Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

GIÁO DỤC VỊ THA


Em bé muốn được mọi người quan tâm, chú ý. Em khóc vì thế… Khóc để kéo chú ý, khóc để tự khẳng định, khóc để mọi người biết “tôi đang có mặt”. Em rất sợ bị bỏ rơi và buồn khi mọi người không quây quần “ú oà”, nói chuyện, chơi đuà với em. Bằng tiếng khóc, tiếng cười, chân tay muá máy, em diễn tả sự hiện diện của mình và khát vọng là trung tâm lôi cuốn mọi sinh hoạt gia đình. Em rất vui khi có người đút cho ăn, khen em ngoan, em đẹp, rất hãnh diện khi được mẹ dỗ dành, chị nâng niu. Thế giới của em lúc này chỉ có em là trọng tâm và  bằng mọi giá em muốn bảo vệ chỗ đứng trọng tâm đó. 
Khuynh hướng vị kỷ, tức chỉ vì mình, trong em khá mạnh, mạnh đến độ em khó có thể chia sẻ cha mẹ với người khác, ngay cả với anh chị trong nhà; bằng cớ khi mẹ ẵm chị hay em bé nào khác trước mặt  là em hét lên, đòi mẹ phải ẵm em ngay. Tính ganh tỵ bắt đầu đâm chồi trong em và em biểu lộ bàng giận dỗi, bỏ ăn, không ngủ.
Tình trạng tìm chỗ đứng quan trọng của em trong gia đình là chuyện tâm  lý bình thường, không xấu không tốt. Nó là những hiện tượng phát triển của tâm lý. Cái không bình thường cần phải tránh có thể xẩy ra là hiện tượng vị kỷ ấy sẽ bám chặt, ăn rễ sâu và  biến thành nhân cách của em. Khi đó vị kỷ trở thành bá chủ thống trị toàn thể đời sống của em.
Vị kỷ là chỉ nghĩ đến mình, làm vì mình, hưởng riêng mình. Người vị kỷ thường thực dụng vì lợi ích cá nhân là mục tiêu cần đạt trong mọi nỗ lực, hoạt động. Vị kỷ khác vị tha. Vị tha là nghĩ đến người khác, sống vì người khác, chung hưởng với người khác. Nhưng vị tha không có nghiã là vong thân, bỏ quên chính mình hay đánh mất chính mình; trái lại, người vị tha lấy chính mình làm khởi điểm để đi đến người khác, chọn chính bản thân là điểm xuất phát cho hành trình tìm gặp gỡ tha nhân. Đứa bé vị tha lấy bánh của mình đang có để chia sẻ cho người chung quanh, tức là bắt đầu từ chính mình, từ miếng bánh bé đang có trên tay. Hình ảnh đơn sơ nhưng nói lên bản chất của vị tha.
Một trong những mục tiêu giáo dục khó nhất ở tuổi thơ là giáo dục vị tha, khi em bé muốn gom tất cả về mình, tìm tất cả cho mình, muốn tất cả phục vụ mình. Giúp em nhận ra mình là một con người, có vị thế riêng biệt, nhưng không là trọng tâm duy nhất của gia đình, không là cái rốn của vũ trụ là tránh cho em nhiều hậu qủa tai hại của ích kỷ sẽ ảnh hưởng xấu trên nhân cách và thành công sau này của em.
a.   Vì ích kỷ, em sẽ trở thành nô lệ trung thành của vật chất: Một người không biết chia sẻ sẽ đau đớn, khổ sở vì vật chất, bởi bất cứ một mất mát, giảm thiểu vật chất nào, dù cỏn con, bé nhỏ đến đâu cũng làm họ đau khổ. Say mê thu vén cho riêng mình, họ sẽ lầm lẫn vai trò của vật chất và chỗ đứng của họ để rồi đáng lẽ ra phải là chủ, họ lại chấp nhận trở thành đầy tớ; vì  vật chất đặc biệt có sức mê hoặc  người ích kỷ và dễ dàng biến họ thành nô lệ
b.   Vì ích kỷ, em sẽ rất chật hẹp trong phán đoán, tư duy. Nếu ích kỷ vật chất biến em thành nô lệ của đồng tiền, của cải thì ìch kỷ tinh thần giải giới hết khả năng hướng ra ngoài và đẩy em rớt sâu trong những định kiến, thành kiến, thiên kiến thiếu hào phóng, quảng đại, bác ái, vị tha. Tư tưỏng của em vì thế sẽ cằn cỗi, phán đoán của em sẽ phiếm diện và biến thành độc đoán. Người ích kỷ tinh thần không làm việc được với ai, ngay cả với chính mình, vì không còn khả năng tương quan, liên đới. Nên nhớ, người ích kỷ tinh thần đóng kín hết cửa lòng nên ngay chính bản thân, họ cũng không gặp được.  
c.    Vì ích kỷ, em sẽ tìm hưởng hạnh phúc một mình: Đây là dạng ích kỷ tình cảm khi em không muốn trao ban tình cảm cho người khác, vì sợ mất mát, thua thiệt. Vì thế, em sẽ không đủ quảng đại để vị tha và cùng tìm hạnh phúc với người khác. Những người rơi vào tình trạng tâm lý ích kỷ tình cảm này thường tìm hạnh phúc một mình, nghiã là chọn những hình thức  “tự biên tự diễn” và  “tự sướng ” như thủ dâm. Họ sẽ khó sống đời đôi lứa vì luôn cảm thấy bị đe doạ khi phải chia sẻ với người khác. Đóng kín đường, bịt kín cửa, khép kín lòng trước tha nhân, người ích kỷ cũng nhốt kín luôn hạnh phúc của mình trong ngục tù “cái tôi ”, một cái tôi mà khả năng  giới hạn ở việc sản xuất ra những mảnh vụn của một thứ hạnh phúc rất bệnh hoạn, kỳ quái; bởi bản chất của hạnh phúc tình cảm hệ tại ở hai yếu tố không thể thiếu, đó là cho đi và nhận lãnh.

d.   Vì ích kỷ, em sẽ chỉ muốn biết một mình và bo bo giữ lấy kiến thức như vật sở hữu. Hình ảnh những em học sinh lấy tay và cả thân mình  che tập bài làm vì  không muốn bạn làm được bài  như mình, hay hình ảnh những sinh viên không biết hay cố tình không muốn biết làm việc chung  với các bạn cùng lớp, cùng khoa là hình ảnh đáng buồn của “thế hệ thực dụng, ích kỷ”.  Ích kỷ trí thức là phản trí thức, vì người trí thức luôn thao thức, mơ ước một điều là đem hết những gì mình biết, mình đã học hỏi, nghiên cứu để phục vụ nhân sinh, phụng sự nhân loại. 


e.    Vì ích kỷ, em cũng sẽ chỉ muốn lên thiên đàng, về Niết Bàn một mình; nghiã là tôn giáo, thần thánh là của riêng em, phục vụ một mình em. Người ích kỷ sẽ ích kỷ cả trong tín ngưỡng, niềm tin của mình và muốn thuợng đế, thánh thần thuộc về riêng họ, làm theo ý họ. Cuối cùng, không phải họ theo tôn giáo, nhưng tôn giáo phải đi theo họ, làm theo ý họ. Nhìn những người đi đạo mà luôn miệng “người này xuống hoả ngục, người kia không lên thiên đàng” đủ cho thấy có những người muốn độc quyền cả tôn giáo, thượng đế, thánh thần. Ngạo mạn và ích kỷ đến thế là cùng !
Giáo dục vị tha ngay từ thời thơ ấu là tập cho em bé nghĩ đến người khác như cầu nguyện cho ông bà đã qua đời, ghi nhớ ngày sinh của mọi người trong gia đình, viết thư thăm bà ngoại, chung vui, chia buồn với hàng xóm, gia tộc. Những việc làm như quét nhà, nhặt rau cũng cho em thói quen chia sẻ, cộng tác. Tập cho  em biết niềm nở đón khách, vui vẻ rót nước mời khách của mẹ, ân cần, lịch sự với mọi người, biết mời trước khi ăn, cúi đầu lễ phép khi đi lúc về là những thực hành tinh thần vị tha, hướng đến người khác. Bên cạnh đó, cha mẹ tránh  xem con như ông chủ, bà chủ nhỏ của gia đình và cho con  những cơ hội chia sẻ, cộng tác với người khác. Đến thăm gia đình nào mà cha mẹ suỵt suỵt ra dấu cho khách đừng nói lớn kẻo con thức dậy, hay do dự không quyết định được ngày giờ đi chơi chung  của hai gia đình vì phải đợi ý kiến của con… ; người ta nhận ra ngay gia đình ấy đang  sản xuất những ông vua ích kỷ, những bà hoàng kiêu căng , tự mãn mà tương lai của những ông vua, bà hoàng này chắc chắn sẽ không mấy gì sáng sủa, hạnh thông vì ích kỷ đóng kín hết đường lên, lối vào.        

0 nhận xét: