Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

Ở với nhau mùa cách ly Covid


Một hiện tượng “tích cực” thời cách ly Covid là gia đình được trăm phần trăm đoàn tụ, khi cha mẹ không đi làm, con cái không đi học, ai ở nhà nấy, và bạn bè không rủ rê bỏ cơm nhà, kéo nhau đi la cà ăn nhậu, bởi có những gia đình quanh năm suốt tháng không có bữa cơm đầy đủ thành viên, từ rất lâu không có một ngày cả nhà thong thả, thư giãn, chuyện trò, nấu nướng, vì ai cũng tất bật kiếm ăn, ai cũng vội vã với miếng cơm manh áo, công danh, sự nghiệp.
Nhưng từ hiện tượng tích cực vừa kể lại vô phúc phát sinh một hiện tượng tiêu cực mới, đó là xung đột vợ chồng gia tăng, căng thẳng giữa cha mẹ - con cái nhẩy vọt, bạo lực gia đình nổi sóng đến nỗi nước Pháp phải báo động và thiết lập ngay một số điện thoại đặc biệt 114 dành riêng cho những phụ nữ bị bạo hành gia đình trong thời cách ly Covid.   
Thế mới biết “ở với nhau” không dễ, và không luôn là điều người ta mong đợi.
“Ở với nhau” không dễ vì có những hôn nhân “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, nên tạm thời nhân nhượng, hoà hoãn sống chung, vì con cái, vì uy tín gia tộc, danh dự gia đình, ràng buộc của tổ chức, nhưng thời gian “ở với nhau” không được  dài, để tránh đụng chạm, gây gỗ. Nay Covid “triệt buộc” hai người, và họ  phải “ở với nhau” suốt ngày, suốt tuần, suốt tháng, và thời gian  đã làm họ căng thẳng đến phát cuồng. Từ đó sinh sự, phát sinh bạo lực gia đình…
“Ở với nhau” không luôn là điều người ta mong đợi, vì ở với nhau kiểu “thoang thoảng hoa nhài” thì còn đẹp, còn tình, còn thơm, còn dễ thở, nhưng “ở với nhau” sát qúa, gần quá, bao trùm qúa, lấn sân qúa thì “ở với nhau” trở nên nặng nề, ngán ngẩm, gượng ép, ngộp thở, và khao khát cháy bỏng của hai người, nhiều người trong gia đình lúc bấy giờ sẽ là “xa nhau ra một chút”, bởi, thỉnh thoảng gặp nhau vẫn hay hơn cả tuần, cả tháng phải gồng mình “ở với nhau”.
Sở dĩ “ở với nhau” không dễ và không luôn là điều mong đợi, vì chấp nhận nhau là việc làm rất khó, đòi phải quên mình, bỏ mình rất nhiều trước người khác, và vì người khác.   
1.   Chấp nhận người khác là phải từ bỏ một phần của mình:
Người khác “khác” mình, bởi giống mình trọn vẹn, như mình từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài thì không còn “người khác”, và không xẩy ra những xung đột trong đời sống chung, vì những khác biệt giữa mình và người khác.
Vì khác nhau rất nhiều từ nguồn gốc gia đình, trình độ, sinh hoạt cuộc sống đến suy nghĩ, tính tình, chọn lựa, nên chấp nhận người khác không luôn dễ, vì khi chấp nhận ai chính là giảm thiểu một phần của mình, từ bỏ một phần thuộc về mình, mà trên đời mấy ai chịu mất mình, quên mình, bỏ mình, nhận thiệt thòi về mình.
2.   Vì khó chấp nhận, nên tìm cách thay đổi người khác:
Chấp nhận cái khác của người khác, bằng chịu hạ mình, nhân nhượng, xuống nước là một cố gắng phi thường ở mọi người, vì ở đời, thiệt thân luôn là điều tối kỵ cần phải tránh. Vì thế, thay vì chấp nhận, phần đông có khuynh hướng thay đổi người khác như ý mình, thay đổi nếp nghĩ, lối sống của người khác cho hợp với sở thích của mình hơn là ép mình, gồng mình chấp nhận “cái khác” của người khác, cho cuộc sống chung êm đẹp, bình an.
Thực vậy, những ngày phải “ở trong nhà”, phải “ở với người nhà”, phải sinh hoạt trong không gian “mái nhà” tuy có “ấm cúng” nhưng không thiếu những lúc “nóng nẩy, nực nội” khiến chúng ta cảm thấy  ngao ngán “ở với nhau”, mệt mỏi ra vào nhìn mãi những khuôn mặt quen thuộc, và có thể bất thình lình nổi quạo, bực bội không chỉ vì căng thẳng, lo âu do đại dịch, mà còn vì những nặng nề, ngột ngạt khi phải “ở với nhau” lâu ngày trong một không gian qúa chật hẹp, nhiều giới hạn.
Để vượt qua khó khăn “ở với nhau” giữa mùa cách ly vì đại dịch, có lẽ không gì tốt hơn là can đảm chọn “chấp nhận nhau” hơn “thay đổi nhau”, vì thay đổi nhau không bao giờ có thể thực hiện, nếu trước đó đã không chấp nhận nhau. Hơn nữa, giữa thay đổi và chấp nhận, mức độ khả thi của chấp nhau vẫn cao hơn thay đổi nhau rất nhiều.
Nhưng để chấp nhận người khác, chúng ta phải khởi đi từ chấp nhận mình, bởi mình mới là nguyên nhân của tất cả thành công, thất bại, cũng như chấp nhận mình mới thực là chià khóa để thành công trong công trình chấp nhận người khác.
Chấp nhận mình trước hết là nhận mình có nhiều giới hạn, kể cả giới hạn của khả năng chấp nhận người khác, và sống chung với họ. Khi nhận mình có giới hạn, thái độ của chúng ta sẽ mềm mỏng, nhẹ nhõm hơn trước những “chướng tai, gai mắt” người khác gây ra. Nhận mình có giới hạn, chúng ta sẽ khiêm tốn, quảng đại hơn để dễ thông cảm, tha thứ, bao dung trước những thiếu sót, chuệch chọac, hậu đậu của người khác. Nhận mình có giới hạn còn giúp chúng ta bình tĩnh, bình tâm hơn khi “ở với nhau” mà không ăn ý, sống với nhau mà cao thấp so le, ở cùng  nhau mà ngang dọc, lên xuống khác chiều.    
Chấp nhận mình chưa đủ, để chấp nhận người khác, chúng ta còn được mời gọi chấp nhận cuộc sống, chấp nhận những biến cố đang xẩy ra quanh mình, chấp nhận cả tình huống làm sợ hãi, hoang mang, bởi khi chấp nhận cuộc sống một cách trung thực và can đảm, chúng ta không còn khó khăn với người đang cùng chung số phận với ta trước cùng một biến cố, cũng không gay gắt đòi hỏi những gì vượt qúa giới hạn của người cùng ta chung sống, bởi cũng như ta, họ có nhiều giới hạn và cuộc sống với những bất ổn, khủng hoảng cũng đè nặng  tâm hồn và khuấy động, đảo lộn sinh hoạt vốn bình thường, bình an của họ, như ta đang bị bủa vây, công kích.     
Những ngày cách ly vì Covid cho chúng ta cơ hội ở nhà, sống trong nhà, ở với người nhà. Tuy cơ hội phát sinh từ tình huống bất đắc dĩ “chống dịch như chống giặc, và ở trong nhà là vũ khí tốt nhất”, nhưng chúng ta vẫn có thể biến cách ly thành cơ hội tích cực: đoàn tụ xum vầy, với tinh thần khiêm tốn, nhẹ nhàng, tế nhị chấp nhận nhau, mà không vì ích kỷ, háo thắng đòi thay đổi nhau bằng mọi giá, bởi không ai có thể thay đổi ai, nếu không yêu thương chấp nhận họ trước đó; không người nào có thể thay đổi được người nào, dù ý chí thay đổi  bốc cao ngùn ngụt, quyết tâm thay đổi cuồng nhiệt như  lửa hoả diệm sơn, hào khí thay đổi hừng hực, hối hả như bước chân ánh sáng.
Mong dịch Covid chóng qua, để mỗi người rút ra nhờ chấp nhận mình, chấp nhận cuộc sống để có thể chấp nhận nhau, từ những ngày ở nhà vì cách ly xã hội, những niềm vui, hạnh phúc từ bấy lâu khép mình, ẩn mình, giấu mình ngay trong nhà, ở người nhà, dưới mái nhà mà chúng ta vô tình không hay biết…
Jorathe Nắng Tím

0 nhận xét: