Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

LỜI KẾT (CHA MẸ YÊU THƯƠNG)


    Cha tôi vừa mất chưa đầy trăm ngày. Khi ông cụ còn nằm bệnh, quằn quại đau đớn, chờ chết, tôi đã cầu xin cho cha tôi được sớm ra đi bình an, vì quả thực mỗi lần nhìn cụ yếu nhược chống chọi với con bệnh quái ác, tim tôi se thắt, ruột tôi như muốn đứt ra từng đoạn. Hôm nay thì mồ côi toàn phần, tôi mới thấm thía cái hụt hẫng, chênh vênh, lạc long của đứa con không còn cha mẹ.
    Đã hẳn cha mẹ tôi có nhiều lỗi lầm trong cuộc sống. Nhân vô thập toan la lẽ thường tình và lầm lỗi la dấu ấn của thân phận người có giới hạn. Ngay với các con, cha mẹ tôi cũng có nhiều thiếu sót khi yêu thương không đồng đều và đối xử không đồng đẳng. Có một thời cha mẹ tôi đã chẳng nghe ai, ngoài vợ chồng cô em, dù con cái có gần một tá “đủ cỡ, đủ loại”; đi chơi xa, cũng chẳng nhớ ai, ngoài năm thành viên của gia đình cô; qùa cáp, bánh kẹo cũng chỉ dấm dúi cho mấy đứa cháu ngoại “tuyệt vời”, cô con gái rượu; chưa kể nhiều quyết định tày trời của cha mẹ tôi, vì nghe cô đốc xúi đã làm anh chị em tôi phải xiểng liểng, đứng tim, “đứng hình”. Ở vào tình cảnh này, anh chị em tôi chỉ biết bảo nhau cố nén bức xúc để cha mẹ được trọn niềm vui, dù niềm vui ấy không đáng vui chút nào.
    Câu chuyện của cha mẹ tôi và các con cho tôi nhiều bài học cho đời làm cha mà tôi đang sống. Tôi hiểu rằng: nguy cơ lớn nhất làm hỏng con cái là nuông chiều, không dám nghiêm khắc dạy dỗ chúng. Nhưng tại sao lại nuông chiều và không dám dạy dỗ? Thưa phần lớn là do đã lỡ thần tượng chúng. Thần tượng con cái, cháu chắt là một sai lầm lớn nhất của cha mẹ, ông bà. Tôi còn học thêm bài học thứ hai cũng căn bản không kém, đó là công bằng trong yêu thương đối với con cái, bởi thiếu công bằng thì dù có cố hòa giải, hòa hoãn, hòa hợp, hòa đồng đến đâu cũng không kiến tạo được hòa bình đích thực, và nhất là không bao giờ xây dựng được bầu khí yêu thương, tương kính, tương thân, tương trợ chân thành giữa các thành viên trong gia đình.
    Hôm nay cha mẹ không còn. Nghĩ đến các ngài mà tim tôi quặn thắt. Tôi thương cha mẹ vất vả trăm chiều, ma con cái đáp trả chẳng bao nhiêu. Nhìn lại mới thấy: chẳng đứa nào trong chúng tôi đã không làm buồn lòng cha mẹ cách này cách khác. Hồi tâm mới nhận ra: Cha mẹ yêu thương không đồng đều là do đa số anh chị em tôi đã không hiếu thảo đủ, nên các ngài mới bất đắc dĩ phải bám vào một đứa để tìm an ninh tuổi gia. Hỏi lòng mới rõ: vì đám con đủ cỡ đủ loại chúng tôi từ những năm xa, tháng dài cứ “thản nhiên, thấp thoáng, vừa phải”, như cha mẹ chẳng có vấn đề gì, chẳng có nhu cầu gì, chẳng có tâm sự gì cần được lắng nghe, nên các ngài mới rơi vào thiếu sót yêu thương “thái quá bất cập”.
    Thế mới biết làm cha mẹ không dễ, va lam con cũng rất khó. Người viết mạo muội nghĩ: để làm cha mẹ yêu thương va lam con cái hiếu thảo, người ta phải biết đặt mình làm cha mẹ khi lam con, và đặt mình làm con khi làm cha mẹ. Như thế, cha mẹ mới hiểu được nỗi lòng, hoài bão, khát vọng của con, va con mới cảm thông được thao thức, khắc khoải, khổ đau của cha mẹ.
 Chúng ta không “là” cha mẹ, “là” con cái, bởi “là”, tức đã hoàn thành, hoàn tất, hoàn hảo, hoàn mỹ, nhưng “làm cha mẹ - làm con cái” nói lên cố gắng không ngừng của cả cha mẹ va con cái đang từng bước mỗi ngày thực hiện Thiên Chức làm cha mẹ và Hồng Ân được làm con cái.