Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

TÌNH TÓC MÂY


Lệ Hằng, tác giả của nhiều tiểu thuyết trong đó có tác phẩm "Tóc mây", một thời làm sôi động giới trẻ Sàigòn qua mối tình nóng bỏng của cha Duy và cô sinh viên.
Lệ Hằng là chị họ, con ông bác ruột, anh lớn của mẹ tôi. Tôi còn nhớ khi viết "Tóc mây", chị có cho tôi đọc một vài đoạn của bản thảo. Chị hỏi tôi có hay không? Tôi chỉ cười và tỏ ý e ngại cho ngòi bút táo bạo của chị. Đúng như tôi dự đoán, bác tôi đã đăng báo từ chị, không nhận chị là con từ dạo ấy.
Chuyện chị viết là chuyện tình của một linh mục với một thiếu nữ, câu chuyện mà bác tôi cực lực lên án. Với các ngài, chuyện đó không thể xảy ra và ngay cả có xảy ra cũng không được đề cập đến, phải ém nhẹm, che đậy, chôn dấu đi, nếu còn muốn là người "có đạo". Và chị tôi đã bị nhiều người trong họ nguyền rủa, trách móc là "phường vô đạo, bôi bác các Đấng, làm ô nhục Hội Thánh".
Tôi không có kinh nghiệm về những mối tình "mây bay, tóc rối " này, nhưng biết một điều là rất nhiều trái tim đã hơn một lần chọn giới nhà tu làm đối tượng yêu.
Thường thì nhà tu mang diện mạo thâm trầm, đạo mạo, đáng kính; nhưng không chỉ đáng kính, đạo mạo, thăng trầm, nhà tu còn có cả một chuỗi dài những đức tính như dễ thương, hiền hậu, tế nhị, nhạy cảm, nhẫn nại, bác ái, vui vẻ, lịch sự, đôn hậu, tận tâm, ân cần… và cả “galant” nữa. Không những họ có đủ đức tính để thành công, họ còn có mọi điều kiện để sống tình, sống một cuộc đời rất tình.
Nhìn vào vị tu sĩ, ta thấy nơi họ toát ra một cái gì rất lôi cuốn, một thứ lôi cuốn lạ lùng, huyền nhiệm như muốn cất bổng ta theo họ ra khỏi cõi ô trọc trần gian. Nơi họ, ta thấy bình an, một thứ bình an không son phấn, nhưng cuốn hút cõi lòng rối bời, xao xuyến của ta. Họ tỏa ra một thứ hương trời, một nét đẹp không diêm dúa phô trương. Họ mang một thân xác trinh nguyên, ấm áp cả cõi trời cao cả. Ở họ, ta có cảm tưởng sẽ gặp được tất cả: Thượng Đế và tất cả những gì đẹp nhất, tinh túy nhất của loài người.
Tìm đến để rồi bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp thần thánh nơi họ, ta sẽ không ngần ngại đi theo tiến trình bình thường của tình yêu là chiếm đoạt. Yêu linh mục, có một dạo đã thành cái "mode" thời thượng. Người ta cảm thấy hãnh diện được làm người tình của ông cha, ông thầy. Nhiều cô không yêu ai mà chỉ tìm yêu cha, mong lấy thầy. Tuy biết xã hội không mấy thiện cảm với những người "cám dỗ nhà tu" nhưng xã hội là chuyện của xã hội, tôi có chuyện của tôi. Rồi đâu cũng sẽ vào đó khi tôi đã lấy được thầy, nyêu được cha.
Nhìn vào những cuộc tình kiểu "tóc mây" của Lệ Hằng, ta thấy tình yêu không đến bằng những bước chân âm thầm từ xác thịt, nhưng lượn là trên cao từ những tầng mây xanh thẳm, mơ hồ, huyền diệu, quyện nhẹ theo gió những lọn tóc mây thơm mùi nắng gió. Tình yêu ấy không xâm lấn, chiếm cứ sỗ sàng đối tượng từ những phần xác thịt thơm tho gợi cảm; cũng không điên cuồng, chụp giật; nhưng ngây ngất, ngọt ngào trong lời kinh mầu nhiệm, đam mê, cuồng nhiệt theo tiếng hát giờ kinh đêm. Tình yêu ấy có lúc thoang thoảng như hương trầm, có khi tha thiết như chuông ngân; nhưng dù thoang thoảng hay tha thiết, tình ấy luôn giữ bản sắc thánh thiện.
Bởi mang bản sắc thánh thiện, có hương nến nghi ngút bao che, có mây ngàn diệu vợi gìn giữ nên không mấy khi tình ấy thực sự lộ diện. Nó cứ e ấp, nửa vời để không mất mầu thánh thiện. Nó cứ lẩn quẩn, loanh quanh để tránh tiếng sỗ sàng, xác thịt. Bởi là tình thánh thiện nên phải mang bộ diện thánh và hướng đi thiện. Bộ diện thánh thì không khó nhưng hướng đi thiện quả không dễ chút nào.
Hướng đi thiện ban đầu được đảm bảo bởi bộ diện thánh; nhưng với thời gian, đường đi khó đến sẽ làm lữ khách ngập ngừng, bối rối kéo theo những lỡ nhịp, lỡ trớn của bộ diện. Bởi thời gian không tha ai, không che dấu sự gì nên bộ diện thánh cũng sẽ tơi tả, rớt xuống một ngày khi mà hướng đi không còn thiện.
Hướng đi không còn thiện ở đây phải được hiểu là tình trạng bất nhất của chủ thể. Chủ thể không còn sống thực với chính mình, không còn liên quan thực giữa lý tưởng và đời sống. Cơn bão tình đã làm đảo lộn trật tự đang có, một trật tự cần thiết cho đời sống và lẽ sống đã được chủ thể tự do chọn lựa. Bởi bộ diện và hướng đi không thể không phù hợp, đời sống và lẽ sống không thể tách rời; nên khi trật tự bị lấy đi, đời sống và lẽ sống bị ngăn rẽ, hướng đi và bộ diện không còn hợp nhất thì lập tức có những khoảng không hụt hẫng, bất ổn.
Một trong những bất ổn của cuộc tình này là tính cách ỡm ờ, nửa hư nửa thực của nó. Người trong cuộc nhiều khi cũng không biết mình đang ở đâu, phải làm gì; bởi khó xác định được tình trạng thực của tâm hồn; bởi không rõ và không dám rõ mình đã yêu hay chưa yêu, có thể yêu hay không đuợc phép yêu, dám liều lĩnh yêu hay còn e ngại đủ điều.
Bất ổn còn do chỗ đứng trong xã hội, do dư luận và những đòi hỏi của xã hội. Một linh mục yêu một cô sinh viên hay một cô tín đồ “phải lòng” một linh mục là điều không thể chấp nhận với nhiều người. Người ta không chấp nhận hay không dễ chấp nhận vì tính cách thánh thiện muôn thuở của "con người linh mục" và thành kiến khó phai trên đời người con gái lỡ yêu nhà tu. Xã hội đánh giá, định lượng chuyện tình "tóc mây" bởi xã hội coi chuyện tình này liên quan đến họ, dính dáng đến họ với một lý luận đơn giản: ông cha, ông thầy là nhà tu là người của mọi người, ông ấy thuộc về tất cả chúng tôi.
Trở thành người của mọi người từ dạo làm cha, làm thầy nên nhà tu không còn tự do làm chuyện riêng. Chuyện gì của họ cũng là chuyện chung, chuyện của mọi người, vì mọi người. Ngay cả yêu thương, cũng phải yêu chung, yêu mọi người; nên khi yêu ai hay bị một ai chiếm đoạt làm của riêng, nhà tu lập tức bị tập thể lên án. Họ lên án vì khế ước tinh thần bị đơn phương hủy bỏ. Họ khó chịu bực bội vì có cảm tưởng bị mất mát, bị tước đoạt, bị trắng trợn phản bội.
Đây là then chốt của nhiều căng thẳng giữa nhà tu và giáo dân và nhà tu phải nhận ra họ chỉ được an bình trong đời sống tình cảm khi chịu chia sẻ và chan hòa tình yêu cho mọi người. Chính con đường "chan hòa" ấy cho họ khả năng và chỗ đứng làm cha, làm thầy mọi người. Ngược lại, nếu có những khúc quẹo "riêng tư" của tình cảm, họ sẽ bị mất đi niềm tin, lòng kính trọng.
Như thế, ta thấy khó có thể lèo lái dư luận đi theo chiều "tóc mây", khó có thể yêu một nhà tu mà không bị lên án. Và nếu tình yêu ấy luôn khó khăn, trăn trở, nhiều chướng ngại, thử hỏi làm sao an bình, hạnh phúc được bảo đảm? Chỉ có một chọn lựa cuối cùng là từ bỏ tất cả, quên đi tất cả, làm lại tất cả. Chọn lựa này thường không dễ bởi tự nó đã là một khó khăn hầu như không lối thoát. Nó cũng thường kéo theo nhiều ray rứt, dằn vặt làm mưng mủ nhiều vết thương lòng khác.
Chuyện "Tóc mây" của chị Lệ Hằng viết đã nhiều chục năm nay, tôi không nhớ nhiều những tình tiết trừ một điều còn đậm nét trong ký ức, đó là đoạn kết với "ơn trở về" của cha Duy, nhân vật chính trong truyện, một truyện tình lãng mạn và đẹp như suối tóc của ngàn mây.

0 nhận xét: