Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

Suy Niệm TUẦN THÁNH với Đức Mẹ

    THINH LẶNG CỦA ĐỨC MARIA, MẸ ĐỨC GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH
Trong suốt trình thuật Thương Khó, Tin Mừng Gioan chỉ kể lại duy nhất một lần về Đức Maria: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria, vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Máđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây là con của Bà’. Rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh’. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,25-27).
Tuy không thường xuyên nhắc sự hiện diện của thân mẫu Đức Giêsu trên đường Thương Khó và Tử Nạn của con mình, nhưng mọi người đều hiểu Đức Maria không rời Con mình một bước, không xa con mình một giây, nhất là khi Con bị trói, bị đánh đập, đội mão gai, bị chế diễu, xỉ nhục, bị đám đông đả đảo, tố cáo, bị kết án tử hình, và tự mình vác thập giá đến nơi hành hình đóng đinh.
Không rời xa Con, nhưng “thinh lặng, đứng đó”, thinh lặng có mặt để chết với Con trong giây phút Con rướn mình kêu cầu Chúa Cha và tức tưởi chết trên Thánh Giá.
Thực không còn nỗi đau nào hơn nỗi đau của Mẹ phải đứng nhìn con chết treo, trần truồng như phạm nhân trọng tội; không còn nỗi khổ nào lớn hơn nỗi khổ của Mẹ  phải nghẹn ngào nuốt vào tim tiếng nấc tàn hơi, cạn sức của Con giờ hấp hối; không còn tang thương nào đắng đót hơn cho lòng Mẹ trước thân xác con rũ liệt đầm đià máu và nước từ thương tích của đinh nhọn, lưỡi đòng; không còn nước mắt nào mặn hơn, xót hơn nước mắt của Mẹ khi ôm chặt xác con vừa được tháo xuống từ thập tự.
Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu chịu đóng đinh đã có mặt trong mọi tình huống của Con mình với thinh lặng của trái tim cầu nguyện.
Mẹ đã thinh lặng ngay từ buổi Truyền Tin với tâm tình cầu nguyện của nữ tỳ Thiên Chúa: Xin vâng như lời sứ thần truyền (x. Lc 1,26-34); thinh lặng khi bào thai Giêsu do quyền phép Chúa Thánh Thần từng ngày lớn lên mà chồng mình là Giuse chưa được biết (x. Mt 1,18-25); thinh lặng khi “chết lặng” trước lời tiên tri của cụ già Simêon: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35); thinh lặng khi con lạc mất ba ngày ở Giêrusalem, đến khi tìm lại được thì Con lại hỏi: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của cha con sao?” (Lc 2, 49); thinh lặng khi đồng hương Nadarét phẫn nộ tìm cách xô Con mình xuống vực, khi Con về thăm quê (x. Lc 4,28-30); thinh lặng khi đến gặp Con, “mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng qúa đông” (Lc 8,19); thinh lặng khi thiên hạ thán phục, ngưỡng mộ Con, mà ca tụng Mẹ: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú” (Lc 11,27); thinh lặng khi Con nghe lời xin của Mẹ mà làm phép lạ cho sáu chum nước biến thành rượu ngon trong tiệc cưới ở Cana, vì nhà đám hết rượu giữa tiệc (x. Ga 2,1-11); thinh lặng dưới chân Thánh Giá, thinh lặng an táng Con, thinh lặng cả sau khi Con sống lại vinh hiển, và khi Mẹ hiện diện giữa Nhóm Mười Hai sau khi Con về trời (x. Cv 1,12-14).
Thực vậy, cuộc đời của Đức Maria, thân mẫu Đức Giêsu chịu đóng đinh là cuộc đời thinh lặng, nhưng không là thinh lặng của trí khôn rỗng tuếch, hời hợt, thinh lặng của tâm hồn vô cảm, lười biếng, thinh lặng của lối sống khép kín, ích kỷ. Trái lại, thinh lặng của Mẹ là thinh lặng của tâm hồn biết lắng nghe tiếng Chúa và “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51), thinh lặng của trái tim trung tín và kiên cường dám đón nhận thánh ý Thiên Chúa, dù “không hiểu lời Người vừa nói” (Lc 2,50), thinh lặng của cõi lòng khiêm nhu, hiền lành chỉ biết một dạ tri ân Đấng Toàn Năng đã đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn, và thương xót thực hiện bao điều cao cả (x. Lc 1,48-50); thinh lặng của người tôi trung tận tụy phục vụ đến hy sinh quên mình.
Tóm lại, thinh lặng của Đức Maria là thinh lặng của cầu nguyện, vì tâm hồn cầu nguyện không ồn ào, huyên náo; trái tim cầu nguyện không huênh hoang, nhiều lời; tâm tình cầu nguyện không kiêu căng, tự đắc; thái độ cầu nguyện không biểu diễn, phô trương.
Thinh lặng nơi Mẹ còn là gắn bó hiệp thông với Con là Của Lễ cứu chuộc nhân loại trên Thánh Giá; là tình yêu hiệp nhất nên một trong Hy Lễ duy nhất và tuyệt đối là Đức Giêsu dâng Chúa Cha; là lễ dâng của toàn thể nhân loại được hoà tan như giọt nước trong Máu sinh ơn cứu độ của Thiên Chúa làm người.
Tuần Thánh thương đau có Mẹ, Tuần Thánh lặng lẽ với Mẹ, Tuần Thánh thinh lặng cầu nguyện bên gối Mẹ cũng là đường dài Thánh Giá, cuộc Thương Khó liên lỷ của đời chúng con có Mẹ cùng đi, là lời cầu bé nhỏ, bất xứng của chúng con có thinh lặng bình an của Tình Mẹ.
 Jorathe Nắng Tím  

0 nhận xét: