Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

TÌNH NGHĨA

Suy niệm “Sáng Sớm Phục Sinh
Hạnh phúc sâu thẳm và bền bỉ nhất của một người là biết mình không bị bỏ rơi trong khủng hoảng thử thách, bị quên lãng trong tang thương thất bại, bị bạc đãi khi sa cơ thất thế, nhưng trong hoàn cảnh bi đát nhất, tận đường cùng thê lương nhất vẫn có người chia sẻ tình nghiã. Và Tin Mừng Gioan đã thuật lại hạnh phúc của hai người rất tình nghiã vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, ngay bên phần mộ, đã gặp gỡ, âu yếm gọi tên nhau.
“Bà Maria Mácđala đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần măc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu”… Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa : “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!”. Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Maria tưởng là người làm vườn liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về”. Đức Giêsu gọi bà: “Maria!”. Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Rápbuni!” (nghiã là ‘Lậy Thầy!’) (Ga 20,11-16)
Đọan Tin Mừng trên đã không chỉ tình nghiã ở khung cảnh, mà còn tình nghiã ở con người và thái độ:
1.   Khung cảnh tình nghiã:
Người ta vẫn nói: khi họan nạn, gian nan mới biết ai tình nghiã, nên đến với nhau ở những hoàn cảnh đau ốm, chết chóc, tìm nhau ở khung cảnh của bệnh viện, nhà xác, mộ phần thì chắc chắn khó có thể tình nghiã hơn, bởi người đời thường tìm nhau chốn vinh quang, quyền thế, khi người này còn hy vọng được người kia cất nhắc, người tìm cơ hội còn đặt kỳ vọng ở người có khả năng “ban ơn mưa móc”.
Thực vậy, hầu hết người ta tìm đến nhau, qua lại “thân thiết” với nhau, tỏ ra “tình nghiã” với nhau khi hai bên còn có lợi, nhưng chỉ cần một bên nhìn ra bất lợi sẽ về mình, nhận ra nguy hiểm sẽ dạt trôi theo mình thì lập tức “tình nghiã đôi ta chỉ thế thôi”. Và đó là câu chuyện thường tình của tình đời, mà ai cũng một lần thấm thía cảm nghiệm.
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, tức vào ngày thứ ba sau khi Đức Giêsu chết, bà Maria Mácđala hối hả ra thăm mộ Ngài. Chắc chắn bà thương nhớ Đức Giêsu lắm, và lúc này tình yêu trong bà đột nhiên cháy bùng, khi bà nhớ lại khung cảnh tình nghiã trước mộ phần của Ladarô, em trai bà hôm nào ở Bêtania.
Hôm ấy, Đức Giêsu, người bà thương mến, và cũng thương mến bà đã đến tận Bêtania, nơi chị em bà cư ngụ, cũng là nơi Đức Giêsu cùng các môn đệ thường ghé nghỉ ngơi trên đường truyền giáo. Nghe tin Ladarô bệnh nặng, nhưng Đức Giêsu chỉ về chia buồn cùng hai chị em, sau khi đã an táng Ladarô.
Tuy không về kịp khi Ladarô còn nằm bệnh, nhưng trở về chia buồn hôm ấy, sau khi Ladarô đã chết được bốn ngày, Đức Giêsu đã biểu lộ một tình cảm đặc biệt như Tin Mừng Gioan kể: Trên đường ra viếng mộ, thấy cô Maria “khóc, và những người Do Thái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng, và xao xuyến. Người hỏi: “Các người để xác anh ấy ở đâu?” Họ trả lời: “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem”. Đức Giêsu liền khóc. Người Do Thái mới nói:“Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!” (Ga 11,33-36).  
Nhớ lại con người tình nghiã đã đến tận nghiã trang, trước phần mộ, và gọi em mình ra khỏi mồ hôm ấy (x. Ga 11,43), Maria Mácđala bỗng nghe trào dâng trong hồn niềm thương nỗi nhớ, và quặn thắt trong tim cơn đau mất Đức Giêsu, con người tình nghiã, cũng là người bà đã trao dâng hết tình yêu, và sống trọn vẹn tình nghiã của một người môn đệ.
2.   Con người tình nghiã:
Tin Mừng Gioan cho chúng ta biết: “Đức Giêsu qúy mến cô Mácta cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô” (Ga 11,5). Và chị em của gia đình này cũng rất tình nghiã với Ngài, đặc biệt là cô Maria. Bằng chứng là Ngài chọn gia đình cô là nơi thân tín, chỗ đáng tin cậy, và năng lui tới nghỉ ngơi.  
Tình nghiã với Đức Giêsu, cô Maria Mácđala không chỉ là người tâm giao, môn đệ trung tín luôn khao khát lắng nghe Đức Giêsu (x. Lc 10,39), mà còn thường xuyên cùng Đức Maria, thân mẫu của Đức Giêsu có mặt trên hành trình truyền giáo của Ngài. Nhưng tình nghiã hơn cả là suốt đường Thương Khó, cũng như dưới chân Thánh Giá giờ hấp hối của Đức Giêsu, cô Maria Mácđala đã luôn có mặt với Mẹ Ngài, và không rời Đức Giêsu một bước (x. Ga 19, 25).    
Qủa thực, không thể chối cãi tình nghiã của cô Maria Mácđala đối với Đức Giêsu, và cũng không thể phủ nhận tình nghiã sâu thẳm Đức Giêsu dành cho người môn đệ nữ này, điều mà Tin Mừng đã cho chúng ta biết, mặc dù có giả thuyết cho rằng có ba cô Maria khác nhau đã được nói đến trong Tin Mừng: Maria người đàn bà tội lỗi đã lấy nước mắt lau chân Chúa và được Chúa tha thứ, Maria quê ở Bêtania, em của cô Mácta và chị của anh Ladarô, người được Đức Giêsu cho sống lại, và Maria Mácđala.
Về vấn đề này, truyền thống của Giáo Hội công giáo từ thế kỷ thứ sáu đã chính thức nhìn nhận Maria Mácđala và Maria quê ở Bêtania, em gái của Mácta và chị của Ladarô là một người, dựa vào những điểm chung giữa “Maria Mácđala, người đàn bà tội lỗi” và “Maria quê ở Bêtania”. Đó là tính đôn đả, mau mắn, chăm chú lắng nghe, và tình cảm sâu đậm gắn bó với Đức Giêsu.
Nhưng điểm quan trọng Giáo Hội dựa vào để qủa quyết Maria Mácđala, người đã lấy nước mắt và tóc lau chân Đức Giêsu và Maria quê Bêtania, em gái Mácta là một, đó là những gì nhận được từ Tin Mừng Gioan:
Phần đầu của trình thuật Ladarô được Đức Giêsu gọi ra từ mồ, thánh sử Gioan đã viết: “Có một người bị đau nặng, tên là Ladarô, quê ở Bêtania, làng của hai chị em cô Mácta và Maria. Cô Maria là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh Ladarô, người bị đau nặng là em cô” (Ga 11,1-2).
Và ngay sau đó, ở chương 12, thánh Gioan kể về sự kiện xức dầu thơm tại Bêtania: “Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng Bêtania, nơi anh Ladarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu; cô Mácta lo hầu bàn, còn anh Ladarô là một trong những kẻ cùng  dự tiệc với Người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và qúy giá  xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giêsu là Giuđa Ítcariốt, kẻ sẽ nộp Người liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” (Ga 12,1-5).
Trả lời Giuđa khi ông phàn nàn về việc cô Maria đã lấy dầu thơm đắt tiền mà rửa chân mình, Đức Giêsu đã nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có, còn Thầy, anh em không có mãi đâu” (Ga 12,7-8).
Nói với mọi người đang dự tiệc điều này, Đức Giêsu đã công khai trao phó cho Maria Mácđala sứ mệnh vô cùng quan trọng, đó là trở lại “tuần tới” để an táng Ngài. Và đó cũng là lý do cô Maria Mácđala đã khóc sướt mướt, khi không thấy xác Đức Giêsu tảng sáng Phục Sinh, khi cô ra mộ với “dầu thơm đã chuẩn bị sẵn” (x. Lc 24,1).
Riêng Tin Mừng Matthêu còn nhấn mạnh hơn sứ mệnh của Maria Mácđala, như củng cố những gì Tin Mừng Gioan qủa quyết qua lời Đức Giêsu: “Cô ấy đổ dầu thơm trên mình Thầy là hướng về ngày mai táng Thầy. Thầy bảo thật anh em: Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô” (Mt 26,12)
3.   Thái độ tình nghiã:
Đức Giêsu luôn tỏ ra tình nghiã với Maria Mácđala. Ngoài những việc làm với tình cảm đặc biệt dành cho cô và gia đình, như cho em trai cô được sống lại, Đức Giêsu còn công khai bênh vực cô trước mọi người, khi họ bực tức, gắt gỏng với cô, vì cô lấy dầu thơm qúy giá, rất đắt tiền đổ trên mình Ngài và lấy tóc mà lau: “Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghiãĐiều gì làm được thì cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng” (Mc 14,6-8).
Cũng với thái độ tình nghiã, Đức Giêsu đã âu yếm gọi tên cô “Maria! sáng sớm phục sinh, khi cô mếu máo, sụt sùi năn nỉ: “Nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về” (Ga 20,15), vì tưởng Đức Giêsu phục sinh là người làm vườn.
Phần Maria Mácđala, có lẽ không thể tìm thấy người môn đệ nào tình nghiã với Đức Giêsu hơn cô: tình nghiã khi sống, tình nghiã cả khi đã chết rồi; tình nghiã khi còn dong duổi rao giảng cho đám đông khao khát Tin Mừng, tình nghiã cả khi thất thế, bị theo dõi, truy lùng, bắt bớ, hành hình; tình nghiã trong những ngày êm ả, bình an, tình nghiã cả khi sóng gió phũ phàng, ở đó môn đệ phản bội, đồng bào lên án, thế quyền, thần quyền hợp đồng tiêu diệt.
Vì tình nghiã, cô bất chấp mọi nguy hiểm, đe dọa trong những ngày Đức Giêsu bị bắt bớ, tra tấn, đóng đinh, nhưng có mặt trên từng cây số của đường Thánh Giá, và cô là người môn đệ nữ đã sống những giây phút hấp hối kinh hoàng trên Thánh Giá của Thầy mình.
Hôm nay, tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, hơn ai hết cô đã biểu hiện tận cùng của tình nghiã đối với Đức Giêsu đã chết và mai táng trong mồ, và những giọt nước mắt đầm đià tình nghiã trên khuôn mặt gầy sọm vì thương nhớ Thầy của cô đã bất chợt biến thành những nụ hồng hạnh phúc khi cô nhận ra Đức Giêsu, qua tiếng Ngài gọi cô, và niềm vui phục sinh đã vỡ toang trong trái tim ngập tràn tình yêu của người môn đệ đã bỏ mọi sự mà đi theo Thầy, vì tha thiết yêu mến Thầy, khi cô mừng rỡ kêu lên “Rápbuni! - Lậy Thầy!”.
Tuần Thánh, con đường Thương Khó gập ghềnh những ganh ghét, dối trá, hận thù đã dẫn đến Núi Sọ chết chóc với cây thập tự sần sùi những bạo lực vu khống, bất công như được  khép lại, và kết thúc tất cả trong im ắng, thinh lặng của mộ phần thê lương, sầu thảm.
Tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, nghiã trang vẫn vắng vẻ, buồn thương, lặng lẽ. Chỉ có một điều không ai ngờ là “tảng đá đã lăn khỏi mộ”, và Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết như Lời Ngài đã hứa.
Chính giây phút không ngờ ấy, tình nghiã giữa Đức Giêsu phục sinh và người môn đệ trung tín Maria Mácđala đã gọi tên nhau: “Maria!” - “Rápbuni, Lậy Thầy!”.
Tên nhau cũng là tên của Thiên Chúa Tình Yêu và tên của con người Tình Nghiã, để từ nay, một kỷ nguyên phục sinh được khai mở, ở đó Thiên Chúa biểu lộ tình nghiã dành cho nhân loại qua ơn cứu rỗi tuôn đổ từ sự chết và sống lại của Ngài, cũng như con người  đáp trả bằng thao thức tìm gặp “Đức Giêsu sống lại” với tình nghiã của con thơ đối với Cha, môn đệ đối với Thầy mình.
Jorathe Nắng Tím

0 nhận xét: