Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

NỖI ĐAU CỦA MẸ

                                             

NỖI  ĐAU  CỦA  MẸ
 
     Người thiếu nữ  chuẩn bị bước vào đời làm vợ, làm mẹ thường chỉ thấy những hình ảnh đẹp về một gia đình hạnh phúc, có cha mẹ yêu thương và con cái hiếu thảo, và mường tượng  niềm vui đong đưa ru con ngủ trên võng trưa hè, dắt tay con ngày đầu tiên đến trường, đón con về từ phương xa thành đạt và người mẹ tương lai ấy tuyệt nhiên không nghĩ, đúng hơn là không dám nghĩ đến những tình huống không vui, nhưng hoàn toàn có thể  xẩy ra như những ngày buồn vì con đau, ngày sầu vì con tù tội, ngày khổ vì con sa cơ thất thế, ngày thê lương vì con  gục ngã cô đơn. Phải đợi cho đến gần hết đời, người mẹ mới  ngỡ ngàng khám phá: tình mẹ luôn là tình trọn hảo, tuyệt vời, và thánh thiện, vì tình ấy chất ngất hy sinh với nỗi đau nhiều hơn niềm vui, nỗi khổ nhiều hơn niềm hoan lạc.
     Cùng Giáo Hội cử hành lễ kính Thánh Giá và Đức Mẹ Sầu Bi, thiết tưởng không gì  chính đáng hơn  là chiêm ngưỡng đời Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ chúng ta.
    Tin Mừng lễ Đức Mẹ sầu bi tường thuật cảnh Mẹ đứng dưới chân thánh giá, nhìn con chết tức tưởi, ô nhục trước những chế diễu, khinh mạn, thách thức và nguyền rủa của đám đông a dua, phản phúc, vô cảm. Và  trong nỗi đau xé tim, nát lòng này, Đức Giêsu đã thì thào thưa với mẹ mình: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ Gioan: “Đây là Mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, “người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,26-27).
    Gọi Mẹ mình là Bà, Đức Giêsu đã theo truyền thống văn hoá để biểu lộ lòng cung kính, trân trọng đối với một con người đầy giá trị. Danh xưng Bà trong tiếng Aramêen, là tiếng Đức Giêsu nói, bầy tỏ lòng yêu mến và trân trọng đặc biệt. Đức  Giêsu gọi Mẹ mình bằng danh xưng này, vì yêu mến Mẹ đã đành, nhưng còn đặc biệt  trân qúy và kính trọng Mẹ vì lòng tín thác, trung kiên, khiêm nhu, qủa cảm và bình an của Mẹ qua bao nhiêu nỗi đau của đời làm mẹ: 

  1. Đức  Maria đã thể hiện lòng tín thác làm Mẹ trong nỗi đau “thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần”
     Với người vợ trẻ, thì chồng là tất cả, nên khi bị chồng nghi ngờ điều gì, nhất là nghi ngờ bào thai trong lòng mình không phải của anh, thì đó là nỗi đau vô cùng kinh hoàng, đáng sợ, và mau chóng dẫn đến tuyệt vọng. Đức Maria đã rơi vào nỗi đau khủng khiếp đắng đót này, khi thánh Giuse toan tính trốn đi, bỏ  Đức Mẹ cách kín đáo, vì không hiểu vợ mình “đã thụ thai do quyền phép của Chúa Thánh Thần và sẽ sinh hạ một con trai được đặt tên là Giêsu, là Con của Đấng Tối Cao” (x. Lc 1, 30).
     Được chọn làm Mẹ đồng trinh của Thiên Chúa làm người, Đức Maria ý thức nỗi đau sẽ phải chịu, vì giới hạn của con ngưòi trước mầu nhiệm. Là con người, Đức Maria không đủ khả năng để giải thích mầu nhiệm Truyền Tin mà Gabriel, sứ thần của Thiên Chúa đã thực hiện trên mình. Cũng vậy, là con người, thánh Giuse không thể lý giải được hiện tượng Maria, vợ mình có thai khi chưa một lần ân ái. Vì thế mà nỗi đau đã làm khổ cả hai người. Nhưng dù đau đến vỡ tim, khổ đến đứt ruột, Đức Maria vẫn luôn tín thác vào ơn gọi làm Mẹ mà sứ thần đã loan báo, và vì trung tín với Ơn Gọi ấy, Đức Maria đã sống trọn vẹn  đời tận hiến bằng sẵn sàng “Xin Vâng” trước mọi nỗi đau  của đời làm Mẹ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người.  

    2. Đức Maria đã thể hiện lòng trung kiên làm Mẹ trong nỗi đau của lời tiên tri Simêon:
   Không phải người mẹ nào cũng ý thức vị thế cao cả và giá trị tuyệt vời được làm mẹ của mình. Bằng chứng là nhiều người mẹ đã tự nguyện phá thai, bỏ con, bán con, cho con, hành hạ con, biến con thành phương tiện. Nhiều người mẹ thanh thản phá thai vì  muốn tự do ăn chơi, bay nhẩy, hưởng thụ tuổi thanh xuân; người khác phá thai vì sợ tàn phai nhan sắc do thức khuya dậy sớm bú mớm con thơ; lại có người lấy chồng nhưng cương quyết không để dính thai vì ích kỷ, muốn sống đời hưởng thụ. Vì thế, đón nhận con cái là một chọn lựa không luôn dễ dàng, vì không phải lúc nào con cái cũng là niềm vui.
    Đức Maria ngay khi vừa thụ thai đã gặp khó khăn với thánh Giuse vì chuyện “thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần”, nay lại thêm nỗi đau do lời tiên tri sắc như dao của ông già Simêon: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người  Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng…Còn chính bà, một lữơi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,34-35).
    Qủa thực, ai nghe  lời tiên tri sắc như gươm trên mà không sợ, không ớn. Như càc bà mẹ thương con, Đức Maria cũng ớn cũng sợ đến toát mồ hôi, nhưng Mẹ kiên cường đảm nhận thiên chức làm mẹ với tất cả hy sinh, và trách nhiệm, dù biết mình sẽ tan nát lòng vì trăm ngàn nỗi đau. 

    3. Đức Maria đã thể hiện lòng khiêm nhu làm Mẹ trong nỗi đau khi lạc mất con:
      Ngày quốc khánh 2 tháng 9 vừa qua, đã có hơn tám chục ngàn người về Vũng Tàu tắm biển, và hôm đó, đã có ba chục em bé  lạc mất cha mẹ ngay trên bãi tắm. Không nói thì các bạn cũng có thể mường tượng cơn hoảng loạn, sợ hãi và tiếng gào khóc nhói tim người chung quanh của các bà mẹ lạc mất con. Nỗi đau của các bà thì khôn tả, nước mắt của các bà thì đắng đót, xót xa, vì tình của các bà dành cho con  quá  bao la, diệu vợi !
    Đức Maria cũng đã sống nỗi đau lạc mất con đó, khi Đức Giêsu mười hai tuổi theo cha mẹ trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Xong kỳ lễ, cha mẹ Ngài về, còn Ngài ở lại mà cha mẹ Ngài không hay biết. “Ông bà cứ tưởng cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi”  (Lc 2,44-46) .
    Và như bất cứ cha mẹ nào khác, thánh Giuse và Đức Maria đã trách nhẹ Đức Giêsu: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48). Đây là lời trách của tình yêu bị thử thách, và của nỗi đau yêu thương, nhưng Đức Giêsu xem ra không mấy quan tâm đến nỗi đau còn đậm nét hốt hoảng, sợ hãi trên khuôn mặt loang lổ nước mắt và mồ hôi của cha mẹ Ngài, khi bình thản trả lời: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49). Thật sững sờ đến thất vọng, và bất ngờ đến sụp đổ đời làm cha mẹ, nếu hoàn cảnh đó rơi vào chúng ta !
    Thực vậy, khó có thể chấp nhận thái độ bình thản đến vô can của Đức Giêsu trước nỗi đau của cha mẹ mình, và khó có thể đồng tình với Đức Giêsu trong cách trả lời không mấy xứng hợp với phận làm con. Nhưng chính trong thử thách trước mầu nhiệm sứ vụ của  Đức Giêsu, dù chưa hiểu, thánh Giuse và Đức Maria vẫn giữ thái độ khiêm tốn, vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa một cách triệt để, vô điều kiện. Riêng Đức Maria, Mẹ đã khiêm tốn ngay trong nỗi đau làm Mẹ mà không được con thông cảm ; khiêm tốn ngay trong nỗi đau làm Mẹ mà không được con  sẻ chia; khiêm tốn ngay trong nỗi đau làm Mẹ mà không được biết gì về con. Và Tin Mừng đã ghi lại: “Ông bà không hiểu lời Người vừa nói” (Lc 2, 50), “Không hiểu lời Người vừa nói” là cách diễn tả  tinh tế tâm trạng rối bời, hoang mang của Đức Mẹ và thánh Giuse dưới ngòi bút tài tình của thánh sử Luca.

   4. Đức Maria đã thể hiện lòng qủa cảm và bình an làm Mẹ trong nỗi đau dưới chân thánh giá  
      Thời chiến tranh, cảnh người mẹ ôm xác con bó trong tấm poncho hay bao nhựa đưa về từ chiến trường nhiều và  quen thuộc đến độ đã ít nhiều làm chai đá trái tim và khô cạn giòng nước mắt. Có những bà mẹ lăn lộn bên xác con, gào khóc đến mệt lả. Các bà chẳng còn thiết sống, nên chẳng thiết ăn, thiết uống và để thân xác tiều tụy đến thảm hại.
     Nhưng có một điều rất đặc biệt là hầu như không bà mẹ nào đã thể hiện được lòng qủa cảm và bình an trước xác con, và hầu như tất cả đều rối loạn, mất hết khả năng kiểm soát cảm xúc. Đức Maria thì khác: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người” (Ga 19,25). Thánh sử Gioan là người môn đệ của Đức Giêsu gần gũi Đức Mẹ nhất trong  nhóm Mười Hai, nên hình ảnh dưới chân thánh giá chiều hôm ấy đã  được thánh sử “chụp” rất chính xác. Trên tấm hình chụp trực diện ấy, Đức Maria đã đứng gần thánh giá, chứ không “bò lê bò càng” thảm thiết khóc lóc, than thở, hay ngồi bệt dưới đất, rũ rượi ôm chân thánh giá.
     “Đứng” biểu hiện một thái độ qủa cảm trong nỗi đau tột cùng bên cạnh xác con chịu treo. Đứng bộc lộ một trái tim tuy tan nát nhưng bình an trong nỗi đau ngút ngàn. Đứng gần thập giá Đức Giêsu, Đức Maria đã hiệp thông nỗi đau bị con người lên án, bị môn đệ phản bội, bị Chúa Cha bỏ rơi của Đức Giêsu, Con trai yếu dấu của mình với một lòng qủa cảm phi thường. Phải phi thường mới hiệp thông được trong nỗi đau vô cùng của Con Thiên Chúa, cùng lúc vừa là Chủ Tế vừa là Lễ Tế trong hy lễ đền tội mọi người. Phải phi thường mới đứng và ngước nhìn chăm chú Đấng Cứu Độ muôn dân đang chịu hình phạt thay cho toàn thể nhân loại. Phải phi thường mới đứng và lặng lẽ hiệp thông nỗi đau của người Tôi Tớ đau khổ của Giavê đang rướn mình trút hơi thở cuối cùng trên thập tự. Và phải phi thường mới có thể qủa cảm sống đến cùng ơn gọi làm Mẹ của người con đến để làm “chiên gánh tội người khác”.
    “Đứng” còn biểu hiện tâm hồn bình an trong thử thách. Đức Maria đã đứng dưới chân thánh giá của con mình, vì tâm hồn Mẹ bình an ngay trong nỗi đau không thể tả xiết của trái tim người mẹ. Mẹ đau đớn lắm, nhưng Mẹ bình an ;  trái tim Mẹ  tan vỡ  vì Đau, nhưng tâm hồn Mẹ tròn đầy vì Tin. Nhờ Tin mà Mẹ đứng được trong thử thách ; nhờ Tin mà Mẹ đứng vững trong niềm đau, nỗi khổ. Mẹ tin Con Mẹ là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ; Mẹ tin chương trình cứu thế của con Mẹ sắp hoàn thành; Mẹ tin nhục hình là thánh ý Chúa Cha; Mẹ tin thập giá là con đường phải đi để được sống ; Mẹ tin ơn cứu độ chỉ đến từ cái chết thảm thương của con Mẹ. Tắt một lời, Mẹ tin tuyệt đối Con Mẹ và chương trình cứu thế của Con.
     Đức Maria đã đứng nhờ niềm tin, đứng trong niềm tin. Mẹ còn đứng để tin, đứng để niềm tin không rũ liệt, gục ngã; đứng để niềm tin được thắp sáng, chiếu toả; đứng để niềm tin không bao giờ thoả hiệp, đầu hàng; đứng để niềm tin mãi mãi là niềm tin ở Đức Giêsu chịu đóng đinh, chứ không là  niềm tin nào khác.  
    Thực vậy, dưới chân thánh giá, trong nỗi đau mất con vĩnh viễn, Đức Maria đã đứng qủa cảm và bình an. Qủa cảm vì Tin và Bình An cũng nhờ Tin ở Lời sứ thần ngày Truyền Tin: “Và đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai báu Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,31-33).
    Lậy Mẹ Sầu Bi yêu dấu của chúng con !
    Mẹ đã trải qua rất nhiều nỗi đau của đời làm Mẹ Đức Giêsu, Đấng đã đến để vâng phục thánh ý Chúa Cha, và vâng phục đến chết trên thập giá (Pl 2,8). Làm mẹ một người con khổ đau, nên Mẹ đau khổ rất nhiều ; làm mẹ một Thiên Chúa chết cho con người, nên từng ngày làm mẹ là từng ngày Mẹ cùng chết với Đức Giêsu -Thiên Chúa.
    Chúng con tôn vinh Mẹ là Mẹ của những tâm hồn tan nát vì thất vọng, tan vỡ vì cô đơn, tan tành vì bị phản bội, tan hoang vì tình đời bạc bẽo. Ngước nhìn lên thánh giá chiều nay, chúng con có Mẹ là nguồn Ủi An. Xin Mẹ thương ủi an, nâng đỡ những con tim đang ngộp thở vì quá khổ đau trên dương thế này.
Jorathe Nắng Tím

Quý độc giả có thể nghe bài audio tại đây : https://www.youtube.com/watch?v=ehljx6lYt2o&feature=youtu.be
   

           

  


CHẾT VỚI CHÚA


       Chỉ trong một tuần, tôi nhận năm tin buồn qua đời của năm người tôi thân quen : anh Hoàng ở Áo, anh Tỷ ở Pháp, cha Phanxicô Hoàng Đình Mai, quản lý giáo phận Long Xuyên, anh Trần Tùy, bạn cùng lớp Khai Phá, và cháu Maria Tú Uyên. Năm người chết, năm  căn cước khác nhau : Linh Mục thì có cha Mai, tu xuất thì có anh Tùy,  Kitô hữu thì có cháu Uyên, Phật giáo thì có anh Hoàng, không tôn giáo thì có anh Tỷ. Tuổi thì cha Mai hưởng thọ 71, anh Tùy 66, anh Hoàng 60, anh Tỷ 55 và cháu Uyên 6 tuổi. Chết thì cha Mai ngủ  rồi không bao giờ thức dậy, anh Hoàng ung thư, anh Tỷ đột qụy, anh Tùy cảm nhẹ rồi ra đi, cháu Uyên chết đuối ở khu vui chơi ngày quốc khánh 2 tháng 9.
       Chiều nay một mình với những kỷ niệm của năm người thân đã chết, tôi bâng khuâng nghĩ đến giờ chết của mình và rùng mình lo sợ..
     Vì sợ chết, tôi hỏi thăm những người đã chết với hy vọng có chút kiến thức về giờ chết, nhưng không ai nói cho tôi kinh nghiệm chết của họ, ngoại  trừ người  gian phi sám hối bị treo trên thập giá phiá bên phải của thánh giá Đức Giêsu trên núi Sọ. Và đây là cảnh tượng chết của người gian phi đó:
   “Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Đức Giêsu: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”. Nhưng tên gian phi bên phải mắng nó: “Mày đáng chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái !”  Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu : “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,39-43).  
      
    Tôi nhận thấy :
    1. Anh gian phi hấp hối với lòng kính sợ Thiên Chúa:
       Bị kết án tử vì làm nhiều điều gian ác, chắc chắn anh đã từng coi thường mọi người, và chẳng sợ ai, kể cả Thiên Chúa. Nhưng chiều hôm nay, khi giờ chết sắp điểm, anh tỏ ra biết kính sợ Thiên Chúa khi lên tiếng trách ông bạn gian phi bên trái Đức Giêsu: “Cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ !”.
    Biết sợ Thiên Chúa là dấu chứng niềm tin:  “Thiên Chúa là Đấng sẽ phán xét, định đoạt hạnh phúc đời đời của mỗi người”, và lòng kính sợ Chúa  trong anh hôm ấy đã là khởi điểm của hành trình đưa anh đến gặp Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ giầu lòng xót thương.  
  
    2. Anh gian phi hấp hối với lòng trung thực:
    Anh bị kết án vì gian ác, nghiã là vừa ác ôn vừa gian xảo; vừa là tên lưu manh, lừa lọc, vừa là kẻ hung dữ, ác nhân. Nhưng hôm nay, giang tay chịu đóng đinh và đợi chờ thần chết đến lấy mạng, anh nói lên được sự thật của chính mình: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm”. Với lòng trung thực, anh đã không lừa dối như đã cả đời lừa dối, không lật lọng như suốt đời đã lật lọng, nhưng nhận sự thật không tốt đẹp của mình với thái độ của người trưởng thành, có trách nhiệm: biết mình có tội và xứng đáng với hình phạt đang chịu. 

     3. Anh gian phi hấp hối với khát vọng công chính :
      Có gian phi nào được gọi là người công chính, vì người công chính chẳng bao giờ gian dối, và làm những điều gian ác, phi nhân. Nhưng hôm nay, ở giờ hấp hối trên thập tự, anh gian phi đã hành xử như một người công chính, khi lên tiếng bênh vực một người vô tội mang tên Giêsu : “Ông này đâu làm điều gì trái !”.
     Anh bênh vực Đức Giêsu, và cố nói cho những người đang nghe anh : Ông này vô tội, và đóng đinh ông là một bất công. Tâm hồn anh đang ra khỏi vũng lầy bất chính ở những phút vắn vỏi sau cùng của cuộc đời, khi anh khát khao trả lại công lý, công bình cho Đức Giêsu, con người vô tội, bị kết án cách bất công.
    Khao khát công chính là hành vi bác ái, vì tìm trả công bình, mang lại công lý cho ai là yêu thương họ rất nhiều, bởi đấu tranh cho công bình, dấn thân vì công lý luôn là công việc đòi nhiều hy sinh vì nguy hiểm, bởi kẻ giập vùi, nghiền nát, tiêu diệt công bình, công lý thì luôn hung dữ, bạo tàn và thường là những kẻ nắm giữ trong tay cường quyền, bạo quyền, và độc quyền sinh sát.

    4. Anh gian phi tin Đức Giêsu là Thiên Chúa và nài xin lòng thương xót  của Ngài:
     Tin Đức Giêsu và xin Ngài nhớ đến mình trong Nước của Ngài là  điểm nhấn quan trọng, mang tính quyết định ở cây số sau cùng của đường đời. Để đến được điểm hẹn này với Đức Giêsu, khi anh thưa với Ngài: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”, anh gian phi đã cố gắng rất nhiều. Anh đã cố gắng từ bỏ tính kiêu căng không biết sợ ai để kính sợ Chúa; đã cố gắng từ bỏ thói lưu manh, lọc lừa, gian xảo, để trung thực, chân thành: trung thực với con người thật của mình, và chân thành nhận mình là kẻ có tội đáng chịu hình phạt, nhưng luôn cần được tha thứ, bao dung; đã cố gắng từ bỏ tính hung dữ, ác ôn, để hiền lành, khiêm nhu nhận mình đáng tội và mong nhận được lòng xót thương. Anh cũng đã cố gắng vượt qua tính ích kỷ để nghĩ đến người khác, xót xa thân phận người khác, cảm thương hoàn cảnh người khác, nhất là dám lên tiếng bênh vực người khác.
     Trong khoảnh khắc ngắn ngủi của cơn hấp hối, anh gian phi đã làm được nhiều việc hệ trọng, đã vượt qua nhiều chặng đường gai góc, khó đi mà cả quãng đời dài trước đó anh đã không làm được, và kịp thời sắm đủ hành trang cần thiết để lên đường với Đức Giêsu vào Nước của Ngài. Anh đã vội vã thực hiện hành trình từ bỏ con người cũ, từ bỏ đường xưa lối cũ, từ bỏ những gì chống lại con người, đối nghịch Thiên Chúa ; đồng thời vượt qua lằn ranh ích kỷ để vào vùng đất yêu thương. Cũng trong giờ phút sau cùng của cuộc đời, anh gian phi đã chạy nước rút để giành cho bằng được lòng kính sợ Chúa, lòng trung thực nhận mình là kẻ có tội, lòng khiêm tốn đón nhận hình phạt vì biết mình đáng phải chết, lòng bác ái, vị tha, nhất là lòng tin yêu, phó thác ở Đức Giêsu, Thiên Chúa, Đấng anh đã nài xin lòng thương xót và đã được Ngài hứab : “Tôi bảo thật anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”
    Qủa thực, đây là cơn hấp hối tuyệt vời của một người tội lỗi, giờ chết đáng đợi chờ của một tên tử tội, giây phút cuối đời đẹp như mơ của một con người bị đời lên án, từ bỏ. Sở dĩ tuyệt vời như mơ ước, và đẹp như huyền thoại, vì tên tử tội, người tội lỗi, kẻ gian phi bị mọi người ruồng bỏ, kết án ấy nay được chết với Đức Giêsu, Thiên Chúa. Sở dĩ kỳ diệu, độc đáo, vì cái chết của một tên cướp khét tiếng gian ác đã được đảm bảo bằng Lời Hứa Nước Trời: “Ngay hôm nay, anh ở với tôi trên Thiên Đàng.”
     Vẫn biết ai cũng phải chết một mình, và đơn độc đi về cõi vĩnh hằng, vì mấy ai dám chết với người mình yêu thương, nhưng anh gian phi này thì khác mọi người, khi anh được chết với Đức Giêsu, và hạnh phúc được chết với Thiên Chúa đã bảo đảm vững chắc nước Thiên Đàng cho anh. Vẫn hiểu chết là một chấm dứt rất buồn, như án tử là “dấu chấm hết” trĩu buồn đời người tử tội, nhưng có ai ngờ: ở tận cuối đường, Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ vẫn  âu yếm đợi chờ. Vẫn được nghe “Đức Giêsu của người có đạo”, nhưng ai ngờ cả lương dân, người  không đạo, kẻ tội lỗi cũng vẫn được đồng hành, đồng bàn với Đức Giêsu trong vương quốc của Ngài, bởi Nước Trời như tiệc cưới của vua kia, khi vua sai các đầy tớ “đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới... bất luận xấu tốt” (Mt 22,9-10).
      Bây giờ thì tôi an tâm, khi khám phá ra một người tội lỗi đã được chết với Đức Giêsu và được lên Thiên Đàng cùng ngày với Chúa. Tôi càng bình an hơn, vì nhận ra Chúa đầy lòng khoan dung, thương xót đã không chấp tội ai, dù người ấy là kẻ gian phi, tên trộm cướp, hay phường đĩ điếm lăng loàn, miễn khiêm tốn nhận mình có tội, biết chạnh lòng yêu thương anh em và kính sợ, tín thác ở  Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ. Đây là chiếc phao đã cho anh gian phi bám víu ở giờ hấp hối, và là bửu bối của tôi ở giờ lâm chung. Với hành trang nhỏ bé của người tử tội được Đức Giêsu phong thánh, tôi tin Chúa Giêsu cũng không nỡ từ chối lời kêu xin tha thiết của tôi, như đã nhận lời anh gian phi cùng Ngài chịu đóng đinh: “Lậy Chúa Giêsu, xin nhớ đến con trong Nước của Ngài.”
    Trong những kinh Kính Mừng cầu cho năm linh hồn thân quen, tôi xác tín hạnh phúc Thiên Đàng của họ, vì trong cuộc sống, anh Hoàng, anh Tỷ, tuy là người ngoại đạo, không tôn giáo, nhưng luôn khiêm tốn, dễ thương, và tận tụy chia sẻ, giúp đỡ mọi người; anh Trần Tùy thì không quên gốc tu xuất của mình, và âm thầm phục vụ giáo xứ đến giờ chết; còn cha Mai thì khỏi nói và bé Uyên cũng chẳng cần bàn. Tất cả đều đáng được thương xót, đều đủ điều kiện được  cấp visa vào Nước Trời, quê hương mong đợi của tất cả những ai  khao khát được Đức Giêsu cứu độ, Đấng đã đến trong thế giới và muốn mọi người sống và chết với Ngài, để được ở với Ngài trên Thiên Đàng, như anh gian phi chịu đóng đinh với Ngài trên đồi Canvê năm xưa.  
      Lậy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa chịu đóng đinh!
     Xin cho chúng con có Chúa trong cơn hấp hối, và đừng bỏ chúng con trong giờ lâm tử.

Jorathe Nắng Tím