Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

Mùa Chay - Mùa Cầu Bầu

Người tín hữu thường hay nhắn gửi: “Cầu nguyện cho tôi với”. Khi chia tay tạm biệt cũng không quên nhìn nhau căn dặn: “Nhớ nhau trong kinh nguyện nhé!” và cuối mỗi cánh thư vẫn dòng chữ quen thuộc: “Chúng mình cùng cầu nguyện cho nhau”. Làm như “cầu nguyện cho nhau” là cái gì cần thiết, cấp bách lắm… và cầu nguyện sẽ mang lại cho nhau nhiều điều tốt, sự lành.
“Các Thánh cùng hiệp thông” là tín điều trong giáo lý Công Giáo. Các Thánh đây gồm tất cả thần thánh trên Trời, các linh hồn trong luyện ngục và mọi tín hữu đang sống trên trần gian. Hiệp thông nói lên tình liên đới thắm thiết, tình cảm thông và tương quan hiểu biết giữa nhau. Hiệp thông là hiệp nhất và thông công: tất cả mọi thành phần gắn bó nên một và chia sẻ, hỗ tương, bổ túc, qua lại nâng đỡ nhau; vì tất cả thuộc về Đức Kitô là đầu Giáo Hội, tất cả ở trong cùng một Giáo Hội, tuy có khác nhau về tình trạng như các Thánh thuộc Giáo Hội chiến thắng, các linh hồn thuộc Giáo Hội thanh luyện, các tín hữu đang sống thuộc Giáo Hội lữ hành.
Cùng một Giáo Hội, cùng một Đức Tin, cùng một Phép Rửa, cùng một Thiên Chúa, tất cả cùng chung một tình yêu trong Đức Kitô. Chung một tình yêu là chung tất cả: chung niềm vui - nỗi buồn, chung thành công - thất bại, chung đau khổ - hân hoan, chung thử thách - chiến thắng, chung nhục nhằn - ủi an, chung nước mắt - tiếng cười, chung thao thức, chung hy vọng, chung phần thưởng, chung lời cầu. Tình hiệp thông trong Giáo Hội là giây liên kết, thắt chặt mọi người trong tình yêu Đức Kitô. Thiếu sợi giây hiệp thông quan trọng này, Giáo Hội mất tính hiệp thông và đi ngược lại điều Đức Kitô mong muốn. Và “cầu nguyện cho nhau” chính là bổn phận, vinh dự và hạnh phúc cho tất cả mọi thành phần của Giáo Hội. “Cầu nguyện cho nhau” là nét đẹp của tình huynh đệ giữa những người anh em, con cùng một Cha. “Cầu nguyện cho nhau” là biểu trưng của tình bác ái nơi những người đi theo Đức Kitô. Họ “cầu nguyện cho nhau” để tìm gặp và dắt nhau trên đường về, để nâng đỡ nhau đứng dậy cùng đi, để gánh bớt cho nhau gánh nặng, để sẻ chia, đỡ đần, an ủi, để yêu thương, che chở và nhất là để cầu bầu cho nhau trước mặt Chúa cho hạnh phúc đời đời của nhau. Dễ thương làm sao em bé chắp đôi tay bé nhỏ, mắt ngây thơ ngước nhìn lên Chúa đang nhắc lại từng lời cầu nguyện của Mẹ trước quan tài của bà ngoại. Em đang cầu bầu cùng Chúa cho bà ngoại của em được bớt hình phạt luyện ngục. Đẹp làm sao hình ảnh người Mẹ đau bệnh nằm liệt nhiều năm trên giường luôn tay lần chuỗi để cầu nguyện cho đàn con lưu lạc muôn phương được may lành. Thánh thiện làm sao đôi môi người vợ xa chồng mấp máy hàng đêm lời cầu xin cho chồng được bình an trước “hòn tên mũi đạn”. Cao cả làm sao đôi chân run rẩy của người cha già cố gắng đến tận nhà thờ để xin ơn trở về cho những đứa con tội lỗi. Tuyệt vời làm sao những giọt nước mắt long lanh trên mắt người tình trẻ trong nhà thờ vắng người nài xin hạnh phúc cho người mình yêu. Sống động làm sao những đầu gối khiêm tốn của các thầy dòng, nữ tu trong đan viện ngày đêm cầu nguyện cho tất cả mọi người. Yêu thương làm sao những ngón tay gầy guộc mân mê tràng hạt của cha xứ già trong toà giải tội để cầu xin ơn thứ tha cho hối nhân vừa nhận bí tích giao hoà. Và hạnh phúc biết bao khi biết mình luôn được nhiều người nhớ đến, cầu bầu.
Trong Cựu Ước, có rất nhiều trình thuật về tình hiệp thông trong cầu nguyện. Ápraham đã khẩn khoản Giavê Thiên Chúa tha phạt cho thành Sôđôm khi đánh liều “cò cưa mặc cả” với Chúa khi Chúa bảo: “Nếu tìm được năm mươi người lành thánh trong thành, Ta sẽ tha cho cả thành vì năm mươi người thánh thiện này” (St 18,26). Ápraham nài nỉ Chúa bớt xuống bốn mươi lăm người, rồi bốn mươi, rồi ba mươi, rồi hai mười, cho đến khi xuống đến mười người… Ông cũng không tìm được (St 18,27-33). Tuy vẫn đốt thành, nhưng Chúa tội nghiệp ông nên đã cứu gia đình ông Lót (St 19,29).
Môsê là người đã suốt đời “cầu thay nguyện giúp” cho dân. Không biết bao nhiêu lần ông đã phủ phục van xin Chúa tha tội cho dân vì nhiều lần Thiên Chúa Giavê đã phải nói với ông: “Vì dân Ta chọn đã ra hư đốn. Chúng xa khỏi con đường Ta dạy mà đi thờ bò vàng do chúng đúc ra… Ta thấy dân này là một dân cứng đầu cứng cổ…, nên cơn thịnh nộ của ta sẽ đốt cháy chúng” (Xh 32,7-10). Môsê năn nỉ, làm dịu cơn giận của Chúa: “Lạy Chúa, sao Chúa nỡ thịnh nộ với dân Ngài, dân mà Chúa đã dẫn ra khỏi Ai Cập do bàn tay quyền năng của Chúa? Nếu Chúa tiêu diệt dân Ngài, con sợ bọn Ai Cập sẽ được dịp rêu rao với nhau: Đó, Chúa của chúng nó, bởi dã tâm đã đem chúng ra đi, để giết chúng nơi núi rừng và tận diệt chúng khỏi mặt đất. Xin Chúa hãy nhớ đến các tôi tớ trung thành của Chúa là Ápraham, Isaác và Giacob mà tha tội cho dân… Và Giavê đã rút lại quyết định trừng phạt dân của Ngài” (Xh 32,11-14). Lời nguyện xin, cầu bầu của Môsê đã cứu dân khỏi bị tiêu diệt cho thấy sức mạnh của việc “cầu thay nguyện giúp”. Lời nguyện cầu tha thiết của ông là lời ca ngợi những kỳ công do tình yêu và bàn tay quyền năng của Chúa, đồng thời xin Chúa nhớ lại những khuôn mặt tôi tớ trung thành của Chúa. Khi nhắc đến Ápraham, Iasaac, Giacob, Môsê đã cậy vào uy tín và ơn phúc của các tổ phụ, một cách nào đó, Môsê đã dùng tên các Ngài như một bảo đảm cho lời nguyện cầu của mình. Như thế, Môsê không chỉ cầu nguyện một mình với Giavê, không chỉ đơn độc năn nỉ Giavê, nhưng hiệp thông với cha ông, với cả giống nòi, dân tộc được chọn để cùng “cầu thay nguyện giúp” cho dân. Sức mạnh của lời cầu nguyện là sức mạnh của mầu nhiệm hiệp thông như chúng ta luôn cầu xin cùng toàn thể Giáo Hội và xin mọi sự “vì Đức Tin của Hội Thánh Chúa”. Trong Đức Tin của toàn thể Giáo Hội, lời cầu nguyện mang tầm vóc “lớn lao và toàn thể” của tất cả dân thánh Chúa và lời cầu ấy chắc chắn sẽ đẹp lòng Chúa hơn lời cầu riêng lẻ, đơn độc. Hiệp thông trong lời cầu là hiệp thông sức mạnh cầu bầu với Chúa, Đấng là Tình Yêu thông hiệp như Ba Ngôi đã hiệp thông trong nhau, như Đức Kitô đã hiệp thông với tất cả những người đi theo Ngài: “Thầy ở trong chúng con và ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế”.
Đức Maria là gương mẫu của cầu bầu và phép lạ hoá nước thành rượu trong tiệc cưới Cana là bằng chứng hùng hồn. Khi biết nhà đám thình lình hết rượu, Đức Maria đã kín đáo cầu bầu cùng Đức Giêsu cho nhà đám và xin Ngài làm phép lạ cứu đôi tân hôn ra khỏi thế bí hết rượu giữa buổi tiệc. Bởi tiệc cưới đang hồi “cao trào, dô dô bốc lửa” mà hết rượu thì ăn nói làm sao với quan khách? Nếu Đức Kitô không làm phép lạ theo lời xin của Mẹ Ngài cho sáu chum nước biến thành sáu chum rượu tuyệt ngon thì đôi tân hôn sẽ phải thẹn thùng, bẽ bàng biết bao. Và như chúng ta biết, lời cầu bầu của Đức Mẹ đã cứu gia đình mới và ban cho họ niềm vui, hạnh phúc tràn đầy (Ga 2,1-12).
Đức Kitô cũng tỏ cho ta thấy sức mạnh của “cầu thay nguyện giúp” của người sống dành cho người đã qua đời. Người chết rất cần lời cầu của người sống, vì khi chết rồi, con người không còn cơ hội lập công đền tội nữa, mà chỉ còn trông mong vào người còn sống thương xót cầu bầu cho. Khi nghe tin Lazarô chết, Đức Kitô ghé chia buồn. Ngài không có ý làm phép lạ cho Lazarô sống lại, nhưng trước lời nài van, năn nỉ của Matta và Maria là hai chị của ông với Đức Kitô: “Lạy Thầy, nếu Thầy ở đây thì em con không chết, nhưng bây giờ vẫn còn kịp, vì con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa thì Thiên Chúa cũng ban cho Thầy” (Ga 11,21-32), Đức Kitô đã cho ông sống lại mặc dù đã chết bốn ngày và xác đã nặng mùi. Cho Lazarô sống lại vì Matta và Maria khẩn khoản nài xin, Đức Kitô đã mạc khải chân lý hiệp thông giữa các tín hữu đã ly trần và những người còn sống. Người chết được hưởng trọn vẹn những lời “cầu thay nguyện giúp” của người sống và vì lời cầu nguyện hiệp thông, chia sẻ, cầu bầu này, linh hồn người đã chết được hạnh phúc trong Nước hằng sống. Lazarô đã được sống lại nhờ lời cầu bầu của hai chị là hình ảnh của các linh hồn được hưởng sự sống đời đời nhờ lời cầu của chúng ta.
Nhưng đôi khi vì ích kỷ, ta như Giôna thay vì vui mừng, cảm tạ, đã trách móc, giận dỗi Chúa vì Chúa đã tha thứ cho thành Ninivê (Gn 4,1-4). Không thiếu những lần trái tim ta nhỏ bé, hẹp hòi và còn vương vấn hận thù, ghen ghét đã từ chối không cầu nguyện cho những người ta không ưa, những người làm ta buồn lòng, hoặc thiệt hại vật chất. Tính tự nhiên bảo ta “vui khi họ buồn và buồn khi họ vui”, nên đã không cầu thay nguyện giúp cho những người này bao giờ. Ta đã quên một điều quan trọng trong đòi hỏi của Đức Ái, đó là “cầu nguyện cho kẻ ghét bỏ, bách hại chúng con”. Cầu bầu cho họ là việc làm đẹp lòng Chúa hơn cả vì đòi ở ta nhiều hy sinh, quảng đại, quên mình. Nhưng chính khi cầu nguyện cho những người này, ta học được nơi Chúa lòng xót thương vô bờ bến. Chính lòng thương xót ấy sẽ xót thương ta; chính lòng thương xót ấy sẽ là nơi ta náu thân, là niềm cậy trông vững chắc trong kinh hoàng, sợ hãi của giờ lâm tử. Thiên Chúa Giavê đã chỉ bảo cho Giôna cũng như đang nói với từng người chúng ta sau khi làm cho cây thầu dầu cho Giôna bóng mát thình lình chết héo: “Giôna, ngươi mủi lòng vì cây thầu dầu mà ngươi đã không tốn công trồng và làm cho nó lớn lên… Còn Ta, Ta không chạnh lòng sao được trước cả một kinh thành đông đúc, trong đó có hơn mười hai vạn người…!” (Gn 4,5-11).
Kinh nghiệm thiêng liêng cho thấy: khi cầu nguyện, chúng ta gặp được mọi người và chỉ trong cầu nguyện, ta mới thấy mình gần gũi, yêu thương mọi người, nhất là những người thân yêu, quen biết. Cuộc sống vội vã, chộp giật vì miếng ăn, manh áo, vì danh vọng, sự nghiệp, nên mấy ai nhớ đến ai, vì không có giờ, vì không có lợi… Chỉ những tâm hồn cầu nguyện, những con người cầu nguyện, những cuộc sống cầu nguyện mới thật sự yêu thương, gần gũi, giúp đỡ mọi người. Bởi trong cầu nguyện, ta gặp và cầu bầu cho những người đã chết, ta nhớ và cầu xin cho những người đang sống, ta chiêm ngắm và xin các Thánh trên Trời “cầu thay nguyện giúp”. Trong cầu nguyện, ta hiệp thông với toàn thể Giáo Hội và nài xin mọi điều lành cho mọi người vì “Đức Tin của Giáo Hội”. Bằng lời và đời cầu nguyện, ta chia sẻ gánh nặng và chung niềm vui với người khác. Cũng với cầu nguyện, người khác xin ơn tha thứ, kéo ơn bình an xuống đời ta khi cầu bầu cùng Chúa cho ta.
Mùa Chay là Mùa cầu nguyện. Cầu nguyện là ca tụng lòng thương xót Chúa và tôn vinh danh thánh Ngài. Cầu nguyện là nhớ đến Giáo Hội và mọi thành phần trong Giáo Hội từ các Thánh đến các linh hồn, người đang sống. Nhớ và yêu thương. Nhớ và cầu thay nguyện giúp. Nhớ và chia sẻ vui buồn. Nhớ và kê vai đỡ bớt gánh nặng. Nhớ và tha thiết cầu bầu. Nhớ và hiệp thông, bác ái; bởi Đức Tin của Giáo Hội là Đức Tin hiệp thông trong Đức Kitô, không phải đức tin riêng lẻ, cá nhân, đơn độc; Đức Tin của toàn thể dân thánh được tuyển chọn; Đức Tin của đoàn lũ những người đi theo Đức Kitô, lắng nghe Ngài và ở với Ngài. Đức Tin ấy không bao giờ cằn cỗi vì được tháp nhập vào Đức Kitô như cành gắn liền cây. Đức Tin ấy không chơ vơ giữa trời mông quạnh hay lầm lũi một mình một bóng, nhưng là Đức Tin rộn rã, sống động, hợp quần, liên đới như đàn chiên hớn hở vui mừng cùng đi với nhau theo chân Chúa chiên đến đồng cỏ xanh, đến bờ suối mát. Chính vì thế, lời nguyện cầu trong Đức Tin của Hội thánh là lời nguyện cầu cộng đồng, hiệp thông để mọi thành phần dân Chúa đều được hưởng ơn phúc từ lời cầu. Giáo Hội là gia đình, là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô nên lời cầu của mọi thành viên gia đình, lời nguyện của tất cả các chi thể đều ảnh hưởng đến nhau, nâng đỡ được nhau, cứu giúp được nhau. Có biết bao tâm hồn thánh thiện đêm ngày cầu nguyện cho ta mà ta không biết. Có biết bao nữ tu nhà kín đêm ngày khẩn khoản Thiên Chúa “tha nợ tha phạt” cho ta mà ta không hay. Có biết bao trái tim từng giây phút xin ơn bình an cho ta mà ta chẳng quan tâm, để ý. Có biết bao tấm lòng đang cầu xin ơn trở về cho ta mà ta hờ hững, coi thường. Và có biết bao người trong Giáo Hội sẽ nhớ đến ta khi ta xuôi tay trở về với đất mà ta không hề ý thức tình yêu và giá trị cứu rỗi họ sẽ dành cho ta.
Mùa Chay như một lần trở về, trở về gặp nhau trong cầu nguyện, trở về gặp lại những người đã quen biết, thương yêu, những người lâu rồi không gặp, những người chẳng bao giờ được gặp nhưng họ đang “cầu thay nguyện giúp” cho ta khi sống cũng như khi chết. Trở về gặp lại những người này là trở về nhà Giáo Hội, ở đó mọi người hiệp thông cầu nguyện và hiệp thông cầu nguyện cho nhau nhân danh Đức Kitô, Đấng đã phán: “Các con hãy yêu thương nhau” và tình yêu cao quý, lớn lao nhất chúng ta có thể dành cho nhau là nhớ đến nhau trong lời và đời cầu nguyện.