Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2020

TRÔNG ĐỢI VÀ ĐAU KHỔ



Không niềm trông đợi nào lại không vương vấn nỗi lo, không hành trình hy vọng nào lại không giăng mắc mây đen thất vọng, bởi tự thân trông đợi là thế, như có khả thể thất vọngthì hy vọng mới có giá trị và ý nghiã đích thực, cũng như có khả năng và điều kiện để phản bội, thì trung tín, chung thủy mới qúy báu, cao cả.  

   Cựu Ước cho chúng ta thấy hành trình về Đất Hứa của dân Thiên Chúa ngay từ đầu đã là buổi lên đường giông bão khi quân Ai Cập, gồm toàn thể chiến mã, chiến xa của Pharaô, kỵ binh và quân lực của vua ấy, đuổi theo và bắt kịp họ, khi họ đóng trại bên bờ biển (Xh 14, 9). Hành trình ấy tiếp nối với đủ thử thách, gian nan: từ thiếu thốn của ăn, thức uống, nguy hiểm của bệnh tật, rắn độc (x. Ds 21,4-9), đến những cuộc tấn công của các bộ lạc như người Amalếch… (x. Xh 17,8-16), như vua Êđôm không cho mượn đường đi qua, dù sứ giả của Môsê đã hết lời van xin: Chúng tôi sẽ không băng qua ruộng rẫy, vườn nho, không uống nước giếng, nhưng cứ vương lộ mà đi, không rẽ bên phải hay bên trái, cho tới khi ra khỏi biên giới của ngài…; và nếu chúng tôi và đàn vật của chúng tôi có uống nước của ngài, thì chúng tôi sẽ tính sòng phẳng…”. nhưng vua Êđôm nói: Không được”, rồi đưa quân đông đảo và võ trang hùng hậu ra chặn đường (Ds 20, 17.19.20). 

   Chính vì phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, vất vả không thể kể hết, mà dân Chúa khó tránh khỏi những lúc tinh thần suy sụp đến nỗi đã kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê: Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống?” (Ds 21,5). 

    Qủa thực, trong Cựu Ước, nếu dân Chúa đã sa đi sa lại, ngã lên ngã xuống liên tục trên đường về Đất Hứa, vì Lời Hứa của Thiên Chúa đặt họ trước tự do: Tự do tin tưởng vào Lời Hứa, và tự do không tin vào Lời Hứa, tự do bước đi với Đức Chúa khi Ngài đi đàng trước họ: ban ngày thì ở trong cột mây để dẫn đường, ban đêm thì ở trong cột lửa để soi sáng, nên họ có thể đi cả  ban ngày lẫn ban đêm (Xh 13, 21), và tự do rẽ lối, bỏ hàng đi theo thần dân ngoại, đơn phương hủy bỏ Giao Ước, thì trong Tân Ước, Đức Giêsu cũng cho những người đi theo Ngài thấy trước những đau khổ họ phải chịu trên đường về vương quốc của Thiên Chúa hằng sống.

1.   Đức Giêsu không che giấu, hay nguỵ trang đau khổ bằng những mỹ từ mị dân  hay hình ảnh bánh vẽ

   Vì đời là bể khổ do tội lỗi, vì đời là thung lũng nước mắt do sự dữ theo tội lỗi đi vào thế gian, nên Thoát sinh ra thì đà khóc chóe. Trần  có vui sao chẳng cười khì?” (Thơ của cụ Nguyễn Công Trứ), nên chẳng ai vào đời mà không đối diện với thử thách, làm người mà thoát khỏi vòng sinh, lão, bệnh, tử, sống ở đời mà tránh hết khổ đau, chán ngán, thất vọng. Trái lại, đau khổ là một thực tại hiển nhiên, sừng sững làm khổ con người, làm chao đảo, bấn loạn cuộc sống, mà không ai có thể cắt nghiã, và giải quyết rốt ráo.             

   Chính Thiên Chúa làm người cũng đi vào thế gian, đến với con người qua con đường đau khổ, con đường vác thập giá”, con đường chịu đóng đinh trên thập tự”, và người môn đệ đi theo Ngài cũng chỉ duy nhất một con đường phải đi, đó là con đường Mến Thánh Giá”, khi từ bỏ mình, vác thập giá mình là những trái ý, nghịch lòng, đau đớn, đau khổ trong cuộc đời. 

   Trước đau khổ của những con người đau đớn thân xác, đau khổ tinh thần mà Ngài gặp suốt cuộc đời làm người, Đức Giêsu đã chia sẻ, ủi an, cứu chữa với một tâm tình cảm thông sâu sa, và lòng tôn trọng chân thành. 

2.       Đức Giêsu cho chúng ta thấy ý nghiã và giá trị của đau khổ trong nhiệm cuộc cứu độ của Thiên Chúa:

     Ngài thương cảm, an ủi, chữa lành, nhưng không hứa lấy đi khỏi loài người mọi đau khổ. 

     Một lần kia, Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người: Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến ngưòi này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta? Đức Giêsu trả lời: Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh (Ga 9,1-3). 

    Qua sự kiện trên, chúng ta thấy Đức Giêsu một cách gián tiếp không phủ nhận đau khổ là do tội lỗi, nhưng cùng lúc Ngài lại qủa quyết : không phải bất cứ đau khổ nào cũng do tội, nhưng có những đau khổ mang sứ mệnh làm vinh danh Thiên Chúa, như đau khổ chịu mù loà của người khiếm thị bẩm sinh mà Ngài đã chữa lành, khi nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa”.Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được”. (Ga 9, 6-7). 

    Như thế, có những đau khổ không do tội lỗi, như chúng ta thường suy đoán, hoặc suy diễn, luận tội những người không may mắn bị tật nguyền, đại loai như Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, Ác giả, ác báo”. Do đó, thuyết nhân – quả không được coi là nguyên tắc bất di bất dịch trong đau khổ của con người. Bằng chứng là Đức Giêsu đã phủ nhận ý nghĩ của các môn đệ, khi khẳng định ngược lại: không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội mà anh ta phải mù lòa. Không những thế, Ngài còn xác quyết: nhưng anh chịu đau khổ mù loà là để mọi người nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”.

   Quả thực, các môn đệ Đức Giêsu, cũng như phần lớn trong chúng ta, không ai đã nghĩ anh mù kia đã chịu đau khổ từ thuở mới sinh để công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”. Trái lại, thành kiến, thiếu từ tâm, óc duy lý và suy diễn theo kiểu thế gian đã đẩy chúng ta đi đến kết luận đơn giản nhưng vô cùng ác độc, đó là do tội của anh hoặc tội của cha mẹ anh, mà anh đã bị Thiên Chúa phạt mù loà từ thuở mới sinh.

    Quả quyết của Đức Giêsu đã mở ra cho chúng ta một chân trời mới  về mầu nhiệm đau khổ”, để từ đây, chúng ta không nhìn đau khổ thuần túy như hình phạt của Thiên Chúa trên người tội lỗi, cũng  không dựa trên mức độ bất hạnh để kết án người này nhiều tội, người kia ít tội, nhưng ý thức đau khổ là một mầu nhiệm, đau khổ có sứ mạng của nó, mà chỉ một mình Thiên Chúa biết và định liệu. Như thế, chúng ta sẽ nhìn đau khổ bằng đôi mắt  đức tin, và vui lòng đón nhận đau khổ trong tinh thần phó thác tuyệt đối vào mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa.      

3.   Đức Giêsu đã hứa ban hạnh phúc cho những ai đau khổ:

   Trong Bài Giảng trên núi, Đức Giêsu đã công khai chúc phúc cho những người đau khổ trong cuộc sống dương thế. Họ là những người nghèo, vì đã nghèo là khổ, nghèo nên bị đời khinh, bị người cô lập, xa lánh, và Thiên Chúa đã hứa ban hạnh phúc Nước Trời cho họ; họ là những người sầu khổ vì bị phụ tình, phản bội, sầu buồn vì đau ốm, tật nguyền, sầu đau vì thiên tai, nhân tai, sầu nhớ vì xa cách, ly biệt, sầu thương vì phận số hẩm hiu, bế tắc, cùng đường…, và Thiên Chúa đã hứa ủi an họ; họ là những người đau khổ trăm bề, ngàn nỗi khi bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa vì khao khát nên người công chính, vì yêu chuộng và xây dựng hoà bình, vì loan báo Tin Mừng, làm chứng Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ, và Thiên Chúa đã hứa ban cho họ được thoả lòng mong đợi, được có Thiên Chúa làm gia nghiệp, được phần thưởng lớn lao trên trời (x. Mt 5,2-12).      

   Cũng trong Tin Mừng Matthêu, Đức Giêsu đã kê ra danh sách  những người đau khổ gồm những người đói ăn, khát uống, rách rưới, trần truồng, đau ốm, tù đầy, lưu lạc tha hương, và tự đồng hoá mình với họ, đến độ ai làm phúc cho những người đau khổ này chính là làm phúc cho Thiên Chúa, ai khinh khi, nguyền rủa, bóc lột, bạc đãi những người đau khổ này là khinh khi, nguyền rủa, bóc lột, bạc đãi chính Thiên Chúa (x. Mt 25, 31-46). Điều này đã nói lên tình yêu của Thiên Chúa hằng bao bọc những con người đau khổ trên đường trông đợi Lời Hứa.   

     Vâng, mang thân phận con người, chúng ta không tránh được đau khổ, không chỉ vì đau khổ đã lọt vào thế giới loài người do tội lỗi, nhưng đau khổ còn là dấu ấn của tính hữu hạn, dòn mỏng, yếu đuối của phận người. Vì thế, lên án đau khổ, bất mãn, nổi loạn với Trời, với người và với mình vì đau khổ, hoặc tuyệt vọng, tuyệt mạng vì đau khổ thiết tưởng đều là thái độ tự sát, thái độ tiêu cực nguy hiểm mà người có niềm tin không thể để mình rơi vào. 

   Bởi Thiên Chúa đã làm người và chịu đau khổ; bởi Ngôi Lời của Thiên Chúa đã chọn đau khổ và cái chết là đau khổ kinh hoàng nhất để cứu chuộc; bởi Đức Giêsu đã mặc khải về sứ mạng mầu nhiệm của đau khổ là làm cho công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện; bởi chính Đấng cứu độ loài người đã hứa phần thưởng lớn lao và hạnh phúc đời đời cho những ai đi với Ngài trên đường trông đợi đẵm mồ hôi và nước mắt vì đau khổ; bởi hành trình của Lời Hứa là đường dài có roi đòn, mạo gai, đinh sắt và Thánh Giá; đường đi tới buổi sáng Phục Sinh là đường qua Núi Sọ tang thương và mộ phận hắt hiu, sầu tủi.     

    Thực vậy, trên đường trông đợi Ngày Chúa đến”, mỗi người Kitô hữu đều được mời gọi chung phần đau khổ của Thánh Giá Đức Giêsu để sinh ơn cứu rỗi mình, và vì lợi ích chung của Giáo Hội, như thánh Phaolô đã thâm tín: Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan, thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh (Cl 1,24), với một niềm tin kiên vững: không một đau khổ nào trên đường Thánh Giá mà không đem lại ơn xá tội, thánh hoá ta và người khác, bởi Nếu ta cùng chết với Đức Kitô, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng đau khổ với Đức Kitô, ta sẽ cùng hiển trị với Người (2Tm1,11-12).

   Xin Chúa ban cho tất cả chúng ta ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để trên đường trông đợi Lời Chúa hứa, trước vô vàn đau khổ đủ kích cỡ, độ lượng, chúng ta vẫn một lòng một dạ yêu mến phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ anh em, bởi Thiên Chúa là Đấng luôn một lòng trung tín, vì không thể nào chối bỏ chính mình (2 Tm 1,13) đã hứa phần thưởng đời đời cho những tâm hồn tan nát vì khổ đau trong cuộc sống trông đợi.  

Jorathe Nắng Tím   

0 nhận xét: