Có lẽ danh từ được nói đến nhiều
nhất, sứ mệnh khó khăn nhất, công tác vất vả nhất
và nhu cầu cấp bách nhất chính là Hoà Giải. Con người ở bất cứ thời đại nào
cũng cần hoà giải: hoà giải giữa vợ chồng, hoà giải giữa cha mẹ - con cái, hoà
giải giữa ông bà - cháu chắt, hoà giải giữa những người cùng xóm, cùng làng,
cùng sở, cùng tổ chức, hoà giải giữa các quốc gia, giữa khối này khối nọ, chưa
kể nhu cầu hoà giải giữa mình với mình, giữa mình và Thiên Chúa. Hoà giải ở giữa
sinh hoạt con người, cần thiết cho con người tồn tại và hạnh phúc. Hoà giải
giúp con người ra khỏi những bế tắc trong tương quan, giải quyết những khúc mắc,
đối kháng trong sinh hoạt. Hoà giải bảo đảm an bình cho tâm hồn, hạnh phúc cho
gia đình, hoà bình cho thôn làng, thế giới. Hoà giải gắn liền mọi người của mọi
tuổi tác, địa vị, hoàn cảnh: học sinh mẫu giáo cũng cần hoà giải như cha mẹ,
ông bà, lãnh đạo quốc gia. Hoà giải thực thiết thân với cuộc sống con người,
nhưng con người hoà giải được hay không và hoà giải đến mức độ nào. Đó là điều
chúng ta cùng chia sẻ.
Hoà giải chỉ có ý nghĩa và tồn tại
khi có bất công. Nếu xã hội, con người không bị đảo lộn, căng thẳng vì bất
công, thì sự có mặt của hoà giải thật vô duyên vì không ai cần hoà giải can thiệp.
Bất công là tình trạng vắng bóng công bình: Tôi không đụng chạm quyền lợi của
anh, nhưng anh đem búa đập nhà tôi. Anh đã không tôn trọng công bình và đã gây
ra cho tôi bất công. Bất công là khi công bình bị tấn công, vi phạm: Hai bên đã
ký kết giao kèo, nhưng anh không tôn trọng, cứ cho người sang phá hoại hoa mầu
ruộng nhà tôi. Anh đã gây bất công cho tôi. Anh nhận từ tôi lòng yêu mến, ngưỡng
mộ, hy sinh, nhưng anh phản bội, bỏ rơi tôi, anh đã gây cho tôi bất công. Anh
có bổn phận xây dựng, bảo vệ đất nước vì đất nước đã yêu thương, nuôi nấng anh,
nay anh bán đứng quê hương, làm hại đất nước, anh đã gây bất công cho đất nước,
quê hương.
Như thế, bất công là vi phạm bổn
phận công bình và bất cứ vi phạm nào đều có người vi phạm và người bị xúc phạm,
người gây tổn thất và người bị tổn thương, người gây bất công và người chịu hậu
quả buồn của bất công, tác giả tội ác và nạn nhân tội nghiệp. Bất công đã gây
ra đối kháng căng thẳng giữa hai bên và tạo nên bầu khí căng thẳng, rực lửa hận
thù. Bất công làm đảo lộn đời sống bình thường, an bình, hạnh phúc. Bất công đặt
con người vào vị trí mâu thuẫn, thù nghịch, sẵn sàng trừng phạt, tiêu diệt
nhau. Bất công chặt đứt giây liên đới hoà bình, thân ái và khoanh vùng chiến đấu,
đào chiến hào tấn công. Bất công càng lớn, thù hận càng cao. Bất công càng sâu
đậm, chiến tranh càng khốc liệt.
Trước những vi phạm và hậu quả tai hại của bất công, người
ta có những thái độ nào?
Người ta có thể ỷ thế mạnh và chơi
“bài lì”, không sửa chữa bất công; hoặc bất chấp đòi hỏi của công bằng là bồi
thường thiệt hại vật chất, tinh thần. Người ta cũng có thể tìm những giải pháp
giai đoạn, tạm bợ để ru ngủ đối phương. Nhưng cả hai thái độ trên đều không tái
tạo được an bình và ngày đêm người trong cuộc sẽ khổ sở vì “chiến tranh”. Nói đến
chiến tranh là nói đến tình trạng mất an ổn, mà an ổn quan trọng nhất, ảnh hưởng
lớn cho hạnh phúc con người là an ổn tinh thần. Ta có thể tưởng tượng một giấc
ngủ an bình, hạnh phúc của một tâm hồn không gây bất công, thù oán với ai và một
giấc ngủ trằn trọc, lo sợ bị trả thù của một người gây nhiều bất công, làm hại
người khác, tổn thương tha nhân. Chính vì muốn “ngủ ngon với tâm hồn an bình”,
chính vì muốn tránh tâm trạng lo âu, sợ sệt, chằm chặp đề phòng bị khủng bố của
người lâm chiến mà người ta không thể sống mãi trong căng thẳng do bất công.
Chính vì cần một bầu khí bình an, an toàn mà người ta phải tìm đến hoà giải. Hạnh
phúc ở đâu và thời nào cũng là mục tiêu phải đạt của con người. Khát vọng hạnh
phúc ấy đã vận động, thúc đẩy con người đi tìm hoà giải, vì ngoài hoà giải,
không còn phương án nào có thể chuộc lại bất công, nối lại liên đới, tái lập an
bình. Ngay trên bình diện thế giới, các nước lâm chiến, dù thù địch lâu năm,
lâu đời, nhưng đến một lúc nào đó, vì không chịu nổi áp lực đe doạ của đối
phương, đã phải ngồi vào bàn hội nghị, cùng tìm một giải pháp hoà bình. Cách
này hay cách khác, khát vọng bình an nơi con người vẫn luôn kêu gào hoà giải, cần
đến hoà giải.
Hoà giải thường được hiểu là hai
bên ngồi lại trao đổi, tìm một giải pháp thoả đáng bồi hoàn những thiệt hại cho
phía bị tổn thương. Nếu bất công đã gây ra nông nỗi thì người gây ra bất công
phải trả lại những gì đã làm mất, hư hại, tổn thất để nông nỗi được tẩy xóa nhờ
công bình. Công bình xuất hiện để làm việc với bất công. Công bình có mặt để
đòi bất công trả lẽ. Công bình ra tay để hậu quả do bất công gây ra được đền bù
cân xứng. Công bình đối mặt với bất công và hoà giải được hiểu khi bất công gục
mặt đền trả hết những gì công bình đòi hỏi, khiếu nại. Tiến trình hoà giải sẽ
nhanh hay chậm, thành công hay thất bại, tốt đẹp được bao nhiêu phần trăm hoàn
toàn tùy thuộc trao đổi, thương lượng giữa bất công và công bình, giữa tác nhân
và nạn nhân của bất công. Ở đây, ta bị đặt trước giới hạn của hoà giải theo
công bình của nhân loại; bởi công bình nhân loại là công bình không bác ái,
công bình đứng riêng lẻ một mình như quan toà ngồi riêng một tòa xử án; bởi
công bình của con người là “răng đền răng, mắt đền mắt”, nên khó có thể đạt đến
mức hoàn hảo trong công tác đền bù. Nếu răng cứ khăng khăng đòi răng, mắt cứ
nghiêm khắc đòi mắt thì khi người gây tội ác, bất công đến lúc hoà giải răng
không còn, mắt chẳng thấy thì hỏi sẽ lấy gì mà đền trả người bị thiệt hại cho
đúng lẽ công bằng. Nếu công bằng của nhân loại đòi chi li từng phân thiệt hại
thì mãi mãi hoà giải giữa con người sẽ bế tắc, hoặc không đem lại kết quả lâu
dài, vững chắc, có nghĩa là không tái lập được giây liên đới bền chặt và một bầu
khí an bình như phải có. Hoà giải với tiêu chuẩn công bình nhân loại sẽ khó đảm
bảo sự chân thành trong trao đổi vì nền tảng chỉ là công bình nguyên chất, khô
khan, cứng cỏi, đanh thép, lạnh lùng. Tóm lại, hiểu đơn giản hoà giải là trả lại
công bình cho bất công như trả lại món đồ đã ăn cắp cho khổ chủ là một thiếu
sót và không dẫn đến hoà giải thực sự, sâu sắc, vững bền. Hoà giải kiểu “ăn cắp
- trả lại, gây thiệt hại bao nhiêu, bồi thường bấy nhiêu” là kiểu hoà giải của
nhân loại và kết quả sẽ là: hòa giải bao nhiêu cũng không hoà bình, hòa giải cỡ
nào cũng vẫn binh đao, hoà giải đến đâu cũng lao đao, lấn cấn, vì công bình đứng
một mình không thể đem lại an bình thật.
Trở
về với Đức Kitô, Đấng Hoà Giải nhân loại với Chúa Cha, Đấng đã xuống ở với con
người để vào bàn hội nghị với con người, ở đó con người là tác nhân gây ra bất
công, những bất công tày đình, rất nặng nề đối với Thiên Chúa là đấng tạo nên
mình. Với tội lỗi chồng chất, con người đã vi phạm công bình đối với Thiên Chúa
khi bất chấp bổn phận của thụ tạo đối với Đấng Chủ Tạo, bất chấp nghĩa vụ làm
con với cha, bất chấp trách nhiệm làm chủ và coi sóc vạn vật. Cứ theo lẽ công
bình, con người phải đền trả, bồi hoàn những thiệt hại đã gây ra do tội, những
tổn thương đã xúc phạm đến Thiên Chúa khi phá vỡ công trình tạo dựng nguyên thủy
của Ngài; chưa nói đến tội phản nghịch, bội ước đối với Đấng đã ký kết với con
người giao ước yêu thương. Đức Kitô có quyền hạch hỏi và đòi bồi thường, nhưng
thay vì tính toán thiệt hại chồng chất, Ngài đã gánh hết nợ nần, bất công của
con người và xóa sạch tất cả bằng máu Ngài để tái lập một liên đới mới, một
giao ước mới, vĩnh cửu đời đời. Ngài đã hoà giải con người, mỗi người với Chúa
Cha bằng cái chết và tái lập tình nghĩa Đất - Trời, tình cha con giữa Thiên
Chúa và loài người.
Trong
cuộc hoà giải với con người, Đức Kitô đã đi bước trước: “Khi anh còn ở xa, cha
anh đã trông thấy anh, cha động lòng thương và chạy đến ôm chầm lấy anh mà hôn”
(Lc 15,20). Người con hoang đàng trở về chưa kịp nói với cha những lời tạ tội,
thống hối thì cha anh đã “chạy lại, ôm chầm lấy anh mà hôn”. Cha đã không cho
anh nói thêm, đã không cần anh xin lỗi dài dòng, nhưng chạnh lòng thương, mừng
rỡ, ôm chầm lấy. Hình ảnh người cha là hình ảnh Thiên Chúa đi tìm con người để
hoà giải con người với mình. Có đời nào người làm bất công, kẻ có tội lại được
người vô tội, người bị thiệt hại, tổn thương đi tìm và hoà giải? Có đời nào cậu
con phung phí hoang đàng, tiêu tán hết sản nghiệp của cha, nay trở về lại được
cha âu yếm ôm hôn, mà chẳng bị hạch hỏi tội lỗi và bắt phải đền bù? Thiên Chúa
đã hoà giải con người bằng sáng kiến kỳ lạ đầy yêu thương, nhân hậu. Sáng kiến
hoà giải của Ngài không dựa trên công bình kiểu nhân loại, nhưng để yêu thương,
tha thứ phủ lấp công bình, nên chỉ còn tình xót thương nổi bật trong hoà giải.
Khi chạy ra đầu ngõ đón con, người cha đã tìm đến con để hoà giải, đã đi bước
trước để cha con hoà giải mà không cần qua một thủ tục, nghi thức rườm rà nào.
Đi tìm con người đã xúc phạm đến mình để hoà giải, Thiên Chúa đã xuống quá thấp
trước con người tội lỗi để nâng con người lên, để nối lại với con người mối
giây ân tình một thời đã đứt vì bất công của con người gây ra. Là Tình yêu nên
Thiên Chúa không thể không yêu thương, nếu không Ngài sẽ tự chối chính mình.
Chính vì tình yêu mà ơn hoà giải đã được ban nhưng không và dồi dào, miễn con
người dám mở cửa lòng để đón nhận. Như người con hoang đàng đã mở cửa lòng khi
tự nhủ: “Tôi sẽ trở về với cha và thưa với ngài rằng: Lạy cha, con đã lỗi phạm
đến Trời và đến cha” (Lc 15,18). Như thế, điều kiện để được hoà giải với Thiên
Chúa không là số lượng chính xác thiệt hại phải đền bù hay công bình chính xác
phải bù đắp bất công đã gây ra, nhưng là thái độ mở cửa lòng để Thiên Chúa vào
được để ban ơn hòa giải. Người cha đã không nói một lời phiền trách hay gắt gỏng,
bực bội ra điều kiện, nhưng xúc động, vui mừng vì con tôi chết, nay sống lại,
đã lạc mất nay tìm thấy (Lc 15,32).
Tự
mình đi bước trước đến hoà giải với con, người cha - Thiên Chúa cũng hoà giải
con người với nhau. Khi nghe gia nhân bảo: “chú em đã về và cha đã cho giết bê
béo để ăn mừng, vì chú về mạnh khoẻ”, người anh lớn tức giận, nổi sùng, không
muốn vào nhà (Lc 15,27-28). Cha anh phải ra gặp và khuyên bảo. Niềm vui của cha
đã không là niềm vui của người anh cả. Hạnh phúc của cha đã không là hạnh phúc
của người anh cả, vì trái tim cha thì đầy nhân hậu, thương xót, còn quả tim người
anh thì chật hẹp, ích kỷ. Người anh cả đã không mừng vì em mình về, không vui
khi em bình an, không phấn khởi khi từ nay gia đình quây quần, cha già thôi khắc
khoải, mắt lệ ngóng trông đầu ngõ mỗi buổi chiều. Trái lại, người anh giận dữ
vì em về, thất vọng vì từ nay trong nhà thêm một miệng ăn, bực bội vì cha già mừng
rỡ đón thằng con bất hiếu, hư hỏng. Thế mới biết, trái tim người anh bấy lâu đã
chai sạn, cằn cỗi nên chẳng thương cha, cũng chẳng nhớ em. Anh đang lên cơn sốt
ích kỷ khi nghĩ đến ngày mai trong nhà thêm một đứa mà đáng lẽ nó nên chết đi
thì hơn. Cũng vì ích kỷ, anh nhận ra những bất công, thiệt hại vật chất của em
đã gây ra và anh đòi em phải trả lẽ công bình. Anh dựa vào công bình để đẩy em
ra khỏi vòng tay của cha. Anh mượn lẽ công bình để em không được ở nhà và không
còn quyền làm con như anh. Anh cậy lẽ công bình để loại trừ em như loại trừ một
đối thủ. Lòng ghen tức đang gây mâu thuẫn, căng thẳng trong anh và anh không thể
hiểu được: tại sao cha lại quá yếu đuối, nhu nhược trước thằng con “trời đánh”,
hoang đàng, sa đoạ đã gây biết bao buồn đau, thiệt hại cho cha và gia đình.
Cũng với giọng đòi hỏi công bình, anh sấn sổ hạch hỏi: “Con đã hầu hạ cha bao
nhiêu năm, không làm trái ý cha bao giờ, thế mà có khi nào cha tự cho con một
con dê béo để vui vẻ với bạn bè? Còn đứa con hoang đàng của cha, phung phí, ăn
chơi sa đọa trở về thì cha lại giết bê béo ăn mừng” (Lc 15,29-30). Quả thực,
anh con cả này bị ám ảnh bởi công bình vật chất nên đã không hạch cha điều gì
ngoài chuyện dê béo, bê béo, công tội. Anh không quan tâm đến tình phụ tử, niềm
vui của cha khi tìm được đứa con đã mất, hạnh phúc của tuổi già có con cái đông
đủ quây quần. Anh chỉ nhắm chuyện của cải và so sánh công sức anh đã phụng dưỡng
cha với đời sống điếm đàng, phung phí của cậu em và thúc cha phải phân minh giải
quyết “cho ra nhẽ”. Anh muốn một giải pháp công bình tuyệt đối; nghĩa là cha
không được vui mừng, ăn khao, tha thứ, âu yếm cậu em hư đốn, nhưng phải trừng
phạt, truất quyền hoặc đòi cậu phải bồi thường thiệt hại nếu muốn được ở lại
nhà.
Công bằng của người anh cả thật khủng
khiếp, nảy lửa. Nó nóng như lửa trên đôi mắt và trong trái tim đang sùng sục
sôi vì ghen tương, ích kỷ. Người anh cả không ngờ: đứa con hoang đàng đang gây
bất công, đau khổ cho cha lúc này chính là anh.
Biết người con lớn ghen tuông, hiềm
khích cậu em mới về, người cha lại phải hoà giải hai con với nhau khi giải
thích cho đứa con lớn: “Con ơi, con hằng ở với cha, nên mọi của cải cha có đều
là của con. Nhưng bây giờ ta phải ăn mừng, vui vẻ với em con chứ, vì em con đã
chết nay sống lại, đã mất nay tìm thấy” (Lc 15,31-32). Phải hoà giải cách nào nữa,
ngoài cho người con lớn biết: tài sản của nhà này là của anh. Cũng lại phải đem
vật chất ra dụ… Thế mới biết, đa số các mâu thuẫn, đố kỵ đều phát sinh từ lòng
ham muốn vật chất và tranh giành của cải.
Đức Kitô đã hoà giải con người với
Thiên Chúa, đồng thời hoà giải con người với nhau bằng lẽ công bình của Tình
thương. Như người cha đã tự chạy lại ôm con và hoà giải với con, vì yêu con.
Ông cũng tự ra ngoài gặp cậu cả, nhẹ nhàng giải thích để hai anh em không hiềm
khích, đố kỵ, ganh ghét nhau. Ông tự nguyện hy sinh để hai con hoà giải với
nhau, vì ông yêu chúng. Tình thương của Thiên Chúa là tình cha bao la luôn đi
bước trước đến hoà giải với con người và đi bước trước thay cho con người để
hoà giải con người với nhau. Đức Kitô đã hoà giải tất cả trong máu Ngài bằng một
tình yêu tự hiến để món nợ công bằng mà con người phải trả cho Thiên Chúa được
xí xoá, để hiềm khích do bất công giữa con người được tẩy rửa, thứ tha. Chính
trong máu của Ngài mà công bình được mặc áo yêu thương, trong cái chết của Ngài
mà công bình nảy sinh bác ái. Bác ái trong công bình, công bình có bác ái sẽ
hoà giải được tất cả, vì có bác ái, công bình sẽ không cứng cỏi, khô khan, đanh
thép, lạnh lùng, nhưng sẽ đại lượng, bao dung, nhẫn nại, vui tươi, nhân hậu và
không bao giờ tàn phai.
Mùa Chay mời gọi hòa giải, vì mục
đích của “ăn chay” chính là hoà giải với mình, với Chúa, với tha nhân. Không
hoà giải, ta không gặp được ai, kể cả gặp mình. Mức độ hoà giải càng chân
thành, liên đới giữa ta với Chúa và anh em càng thắm thiết, sâu đậm. Mức độ hoà
giải càng cao, tình yêu trong ta càng dồi dào, phong phú.
Đức Kitô đến để hoà giải, môn đệ
theo Ngài cũng phải sống sứ mạng hoà giải: hoà giải từ sâu thẳm tâm hồn, hoà giải
trong thái độ, cung cách, hoà giải trong ý nghĩ, hành động, hoà giải mình với mọi
người và hoà giải mọi người với nhau trong đức ái thứ tha và công bình thương
xót như Chúa dạy.