Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 26 TNB: Mc 9,38-43.45.47-48


 Tin Mừng hôm nay gồm ba phần tách biệt nhau rất rõ ràng: phần một Đức Giêsu trả lời vấn nạn của ông Gioan khi ông đề cập đến những người lấy danh Đức Giêsu mà trừ qủy, nhưng không thuộc những người đi theo Đức Giêsu; phần hai là phần thưởng được hứa cho những ai đối xử tử tế với các môn đệ Đức Giêsu và phần ba là cách giải quyết dứt khoát khi làm cớ cho người khác và cho mình sa ngã.
Ngoại trừ lời hứa: “Ai cho anh em một chén nước, vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41), Đức Giêsu đã không làm các môn đệ và những người có mặt hôm ấy thỏa mãn với câu trả lời và cách giải quyết đanh thép, sắt máu, nếu không nói là tàn bạo của Ngài:
Trả lời ông Gioan, Đức Giêsu đã làm các môn đệ chưng hửng, khó chịu khi bảo các ông: “Đừng ngăn cản người ta” (Mc 9,39), người ta đây là những người không thuộc phe nhóm của Ngài mà lại lấy danh Ngài trừ qủy; người ta đây là những người không có thẻ đảng Giêsu như Nhóm Mười Hai mà lại lấy danh nghiã Giêsu hành xử nổi đình nổi đám như mô đệ chính danh khi xua đuổi thành công nhiều tà thần, ma qủy.
Qủa thực, các môn đệ Đức Giêsu đến lúc đó vẫn không thể tưởng tượng được Đức Giêsu lại mở toang mọi cánh cửa của phe nhóm, và chấp nhận dễ dàng người khác chưa được mình thâu nạp nhân danh mình làm phép lạ, trừ qủy. Não trạng khép kín, đóng chặt, cục bộ, độc quyền, co cụm nơi các môn đệ bỗng bị Đức Giêsu chặt đứt, bật tung, như hòn đá đóng kín cửa mồ bất ngờ  bị nhấc bổng cho ánh sáng và làn khí sự sống từ bên ngoài ùa vào. Các ông vừa bỡ ngỡ vừa bực doc, vì thái độ cởi mở, và tinh thần phóng khoáng, không loại trừ của Đức Giêsu, khi Ngài quả quyết: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40), bởi cứ sự thường và một cách khôn ngoan, người ta không nên mở cửa và phóng khoáng đón nhận dễ dàng người ở ngoài, xa lạ, khi phe nhóm mình chưa thực sự được củng cố, xây dựng vững chắc.
Thật không có vị Thầy nào đã có tâm hồn quảng đại, hào sảng và độ lượng, tín nhiệm người khác như Đức Giêsu; trái ngược với các môn đệ và phần đông người có đạo đã khư khư giữ đạo mà không truyền đạo, kín cổng cao tường để đạo không bị biến thái, mất mầu thay vì mạnh dạn giới thiệu và rộng rãi chuyển tải đạo cho mọi người. Ở đây, chúng ta không thể không nhận mình qúa ích kỷ khi chỉ muốn lên thiên đàng một mình và độc quyền phân phát ơn sủng, trong khi Thiên Chúa cần chứng nhân, ngay cả chứng nhân ấy chưa biết đích xác tên Thiên Chúa, và sống một cách khác, làm chứng một cách khác. Điều quan trọng là họ làm chứng một cách trung thực và đúng đắn bằng thành tâm tìm kiếm chân lý, sự công bình và con đường dẫn đến Nước Thiên Chúa. Về phần chúng ta, những người được coi là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta phải chấp nhận bị làm phiền, nhờ thế chúng ta ra kkỏi pháo đài đức tin an toàn của mình, để có một cái nhìn mới cho phép chúng ta nhận ra Thiên Chúa qua muôn ngàn hình thái, cách thức làm chứng về Ngài. Và trên tất cả, ý thức quan trọng nhất vẫn là ý thức về Chúa Thánh Thần, Đấng là sức sống của Giáo Hội, là Đấng hoàn toàn tự do trong công trình sáng tạo và cứu độ nhân loại, tự do như gió muốn thổi đâu tùy ý, chẳng ai biết gió đến từ đâu và chẳng ai biết gió sẽ đi đâu.
Phần ba của Tin Mừng lại càng khó nghe, khó chịu, khi Đức Giêsu với ngôn từ chặt chém, rùng rợn: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi hằng sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9,42-48).
Chỉ nghe thôi cũng đủ lạnh người, khiếp sợ: lạnh người vì luật của Đức Giêsu ban bố không khác gì luật Charia của những người Hồi Giáo cực đoan áp dụng hình phạt chặt tay, chặt chân, khoét mắt, ném đá, treo cổ những ai vi phạm; khiếp sợ vì sẽ chẳng còn ai lành lặn thân xác khi lên thiên đàng, bởi trong cuộc sống, mắt ai sẽ không nhìn điều xấu, tay ai sẽ không làm điều chẳng lành, và chân ai sẽ chẳng đến những nơi tội lỗi? Cả một nhân loại tàn phế, đui chột, què cụt, hứa hẹn một thiên đàng toàn các thánh không toàn thây. Nghĩ  mà sợ hãi, kinh hoàng !
Trước hết, chúng ta phải hiểu: Đức Giêsu đã nói bằng ngôn ngữ kinh thánh. Theo ngôn ngữ này, không có từ ngữ chỉ toàn thể thân xác, nhưng người ta chỉ thân thể bằng dùng tên một chi thể tùy theo công việc và hoàn cảnh được đề cập. Thí dụ ngôn sứ Isaia đã không dùng một từ nào đó để chỉ nhà thừa sai trên đường truyền giáo, nhưng dùng từ bước chân: “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo Tin Mừng, công bố ơn bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52,7). Cũng thế, để chỉ một hành động, ngôn ngữ kinh thánh dùng: “Hãy làm điều mà tay ngươi nắm bắt được”; để chỉ một chọn lựa: “Hãy làm điều mà mắt ngươi thấy tốt”; để chỉ tâm tình ngợi khen: “Hãy mở lớn miệng lưỡi ngươi”. Trong đọan Tin Mừng này, Đức Giêsu cũng không  ra ngoài quy luật chung của ngôn ngữ  Do Thái, khi dùng tay, chân, mắt để chỉ toàn thể thân xác, nên không thể quy cho Ngài chủ trương tàn phá thân xác, hủy hoại thân thể như hình phạt.
Chân lý quan trọng Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là thân xác con người thuộc về Thiên Chúa, bởi thân xác của người nam hay người nữ cũng đều do chính tay Thiên Chúa tạo dựng, chỉ khác người nam từ bụi đất và người nữ từ xương sườn của người nam (St 2, 21-22). Điều này muốn nói lên: Thân xác chỉ là thân xác khi thuộc về Thiên Chúa, bởi được tạo dựng bởi Thiên Chúa, nên thân xác sẽ không có lịch sử, không có tương lai, cũng không là gì hết và chỉ đáng bỏ đi, nếu thân xác không hoạt động nhờ Thiên Chúa, với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa. Nói cách khác, thân xác sẽ không mang một giá trị và ý nghiã nào, nếu tự tách ra khỏi Thiên Chúa. Hình ảnh cưa chân, chặt tay, móc mắt là hình ảnh toàn thể thân xác không còn thuộc về Thiên Chúa nữa, và một khi không còn ở trong Thiên Chúa, thân xác sẽ tự hủy diệt và mất sức sống thần linh dẫn đến bất hạnh đời đời. Khi nói đến các chi thể như chân, tay, mắt, Đức Giêsu đã dùng ngôn ngữ kinh thánh để diễn tả chân lý: toàn thể thân xác phải thuộc về Thiên Chúa, và chỉ khi thuộc về Ngài, thân xác mới thực sự sống và hạnh phúc trong sứ mệnh đồng hành với linh hồn.
Đồng hành với linh hồn, tức ở trong Thiên Chúa, thân xác sẽ làm nhiệm vụ chuyển tải sự sống thần linh cho người khác. Với thân xác, linh hồn biểu hiện sự sống siêu nhiên và làm cho sự sống siêu nhiên được sinh động trong thế giới loài người. Để hiểu rõ hơn vai trò chuyển tải sức sống thần linh của thân xác có Thiên Chúa, chúng ta đọc câu chuyện ngôn sứ Êlisa đã truyền sức sống của mình cho đứa trẻ đã chết: Khi ông Êlisa tới nhà thì cậu bé đã chết, nằm trên giường của ông. Ông đi vào chỗ cậu bé, đóng cửa lại, chỉ còn lại hai người ở bên trong, rồi cầu nguyện với Đức Chúa. Ông lên giường nằm lên trên đứa trẻ, kề miệng ông trên miệng nó, đặt bàn tay ông trên bàn tay nó. Ông cứ nằm trên đứa trẻ, và da thịt nó nóng lên. Ông đi đi lại trong nhà, rồi lại lên nằm trên nó; cậu bé hắt hơi đến bảy lần, và mở mắt ra ( 2V 4,32-35). Ngôn sứ Êlia cũng có cùng kinh nghiệm truyền sức sống cho đứa con trai một bà goá được thuật lại trong sách Các Vua quyển 1: “Sau các sự việc đó, đứa con trai của bà ngã bệnh. Bệnh tình trầm trọng đến nỗi nó tắt thở. Bà nói với ông Êlia: “Hỡi người của Thiên Chúa, việc gì đến ông mà ông đến nhà tôi để nhắc lại tội tôi, và làm cho con tôi phải chết?” Ông Êlia trả lời: “Bà đưa cháu cho tôi”. Ông bồng lấy đứa trẻ bà đang ẵm trong tay, đem lên phòng trên chỗ ông ở, và đặt nó nằm trên giường. Rồi ông kêu cầu Đức Chúa rằng: “Lậy Đức Chúa, Thiên Chúa của con. Chúa nỡ hại cả bà goá đã cho con ở nhờ, mà làm cho con bà phải chết sao?” Ba lần ông nằm lên đứa bé, và kêu cầu Đức Chúa rằng: “Lậy Đức Chúa, Thiên Chúa của con, xin cho hồn vía đứa trẻ này trở về với nó!” Đức Chúa nghe tiếng ông kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó và nó sống. Ông Êlia liền bồng đứa trẻ từ phòng trên xuống nhà dưới, trao cho mẹ nó, và nói: “Bà xem, con bà đang sống đấy!” (1V 17, 17-23).
Tóm lại, Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta nhiều điều, từ tinh thần cởi mở, đón nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần qua thái độ cộng tác với các chứng nhân có thể không thuộc về nhóm mình, không làm chứng, loan báo Tin Mừng theo cách thức của mình, miễn họ thành tâm xây dựng công bình, khát khao chân lý và tìm kiếm con đường gặp gỡ Thiên Chúa, đến ý thức thánh thiêng về thân xác, như sở hữu của Thiên Chúa, Đấng Chủ Tạo. Với ý thức thân xác con người hoạt động nhờ Thiên Chúa, với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa để có thể chu toàn sứ mệnh chuyển tải sức sống thần linh cho người khác, người Kitô hữu thâm tín rằng thân xác sẽ mất hết lẽ sống, ý nghiã có mặt và giá trị khi từ chối thuộc về Thiên Chúa và phụng sự Ngài. Trong trường hợp này, không chỉ tay, chân hay mắt là đáng bỏ đi, nhưng cả con người, toàn phần thân thể, toàn thể thân xác sẽ không còn sự sống và tự thối rữa, hủy diệt, bởi Đền Thờ của Thánh Thần là thân xác đã trở nên ô uế, bất xứng, không còn là nơi Thiên Chúa ngự, như thánh tông đồ Phaolô đã viết: “Anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6,19-20).
Jorathe Nắng Tím