Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

TÌNH CÂM ĐIẾC

"Nhớ nhau nhiều nhưng chẳng nói; nói ra nhiều cũng vậy thôi..."
Người ta bảo đó là chuyện tình của hai người câm điếc: chàng thì không nói được, còn nàng thì chẳng chịu nghe.
Tôi rất thích câu hát này bởi nó rất gần những mảnh tình hằng ngày. Thoạt đầu tôi cười vì cái ý nghĩ dí dỏm được chú giải, nhưng về nhà tôi không dám cười nữa vì thấm thía tính chính xác của câu hát trong chính cuộc tình của mình.
Tôi có người yêu, hai đứa đều lành lặn, ăn nói bình thường. Lúc mới quen nhau, hai đứa đều nói nhiều, tâm sự rả rích từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối không mỏi mệt. Những ngày tháng đầu yêu nhau ấy có thể gọi là "có nói, có nghe, nghe nhau nói, nói nhau nghe, tâm đầu ý hợp ”. 
Nhưng tháng ngày "oanh yến" ấy không kéo dài lâu và được tiếp nối bởi năm tháng "nhớ nhau nhiều nhưng chẳng nói, nói ra nhiều cũng vậy thôi". Tình của chúng tôi thực sự bước vào mùa "tịnh tâm, tịnh khẩu" buồn bã.
Không biết các bạn đã trải qua thử thách nặng nề của tình câm điếc này chưa để thông cảm với nỗi sầu đời, hận đời của người trong cuộc. Viết về tình câm điếc này, tôi muốn một lần nữa nhắc đến những trắc trở, cay đắng trong tình yêu.
Sự thường, ta cần đối thoại để cảm thong. Có cảm thông mới có tình cảm. Thiếu đối thoại, hai người khó có thể gặp gỡ, hai trái tim khó có thể yêu thương, hai con đường khó hẹn hò về giao điểm. Đối thoại là nói và nghe. Nghe thôi chưa đủ, chỉ nói thôi lại càng nguy. Nói và nghe đòi cả hai phải ra khỏi ranh giới "tôi", đòi cả hai cõi lòng phải mở cửa, hai đối điểm phải đi về một giao điểm. Đối thoại là đi vào lòng nhau, là mời người khác tiến vào không gian riêng tư, huyền nhiệm của mình, vì ngôn ngữ là một trong những phương tiện hữu hiệu và chính xác để biểu hiện, truyền thông một tri thức, một tình cảm.
Tình yêu là một tình cảm, một thực tại cần bộc lộ, chuyển ban. Tình yêu lại là một tình cảm sâu sắc, phong phú, tế nhị, phức tạp; không dễ bộc lộ và khó truyền thông nên rất cần những phương tiện chính xác có khả năng diễn đạt. Và ngôn ngữ là khả năng, phương tiện nổi bật hơn cả để đảm trách phận vụ này. Nhưng nếu ngôn ngữ lại không được xử dụng để biểu lộ tình yêu, thì tình yêu mất đi nhiều khả thể sống còn.
Trong nhiều cuộc tình, những rạn nứt đầu tiên đưa đến đổ vỡ luôn là tình cảnh câm điếc này. Không nói với nhau nữa, hai người bắt đầu tách rời giao điểm để lui về phía mình; gỡ dần gặp gỡ, cắt bớt những đường giây truyền tin, truyền tình. Không nghe nhau nữa là bắt đầu trả nhau về không gian riêng tư, xa lạ; là khóa cửa lòng, đóng cửa nhà để từ nay nhà ai nấy ở, đường ai nấy đi.
Có nhiều cuộc tình tan vỡ tự nhiên và nhanh chóng đến độ người trong cuộc cũng không ngờ. Không ngờ vì câm điếc chặn hết thông tin, cắt hết thông cảm nên ngay cả chữ "ngờ" cũng không lọt qua được. Vì thế khi rơi vào thảm cảnh "không nói, không nghe" là rơi vào khủng hoảng tột cùng của một tình yêu đang bên bờ vực thẳm.
Tình yêu thích nghe cũng như ưa nói. Khóa miệng, bịt tai tình yêu là khai tử nó. Không gian xa cách làm tình yêu phai nhạt nhưng xa cách nguy hiểm nhất, có sức đốn gục tình yêu nhanh chóng hơn cả chính là tình trạng "câm điếc" của những người trong cuộc.
Phân tích tình trạng này, ta thấy có nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân thứ nhất là tính chủ quan. Chủ quan khi chỉ thấy mình có lý, người kia vô lý; chỉ mình ta hiểu còn người kia chẳng hiểu gì. Chủ quan khi nhận định vấn đề và quyết đoán vấn đề theo cái nhìn và ở những khía cạnh của mình, về phía mình mà quên đi hay cố tình chối bỏ quan điểm, cách nhìn, suy nghĩ của người khác. Chủ quan khi cho mình quyền sở hữu mọi sự thật và nghi ngờ tất cả giá trị nơi người khác. Và tính chủ quan đến một lúc sẽ đẩy ta đến kiêu căng, hợm hĩnh, lố bịch.
Nguyên nhân thứ hai là thiếu quảng đại. Thiếu quảng đại nên không đủ kiên nhẫn để nghe người khác, không đủ khiêm tốn nhận điều người khác trình bày. Người thiếu quảng đại thường cho rằng chân lý đã đủ cho ta; nói cách khác, chính ta mang lại chân lý và xa hơn nữa, chân lý có thể là chính ta, nên nghe người khác chỉ làm giảm giá trị và chân lý của mình. Và thái độ phải chọn là khép kín, tránh né đối thoại.
Thực vậy, nếu quảng đại giúp cõi lòng mở rộng, tạo điều kiện gặp gỡ, thúc đẩy những bước chân đồng hành thì tính nhỏ nhen, ích kỷ bóp chết mọi thứ tình yêu, đốt cháy hết những cụm hoa tươi đẹp của tình người, cầy xới hết những con đường tình rủ bóng thơ mộng. Và chân lý bất biến: "không ai giỏi hơn mình, không ai có lý bằng mình, không ai đúng hơn mình" là những cám dổ hằng ngày sẳn sàng ẩn mình để giết chết tình yêu.
Nguyên nhân thứ ba là thiếu lương thiện. Nhiều khi không nghe, không nói với người yêu chưa chắc vì người yêu dốt nát không hiểu gì hay cứng đầu không muốn hiểu, mà chính vì ta đang mưu mô sắp xếp một chương trình mới, một ý đồ mới. Và để thực hiện chương trình, ý đồ mới đó ta dùng chính sách giả câm, giả điếc để loại bỏ người tình trước mặt, xóa bỏ cuộc tình đang có. Trong trường hợp này, ta không khổ đau nhưng đã gây đau khổ và họ càng khổ ta càng vui, đối phương càng sớm buông tay đầu hàng ta càng chóng đạt chiến thắng. Trong đời sống, những cuộc chơi thiếu lương thiện này không ít và rất khó nhận diện. Nó thường là cảnh cuối trước khi sân khấu tình yêu hạ màn.
Nguyên nhân thứ tư là thay vì nói với nhau, ta đã nói về nhau; thay vì nói cho nhau nghe ta lại nói cho người ngoài nghe; thay vì nghe nhau ta lại nghe những người ngoài cuộc. Chuyện tình hai đứa từ nay không còn là chuyện riêng nhưng thành chuyện công cộng; chuyện phòng the trở thành chuyện ngoài ngõ; chuyện trong nhà trở thành chuyện hàng xóm. Hai người không còn chuyện trò tâm sự dưới mái nhà, trong tổ ấm nhưng khai báo chuyện nhỏ to giữa chợ đời, ngoài phố xá. Thế là tình yêu bé bỏng vốn cần được ấp ủ, nâng niu nay bị vứt ra đường; hạnh phúc vốn quý báu nay bị khách bộ hành chà đạp. Thiên hạ nghe chuyện, bàn chuyện, kiếm chuyện để chuyện cứ thế chồng chất, sinh sản, nối dài, không làm nên chuyện lớn nhưng làm lớn chuyện và phá vỡ tan tành chuyện tình hai người.
Nguyên nhân thứ tư này không có tầm quan trọng trên lý thuyết nhưng lợi hại và dễ khuynh đảo hạnh phúc trên thực tế. Bởi ta hay xem thường chuyện nhỏ; và vì là chuyện nhỏ nên ta dễ dàng phơi bày, bới móc mà không nghĩ ngợi, ray rứt gì. Ta quên rằng nhưng lỗ nhỏ trên thành thuyền đã làm chìm thuyền; những sợi dây mỏng manh đủ cột chặt cánh chim; những ngọn núi sừng sững không đáng sợ bằng những viên đá cuội hiền lành. Nói với người ngoài cuộc về những chuyện nhỏ không đáng nói của hai đứa, ta đã vô tình nhận chìm con thuyền tình của ta.
Tôi tưởng tình nào cũng luôn lành lặn, ai ngờ cũng có tình khuyết tật. Tôi tưởng vào được vườn tình rồi thì tha hồ ăn trái ngon, quả ngọt, nào ngờ vẫn phải ngậm đắng nuốt cay. Tôi tưởng đường tình luôn thênh thang rộng mở, ai dè cũng lắm hiểm trở, chông gai.
Lạy Đức Kitô, đấng đã làm phép lạ chữa nhiều người tàn tật, xin chữa con khỏi câm điếc trong tình yêu; cho con nói được, nghe được và được nói, được nghe. Có như thế, con mới thấy tình yêu là nguồn hy vọng, niềm vui thật.

0 nhận xét: