Suy
niệm Tin Mừng Chúa Nhật 6 Thường Niên, năm B
Tin
Mừng Máccô kể lại : “Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta qùy xuống
van xin rằng : Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Người chạnh
lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh sạch đi! Lập tức,
chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch” (Mc 1,40-42).
Trong
Israel, người phong hủi không chỉ là người chịu nhiều đau đớn trên thân xác vì
chứng bệnh nan y bị coi là ô uế, nguy hiểm nhất vào thời đó, mà còn chịu vô vàn
đau khổ tinh thần do bị xã hội tẩy chay, xa lánh, cô lập vì sợ lây nhiễm, nhất
là bị xếp vào hạng người tội lỗi đáng nguyền rủa, bởi chỉ người có tội nặng nề
mới bị Thiên Chúa phạt phải mắc chứng bệnh phong hủi ghê tởm, gớm ghiếc này.
Sách
Lêvi ghi rõ : “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu
và kêu lên : ‘Ô uế! Ô uế!’. Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế ; nó ô
uế : nó phải ở riêng ra, chỗ của nó ở là một nơi bên ngoài trại” (Lv
13,45-46).
Sở
dĩ, người mắc bệnh phong hủi phải luôn miệng kêu lên “Ô uế! ” khi có người, vì họ
phải tự tránh xa mọi người, phải tự cách giãn và không được để ai đến gần, hay
đụng chạm vào mình, bởi họ là người ô uế, và là nguyên nhân gây bệnh cho người
khác. Dưới mắt cộng đồng, họ còn là người có tội : tội làm ô uế xã hội, tội
đem bệnh cho người khác, nên phải cách ly gia đình, xa hẳn làng xóm, và chẳng mấy
người quan tâm lo lắng cho họ, càng không để họ đến gần làm thân.
Thế
mà hôm nay, khi thấy Đức Giêsu, người phong hủi đã liều lĩnh chạy đến gặp Ngài,
và qùy xuống van xin : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.
Tin vào lòng tốt của Đức Giêsu mà chắc chắn anh đã nghe nhiều về những phép lạ
Ngài làm để chữa những người đau bệnh, tật nguyền, cả những người bị phong hủi
như anh, nên anh đã không sợ bị Đức
Giêsu bạc đãi, xua đuổi, từ chối, tránh xa, như mọi người vẫn tàn tệ đối xử với
anh. Tin vào lòng tốt của Đức Giêsu, anh đã quên mình là người không được phép
đến gần người khác, cũng không được để người khác đến gần mình, khi phải luôn
miệng hô to : “Ô uế! Ô uế”, như kèn báo động, như còi báo nguy để người
chung quanh cảnh giác, đề phòng, tránh xa, nhưng anh đã bất chấp lệnh cách ly,
vượt rào ngăn cách chạy đến qùy trước mặt Đức Giêsu và van xin Ngài chữa lành.
Nếu
người phong hủi đã tin vào lòng tốt của Đức Giêsu mà liều mạng đến gần Ngài,
thì Đức Giêsu cũng bầy tỏ lòng tốt của Ngài khi “chạnh lòng thương giơ tay đụng
vào anh, và bảo : Tôi muốn, anh sạch đi!”.
Thực vậy, không ai trong đám đông có mặt hôm ấy
đã nghĩ người phong hủi ô uế, bị cấm gặp gỡ mọi người đã dám chạy lại gần Đức
Giêsu, và còn hơn thế nữa, chính Đức Giêsu đã bất chấp luật cấm giao lưu với
người phong hủi không những đã để người ấy đến gần mình và van xin, mà còn công
khai “đụng chạm” vào con người ô uế, tội lỗi ấy, với trái tim chạnh lòng thương
xót, đồng thời chữa lành và ân cần căn dặn anh : “Coi chừng, đừng nói gì với
ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh được lành sạch, thì hãy dâng những
gì ông Môsê đã truyền (x. Lv 14,1-32), để làm chứng cho người ta biết” (Mc
1,44).
Qủa
là điều chưa bao giờ thấy trong Ítraen khi người ô uế đến gần người thanh sach,
và người thanh sạch đụng chạm vào người ô uế như cuộc gặp gỡ vừa xẩy ra giữa Đức
Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa và người phong hủi, bởi giữa hai bên là vực thẳm Lề
Luật không thể vượt qua.
Đây
chính là công trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa, là mạc khải về tình
yêu, lòng tốt của Thiên Chúa, là cuộc cách mạng của Tin Mừng, khi “Thiên Chúa
làm người” ở giữa con người, để con người tội ỗi, ô uế được đến gần Thiên
Chúa ; khi Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu ở với con người, để con người
yếu đuối được đỡ nâng, con người gục ngã được vực dậy, con người bệnh tật được
chữa lành, con người dơ bẩn được tẩy sạch, “kẻ lỗi lầm được tha thứ, người có tội
được khoan dung” (Tv 31,1).
Những
ngày này, tình thế lại căng thẳng, dân tình lại hoang mang vì phát hiện nhiều
ca lây nhiễm Covid-19 biến thể. Thực vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta sống trong
bầu khí bị đại dịch đe dọa trầm trọng, và cũng hơn bao giờ hết, Thiên Chúa mời
gọi chúng ta biểu lộ lòng tốt với mọi người, nhất là với những người bị lây nhiễm,
hay những người lâm cảnh khó khăn vì đại dịch, bằng “chạnh lòng thương đến gần
để lắng nghe, chia sẻ, cảm thông, tìm cách giúp đỡ, chữa lành, như Đức Giêsu đã
biểu lộ lòng tốt của Thiên Chúa đối với người phong hủi bằng “chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh”
và chữa anh được sạch. Chính lòng tốt của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ giầu lòng
thương xót đã chữa lành và thanh tẩy anh nên trong sạch không chỉ trên thân
xác, trong tâm hồn, mà cả với xã hội và với Thiên Chúa.
Xin Chúa cho chúng con khám phá lòng tốt của
Thiên Chúa đối với mỗi người và biểu lộ lòng tốt với nhau mọi nơi, mọi lúc bằng
sống bác ái, như Chúa dậy.
Jorathe Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét