Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

TÌNH CHO KHÔNG BIẾU KHÔNG

Chẳng mấy ai đã yêu mà quên những kinh nghiệm "cho không, biếu không", những kinh nghiệm đôi khi phải rùng mình, ớn xương sống cho một số người mỗi khi phải nhớ lại.
Khi yêu nhau, người ta muốn cho và đòi đối tượng cho lại mình. Chữ "cho" được nhắc đến không biết bao nhiêu lần trong những đối thoại giữa hai người yêu nhau: "cho anh hôn nhé, cho anh cưng em đi, cho anh yêu em, cho anh gần em…" hoặc "Em cho anh trái tim, mái tóc, bàn tay, cuộc đời này, cho anh đời con gái, cho anh tuổi học trò, cho anh tình đầu trinh trắng, cho anh tất cả…". Anh chị say sưa, hồ hởi cho nhau, trao tặng nhau từ những vật kỷ niệm mua ngoài chợ đến những giá trị "vô giá" trên chính thân xác mình. Anh chị nhiệt tình gửi trao nhau không chỉ những giá trị thấy được, nắm bắt được mà cả những giá trị thiêng liêng còn mịt mờ trong tương lai xa tầm với. Nghĩ ra điều gì mới là muốn cho nhau ngay; một ý tưởng bất chợt đăng nhập vào ước mơ đã nhanh chóng trở thành quà tặng cho nhau… nên người ta mới dễ trở thành "đại ngôn, ba xạo, nói dóc, thánh tướng" trong tình yêu khi lỡ trớn, được đà hứa cho nhau cả những gì mình chẳng bao giờ có được…
Tình yêu là cho đi. Đó là đòi hỏi của con tim khi yêu. Yêu ai là muốn cho người đó, cho những gì mình có, mình là. Cho những gì mình "có" đã là nhiều, cho cả những gì mình "là" mới đáng sợ. Không sợ sao được khi người ta sẵn sàng cho nhau chính mạng sống, danh dự, uy tín khi yêu nhau; tình nguyện cho nhau cho nhau đến "tận củ tỉ và nguyên con" hiện hữu của mình để chứng tỏ một tình yêu lớn, vượt thời gian. Càng được hiến dâng, hạnh phúc yêu thương càng ngây ngất. Càng được trao tặng, niềm vui càng cất cánh bay cao. Người ta yêu nhau nên cho nhau và khi cho nhau người ta nhận ra mình thật đáng yêu. Đáng yêu nên yêu càng nhiều, cho càng bộn; yêu càng say càng trao ban điên dại, ngông cuồng. Không có tình yêu bo bo, ki cóp, giữ của, vun vén cho riêng mình. Tình yêu thực trước hết phải biết mở tay, mở lòng, mở bóp, mở cuộc đời vì tình yêu sẽ chỉ biết đón nhận hạnh phúc khi biết quảng đại cho đi.
Tình yêu là cho đi, nhưng là cho đi vô điều kiện, cho rất tình, rất điệu: cho không, biếu không. Cho đã là qúy, nhưng "cho không, biếu không, tặng không" mới thực qúy vô cùng. Quý ở chỗ hết tình, hết mình, vô điều kiện. Cho mà không gửi nhẹ một đợi chờ, cho mà không nhét dưới quà tặng một mẩu giấy mong ước hồi đáp, cho mà không mảy may tính toán so đo, cho mà không vấn vương, thấp thoảng một tiếc nuối xa gần. Cho như thế mới thực là "tình cho không biếu không", cho như đòi hỏi của trái tim luôn nôn nao, thao thức, ao ước được cho đi, được dâng hiến trọn vẹn.
 Sở dĩ trong tình yêu, ta có nhu cầu cho đi là vì khi yêu, ta không còn phân chia chủ thể yêu và đối tượng yêu; nhưng cả hai được tháp nhập làm một, đuợc đi vào trong nhau, trở nên "nhau" mật thiết đến độ không một sức mạnh nào có thể tách rời, chia cách. Tình yêu có nhu cầu cho đi vô điều kiện vì chỉ cho đi vô điều kiện, tình yêu mới chứng minh được sự hiệp nhất, gắn bó nên một của chủ thể và đối tượng. Cho đi khi đó chính là động tác cần thiết để nhận ra mình trong đối tượng. Nhận ra mình trong người mình yêu là nét tuyệt vời mà chỉ tình yêu mới có đủ khả năng mang lại… Như thế, khi yêu nhau tha thiết, hai người vừa cho vừa nhận, vì chính khi hiến thân là khi nhận ra mình, khi cho tất cả là nhận về bao la, khi tràn vào đối tượng tình mình là được ngất ngây bơi lội trong biển tình của đối tượng. Cho đi và nhận lãnh trong tình yêu là hai động tác không rời nhau, tự động khởi phát và tác động đồng thời trên cả chủ thể và đối tượng yêu. Chính cái vô điều kiện tinh ròng ấy đã làm nên những tình yêu vĩ đại, đã viết nên những trang tình sử tuyệt vời, bất hủ, đã làm nên những vĩ nhân và cho cuộc sống con người đong đầy, rợp bóng quyến rũ, đam mê.
Nhưng có phải tình nào cũng là tình cho không, biếu không và tình cho không, biếu không nào cũng là tình tuyệt vời, hoàn hào?
Kinh nghiệm cho thấy: thời buổi kinh tế thị trường, "cho không biếu không" là chuyện không bình thường, nếu không nói là hoang đường, huyền thoại. Kinh tế dậy người ta tính toán, bon chen, chộp giựt. Thị trường bắt người ta phải đầu tư cho chính xác: bỏ ra một đồng phải thu về 10 đồng, không có đầu tư vô vị lợi, đầu tư huề vốn, đầu tư thiện nguyện… Làm gì cũng phải tính lời lỗ, hơn thua ở cái buổi kinh tế thị trường này. Tình yêu cũng không thoát khỏi định luật sinh hoạt của thị trường kinh tế, nên cũng trồi sụt tình yêu chứng khoán, dật dờ tình yêu tồn đọng, bức xúc tình yêu ngoại tệ dollar, chao đảo tình yêu đất đai, hay đứng tim vì tình yêu rớt vào dự án treo, quy hoạch. Tình yêu xem ra hết thời nhìn trăng sao, rồi nhìn nhau mơ một mái nhà; hết dáng đứng Bến Tre dễ thương mải mê nhìn anh trai nghèo ôm đàn ca kỉnh; cũng chẳng còn những mảnh tình hồn nhiên đến ngây ngô khi bẽn lẽn nhìn nhau hỏi: "ước mơ gì không?». Tình yêu biến chất, biến hình, biến tướng, biến dạng nhanh và nhiều hơn ta tưởng để rồi hình ảnh đích thực của tình yêu không còn chỗ đứng, sức mạnh đích thực của tình yêu không còn khả năng tác động và diện mạo đích thực của tình yêu bị méo mó, lệch lạc đến thảm thương. Cuộc sống cơm áo gạo tiền vội vã thúc đẩy con người vào cơn lũ đấu tranh, giành dật. Cuộc sống đòi hỏi nhiều và gay gắt quá đã làm tình yêu không kịp có mặt, lên tiếng, nói chi đến tham dự, can thiệp.
Khi không được tích cực can dự, đóng góp trong sinh hoạt con người, tình yêu âm thầm rút vào bóng tối, tìm cho mình một góc nhỏ, ở đây tình yêu ngao ngán nhìn đời người, nguời đời quay cuồng trong cơn lốc từ sinh cho những hơn thua rất nhất thời. Không còn vị thế ưu tiên, tình yêu mất đam mê như sức sống, mất nhiệt tình như lửa đốt nóng ước mơ, tình yêu từ đó mất đi tính hào phóng ngang ngược nhưng hào hùng cố hữu, rất đặc không biếu không", tình yêu rớt xuống vực thẳm trần tục với những đong đo, cân đếm, tính toán, đổi chác hơn thiệt, tình yêu thoái hoá thành một sản phẩm thương mại, một thương hiệu kinh doanh, một tiềm lực kinh tế. Người ta sẽ yêu nhau kiểu kinh tế, thương hiệu, sản phẩm nên sẽ xa lạ với chuyện "tình cho không biếu không" mà tình bây giờ sẽ chỉ là "tình qua lại, trao đổi, đối tác đôi bên cùng có lợi"; người ta sẽ ngần ngại khi phải cho không, dè dặt khi phải biếu không, bởi ở vào thời buổi này, ý niệm cho không biếu không đồng nghiã với dại khờ, ngu muội.
Hoàn cảnh thay đổi tư duy, tình cảm; môi trường biến đổi lối sống; thời thế ảnh hưởng trên lựa chọn, ước mơ, vì con người sống trong một không gian và chịu ảnh hưởng rất nặng nề của không gian, môi trường sống. Khi đề cập đến tình yêu, người ta cũng phải tham chiếu môi trường nơi tình yêu có mặt. Nếu hôm nay, trong xã hội này, tình yêu không còn dễ dàng đạt mức "cho không biếu không" thì ta phải hiểu thêm rằng: xã hội đã làm mất khá nhiều độ nhậy cảm của đam mê trong tình yêu, vì tính thực dụng của một xã hội đang bị cuốn hút trong cuồng phong kinh tế, ở đó chỉ có khách hàng là thượng đế vì chỉ có khách hàng là người biết trả tiền, mà tiền là tất cả, có tiền là có tất cả… kể cả tình yêu.
Nói như thế không có nghiã là không còn những cuộc tình cho không biếu không, nhưng điều muốn trình bầy chính là mức độ rủi ro quá cao đang rình rập những cuộc tình cho không biếu không. Rủi ro cao khi xác xuất thất bại lớn: thất bại khi tình cho không biếu không trở thành tình "mất cả chì lẫn chài", khi tình cho đi vô điều kiện với chút hy vọng nhận ra "nhau" trong hai cái "mình" lại biến thành tình thù, tình phản phúc, tình lừa bịp, tình đào mỏ, tình bốc hốt, tình trấn lột, tình đểu cáng. Những cho không biếu không vô tình trở thành mồ chôn những cuộc tình vu vơ, mây gió hay lò sát sinh giết chết tình cảm của những tình nhân ngây thơ, đam mê, nhiệt tình. Rủi ro qúa lớn khi con người bị ám ảnh bởi vinh quang của một xã hội sặc mùi tiền bạc; rủi ro cận kề khi chủ nghiã thực dụng, duy lợi bao trùm, điều khiển mọi sinh hoạt của con người, kể cả sinh hoạt tình cảm. Nguy cơ lớn tạo nên nỗi sợ lớn. Thất bại vây bủa sát nhà tạo nên nỗi lo dầy đặc, triền miên. Và tình yêu cũng chịu chung nỗi bất hạnh đáng buồn ấy là lo ngại, ngập ngừng… khi phải quảng đại cho đi.
Cũng trong chiều kích xã hội mà tình cho không biếu không khó đạt được điều mong ước như một tình yêu hoàn hảo, tuyệt vời. Tuyệt vời trong tình yêu là vô điều kiện; hoàn hảo trong tình yêu là không so đo, tính toán, vô tư, vô vị lợi, cho nhưng không như nhận nhưng không. Thế nhưng những hệ lụy theo sau những "cho không biếu không" đã làm nát tim không ít người, cầy bới tâm can rất nhiều người, đốn gục cuộc đời của không biết bao nhiêu người, nên không còn mấy ai dám liều mạng cho không biếu không mà không run rẩy, phập phồng, lo âu, băn khoăn, ngờ vực. Tình yêu bỗng làm sợ, làm tăng áp huyết và có nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim, những trái tim trót một lần yêu như đam mê mời gọi và "cho không biếu không" như tình yêu muốn.
Đứng trước giằng co của một tình yêu lớn muốn được cho không biếu không và những rủi ro thất bại từ một xã hội thị trường, ta phải làm gì để tình yêu trong ta vẫn giữ được nét đẹp của một tình yêu lớn vì quảng đại vô tư, vì cho đi không tính toán, vụ lợi?
Thiết tường việc phải làm trước hết là đối diện với chính giá trị của ta. Đối mặt với chính mình là nhận ra vị thế thực cùng những giá trị thực của chính mình. Nhận ra mình là điều kiện để nhận ra người. Chủ thể chỉ có thể đánh giá đúng đối tượng khi chủ thể biết mình, đánh giá đúng về mình. Nói cách khác, không nhận ra giá trị của mình, ta sẽ nhận diện sai đối tượng và đây chính là sai lầm lớn nhất trong lựa chọn tình yêu. Khi yêu ai, ta cần biết mình truớc khi biết người mình yêu. Không biết mình, không nhận ra mình là ai, có những giá trị nào ta sẽ mang mặc cảm hoặc tự tôn, hoặc tự ty trước đối tượng. Cả hai thứ mặc cảm đều nguy hiểm và làm đời ta bất hạnh. Chúng như những bảng chỉ dẫn sai làm ta lạc đường, mất hướng. Tự ti đẩy ta xuống vực thẳm, tự tôn nhấc bổng ta lên mây. Vực thẳm hay mây ngàn đều là những điạ chỉ không cần đến, vì nguy hiểm cho sự sống còn của chính bản thân.
Khi nhận ra giá trị của mình, ta sẽ dễ dàng nhận ra đối tượng ta yêu nhờ khả năng phản chiếu của các giá trị. Qua gương phản chiếu các giá trị, ta phán đoán giá trị, tư cách, tính khả tín của đối tượng trong tình yêu. Những phán đóan này sẽ giúp ta chọn lựa đúng những gì ta phải làm, ngay cả chuyện cho đi, dâng hiến, trao tặng. Sở dĩ ta phải đánh giá đối tượng và thẩm định giá trị của con người ấy trước khi ta yêu, ta dâng hiến, ta cho không biếu không là vì trước tất cả, ta đã là một giá trị nào đó cần được trân qúy, tôn trọng, giữ gìn. Phí phạm một giá trị, lạm dụng một giá trị, chà đạp một giá trị là xúc phạm đến người mang những giá trị đó. Tự trọng ở đây bắt ta không được để bất cứ ai, kể cả đối tượng đang yêu xúc phạm nhân vị và phẩm cách của chính mình. Cũng vậy, khi dâng hiến, trao ban vô điều kiện cho người mình yêu, ta đòi nơi họ lòng tôn trọng những gì ta là, ta có như những giá trị không thể hoán nhượng. Nếu đối tượng không đủ khả năng tôn trọng những giá trị ta trao ban, dâng tặng vô điều kiện cho họ, họ không đủ điều kiện xứng hợp để nhận những giá trị ta dâng hiến và chính ta sẽ không được phép trao ban cho họ những giá trị này, dù lòng ta bao dung, quảng đại đến đâu đi nữa, chỉ vì ta có bổn phận tự trọng đối với chính bản thân ta.
Ý thức giá trị của mình và nghiã vụ phải tôn trọng các giá trị đó nơi đối tượng đón nhận sẽ giúp ta biết với ai ta có thể cho, và ta được phép cho đến mức độ nào. Nói cách khác, điều kiện để đón nhận những giá trị từ một người là phải biết nhận ra và trân qúy những giá trị và con người trao ban những giá trị ấy. Thiếu điều kiện này, mọi dâng hiến, trao tặng đều không mang một ý nghiã nào và là tai hoạ khôn lường cho chính người trao ban.
Tình yêu không thể thiếu đam mê. Chính đam mê làm tình yêu thăng hoa, lãng mạn; chính đam mê cho người yêu tự nguyện dâng hiến vô điều kiện, thúc bách "cho không biếu không» như bảo chứng của một tình yêu tuyệt vời, hoàn hảo. Nhưng đừng quên: đam mê không truất phế các giá trị, cũng không đánh đổ lòng tự trọng và nghiã vụ tôn trọng trong tình yêu. Đam mê là một tình cảm mạnh nên cần lực hút là các giá trị. Thiếu giá trị như lực hút, đam mê sẽ biến thành mê muội, mê sảng, mê mệt, mê man không đảm bảo bất cứ một an toàn cỏn con, tối thiểu nào cho cả chủ thể và đối tượng của đam mê.
Yêu ai là muốn cho người ấy hết, cho hết mình, cho hết tình, cho vô điều kiện, cho không biếu không. Ước muốn cho đi đó là khao khát tận đáy sâu tâm hồn, thân xác muốn chứng tỏ hết mình tình mình dành cho người mình yêu. Nhiệt tình trao hiến không tính toán đó là bằng chứng hùng hồn của một tình yêu mãnh liệt, liều mình vì người mình yêu. Vì thế, yêu mà không dâng hiến vô điều kiện thì tình ấy mới chỉ là tình yếu xìu. Yêu mà chưa dám liều cho hết thì yêu ấy xem ra vẫn còn rất phiêu lưu, chưa phân định, ngã ngũ. Nhưng liều mạng, cho hết tình, xẻ chia hết mình mà quên xem lại khả năng đón nhận của đối tượng để rồi "xót xa một đời" lại là "tình mất tiêu".
Quân bình được đòi hỏi của một tình yêu lớn với khả năng dâng hiến lớn nơi chủ thể và đòi hỏi khả năng đón nhận những giá trị dâng tặng nơi đối tượng là một công trình có tầm vóc lớn cần phải được quan tâm xây dựng trong tình yêu. Yêu là cho đi, nhưng cho người không biết giá trị của quà tặng và tấm lòng của người cho là một phí phạm vô lý và xúc phạm trầm trọng. Yêu là cho đi, cho đi như nét đẹp của một tình yêu hoàn hảo, tuyệt vời khi người nhận ở ngang tầm giá trị vì nhận ra quà tặng của tình yêu và trái tim mang đến tình yêu này là một giá trị tuyệt đối, không gì có thể so sánh và bất khả chuyển nhượng.
Ước mơ của người viết là được thấy nở rộ khắp nơi, trong mọi cõi lòng một tình yêu lớn dám quên mình, một tình yêu thần thánh dám chắp cánh vượt qua, một tình yêu hoàn hảo "cho không biếu không".
Ngoài đầu ngõ, có hai người đang sánh vai trong nuớc mắt hạnh phúc. Cả hai vừa cho vừa nhận một món quà vô giá, rất tuyệt vời là "tình cho không biếu không".

0 nhận xét: