Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

CHÂN DUNG MỤC TỬ NHÂN LÀNH

                           Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 4, Phục Sinh, Năm A
Hai hình ảnh không thể thiếu về người chăn chiên được Đức Giêsu mô tả trong Tin Mừng Gioan về Mục Tử nhân lành là Tiếng gọi chiên, và Cửa cho chiên ra vào (Ga 10,7), để làm nổi bật sứ vụ của người chăn chiên là gọi tên từng con và dẫn chúng rađến đồng cỏ xanh, suối nước trong “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,3.10).
Quan sát người chăn chiên với đoàn chiên của anh: Anh không ngớt gọi từng con, và nhắc nhớ, khuyến khích, động viên chúng. Làm như chúng hiểu anh nói gì, dặn dò gì, nên khi người lạ nói, người lạ lên tiếng thay anh, chúng không hiểu và ngơ ngác nhìn nhau tỏ vẻ nghi ngờ, sợ hãi, vì “chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ” (Ga 10,4-5).
Khi ra vào chuồng, đoàn chiên cũng chờ tiếng nói của mục tử, và tuyệt đối không ra khỏi chuồng khi không có mặt người chăn giữ chúng, vì chúng sợ bị kẻ trộm bắt đi. Chúng cũng không liều lĩnh trốn khỏi chuồng đi lang thang một mình trong rừng, vì biết có nhiều sói dữ rình rập, chực chờ vồ lấy chúng, và ăn thịt (x.Ga 10,12).
Với hình ảnh “tiếng nói của mục tử”, Đức Giêsu nhắc đến sứ vụ của Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa, là Tiếng Nói của Thiên Chúa với nhân loại, cũng như toàn bộ Cựu Ước là lịch sử “Thiên Chúa nói với con người”, và con người tin vào Ngài nhờ lắng nghe tiếng Ngài.
Như thế, Thiên Chúa đã là người đi bước trước đến với con người bằng “mở lời” nói với con người, như trực tiếp nói với Ápraham, Môsê, và gián tiếp qua các ngôn sứ nói với dân Ngài trong Cựu Ước. Cũng vậy, trong Tân Ước, Thiên Chúa đã sai sứ thần Gabrien mở lời với Đức Maria ở ngày Truyền Tin, và chính Đức Giêsu đã trực tiếp mở lời kêu gọi các môn đệ bên bờ hồ Galilê: “Các anh hãy theo tôi!” (Mt 4,19).  
Thiên Chúa luôn mở lời trước, đề nghị trước, mời gọi trước, và dành cho con người toàn quyền trả lời đồng ý hay không đồng ý, chấp thuận hay khước từ, với tất cả tự do được Thiên Chúa tuyệt đối tôn trọng. Đó là lý do có rất nhiều người đã được Đức Gêsu “mở lời” mời làm môn đệ, nhiều người được gọi theo Ngài, nhưng con số đáp trả rất ít, số người trả lời tích cực không nhiều, như thánh Gioan đã viết: “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1) “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian, và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,10-11).
Tiếp đến, Đức Giêsu chọn hình ảnh Cửa chuồng chiên, bên cạnh hình ảnh Tiếng Gọi khi nói về người mục tử nhân lành, vì đoàn chiên cần chuồng để được an toàn, cần nơi có cửa nẻo khép kín, có hàng rào ngăn chặn để người lạ, kẻ trộm, sói dữ không thể đột nhập, xâm phạm, phá hoại, cắn giết. Và chỉ khi được ở trong chuồng có cửa khép cẩn thận, có chủ chăn trông nom, đoàn chiên mới thoải mái, bình an.
Là Cửa, người chăn chiên vừa thi hành trách nhiệm gìn giữ, che chở, vừa thực hiện bổn phận giải phóng, khi tập cho đoàn chiên trưởng thành với ý thức tự do, vì chuồng chiên không là trại giam, và người gác cửa chuồng chiên không làm công việc của công an gác cổng nhà tù, bởi chiên có quyền đi ra đi vào: đi vào để ngủ nghỉ an toàn, để khỏi bị mưa ướt, sương lạnh, để kẻ trộm và sói dữ không lợi dụng sơ hở, trống trải mà “giết hại, phá hủy”, cướp đi mạng sống, đồng thời đi ra để “gặp được đồng cỏ” (Ga 10,9), hầu được “sống và sống dồi dào” (Ga 10,9-10).       
Thực vậy, Đức Giêsu nhận mình là Mục Tử nhân lành: mục tử biết nói với chiên, và chiên lắng nghe tiếng Mục Tử (x. Ga 10,3). Nói điều này, Đức Giêsu nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng nói, bởi không tiếng nói giữa mục tử và đoàn chiên, không trao đổi giữa chúa chiên và con chiên, không đối thoại giữa người chăn dắt và đám đông được chăn dắt, thì không thể có đoàn chiên đúng nghiã, không thể có chuồng chiên an bình, không đấu đá, và không thể có đoàn thể chiên, cộng đoàn chiên “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Nhưng ai phải nói với ai, và ai giữ phần quyết định thành - bại trong đối thoại, để “mục tử nghe được tiếng chiên, và chiên nghe biết tiếng mục tử”, mà không ngược lại: chủ chiên và chiên, cả hai không ai chịu nghe ai”?
Hỏi tức trả lời, vì chủ chiên là người nói trước, người mở lời, và trách nhiệm đầu tiên của mục tử là nói với đoàn chiên, nên nếu mục tử không nói, không muốn nói, không biết nói gì, hoặc nói mà chiên không hiểu, thì qủa thực đối thoại không đạt chuẩn thành công. Tệ hơn, nếu chủ chiên chỉ nói những gì mình muốn, những gì có lợi cho riêng mình, nói những chuyện không thuộc phận vụ phải nói, nói những chuyện không liên quan đến hạnh phúc của đoàn chiên, không đáp ứng nhu cầu sống của đoàn chiên, không giải quyết những vấn đề thiết thực của đoàn chiên, thì coi như tương quan chủ chiên - đoàn chiên bị tắc nghẽn, đóng băng. Nhưng còn tệ hơn gấp bội, nếu chủ chăn dùng quyền “mở lời, nói trước” của mình mà độc thoại, độc diễn, độc chiếm micrô để “thánh tướng” khoe khoang thành tích, đánh bóng “cái tôi”, mỉa mai, chỉ trích những con chiên không ngoan ngùy, dễ bảo, “mắng vốn mắng lời” người này người nọ, bôi bác, hạ nhục đám này, trách móc, thĩa bãi xa gần phe nhóm kia làm cho chuồng chiên mất bình an, đoàn chiên  chia rẽ, hoang mang, hoảng lọan.
Cũng thế, nếu đoàn chiên thấy cửa chuồng ngày càng giống cổng nhà giam, cửa sắt trại tù, thì chúng sẽ không hớn hở nối đuôi nhau chạy vào chuồng để được nghỉ ngơi, thư giãn. Trái lại, nếu mặt người giữ cửa hung bạo, dữ dằn, lại nóng giận “đằng đằng sát khí”, dò xét, đe dọa thì chiên sẽ nói nhỏ với nhau và cùng tìm đường chuồn, không về chuồng nữa để thoát thân, bảo toàn mạng sống, dù đời lang bạt sẽ nhiều rủi ro, và cuộc sống “không cửa không nhà” hứa hẹn nhiều vất vả, nhọc nhằn.
Vì thế, Đức Giêsu không chỉ mô tả “suông và hời hợt” hình ảnh Tiếng Nói và Cửa chuồng chiên, mà không căn dặn các môn đệ điều phải làm để là Tiếng Nói của chủ chiên đích thực, và Cửa bảo đảm an toàn và hạnh phúc của đoàn chiên. Trái lại, Ngài đã dậy các môn đệ là những mục tử nối bước chân chăn chiên của Ngài bài học quan trọng như bửu bối để trở nên mục tử nhân lành như Ngài. Bài học, bửu bối đó chính là Tình Yêu sẵn sàng hiến mạng sống của chủ chiên cho đoàn chiên mình chăn dắt.  
Vâng, Đức Giêsu đã lấy chính mạng sống để bảo đảm cho Tiếng Nói đích thực và Cửa an toàn của Mục Tử nhân lành, bởi “không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình cho người mình yêu” (Ga 15,13), khi qủa quyết: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mang sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).
Vì yêu đến sẵn sàng hiến mạng, nên sẽ không có mục tử từ chối nói với đoàn chiên của mình, vì Mục Tử nhân lành là người yêu thương chiên, “biết chiên” (Ga 10,14) và “gọi tên từng con” (Ga 10,3); sẽ không có mục tử độc thoại, khống chế, áp đặt, bắt chiên phải gục đầu, nhắm mắt nghe mà không được đối thoại, vì mục tử nhân lành là người có đủ tư cách để nói: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14), bởi biết nhờ trao đổi, trao đổi để hiểu biết nhau hơn; sẽ không có chủ chăn không biết cách nói, hoăc không biết nói gì, vì khi yêu thương đoàn chiên đến độ “tự ý hy sinh mạng sống mình”, trong khi “mạng sống của mình không ai lấy đi được” (Ga 10,18), thì nội dung Tiếng Nói của mục tử sẽ là tình yêu mãnh liệt của chủ chiên nhân lành dành cho đoàn chiên, và chính trái tim đầy “tình yêu chiên” sẽ chỉ cho người chăn chiên cách nói hay nhất, cách nói dễ thương nhất, cách nói ân tình cha con nhất, cách nói thuyết phục nhất, cách nói tuyệt vời của Chúa Thánh Thần có sức biến đổi trái tim, đổi mới cuộc đời của đoàn chiên, để chiên không phải thiếu gì, nhưng được thỏa thuê no đầy, thảnh thơi, hạnh phúc bên bờ suối trong, trên đồng cỏ xanh rì.
Thực vậy, chỉ với tình yêu “sẵn sàng hiến mạng sống mình cho đoàn chiên”, người chăn chiên mới chu toàn được sứ vụ là Tiếng Nói và Cửa cho đoàn chiên. Cũng với tình yêu mãnh liệt và liều lĩnh là dâng hiến cả mạng sống, mục tử mới có thể trở thành mục tử nhân lành, người chăn dắt nhân hậu, và khi đó, không cần phải có tài hùng biện, hay “thôi miên”, lôi cuốn, cũng chẳng cần văn chương hoa mỹ, với những ngôn từ có cánh, mục tử nhân lành vẫn đánh động tâm hồn đám chiên ghẻ lở, ngang ngược; vẫn đưa về chuồng những chiên lầm đường lạc lối trót nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của sói rừng; vẫn được đoàn chiên chăm chú lắng nghe, nhất là mãi mãi được đoàn chiên yêu thương, tín nhiệm, để  trao đổi tâm tư, trút bỏ tâm sự, cởi mở cõi lòng với chủ chăn, cho Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa được đón nhận, như người đàn bà Samari ngoại đạo đã trân trọng nghe và chân thành nói với Đức Giêsu bên bờ giếng Giacóp. Nhờ vậy, bà đã nhận ra Ngài là Mục Tử nhân lành, là Đấng Thiên Chúa sai đến trong thế gian để yêu thương và cứu độ mọi người, không trừ ai.
Jorathe Nắng Tím

0 nhận xét: