Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

Đôi Mắt

https://www.youtube.com/watch?v=XKQUTlTdSzU
Sức quyến rũ của một người tập trung ở đôi mắt. Mắt thu hút người đối diện, mắt nói nhiều hơn miệng. Mắt tỏ tình, gợi cảm, mắt nắm bắt, lột trần thực tại. Sở dĩ mắt làm được nhiều chuyện, vì mắt nhìn được tất cả. Không có mắt, thực tại bên ngoài khó được nội tâm thu nhận. Thiếu mắt, cuộc sống mất đi nhiều cơ hội tương giao.
Nhưng mắt không đều đặn cho mọi người, mắt không đồng bộ cho mọi khuôn mặt, mắt không cùng độ nhạy bén cho tất cả, nên mới phải giải phẫu mắt, cắt mí mắt, đeo kiếng, đặt tròng, nhỏ thuốc làm mắt sáng long lanh, tô vẽ cho mắt thêm huyền ảo… Vì không cùng kích thước, chất lượng nên mắt mỗi người nhìn vũ trụ, con người khác nhau đưa đến nhận định, ý kiến, nhận thức khác nhau. Chính những khác nhau của đôi mắt và cách nhìn đã phát sinh những khó khăn, phức tạp, đối kháng trong đời sống xã hội vì những thành kiến, thiên kiến, loạn kiến, cận kiến, viễn kiến do những đôi mắt cận thị, viễn thị, loạn thị hay vật thị, lợi thị, linh thị, cực đoan thị, ngoan cố thị, phi nhân thị…


Tin Mừng mùa Phục Sinh tường thuật nhiều gặp gỡ giữa Đức Kitô Phục Sinh và các môn đệ của Ngài, từ lần gặp Mađalêna và các bà đạo đức buổi sáng sớm phục sinh gần cửa mộ (Mc 15,1-8) đến bước đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24,13-35), rồi với mười một tông đồ (Lc 24,36-49), và lần gặp được coi là sau cùng trên bờ biển Tibêriát (Ga 21,1-22). Trong các cuộc gặp gỡ, Đức Kitô đã hành xử như một người sống thực: cũng ăn nói, đi đứng, cư xử như ngày xưa, trước khi chịu chết, nhưng có điều lạ là tất cả đã không nhận ra Ngài. Đôi mắt các ông đã không còn nhìn thấy Ngài dù Ngài vẫn là Giêsu, Thầy của các ông. Đôi mắt các ông không nhận ra Ngài, dù Ngài vẫn cùng giọng nói, cùng dáng đi, cùng nếp sinh hoạt quen thuộc. Mađalêna đã tưởng Ngài là người làm vườn, các môn đệ gọi Ngài là ma, hai môn đệ trên đường Emmau nghĩ Ngài là người đi đường tình cờ gặp, không quen biết.
Quả thực, đôi mắt các vị đã không nhìn ra Đức Kitô từ cõi chết sống lại, bởi thân xác sống lại của Ngài đã biến đổi và không còn là thân xác trước đó nữa như Ngài đã nói với Mađalêna: “Con đừng giữ Thầy như vậy, vì Thầy chưa lên cùng Cha Thầy” (Ga 20,17). Tuy trở về đời sống như con người sống thực, nhưng thân xác phục sinh của Ngài đã biến thành thân xác siêu nhiên như ngày nào Ngài đã biến hình sáng láng trên núi trước mặt ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan (Mt 17,1-8). Đó là lý do đã khiến đôi mắt nhân loại của các môn đệ không nhìn ra Ngài.


Như thế, vinh quang của Chúa Cha đã bao phủ thân xác phục sinh của Đức Kitô và mắt trần không thể nhìn ra Ngài. Các môn đệ tuy là những người thân cận, ở sát cạnh Đức Kitô nhiều năm cũng đã không nhận ra, dù Ngài đứng giữa các ông, nói chuyện với các ông, ăn uống với các ông, nhắc nhớ kỷ niệm đã có với các ông.

Nếu chính các môn đệ của Ngài không nhận ra Ngài, hỏi ai sẽ có thể nhận ra Ngài?

1.   Để nhận ra Đức Kitô Phục Sinh, Đấng đã chết để đem lại “trời mới, đất mới, thế giới mới, nhân loại mới”, đôi mắt phải được trang bị bằng cái nhìn “Tạo Dựng” ở đó “mọi sự, mọi loài đã được Thiên Chúa dựng nên và Ngài thấy tất cả đều tốt đẹp” (1Tm 4,4). Nhìn mọi sự như tạo vật tốt đẹp từ tay Thiên Chúa, nhìn mọi người với hình ảnh Thiên Chúa, đôi mắt sẽ “biết” nhìn tôn trọng, nhìn xây dựng, nhìn tích cực, nhìn bảo vệ, nhìn gìn giữ. Thế giới và con người sẽ được nhìn bằng đôi mắt tạ ơn, bằng ánh mắt cảm mến trước công trình tạo dựng tuyệt vời của Thiên Chúa là Cha. Trong tâm tình tri ân ấy, đôi mắt sẽ nhận ra Đức Kitô sống lại và tình yêu của Ngài trong tất cả mọi tạo vật, nhất là trong những người đương thời cùng sống.

2.   Để nhận ra Đức Kitô Phục Sinh, Đấng đã chết để đem lại Bình An cho mọi tâm hồn, đôi mắt phải mang cặp kiếng “Cứu Độ”, ở đó Thiên Chúa không bỏ sót, lãng quên, chối từ, xua đuổi một ai, nhưng “chậm bất bình và rất nhân hậu, khoan dung” để tất cả đều được cứu độ. Cặp kiếng cứu độ sẽ biết nhìn như Đức Kitô: không “bới lá tìm sâu”, không “bới lông tìm vết”, không kiếm dằm trong mắt anh em, không soi mói, kết án, không bóc trần, phanh phui, không theo dõi, tố giác. Cái nhìn của Đức Kitô biết nhắm lại làm thinh trước yếu đuối, biết cúi sâu khẽ khàng trước bẽ bàng, tội lụy, biết nhỏ lệ trước mất mát, thiệt thòi. Đó là đôi mắt của tình yêu thông cảm, nâng đỡ, đôi mắt của tình yêu an ủi, chữa lành. Với cặp kiếng Cứu Độ, mắt sẽ nhìn thấy trái tim nhạy cảm, hay chạnh lòng trước đau khổ của Đức Kitô, sẽ nhận ra độ cao độ dày của khối tình Thiên Chúa bao la và nhiệm lạ chỉ đợi chờ được mở lòng thứ tha.
Không nhận ra Đức Kitô vì mắt đã không được trang bị tình yêu của Ngài khi hận thù còn làm mắt “long lên sòng sọc”, ghen ghét còn làm “ngứa mắt”, cạnh tranh bất chính còn làm mắt xốn xang. Không nhìn ra Đức Kitô phục sinh khi mắt còn rực lửa dục vọng, còn sưng vù hay híp lại vì tham lam, ích kỷ. Chỉ với cặp kiếng Cứu Độ, đôi mắt trần tục mới nhìn ra Đức Kitô đã chết vì tình yêu và sống lại cho một thế giới mới, con người mới của tình yêu.

3.    Để nhìn ra Đức Kitô phục sinh, mắt phải mang lấy tầm nhìn “Hy Vọng Đổi Mới” của Chúa Thánh Thần. Sở dĩ mắt không nhìn được xa, không thấy được rộng, không sao mở lớn là vì mắt tự giam mình, tự đóng khung trong một giới hạn nhỏ bé vì ích kỷ, chật hẹp vì ghen tương, thiển cận vì thiếu bác ái, từ tâm và nhất là đui chột vì thiếu vắng niềm hy vọng. Mắt sẽ nổi cườm mờ mịt khi mắt không hy vọng vào ơn trở về của chính mình. Mắt sẽ kéo màng tăm tối khi không hy vọng vào khả năng đổi mới của anh em. Mắt sẽ khô võng mạc làm mù loà khi không hy vọng vào ngày mai sẽ mới hơn, tốt đẹp hơn của cộng đồng nhân loại. Mắt sẽ cay xè không còn thấy rõ khi mắt thất vọng, đào ngũ trước mời gọi dấn thân cho tương lai trước mặt. Không mang tầm nhìn Hy Vọng của Thánh Thần, Đấng sẽ đổi mới bộ mặt thế giới và đổi mới tâm hồn con người, đôi mắt trần tục sẽ chỉ nhìn những gì dưới chân để thoả mãn dục vọng nhất thời và đam mê tạm bợ.
Đức Kitô Phục Sinh đã không được nhận ra, vì mắt con người không mang Hy Vọng của Thánh Thần. Ở đôi mắt thất vọng, người ta chỉ thấy tiêu cực, bất lực và trong đôi mắt tuyệt vọng, uy lực của tử thần hiện lên.
Mang tầm nhìn Hy Vọng Đổi Mới của Chúa Thánh Thần để nhận ra “Thánh Thần chân lý ở trong chúng con và ở với chúng con” (Ga 14,17), để nhận ra đời mình luôn được an ủi (Ga 14,16), để thấy đời mình được hướng dẫn, dạy dỗ bởi Thánh Thần (Ga 16,13). Tầm nhìn Hy Vọng sẽ xoá tan mây mù thất vọng, phá tan màn sương vô vọng, diệt tan bóng tối tuyệt vọng phủ che đôi mắt. Tầm nhìn Hy Vọng trong Thánh Thần sẽ như lưỡi lửa của Thiên Chúa đậu xuống trên đầu, ban dư đầy ơn thánh, làm ngạc nhiên, sửng sốt mọi người (Cv 2,1-13).
Đức Kitô đã sống lại. Ngài cũng đến gặp gỡ mỗi người, như đã đi gặp các tông đồ. Nếu mắt con người đã không cho các ông nhận ra Ngài, thì đôi mắt nhân loại nơi mỗi người cũng khó nhìn thấy Ngài. Nhưng nếu không gặp được Ngài, không nhìn thấy Ngài, không nhận ra Ngài trong ngày Phục Sinh thì ngày mai của đời Kitô hữu sẽ ra sao? Không lẽ sẽ là chuỗi ngày dài không có Ngài? Không lẽ sẽ là cuộc đời buồn tênh không tình Ngài? Không lẽ sẽ là đường dài vô vọng không bóng Ngài đồng hành?
Lạy Đức Kitô đã chết và đã sống lại, xin cho chúng con đôi mắt Đức tin, Đức Mến, Đức Cậy để nhìn ra Chúa đang ở bên, để nhận ra Chúa đang đến gần, để phục vụ Chúa đang ở trong anh em.