Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

TÌNH TỰ DO


Trước khi tuyên bố hôn nhân thành sự, Giáo hội cũng như xã hội đều yêu cầu cô dâu, chú rể công khai xác quyết sự tự do hoàn toàn của mình trong lựa chọn đời sống chung. Bất cứ một áp lực nào, dù xa hay gần, trực tiếp hay gián tiếp đều cho phép hủy bỏ hôn nhân và đương nhiên hôn phối không thành sự.
Tự do là điều kiện căn bản và tiên quyết trong tình yêu. Không ai ép ta yêu người ta không yêu. Không ai ép ta ăn ở với người ta không thích, không hợp. Nên nếu có phải sống chung vì áp lực gia đình, vì sợ sệt, vì bị đe dọa, ta cũng chỉ sống chung chứ không phải chung sống, chung tình.
Tuy thế, ta vẫn có cảm tưởng khi lấy nhau là mất hết tự do, khi trao nhẫn cưới cho nhau trước bàn thờ hay trước ông thị trưởng, ta đã bỏ lại tất cả sự tự do của ta cho quá khứ để từ nay khép mình, nép bóng. Thế ra tự do mà linh mục hay ông thị trưởng yêu cầu ta minh định lúc kết hôn chỉ còn là một thứ tự do giả hiệu, mang "marque" nhân quyền, chứ thực ra đã biết trước mình mất tự do nhưng dằn lòng tuyên bố có tự do để sau đó ôm một đời nô lệ. Không ít thì nhiều, ta thường nghĩ như thế. Thực sự nghĩ như thế không hẳn đã sai vì trong thực tế, không mấy ai khi lấy vợ lấy chồng rồi còn được tự do như xưa; có khi còn khổ sở, bị đầy đọa thời làm dâu ở rể.
Xã hội đã cho ta quan niệm hôn nhân không giống như căn tính của hôn nhân. Xã hội đã vẽ ra những mô hình gia đình không giống như bản chất của gia đình. Nhiều người nhận ra những sai lầm trong quan niệm và mô hình này, nhưng bánh xe xã hội to lớn và vô hình luôn sẵn sàng đè bẹp những ai muốn ngăn cản nhịp quay của nó. Và thân phận của những nhà "cách mạng" này thường thê thảm như trường hợp của Loan trong tác phẩm "Đọan tuyệt" của Nhất Linh.
Đã đến lúc ta phải đặt lại vấn đề một cách nghiêm chỉnh, không chỉ là vấn đề cho ta nhưng còn là vấn đề cho người ta yêu. Quả thực khi yêu ai, ta luôn có khuynh hướng thống trị và sở hữu hóa họ. Ta không muốn họ thuộc về ai; ta khó tha thứ khi họ chia sẻ với người khác cho dù người khác ấy là ai. Khuynh hướng độc tôn, độc quyền bấy lâu nằm yên trong ta nay trỗi dậy khuynh đảo toàn bộ sinh hoạt. Ta như điên cuồng khi biết mình không là đối tượng duy nhất. Ta lên cơn sốt mê man khi khám phá người ta yêu còn bận bịu với nhiều đối tượng khác. Ta mất hết tinh thần khi nhận ra người tình còn dư khả năng sinh hoạt ngoài vòng ta phủ sóng. Và biện pháp được triệt để áp dụng là thu hồi tất cả phương tiện, cơ hội cho phép tự do của người ta yêu cựa mình. Từ yêu họ vì họ tự do yêu ta, ta chuyển sang tước đoạt hết tự do của người ta yêu để họ chỉ có thể yêu một mình ta. Ta đi từ tình trạng văn minh có nhân quyền sang tình trạng man rợ, độc tài tiêu diệt tự do của người mình yêu, đẩy họ xuống cấp nô lệ của tình yêu. Truy diệt, hạn chế tự do của họ, ta cho mình cảm tưởng chiến thắng trong tình yêu và cứ theo đà đó, ta biến người ta yêu thành một tên nô lệ. Tình yêu đến lúc này không còn tương quan bình đẳng và sự thật sẽ âm thầm rời khỏi tổ ấm yêu thương của ta.
Như ta biết, tình yêu phải được đặt trên tương quan con người với con người và nhân vị là nền tảng cho yêu thương đứng vững. Khi khấu triệt tự do nơi một người, ta mặc nhiên lấy đi nhân vị nơi họ. Họ không còn là người đúng như con người trước mắt ta. Ta không còn yêu họ như họ là, nhưng yêu một sinh vật chỉ vì sinh vật này đáp ứng nhu cầu thống trị, sở hữu của ta để người ta yêu nay hết là người yêu nhưng là vật yêu; bởi thiếu tự do con người không còn là con người nữa. Tương quan giữa ta và họ bị xuống cấp trầm trọng và tình yêu cũng theo đó bay xa.
Bên cạnh nguy cơ xuống cấp tương quan, còn một nguy cơ lớn khác nữa, đó là sự thật không hiện diện. Sự thật là một cây đà rất quan trọng cho ngôi nhà tình yêu. Người ta yêu nhau phần nhiều thường do "thật với nhau", không dấu diếm nhau. Biết bao cuộc tình đã được khai sinh từ sự thật và sống nhờ sự thật. Kinh nghiệm cho thấy, ta không thể yêu mãi một người nếu họ chỉ nói dối, qua mặt, lừa gạt ta. Ta càng không thể chấp nhận một mối tình gian dối, lừa phỉnh. Chính vì thế, tình yêu luôn cần sự thật để sống và tăng trưởng. Nhưng sự thật lại chỉ chịu mọc trên miền đất tự do. Thiếu tự do, sự thật không xuất hiện vì trên bất cứ miền đất nào khác không phải tự do, sự thật đều bị áp bức, chà đạp.
Khi lấy đi tự do nơi người mình yêu, ta lấy đi nhân vị của họ và đồng thời sự thật nơi họ. Không bình đẳng với ta, là nô lệ trong tình yêu, người ta yêu sẽ dần khám phá chỗ đứng thống trị nơi ta. Ta không thể dấu mãi được mưu đồ này vì tự do là phần thiêng liêng, cao quý nhất cho phép con người là con người. Tự do là điểm mạnh duy nhất khác biệt giữa con người với con vật. Tự do chằng chịt như máu, bén nhạy và bao kín con người nên con người cảm nhận được ngay khi bị mất tự do. Và cũng vì có tự do mà con người giống Thượng đế và mang lấy chính hình ảnh Ngài.
Nhưng tự do phải được hiểu như thế nào vì nội dung, ý nghĩa của tự do quá phong phú, trải ra qúa rộng: phong phú hầu như vô cùng và trải rộng đến vô biên. Ta thường cho tự do là một khả năng làm tất cả hay bất cứ điều gì mình muốn. Trong trường hợp này, tự do là "do tự mình". Tự mình đặt cho mình một nguyên tắc, rồi cũng chính tự mình phá bỏ nguyên tắc; tự mình cho là tốt rồi cũng chính mình bảo là xấu; tự mình bắt đầu rồi cũng tự mình bỏ dở. Tự do lúc này quả thực là tự do nhưng là tự do viết trên giấy, không phải là tự do trên da thịt, trong tim óc, nơi nhân vị con người.
Tự do cũng có thể được hiểu là một tình trạng bỏ ngõ, không bị chiếm cứ hay chiếm cứ bất cứ đối tượng nào. Tự do trong trường hợp này là một tự do trống rỗng, tự do không tự do vì tự do không để làm gì, không cho ai, không đi về đâu.
Tự do thực và chính đáng thuộc về con người đúng nghĩa trước hết phải là một tự do có ý thức, thứ tự do có hiểu biết. Tự do có hiểu biết là biết mình có tự do và hiểu giá trị của tự do ấy. Biết mình có tự do là định vị chỗ đứng làm người không thể thay thế của cá nhân mình. Hiểu tự do ấy là thẩm định giá trị vô cùng cao quý và bất khả nhượng của riêng mình. Khi đã định vị và khẳng định nhân vị, ta mới cho tự do cái giá trị phải có của nó. Nói cách khác, tự do không lơ lửng, chung chung cho mọi người, nhưng tự do phải được mỗi người nhận ra và đem vào cho mình, lấy làm yếu tính của đời mình. Vì chỉ khi vào được trong con người, định cư được trong mỗi người, tự do mới thực sự là tự do của con người.
Tự do thực, từ ý thức làm nền, sẽ hướng đến một vùng trời dành riêng cho nó và chỉ trong vùng trời này, tự do mới sung mãn phát triển; vùng trời đó chính là vùng trời trách nhiệm. Quả thực không có trách nhiệm, nếu không có tự do; cũng như sẽ không có tự do nếu thiếu vùng trời trách nhiệm cho tự do sống. Trách nhiệm cho tự do một hướng đi, một đích tới. Tự do khai sinh trách nhiệm nhưng đồng thời cũng nhờ trách nhiệm mà hiện hữu. Cả hai ôm chặt lấy nhau nên thiếu một là cả hai không còn giá trị.
Ta không thể quan niệm tự do không trách nhiệm vì tự do ấy chỉ là một lớp phấn mờ nguyệch ngoạc hai chữ tự do; khi mưa xuống hay gió thổi mạnh, hai chữ tự do sẽ biến đi trong khi trách nhiệm mới là chất sống, chất nhựa thực bền vững cho tự do.
Người có tự do là người biết trách nhiệm trên tự do, dám chịu trách nhiệm trên tất cả hành động tự do của mình. Cùng một lúc trách nhiệm tự do, con người tự do nhờ trách nhiệm.
Trong tình yêu, tự do cũng kêu gọi trách nhiệm để tự do được đứng vững. Ta chỉ có thể tự do yêu một người khi tự do ấy dắt ta đến một vùng trời trách nhiệm. Người mẹ yêu con bằng tình yêu thực vì bà tự mình yêu con không bị bắt buộc, áp bức phải yêu. Và sở dĩ tình yêu của bà đẹp, tự do của bà tràn đầy trong tình mẹ vì bà ý thức trách nhiệm của bà trên đứa con. Tình của bà sẽ hết là tình mẹ khi bà bỏ quên khung trời trách nhiệm này và tình của bà sẽ hết bao la khi trách nhiệm bị đào thải; bởi một tình yêu không trách nhiệm sẽ không thể cưu mang một cuộc tình tự do.
Khi tự do yêu ai, ta mới thấy người đó đáng yêu. Họ đáng yêu vì ta đã chọn lựa họ trong nhiều đối tượng khác. Đáng yêu vì được yêu trong tự do, yêu có chọn lựa. Chính ta, chủ thể yêu, cũng trở nên đáng yêu vì giá trị của trách nhiệm trong tình ta yêu.
Yêu nhau là muốn trách nhiệm trên nhau, trách nhiệm vì nhau, trách nhiệm nhờ có nhau. "Muốn" là tác động của tự do; hạnh phúc là kết quả của ý thức trách nhiệm. Định luật căn bản hay đúng hơn bản chất thật của tình yêu là "ước muốn hạnh phúc cho người mình yêu". Khi ước muốn cho nhau, ta không chỉ muốn mông lung, muốn mơ hồ, muốn có cũng được không có cũng chẳng sao nhưng là muốn với một ý chí mãnh liệt, cho một mục đích rõ rệt được xác định: hạnh phúc cho người mình yêu. Ở trong tình yêu này, tự do cần để "muốn" và trách nhiệm cần để mục đích hạnh phúc được thực hiện. Tự do trong tình yêu hay tình yêu tự do lúc này không rời xa "nhu cầu hạnh phúc của đối tượng yêu". Chúng cần nhau, giữ nhau cho một thế quân bình cần thiết. Thiếu thế quân bình này, tự do sẽ bị thoái hóa thành phóng túng vì trách nhiệm không có mặt khi hạnh phúc của đối tượng yêu không còn được quan tâm.
Tắt một lời, tình yêu đòi tự do. Không có quan tòa cũng như nhà tù cho một tình yêu thực. Khi yêu nhau, ta không trở thành tù nhân của nhau, cũng không nhốt kín đời nhau nhưng thăng tiến tự do và hạnh phúc cho nhau.
Ta có thể sợ tự do vì tự do có thể mang lại những rủi ro trong chọn lựa; nhưng thiếu tự do, ta sẽ mất hết mọi khả thể hứa hẹn, ngay cả một hứa hẹn rủi ro, một khả thể sai lầm. Và đó chính là nét đẹp của tình người tự do; bởi tình đã cho trong tự do và tình đón nhận cũng nhận bởi tự do. Ngay cả Thượng đế cũng không mơ mối tình nào khác có thể đẹp hơn.

0 nhận xét: