Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2019

VĂN BẰNG THƯƠNG XÓT


     Có đi xin việc làm mới thấy cái khổ và nỗi lo của ứng viên. Khổ đủ kiểu, lo đủ thứ. Lo hồ sơ bị từ chối ngay “vòng giữ xe”, sợ chứng chỉ, bằng cấp không đạt chuẩn thâu nhận; lo trang phục không bắt mắt, sợ rơi vào người phỏng vấn nghiêm khắc, khó tính, hay trúng phải câu hỏi hóc búa, không biết đường trả lời; lo lời ăn tiếng nói không duyên dáng, mặn mà, thuyết phục, sợ mất tinh thần trả lời “trậc giuộc” câu hỏi; lo bị hạch hỏi linh tinh, sợ giây phút phải nghe hai chữ “rất tiếc” chua chát hay bốn chữ xã giao, an ủi bực mình, vô nghĩa: “sẽ liên lạc sau”.
        Vì việc làm nào cũng đòi khả năng tương xứng, nên công ty, xí nghiệp, giám đốc nhân sự, ông chủ, bà chủ đều muốn biết và trắc nghiệm khả năng của ứng viên. Do đó, bằng cấp trở thành quan trọng, vì dù sao đi nữa, bằng cấp vẫn là tiêu chí, chứng cứ khẳng định mức độ khả năng của một người trong lãnh vực nhất định nào đó. Xí nghiệp cần tuyển nhân viên giao dịch thương mại với nước ngoài tất nhiên sẽ phải tìm người có khả năng sinh ngữ, và trình độ được đòi hỏi sẽ tuỳ theo mức độ quan trọng của công việc. Và bằng cấp được xem như bằng chứng duy nhất lượng giá khả năng ít là buổi đầu, ở khâu tuyển dụng. Tất nhiên ở đây chúng ta loại trừ những trường hơp được “giải quyết đặc biệt” như “con ông cháu cha”, mua chức mua chỗ bằng tiền hoặc bằng rất nhiều tiền. 
Nước thiên đàng trong Mátthêu chương 25 được Đức Giêsu mô tả không khác cảnh tuyển dụng nhân viên, ở đó tất cả mọi người đều phải trình diện trước Thiên Chúa cho cuộc tuyển chọn định mệnh, đi vào quê hương đời đời, phần thưởng vĩnh  cửu. 
Cũng gặp gỡ, phỏng vấn, nhưng khác các cuộc phỏng vấn, gặp gỡ xin việc của con người, Thiên Chúa không cần khả năng nào ngoài khả năng yêu thương , không đòi hỏi kinh nghiệm nào ngoài kinh nghiệm thương xót, không đánh giá thiện chí và năng lực nào ngoài năng lực và thiện chí cảm thương, chạnh lòng trước khổ đau, khốn quẫn của người khác. Thiên Chúa cũng không đặt tiêu chuẩn thu nhận, tuyên dương, khen thưởng trên thành quả hoành tráng bên ngoài, nhưng ở nồng độ yêu thương của trái tim, và khát vọng phục vụ những thân phận bọt bèo, bị quên lãng, bỏ rơi. 
        Hơn thế nữa, Ngài còn tỏ ra không mấy mặn mà trước những bằng cấp, chứng chỉ đủ loại, đủ hạng nhưng chỉ chú tâm đến chứng cứ của những hoạt động xuất phát từ tình yêu thương xót. Ngài càng hờ hững với những thể hiện của quyền lực kiểu thế gian với mục đích khống chế, làm người khác sợ và phải khúm núm phục dịch nhu cầu ích kỷ của riêng mình, mà chỉ chú ý từng việc làm dù rất nhỏ bé và âm thầm được thúc đẩy bởi lòng nhân ái, bao dung. Và bằng cấp Ngài đòi, chứng chỉ Ngài muốn, cũng như kinh nghiệm dầy dạn Ngài cần, đó là tình yêu thương được sống động thực hiện cho người chung quanh cùng sống. 
Cũng chính vì đòi hỏi vào thiên đàng là Bác Ái không được quan tâm và đặt lên hàng đầu, điều kiện vào Nước Trời là Phục Vụ trong yêu thương không được xếp hạng ưu tiên, kinh nghiệm đồng hành và đồng cảm với người nghèo khổ, bệnh tật, yếu đuối không được xem là điểm son làm vui lòng Thiên Chúa, và văn bằng Thương Xót là văn bằng Thiên Chúa đòi mỗi người phải trình khi Ngài trở lại không được nhận ra giá trị đích thực mà chúng ta có thể sẽ lấn cấn ở giờ Chúa đến. 
        Văn bằng Thương Xót ấy chính là giấy nhập cảnh Nước Trời, là thông hành bắt buộc phải có để được nhận vào vương quốc Thiên Chúa. Thương Xót không còn là việc phụ, có cũng được, không có cũng chẳng sao, nhưng là điều kiện quyết định số phận đời đời, mà không ai được phép miễn trừ. 
Quả thực, Đức Giêsu công khai khẳng định Thương Xót là điều kiên duy nhất để được nhận vào hàng ngũ “những người được Thiên Chúa chúc phúc”, “vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,35-36). Và nếu lòng thương xót không có hoặc cạn kiệt trong đời ta, thì tai họa sẽ khủng khiếp vô cùng khi Thiên Chúa thịnh nộ xua đuổi: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41). 
Ước gì tất cả cố gắng, kiến thức và thành quả chúng ta đạt được trong cõi đời được xã hội đánh giá cao sẽ không làm đảo lộn vị thế ưu tiên thứ nhất và vai trò quyết định của khả năng yêu thương; không  hủy bỏ kinh nghiệm bác ái không làm mất giá trị văn bằng Thương Xót, văn bằng mà tất cả kiến thức của thế gian này phải quy hướng về, vì là chìa khoá sẽ mở cho chúng ta Nước Trời như Đức Giêsu đã mặc khải qua Tin Mừng. 

Jorathe Nắng Tím

DI CHÚC TÌNH YÊU

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT V PHỤC SINH, Năm C
 Khi yêu, người ta không muốn xa nhau, và khi phải chia lià, cách biệt, hai tâm hồn gắn bó, hai trái tim yêu thương không khỏi thổn thức tâm sự, bồi hồi nhắn nhủ, và lưu luyến dặn dò nhau cặn kẽ từng chuyện to nhỏ.
Chết là chuyến đi xa biền biệt, đi mãi không về, đi sang bên kia thế giới, đi vào vô tận, vô cùng mà kiếp nhân sinh hữu hạn, có cùng không thể biết, và đến, nên mức độ thương tiếc, lưu luyến, nhớ nhung càng dữ dội, mãnh liệt, da diết, kinh khủng hơn. Cũng vì chết là lệnh lên đường hầu như luôn bất ngờ, đột ngột, khó đoán, khó lường, nhất là không thể trì hoãn, dời đổi giờ định mệnh ấy, nên những gì muốn trăn trối, trao gửi, nhắn nhủ cho nhau, người ta đều phải chuẩn bị trước, dù không có gì đáng vui trong việc soạn sẵn di chúc này.
Có ông giám đốc viết di chúc dặn dò con cháu phải tiếp nối công trình kinh doanh của gia đình ; có lãnh tụ ra lệnh cho thần dân phải kiên trì thực hiện đề cương, đường lối ; có đại ca yêu cầu đàn em trả thù, rửa nhục cho mình trong di chúc viết vội trước giờ lâm chung ; nhiều người công bố việc chia tài sản, nhà đất ; số khác bàn giao nợ nần chưa thanh toán dứt điểm khi nói lời cáo biệt.
Tắt một lời, trứơc chuyến đi vào cõi chết, trước giờ vĩnh biệt người thân, người sắp chết, hoặc người muốn chuẩn bị chu đáo chuyến ra đi  vào cõi vĩnh hằng của mình đều mượn lời hay giòng chữ di chúc để trăn trối cho người thân những điều quan trọng nhất ; trao lại cho người còn sống những việc hệ trọng ; ký thác cho người mình yêu thương, tin cậy những tâm sự sâu sắc, thầm kín và chân thực tưởng như chưa bao giờ bộc lộ ; gửi gắm người còn ở lại những thao thức cháy bỏng tâm can, những ước mơ một đời ôm ấp, những lý tưởng suốt đời theo đuổi, những đợi chờ đến giờ cũng chưa thành tựu.
Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người cũng làm những điều con người thường làm trước giờ chết ; cũng nói lời sau cùng trước chuyến đi vào cõi chết xa xăm, nơi không ai biết trước hay có kinh nghiệm ; cũng thổn thức, nghẹn ngào căn dặn trước giờ bị bắt ; cũng xao xuyến giờ chia ly ; cũng ngấn lệ, nghẹn lời trong bữa tối sau cùng với những người mình yêu thương.
Tin Mừng Gioan chương 13 cho chúng ta được đi vào khung cảnh của bữa tối ly biệt và được sống tâm tình di chúc tình yêu của Đức Giêsu gửi trao các môn đệ thân thương của Ngài trước giờ bước vào cuộc tử nạn.
Trước hết, Đức Giêsu cho các môn đệ biết giờ chết của Ngài sắp điểm, nhưng giờ chết ấy không là giờ sụp đổ toàn bộ, hay thất bại tan hoang, kinh hoàng, nhưng là Giờ Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người (Ga 13,31).
Đức Giêsu tự nguyện đi vào sự chết vì biết sự chết là con đường Ngài phải đi qua để thực hiện trọn vẹn thánh ý Cha Ngài, nên với Ngài chết chính là sống, giờ chết chính là giờ Ngài được Chúa Cha tôn vinh, khi sứ mệnh cứu thế của Ngài được hoàn thành trọn vẹn như bài sai đã nhận : vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá để hiến mạng sống mình làm của lễ cứu độ nhân loại (x.Pl 2,8).
Sau khi cho các môn đệ biết giờ mình sắp lên đường đi chịu chết, Đức Giêsu đã nghẹn ngào nói với các ông : Thầy chỉ còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi (Ga 13,33), và âu yếm căn dặn : Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy thương yêu nhau ; anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau (Ga 13,34-35).
Khác với nhiều người, Đức Giêsu đã không chia của chia tiền hay phân phát tài sản vật chất cho các môn đệ, vì “con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có cả chỗ tựa đầu (Lc 9,58), nên lấy gì mà phân phát, chia, cho ? Ngài cũng không có công trình, sự nghiệp, chiến lược, kế hoạch nào để ký thác, trăn trối kế thừa, tiếp nối.
Hoàn toàn khác với mọi con người, Đức Giêsu đã lấy chính mình làm di chúc, lấy chính bản tính Thiên Chúa là Tình Yêu  của mình làm lời trăn trối, chọn Tình Yêu là chính Thiên Chúa làm nội dung duy nhất của di chúc đời đời: Anh em hãy yêu thương nhau (Ga 13,34).
Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8) nên ai yêu thương, người ấy đã được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa (1Ga 4,7-8) ; vì Tình yêu là Thiên Chúa, nên ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa (1Ga 4,16 ) ; vì Tình Yêu là Thiên Chúa, nên người yêu thương bước đi trong ánh sáng, sự thật (1Ga 3,19), được đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu (1Ga 4,17) và đi từ cõi chết bước vào cõi sống (1Ga 3,14).
Để lại di chúc đời đời là chính mình, Đức Giêsu đã trao ban chính bản thân mình, như đã trao ban Mình và Máu làm lương thực nuôi muôn dân, đã trao hiến toàn thể con người -Thiên Chúa của mình làm giá cứu chuộc nhân loại. Di chúc của Đức Giêsu đã không là nhà đất, hay những giá trị vật chất khác chóng hư hao, nhưng là chính Ngài, Thiên Chúa tình yêu , giá trị vô cùng, tuyệt đối mà không lòng trí nào có thể suy thấu và cảm nghiệm trọn vẹn.
Di chúc của Thiên Chúa làm người để lại cho con người là di chúc tình yêu đã được sống : Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Chính Đức Giêsu đã sống di chúc của mình với các môn đệ và với mọi người, bất kể họ là ai trong suốt năm tháng làm người, ở giữa mọi người. Vì thế, di chúc ấy không chỉ là lời nói suông, mệnh lệnh sáo rỗng, lý tưởng mơ hồ, đòi hỏi không tưởng, thao thức vu vơ, ý muốn bất khả thi. Trái lại, chính Ngài đã sống di chúc tình yêu, đã thực hiện di chúc tình yêu khi yêu thương chúng ta trước (1Ga 4,19) và yêu đến cùng (Ga 13,1), bởi Tình yêu cốt ở điều này : đó là không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và sai con Người đến làm của lễ đền tội chúng ta (1Ga 4,10).
Di chúc tình yêu ấy còn được chứng thực, và đóng dấu bằng máu của người viết trên thánh giá, ở giờ hấp hối khi Thiên Chúa Tình Yêu gắng gượng thều thào : Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm ! (Lc 23,34).
Vâng, tất cả môn đệ đi theo Đức Giêsu, trong đó có anh chị và tôi, chúng ta đều nhận từ Đức Giêsu một di chúc chung, đó là di chúc của tình yêu, di chúc rất ngắn gọn, nhưng gói trọn đất trời, ôm kín thời gian, đảm bảo hạnh phúc và sự sống đời đời, vì đó là chính Thiên Chúa.
Thực vậy, khi nói lời cáo biệt như di chúc, Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta chính Thiên Chúa, đã trối trăn chính Thiên Chúa cho chúng ta, đã giữ chân Thiên Chúa ở lại với chúng ta cho đến tận thế, khi trao ban giới luật mới: Anh em hãy yêu thương nhau.
Bởi thế, từ đây sống di chúc tình yêu là sống Thiên Chúa, như thánh Phaolô khẳng định : Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi (Gl 2,20) ; sống di chúc tình yêu là sống trong Thánh Thần (1Ga 3,24), vì Thánh Thần là tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Với Thánh Thần, chúng ta không còn sợ hãi (1Ga 4,18), nhưng được an lòng và “mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa (1Ga 4,21).
Qủa thực, không yêu thương nhau, người môn đệ sẽ không làm chứng được dung mạo Thiên Chúa tình yêu của mình, nhưng sẽ làm lu mờ, phai nhạt, hoen ố, như Đức Giêsu đã qủa quyết : Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau (Ga 13,35) ; không yêu thương nhau, tất cả sẽ sụp đổ, vì tâm hồn đã sụp đổ trước đó, khi ghen ghét hận thù đến chiếm đóng ; không yêu thương nhau, chúng ta tự nguyện tự hủy diệt mình, hủy diệt nhau, mà không cần bàn tay can thiệp của ma qủy, vì kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân. Và anh em biết : không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó (1Ga 3,14-15).  
Lạy Thiên Chúa là Tình Yêu, xin giúp chúng con sống yêu thương hơn mỗi ngày giữa bao cám dỗ của ganh ghét, thúc đẩy của tị hiềm, nôn nao của đố kị, cạm bẫy của hận thù, lôi cuốn của bạo lực và thắp sáng trái tim chúng con tình yêu hiền lành, khiêm nhừơng và thương xót của Chúa, để chúng con có thể sống di chúc tình yêu của Chúa như Chúa đã thiết tha căn dặn,và ân cần trăn trối : Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em !.
Jorathe Nắng Tím