Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2020

BẠO LỰC NGAY TỪ NHÀ TRẺ

 


Những ngày này, truyền thông Âu Châu bàn bạc, tranh luận nhiều về hiện tượng bạo lực ở giới trẻ, sau những cuộc khủng bố đẫm máu liên tiếp xảy ra tại Pháp mà thủ phạm đều là người trẻ tuổi đời chỉ mười chín, đôi mươi. Brahim cắt cổ hai người, đâm chết một người trong nhà thờ Notre-Dame de l’Assomption ở Nice sáng ngày 29.10.2020 mới 21 tuổi ; Abdoullakh cắt cổ ông Samuel Paty, giáo sư sử địa tại Conflans-Ste-Honorine ngày 16.10.2020 cũng chỉ bước vào tuổi 18;  ngày 26.07.2016, hai người trẻ hồi giáo qúa khích Abdel Kermiche và Abdel Malik đã xông lên cung thánh cắt cổ cha Jacques Hamel 86 tuổi khi ngài đang dâng lễ tại nhà thờ giáo xứ St. Etienne-du-Rouvray, có đông giáo dân tham dự cũng chỉ là những thanh niên chưa qua tuổi hai mươi.

Tâm trạng chưa thôi bàng hoàng, thì chiều nay, người bạn từ Việt Nam chia sẻ clip bạo lực ở một nhà trẻ. Tôi bàng hoàng, và không dám tin vào mắt mình khi  em bé độ ba tuổi nhiều lần lao tới và thẳng chân đá vào người một em bé khác chắc chỉ hơn kém một tuổi. Cảnh tượng thật đau lòng và làm tâm hồn người xem chùng xuống thật sâu.

Chùng suống thật sâu vì sẽ chẳng còn gì tốt đẹp có thể nổi trội ở tuổi trẻ sau này, nếu ngay từ nhà trẻ, các bé đã được thoải mái thể hiện quyền thống trị bạo tàn, và tự do hành hạ đồng loại cách dã man ; sẽ chẳng có gì bảo đảm một tuổi trẻ của ngày mai được giáo dục nhân cách, được dậy dỗ cách sống làm người tử tế, nhân ái, được đào tạo thành những người có tâm hồn cao thượng và trách nhiệm, nhờ được xây dựng từ nền tảng đạo đức nhân bản vững chắc, nếu ngay từ nhà trẻ hôm nay, các bé đã được sống lối sống ngông cuồng “mạnh được yếu thua” ; sẽ chẳng còn gì để trông đợi ở tuổi trẻ tương lai như rường cột của đất nước, nếu ngay từ nhà trẻ, các bé đã không được khai tâm bằng lòng nhân ái, tình huynh đệ, nghiã đồng bào ; sẽ chẳng còn gì để hy vọng một dân tộc hùng mạnh, bình an, hạnh phúc, nếu ngay từ nhà trẻ, các bé đã có thể bạọ hành người khác như giữa chốn không người ; sẽ không bao giờ có một quê hương ấm êm, thanh bình, nếu ngay từ nhà trẻ, bảo mẫu đã tự nguyện giải giới vô trách nhiệm, bằng giải pháp vắng mặt, bận rộn việc khác và bỏ mặc bé lớn ăn hiếp bé nhỏ theo nguyên tắc “cá lớn nuốt cá bé”.

Sẽ chùng sâu hơn nữa, vì làm sao trong tương lai, trên đất nước này sẽ có được những đứa con hiếu thảo, những người chồng, người vợ hiền hoà, những anh chị em tương thân tương ái, những người bạn chân tình, những công dân yêu quê hương, đồng bào, nếu ngay từ nhà trẻ người ta đã coi nhẹ trách nhiệm giáo dục những em bé, mà không tập cho các bé biết nhường bạn, biết chơi chung đồ chơi, biết kính sợ bảo mẫu, biết tôn trọng người lớn, biết việc gì được phép và việc gì không được phép làm ; sẽ chùng sâu hơn nữa tương lai của gia đình và xã hội, khi không ai, không quyền bính nào có thể bảo đảm gia đình sẽ không là “mảnh đất mầu mỡ” của các kiểu bạo hành, xã hội sẽ là đấu trường thi thố bạo lực, nếu ngay từ nhà trẻ, người lớn đã không dám lên tiếng bênh vực các bé yếu thế, vì cha mẹ nghèo, không dám bảo vệ các bé  không được gửi gắm riêng, không dám đối xử bình đẳng giữa các bé thuộc diện con cháu đại gia, quan chức và các bé thuộc diện gia đình có hoàn cảnh, nhưng dồn nỗ lực, thời gian o bế, chiều chuộng, bao che, chăm sóc những bé có cha mẹ làm lớn, có quyền, nhiều tiền để tìm lợi nhuận và “bình an” cho cơ sở; sẽ chùng sâu thật sâu, và khó ngoi lên lắm tương lai của đất nước này, nếu ngay từ nhà trẻ, nạn phân biệt đối xử, kỳ thị giai cấp  giữa các bé đã trở thành bình thường, và chẳng còn mấy người quan tâm tìm cách ngăn chặn, sửa đổi.

Qủa thực, giáo dục bắt đầu từ tuổi thơ, nhưng bức tranh giáo dục tuổi thơ trong nhiều nhà trẻ hôm nay không mang nhiều mầu sắc hy vọng. Bằng chứng là người ta không ngớt phơi bầy những cảnh bảo mẫu bạo hành, cha mẹ đến lớp bạo hành, và tất nhiên rất nhiều cảnh bạo hành tương tự giữa các bé với nhau, mà không có sự can thiệp cấp thời  của người có trách nhiệm chăm nom các bé…

Trước những hiện tượng làm se dạ thắt lòng trong giáo dục, nhất là giáo dục tuổi thơ, thiết tưởng chúng ta không cần phải lý giải, biện luận, giãi bầy, thanh minh với đủ thứ lý do linh tinh, và luận chứng nhùng nhằng. Chúng ta cần lương thiện hơn lúc nào hết để cứu lấy nền giáo dục của hiện tại đang rữa nát, băng hoại, và cứu lấy tương lai của con cháu không xa vực thẳm bao nhiêu.

Chúng ta cần lương thiện, mỗi người cần lương thiện, vì chỉ lương thiện trở về với chính mình, chúng ta mới có cơ may ra khỏi qũy đạo gian dối, thoát khỏi quy trình lừa đảo mà xã hội thực dụng, tiêu thụ, vật chất đang khống chế, nghiền nát chúng ta một cách tinh vi, nhưng rất vô nhân đạo.

Và ngay bây giờ, lương thiện đòi chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, sự thật bạo hành ngay từ nhà trẻ, bởi không can đảm đối diện sự thật và chấp nhận sự thật, dù sự thật có thể qúa phũ phàng, và ghê tởm, kinh khiếp, chúng ta vẫn phải lương thiện  đối diện, lương thiện nhìn nhận, lương thiện sửa sai, đổi mới, vì chỉ sự thật mới thực sự giải phóng chúng ta và cho dân tộc chúng ta được tự do để thăng tiến.

Jorathe Nắng Tím

TRÔNG ĐỢI VÀ ĐAU KHỔ



Không niềm trông đợi nào lại không vương vấn nỗi lo, không hành trình hy vọng nào lại không giăng mắc mây đen thất vọng, bởi tự thân trông đợi là thế, như có khả thể thất vọngthì hy vọng mới có giá trị và ý nghiã đích thực, cũng như có khả năng và điều kiện để phản bội, thì trung tín, chung thủy mới qúy báu, cao cả.  

   Cựu Ước cho chúng ta thấy hành trình về Đất Hứa của dân Thiên Chúa ngay từ đầu đã là buổi lên đường giông bão khi quân Ai Cập, gồm toàn thể chiến mã, chiến xa của Pharaô, kỵ binh và quân lực của vua ấy, đuổi theo và bắt kịp họ, khi họ đóng trại bên bờ biển (Xh 14, 9). Hành trình ấy tiếp nối với đủ thử thách, gian nan: từ thiếu thốn của ăn, thức uống, nguy hiểm của bệnh tật, rắn độc (x. Ds 21,4-9), đến những cuộc tấn công của các bộ lạc như người Amalếch… (x. Xh 17,8-16), như vua Êđôm không cho mượn đường đi qua, dù sứ giả của Môsê đã hết lời van xin: Chúng tôi sẽ không băng qua ruộng rẫy, vườn nho, không uống nước giếng, nhưng cứ vương lộ mà đi, không rẽ bên phải hay bên trái, cho tới khi ra khỏi biên giới của ngài…; và nếu chúng tôi và đàn vật của chúng tôi có uống nước của ngài, thì chúng tôi sẽ tính sòng phẳng…”. nhưng vua Êđôm nói: Không được”, rồi đưa quân đông đảo và võ trang hùng hậu ra chặn đường (Ds 20, 17.19.20). 

   Chính vì phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, vất vả không thể kể hết, mà dân Chúa khó tránh khỏi những lúc tinh thần suy sụp đến nỗi đã kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê: Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống?” (Ds 21,5). 

    Qủa thực, trong Cựu Ước, nếu dân Chúa đã sa đi sa lại, ngã lên ngã xuống liên tục trên đường về Đất Hứa, vì Lời Hứa của Thiên Chúa đặt họ trước tự do: Tự do tin tưởng vào Lời Hứa, và tự do không tin vào Lời Hứa, tự do bước đi với Đức Chúa khi Ngài đi đàng trước họ: ban ngày thì ở trong cột mây để dẫn đường, ban đêm thì ở trong cột lửa để soi sáng, nên họ có thể đi cả  ban ngày lẫn ban đêm (Xh 13, 21), và tự do rẽ lối, bỏ hàng đi theo thần dân ngoại, đơn phương hủy bỏ Giao Ước, thì trong Tân Ước, Đức Giêsu cũng cho những người đi theo Ngài thấy trước những đau khổ họ phải chịu trên đường về vương quốc của Thiên Chúa hằng sống.

1.   Đức Giêsu không che giấu, hay nguỵ trang đau khổ bằng những mỹ từ mị dân  hay hình ảnh bánh vẽ

   Vì đời là bể khổ do tội lỗi, vì đời là thung lũng nước mắt do sự dữ theo tội lỗi đi vào thế gian, nên Thoát sinh ra thì đà khóc chóe. Trần  có vui sao chẳng cười khì?” (Thơ của cụ Nguyễn Công Trứ), nên chẳng ai vào đời mà không đối diện với thử thách, làm người mà thoát khỏi vòng sinh, lão, bệnh, tử, sống ở đời mà tránh hết khổ đau, chán ngán, thất vọng. Trái lại, đau khổ là một thực tại hiển nhiên, sừng sững làm khổ con người, làm chao đảo, bấn loạn cuộc sống, mà không ai có thể cắt nghiã, và giải quyết rốt ráo.             

   Chính Thiên Chúa làm người cũng đi vào thế gian, đến với con người qua con đường đau khổ, con đường vác thập giá”, con đường chịu đóng đinh trên thập tự”, và người môn đệ đi theo Ngài cũng chỉ duy nhất một con đường phải đi, đó là con đường Mến Thánh Giá”, khi từ bỏ mình, vác thập giá mình là những trái ý, nghịch lòng, đau đớn, đau khổ trong cuộc đời. 

   Trước đau khổ của những con người đau đớn thân xác, đau khổ tinh thần mà Ngài gặp suốt cuộc đời làm người, Đức Giêsu đã chia sẻ, ủi an, cứu chữa với một tâm tình cảm thông sâu sa, và lòng tôn trọng chân thành. 

2.       Đức Giêsu cho chúng ta thấy ý nghiã và giá trị của đau khổ trong nhiệm cuộc cứu độ của Thiên Chúa:

     Ngài thương cảm, an ủi, chữa lành, nhưng không hứa lấy đi khỏi loài người mọi đau khổ. 

     Một lần kia, Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người: Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến ngưòi này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta? Đức Giêsu trả lời: Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh (Ga 9,1-3). 

    Qua sự kiện trên, chúng ta thấy Đức Giêsu một cách gián tiếp không phủ nhận đau khổ là do tội lỗi, nhưng cùng lúc Ngài lại qủa quyết : không phải bất cứ đau khổ nào cũng do tội, nhưng có những đau khổ mang sứ mệnh làm vinh danh Thiên Chúa, như đau khổ chịu mù loà của người khiếm thị bẩm sinh mà Ngài đã chữa lành, khi nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa”.Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được”. (Ga 9, 6-7). 

    Như thế, có những đau khổ không do tội lỗi, như chúng ta thường suy đoán, hoặc suy diễn, luận tội những người không may mắn bị tật nguyền, đại loai như Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, Ác giả, ác báo”. Do đó, thuyết nhân – quả không được coi là nguyên tắc bất di bất dịch trong đau khổ của con người. Bằng chứng là Đức Giêsu đã phủ nhận ý nghĩ của các môn đệ, khi khẳng định ngược lại: không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội mà anh ta phải mù lòa. Không những thế, Ngài còn xác quyết: nhưng anh chịu đau khổ mù loà là để mọi người nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”.

   Quả thực, các môn đệ Đức Giêsu, cũng như phần lớn trong chúng ta, không ai đã nghĩ anh mù kia đã chịu đau khổ từ thuở mới sinh để công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”. Trái lại, thành kiến, thiếu từ tâm, óc duy lý và suy diễn theo kiểu thế gian đã đẩy chúng ta đi đến kết luận đơn giản nhưng vô cùng ác độc, đó là do tội của anh hoặc tội của cha mẹ anh, mà anh đã bị Thiên Chúa phạt mù loà từ thuở mới sinh.

    Quả quyết của Đức Giêsu đã mở ra cho chúng ta một chân trời mới  về mầu nhiệm đau khổ”, để từ đây, chúng ta không nhìn đau khổ thuần túy như hình phạt của Thiên Chúa trên người tội lỗi, cũng  không dựa trên mức độ bất hạnh để kết án người này nhiều tội, người kia ít tội, nhưng ý thức đau khổ là một mầu nhiệm, đau khổ có sứ mạng của nó, mà chỉ một mình Thiên Chúa biết và định liệu. Như thế, chúng ta sẽ nhìn đau khổ bằng đôi mắt  đức tin, và vui lòng đón nhận đau khổ trong tinh thần phó thác tuyệt đối vào mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa.      

3.   Đức Giêsu đã hứa ban hạnh phúc cho những ai đau khổ:

   Trong Bài Giảng trên núi, Đức Giêsu đã công khai chúc phúc cho những người đau khổ trong cuộc sống dương thế. Họ là những người nghèo, vì đã nghèo là khổ, nghèo nên bị đời khinh, bị người cô lập, xa lánh, và Thiên Chúa đã hứa ban hạnh phúc Nước Trời cho họ; họ là những người sầu khổ vì bị phụ tình, phản bội, sầu buồn vì đau ốm, tật nguyền, sầu đau vì thiên tai, nhân tai, sầu nhớ vì xa cách, ly biệt, sầu thương vì phận số hẩm hiu, bế tắc, cùng đường…, và Thiên Chúa đã hứa ủi an họ; họ là những người đau khổ trăm bề, ngàn nỗi khi bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa vì khao khát nên người công chính, vì yêu chuộng và xây dựng hoà bình, vì loan báo Tin Mừng, làm chứng Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ, và Thiên Chúa đã hứa ban cho họ được thoả lòng mong đợi, được có Thiên Chúa làm gia nghiệp, được phần thưởng lớn lao trên trời (x. Mt 5,2-12).      

   Cũng trong Tin Mừng Matthêu, Đức Giêsu đã kê ra danh sách  những người đau khổ gồm những người đói ăn, khát uống, rách rưới, trần truồng, đau ốm, tù đầy, lưu lạc tha hương, và tự đồng hoá mình với họ, đến độ ai làm phúc cho những người đau khổ này chính là làm phúc cho Thiên Chúa, ai khinh khi, nguyền rủa, bóc lột, bạc đãi những người đau khổ này là khinh khi, nguyền rủa, bóc lột, bạc đãi chính Thiên Chúa (x. Mt 25, 31-46). Điều này đã nói lên tình yêu của Thiên Chúa hằng bao bọc những con người đau khổ trên đường trông đợi Lời Hứa.   

     Vâng, mang thân phận con người, chúng ta không tránh được đau khổ, không chỉ vì đau khổ đã lọt vào thế giới loài người do tội lỗi, nhưng đau khổ còn là dấu ấn của tính hữu hạn, dòn mỏng, yếu đuối của phận người. Vì thế, lên án đau khổ, bất mãn, nổi loạn với Trời, với người và với mình vì đau khổ, hoặc tuyệt vọng, tuyệt mạng vì đau khổ thiết tưởng đều là thái độ tự sát, thái độ tiêu cực nguy hiểm mà người có niềm tin không thể để mình rơi vào. 

   Bởi Thiên Chúa đã làm người và chịu đau khổ; bởi Ngôi Lời của Thiên Chúa đã chọn đau khổ và cái chết là đau khổ kinh hoàng nhất để cứu chuộc; bởi Đức Giêsu đã mặc khải về sứ mạng mầu nhiệm của đau khổ là làm cho công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện; bởi chính Đấng cứu độ loài người đã hứa phần thưởng lớn lao và hạnh phúc đời đời cho những ai đi với Ngài trên đường trông đợi đẵm mồ hôi và nước mắt vì đau khổ; bởi hành trình của Lời Hứa là đường dài có roi đòn, mạo gai, đinh sắt và Thánh Giá; đường đi tới buổi sáng Phục Sinh là đường qua Núi Sọ tang thương và mộ phận hắt hiu, sầu tủi.     

    Thực vậy, trên đường trông đợi Ngày Chúa đến”, mỗi người Kitô hữu đều được mời gọi chung phần đau khổ của Thánh Giá Đức Giêsu để sinh ơn cứu rỗi mình, và vì lợi ích chung của Giáo Hội, như thánh Phaolô đã thâm tín: Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan, thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh (Cl 1,24), với một niềm tin kiên vững: không một đau khổ nào trên đường Thánh Giá mà không đem lại ơn xá tội, thánh hoá ta và người khác, bởi Nếu ta cùng chết với Đức Kitô, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng đau khổ với Đức Kitô, ta sẽ cùng hiển trị với Người (2Tm1,11-12).

   Xin Chúa ban cho tất cả chúng ta ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để trên đường trông đợi Lời Chúa hứa, trước vô vàn đau khổ đủ kích cỡ, độ lượng, chúng ta vẫn một lòng một dạ yêu mến phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ anh em, bởi Thiên Chúa là Đấng luôn một lòng trung tín, vì không thể nào chối bỏ chính mình (2 Tm 1,13) đã hứa phần thưởng đời đời cho những tâm hồn tan nát vì khổ đau trong cuộc sống trông đợi.  

Jorathe Nắng Tím   

TRÔNG ĐỢI VÀ THỬ THÁCH

 

Một sự thực mà phần đông dân ítraen đã không ngờ là Lời của Thiên Chúa Giavê hứa với họ : “Ta là Đức Chúa. Ta sẽ cứu các ngươi khỏi làm việc khổ sai cho người Ai Cập, sẽ cứu các ngươi khỏi làm nô lệ chúng. Ta sẽ giơ cánh tay uy lực mà chuộc các ngươi lại” (Xh 6,6) đã không là lý do để từ nay họ không phải chiến đấu trước những thử thách đủ loại, càng không là bảo đảm của một cuộc sống lười biếng, rong chơi, thụ hưởng, hay không còn phải làm việc “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Trái lại, trông đợi không lọai bỏ thử thách, Lời Hứa không triệt tiêu phấn đấu, hy sinh, và hình ảnh những năm tháng dài Vượt Qua để về Đất Hứa của dân Thiên Chúa cho chúng ta thấy Trông Đợi và Thử Thách luôn sánh đôi đồng hành .

1.   Lời Hứa của Thiên Chúa và tự do đón nhận Lời Hứa của con người :

Lời Hứa của Thiên Chúa luôn đòi con người tự do đón nhận hay khước từ, vì Lời Hứa không áp đặt, tạo áp lực trên người được hưởng Lời Hứa, như ai đó hứa với ta điều gì, ta luôn có quyền không  quan tâm đến việc thực hiện lời hứa ấy, nếu ta không muốn, vì không tin hoăc không yêu mến người đã mở lời hứa với ta.

Vì thế, Lời Hứa của Thiên Chúa mang bản chất và sắc thái của một Giao Ước như chính Ngài đã nói với Môsê : “Này Ta sắp lập một giao ước. Trước mặt toàn dân của ngươi, Ta sẽ làm những việc lạ lùng chưa hề được thực hiện trong một nước hay một dân nào. Toàn dân ở chung quanh ngươi sẽ thấy việc Đức Chúa làm, vì điều Ta sắp dùng ngươi mà làm thì thật dáng sợ” (Xh 34,10).

Và điều mà Thiên Chúa đòi dân Ngài phải đáp lại Lời Hứa, điều kiện mà Ítraen phải đáp ứng để Lời Hứa của Thiên Chúa Giavê  được thực hiện chính là “Hãy giữ kỹ điều Ta truyền cho ngươi hôm nay… Hãy ý tứ, đừng lập giao ước với dân cư trong xứ nơi ngươi sắp vào, kẻo chúng trở thành cạm bẫy ở giữa ngươi” (Xh 34,11.12).

 

2.   Lời Hứa của Thiên Chúa mở ra và kêu gọi lòng trung tín của con người :

Nếu không có Lời Hứa của Thiên Chúa Giavê, Ítraen không trông đợi ngày giải phóng, không hy vọng những ngày được sống bình an, thịnh vượng trên “miền đất chảy sữa và mật”, nhất là không trông đợi có Thiên Chúa đầy uy lực bảo vệ, hướng dẫn, thì Ítraen không cần phải chu toàn một khế ước, giao kèo với Thiên Chúa Giavê.

Nhưng vấn đề ở đây là Thiên Chúa đã đi vào lịch sử của dân tộc này, và nhận Ítraen là dân riêng, thuộc về riêng Ngài, nên đòi hỏi Ngài đưa ra mà Ítraen phải tuân giữ chính là “Ngươi không được lập giao ước với dân cư trong xứ, kẻo khi chúng đàng điếm với các thần của chúng và tế họ, chúng sẽ mời người và ngươi sẽ ăn đồ cúng của  chúng, ngươi sẽ kén vợ cho con trai ngươi trong số con gái của chúng, con gái chúng sẽ đàng điếm với các thần của chúng và làm cho con trai ngươi đàng điếm với các thần đó” (Xh 34,15-16).

Tất cả cạm bẫy sẽ đến từ việc “lập giao ước với dân cư trong xứ”, mà Thiên Chúa cảnh báo Môsê và dân Ngài, bởi Ngài biết dân Ngài sẽ không kiên định giữ Giao Ước đã ký kết vói Ngài trước những cám dỗ của dân ngoại, để rồi rơi vào tình trạng phản bội Thiên Chúa, theo dân ngoại đúc tạc và thờ lậy ngẫu thần.

Thiên Chúa cũng biết mọi tội lỗi sẽ ập về cuốn trôi dân Ngài, khi Ítraen không còn trung tín với Giao Ước, không còn tin vào Lời Hứa của Ngài. 

Thực vậy, Lời Hứa không là “bánh vẽ”, thuốc phiện cho con người ru ngủ mình trong mộng vàng ảo tưởng, nhưng là khởi đầu một hành trình Vượt Qua nhiều thử thách, là liều lĩnh dấn thân trên con đường đầy thách đố, mạo hiểm, do Lời Hứa lôi cuốn, thúc đẩy. Chính Lời Hứa làm cho hành trình phấn đấu có ý nghiã ; chính Giao Ước ban cho trái tim nhiệt huyết và đôi chân sức mạnh dẻo dai để vượt qua mọi gian nan, vất vả.

3.   Lời Hứa của Thiên Chúa thể hiện lòng thương xót và trung tín của  Ngài :

Ítraen đã không nghĩ rằng mình có thể phản bội Thiên Chúa dễ dàng đến thế, và Môsê đã không thể tưởng tượng dân đã cứng đầu cứng cổ đến như vậy, với không biết bao nhiêu lần vi phạm Giao Ước, chối bỏ Lời Hứa của Thiên Chúa Giavê.

Không nói đến những lần kêu ca, trách móc, than thở “Chúng tôi sẽ lấy gì mà uống ?” (Xh 15,24), “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây !” (Xh 16,3). Chỉ kể đến lần Ítraen đã làm một tội rất lớn là bỏ Thiên Chúa Giavê và thay thế Giavê Thiên Chúa bằng Bò Vàng, khi “toàn dân gỡ các khuyên vàng đeo tai và đem đến cho ông Aharon. Ông lấy vàng từ tay họ trao cho, đem đúc và dùng dao mà gọt đẽo thành một con bê. Bấy giờ họ nói : “Hỡi Ítraen, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai Cập. Thấy vậy, ông Aharon dựng một bàn thờ trước tượng con bê …” (Xh 32,3-5).

Thế là Lời Hứa của Thiên Chúa bị khinh miệt, từ chối bởi toàn dân và cả Aharon, người thay mặt Môsê lãnh đạo dân trong khi Môsê vắng mặt, lên núi gặp Thiên Chúa ; Giao Ước ký kết với Thiên Chúa đơn phương bị dân xé bỏ cách tàn nhẫn, phũ phàng ; tình thương và ân huệ của Thiên Chúa bị chính dân Ngài phủ nhận khi nhận bò vàng là thần đã giải phóng họ khỏi đất Ai Cập.

Qủa thực không còn tội ác nào kinh khủng hơn, không còn hành động phản phúc nào nặng nề hơn, không còn xúc phạm nào đáng nguyền rủa, trừng phạt hơn. Thế mà Thiên Chúa vẫn nhẫn nại, trung tín với Lời Ngài hứa, và bao dung tha thứ cho dân, khi phán với ông Môsê : “Ngươi hãy đẽo hai bia đá giống như hai bia trước. Và Ta sẽ ghi lại trên đó những lời đã ghi trên các bia trước mà ngươi đã đập vỡ. Ngươi hãy chuẩn bị sẵn sàng cho sáng ngày mai”. Và ngày mai, “Đức Chúa đã ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông”, và Ngài xưng mình là “Đức Chúa ! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giầu nhân nghiã và thành tín, giữ lòng nhân nghiã với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi…” (Xh 34, 1-2.5-7).

Trong Tân Ước, Lời Hứa của Thiên Chúa : “Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2) và “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23) cũng đòi điều kiện : “Anh em hãy sám hối”, tức “dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3,3).

Đây cũng là thách đố đầy cam go, thử thách đòi nhiều cố gắng, hy sinh để vượt qua, vì không ai “trốn được cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”, nếu không sám hối, cũng như đừng ai tưởng rằng “chúng ta có tổ phụ Ápraham” (Mt 3,7-9), vì “Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham. Cái rìu đã đã đặt sát gốc cây : bất cứ cây nào không sinh qủa tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,9-10), như Thiên Chúa Giavê đã nói với Môsê về Ítraen cứng đầu : Tuy là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi… nhưng Thiên Chúa “không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông” (Xh 34,8).

Vâng, Trông Đợi không miễn trừ những thách đố, thử thách trước những cám dỗ phản phúc, bội ước đối với Thiên Chúa và Giao Ước, Lời Hứa của Ngài. Trông đợi cũng không lấy đi những giới hạn, yếu đuối, mỏng dòn của thân phận làm người nơi chúng ta. Vì thế, là con cái của Lời Hứa, thuộc giống nòi của Giao Ước, người Kitô hữu được mời gọi học với Môsê, “con người khiêm nhường nhất trong con cái loài người” (Ds 12,3) để khiêm hạ phủ phục thờ lậy và thân thưa : “Lậy Chúa, nếu qủa thực con được nghiã với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài” (Xh 34,9).

Với tâm tình khiêm tốn tín thác trông đợi ấy, Thiên Chúa sẽ không đành lòng ngoảnh mặt làm ngơ, và thịnh nộ trừng phạt, nhưng  thương xót tha tội và cùng đi với chúng ta trên đường Hy Vọng vào Lời Hứa Cứu Độ và Trông Đợi ngày Chúa đến đón chúng con vào trong vinh quang của Ngài.

Jorathe Nắng Tím