường ngày như giúp mẹ dọn bàn, xắp xếp ngăn nắp đồ
chơi. Những công tác nhỏ tưởng không cần thiết, nhưng rất hữu hiệu để giúp em gặp
gỡ thế giới thực bên ngoài.
8.
Bầy
tỏ niềm cảm thông và hiểu biết bằng cách cắt nghiã sự kiện nói dối một cách
tích cực.
Có
đôi khi, cha mẹ không nên quyết đoán tính tiêu cực cần phải tránh của nói dối,
nhưng có thể tìm cách cắt nghiã một cách tích cực. Thí dụ : cha mẹ có thể
nói với con : “Ba biết con không nói thật với ba khi con làm bể kíếng,
vì tận thâm tâm, con đã không hề muốn
làm bể kiếng”. Khi nghe điều này, em bé
sẽ được cởi mở tâm tư và ra khỏi ngõ bí của mặc cảm, vì được ba em gỡ bí, giải
toả. Em nhận ra cha mình thật giỏi, thật tài vì đã đọc được bí mật của em khi
biết em không hề muốn làm bể kiếng. Thế là em hạnh phúc vì được thông cảm và nhất
là “sự thật: không muốn làm bể kiếng” của em được chấp nhận. Nhờ thế, em sẽ
không nói dối nữa.
9.
Tìm
giải pháp hơn là hình phạt:
Khi
em bé nói dối để tránh một hình phạt thì việc làm của cha mẹ khi khám phá ra sự
thật sẽ là cùng em tìm một giải pháp chung, hơn là lên án, quyết định một hình
phạt. Hình phạt là sự xấu em đang tránh, nay cha mẹ lại áp đặt trên em, hoá ra em trở thành người thất bại đã
không tránh được hình phạt vì nói dối không xuôi, che đậy sự thật chưa kín.
Nghĩ như thế, em sẽ tìm cách nói dối chuẩn hơn, dấu diếm kỹ hơn với hy vọng sẽ
không còn bị phạt trong những lần nói dối tiếp theo.
10.
Cắt
nghiã tại sao phải nói thật.
Mục
tiêu của giáo dục sự thật là cho em bé biết sự thật luôn là điều mọi người tìm
kiếm và yêu mến. Không ai thích dối trá, cũng như không ai muốn làm bạn với người
nói dối. Hãy đặt cho em câu hỏi : “Nếu ai nói dối con, con có thích họ
không ? Nếu bị người khác lừa dối, con sẽ vui hay buồn ?”. Khi nhận
ra người nói dối là người không được ai thích, em sẽ tránh không nói dối để được
mọi người thương, vì nhu cầu cần được yêu và được chấp nhận rất mạnh trong em ở
tuổi này, như đã nói ở phần trên. Đàng khác, em sẽ tìm niềm vui được nghe sự thật
hơn nỗi buồn bị người khác nói dối, đánh lừa.
11.
Đề
cao thái độ lương thiện, thành thực bằng cách khen ngợi con khi con nói thật.
Thí
dụ : khi con làm bể ly tách trong nhà và thú nhận mình đã làm bể thì cha mẹ
lập tức hãy khen ngợi em, vì em đã nói thật, bằng cách không đá động gì đến giá
trị vật chất của ly tách em đã làm bể. Người mẹ khôn ngoan sẽ nói : “Ôi,
con của mẹ giỏi quá, ngoan qúa, vì con đã nói hết với mẹ và chẳng dấu mẹ điều
gì, ngay cả khi con đánh bể đồ trong nhà!” thay vì cau có, khó chịu: “Đến khổ,
con làm bể cái tách này là kỷ niệm của ông ngoại, cái ly này mẹ mua rất đắt ở
Singapore”. Khi đặt giá trị vật chất lên trên giá trị tinh thần, cha mẹ đã vô
tình dậy con một thang giá trị sai lệch để đánh giá mọi sự, mọi việc trong đời.
Một cách nào đó, cha mẹ đã khẳng định một cách sai lầm: “cái ly, cái tách quan
trọng và qúy giá hơn sự thật”. Vì thế, cái tách, cái ly, cho dù là kỷ niệm qúy
hay đắt tiền cũng không thể được xếp hạng cao hơn sự trung thực của con trong
giáo dục gia đình. Đây là thiếu sót mà nhiều cha mẹ đã vấp phải. Thiếu sót này
đã làm con cái đau lòng và đẩy chúng lún
sâu hơn trong nói dối.
12.
Làm
gương nói thật:
Trí
khôn và tâm hồn em bé là trang giấy trắng, là tấm bảng chưa viết chữ (tabula
rasa), nên bất cứ một việc làm, cử chỉ, lời nói nào của cha mẹ cũng được ghi nhận
và hằn sâu đến khó gột rửa. Chính vì thế, cha mẹ phải thận trọng và đừng để con
học thói xấu thiếu thành thật của cha mẹ, ngay trong những việc cỏn con, tưởng không ảnh hưởng gì. Thí dụ :
Khi chuông điện thoại reo, người mẹ liền để ngón tay lên miệng, ra dấu cho con
im lặng và nói nhỏ: “Đừng nói mẹ ở nhà!”. Em bé sẽ không hiểu tại sao mẹ đang ở
nhà mà lại dặn em nói : mẹ không ở nhà. Đơn giản là mẹ đã dậy con nói dối,
dậy con thiếu thành thật ngay từ tấm bé.
Giáo
dục sự thật và lòng trung thực đòi cha mẹ phải tuyệt đối tránh làm gương xấu
cho con khi lôi kéo con vào những trò gian dối, lừa lọc, thiếu trung thực.
Bất cứ một việc làm gian dối, một lời nói không đúng sự thật nào đều là thuốc độc giết tính
trung thực, trọng sự thật của con cái. Xã hội hôm nay rất thiếu sự thực, khi
người người nói dối, nhà nhà nói dối. Người ta không còn biết ngượng khi nói dối
và thản nhiên lấy điều dối trá làm sự thật. Nói dối nghiễm nhiên trở thành một
thứ “văn hoá”, văn hoá của diệt vong, văn hoá sự chết ; vì nói dối sẽ tiêu
diệt mọi tương quan giữa con người, sẽ
phá đổ mọi công trình của cộng đồng nhân loại, và nhất là sẽ tàn phá chính bản
thân người nói dối. Nói dối đang thống
trị và lộng hành trong xã hội hôm nay. Nếu gia đình không còn là lớp học dậy sự
thật, huấn luyện lòng trung thực, đào tạo tinh thần trọng sự thật thì mong gì xã hội ngày mai sẽ tốt
hơn, trong sạch hơn với bầu khí không còn ô nhiễm bởi gian dối, lừa đảo?
13.
Tạo
bầu khí yêu thương: Sở dĩ em bé nói dối cha mẹ là vì sợ
cha mẹ la rầy, quát mắng, trừng phạt. Nhưng tại sao em sợ? Em sợ vì em biết
mình sẽ không được tha thứ khi nói thật, mà sự thật thường làm đau lòng, sự thật
thường khó đón nhận. Vì thế khi phải “xuất đầu lộ diện” một mình mà không có
tình yêu thương, tha thứ đi cùng, sự thật sẽ dễ bị đánh gục và trở thành nguyên
nhân của đổ vỡ, đau khổ. Đó là lý do người lớn cũng như em bé rất ngại nói thật.
Sống
trong gia đình thiếu bầu khí yêu thương, tha thứ, em sẽ sẽ khám phá ra rằng :
bất cứ một lỗi lầm, sai sót nào của ai cũng bị trừng phạt và gây nên căng thẳng
cho mọi người; vì thế, đến lượt em làm sai, em thấy ngay số phận của mình và
hình phạt sẽ gánh chịu. Thiếu yêu thương, người ta sẽ không dám nói thật. Thiếu
tình mẹ cha sẵn sàng thông cảm, thứ tha, em bé sẽ không dám nói thật và nói dối
sẽ là giải pháp duy nhất để em thoát khỏi nhục hình.
Tạo
một bầu khí yêu thương, bao dung, rộng lượng trong gia đình là khích lệ con cái
sống trung thực với chính mính và với mọi người. Trung thực là nguồn vui nội
tâm, là hạnh phúc khi sống với người khác, là niềm hãnh diện của một lương tâm
trong sáng, lành mạnh. Phát huy tính trung thực nơi con cái là gián tiếp xây dựng
tình yêu thương, tha thứ giữa mọi thành phần của gia đình để không một lỗi lầm,
sai phạm nào của con cái mà không được cha mẹ thứ tha, thông cảm; đồng thời
không một “cám dỗ” nói dối, gian ngoa nào có thể làm sụp đổ lòng tự tin và niềm
tin vào tình yêu của cha mẹ nơi con cái.
Huấn luyện con cái tôn trọng sự thật là bổn phận tương
đối khó trong xã hội nhiều gian dối ngày nay. Tuy khó, nhưng phải thực hiện, vì
đó là nền tảng của một lương tâm ngay thẳng, trong sáng. Thiếu lương tâm ngay
thẳng, con cái sẽ vào đời qua những ngõ quanh co khi mất điểm tựa, tiêu chí cho
các chọn lựa. Thiếu lương tâm trong sáng, cuộc sống con cái sẽ mịt mờ, vô định,
vì thiếu ánh sáng sự thật soi dẫn. Bao nhiêu thảm hoạ đã ập đổ trên những con
người không có sự thật mà nguyên nhân là
sự thiếu quan tâm của cha mẹ trong công tác giáo dục sự thật khi con cái còn ấu
thơ, bé bỏng. Với thiện chí và khả năng, chúng ta không thể tiếp tục để thế giới
hôm nay chìm đắm trong gian dối, bằng bắt đầu sống sự thật ngay hôm nay trong chính gia đình, với con cái mình.