Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

SỬA LỖI ANH EM

 

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 23 Thường Niên, Năm A


Con người có xã hội tính, nên sống chung và làm thành cộng đoàn, bởi không ai là hoang đảo, không ai có thể sống một mình, mà không cần đến người khác. Nhưng mỗi người lại là một vũ trụ riêng biệt, một thế giới riêng tư, cá biệt, nên đời sống chung không luôn dễ, khi khó tránh khỏi những mâu thuẫn, bất đồng. Vì thế, để hoá giải những bế tắc trong tương quan, để hoà giải những đối kháng, đối nghịch, người ta cần đến thương thuyết, thương thảo, thương lượng, cũng như toà án đủ cấp, đủ ngành, để duy trì một xã hội ở đó con người có thể chung sống hoà bình.

Giáo Hội gồm con người, và cho con người. Hơn nữa, Giáo Hội còn mang tính hiệp nhất, hiệp thông, vì Giáo Hội là một Thân Thể mà mọi tín hữu là  chi thể của Thân Thể có Đức Giêsu là Đầu, nên Giáo Hội là một cộng đoàn sống chung với nhau nhờ một sức sống là Đức Giêsu.

Vì là cộng đoàn, nên những vấn đề của đời sống chung giữa con người với con người trong xã hội bình thường cũng là những vấn đề của cộng đoàn Giáo Hội, chỉ khác một điều là đường hướng cũng như cách thức giải quyết những khúc mắc, bế tắc trong tương quan giữa các thành viên của Giáo Hội sẽ không giống như đường hướng và cách thức của một cộng đoàn xã hội bình thường.

1.   Tình Yêu và Sự Thật :

Sự thật là những thiếu sót, những lỗi lầm, những thái qúa bất cập, kể cả những trọng tội của cá nhân tín hữu ảnh hưởng xấu trên cộng đoàn.

Trước sự thật tội lỗi của người anh em, người tín hữu trước hết phải ý thức : tất cả chúng ta thuộc về một Thân Thể duy nhất, và các chi thể  có trách nhiệm trên nhau nên không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận đều đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung (1 Cr 12,25-26).

Chính vì không thể sống mà không có nhau, sống mà không thể riêng lẻ, biệt lập, nhưng chỉ là một Thân Thể, mà người tín hữu có trách nhiệm cả trên những sai trái, tội lỗi của anh em mình, và đòi hỏi phải giúp anh em mình sửa đổi, khi trở nên người canh gác để cảnh báo người anh em tội lỗi biết Thiên Chúa muốn họ phải ăn năn sám hối,  như Thiên Chúa đã mặc khải qua ngôn sứ Êdêkien : Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng : Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi nợ máu của nó (Ed 33, 8).      

Tuy có nghiã vụ cảnh báo và giúp anh em sửa mình khi có lỗi, người tín hữu không  xử sự với anh em như những người không có đức tin và đức mến, nghiã là việc sửa lỗi anh em không bao giờ được ra ngoài qũy đạo Tình Yêu để biến buổi gặp gỡ chia sẻ với người anh em yếu đuối thành cuộc tố khổ, đấu tố rặc mùi bạo lực khi nhân danh sự thật và công lý của loài người.

Đó là lý do Đức Giêsu đã đưa ra tiến trình sửa lỗi anh em trong Giáo Hội, khi bắt đầu bằng gặp riêng người ấy. Nếu người ấy chịu nghe, thì anh đã chinh phục được người anh em (Mt 18,15). Ở đây, Đức Giêsu dùng động từ chinh phục để diễn tả bầu khí yêu thương và tôn trọng giữa hai người, vì chinh phục khác với khống chế, áp đặt, khi cả người chinh phục và người bị chinh phục đều có tự do, và  chiến thắng sẽ là phần thưởng chung của hai người, vì cả hai đều có tình yêu và sự thật khi cùng đi tìm và cùng tâm phục khẩu phục trước tình yêu và sự thật, trước sự thật được tình yêu bao bọc. 

Bước kế tiếp, nếu người anh em có lỗi không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân (Mt 18,16).

Sách Đệ Nhị Luật đã ghi rõ : Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ một tội một lỗi nào ; về bất cứ lỗi nào người ấy phạm, phải căn cứ vào lời hai nhân chứng hay căn cứ vào lời của ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét (Đnl 19,15).

Lại một lần nữa, Đức Giêsu lưu ý chúng ta phải tôn trọng người có lỗi. Không chỉ cho người ấy cơ hội trình bầy, tự biện hộ, mà còn phải có nhiều nhân chứng, ít nhất  hai, ba người, vì sự thật ở người yếu thế, ở người bị coi là có tội rất dễ bị quyền lực nhận chìm, bóp chết, và kẻ cầm quyền xét xử dễ lạm dụng vị thế quan toà của mình để ép cung, buộc tội, điều mà người ta phải đau lòng chứng kiến hằng ngày cả trong đạo ngoài đời. 

Sau cùng, nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại đạo hay một người thu thuế (Mt 18,17). Nói như thế, Đức Giêsu không có ý tạo một công thức dễ dãi để loại bỏ, khai trừ, rút phép thông công người có lỗi, có tội khỏi Giáo Hội, nhưng muốn nhấn mạnh sự kiên nhẫn của đức  ái trong việc sửa lỗi anh em. Một tiến trình nhiều giai đọan, đòi nhiều thời gian cốt để đức ái có cơ hội hoán cải người có tội, và để người có quyền xét xử khiêm tốn nhận ra một nghiã vụ mà không ai được thiếu sót, bỏ qua trong Giáo Hội, đó là món nợ yêu thương mà tất cả chúng ta đều mắc nợ nhau, như thánh Phaolô đã nhắc nhở : Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái ; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật (Rm 13,8). Do đó, quyền tháo buộc cũng chỉ là quyền yêu thương, cứu chữa chứ không bao giờ được biến thái thành quyền tàn phá, tiêu diệt, bởi món nợ bác ái không cho phép bất cứ ai được xử sự cay nghiệt, tàn nhẫn, ác độc với anh em mình, dù họ tội lỗi đến đâu, như câu nói tuyệt vời của Đức Thánh Cha Phanxicô trước những vấn đề nhạy cảm của anh em mình : Tôi là ai mà dám xét xử?.      

2.   Giáo Hội : một cộng đoàn yêu thương cầu nguyện :

Đặc tính cộng đoàn luôn được đề cao trong đời sống Giáo Hội, bởi Giáo Hội là một Thân Thể, không giống như các cộng đoàn nhân loại khác. Sở dĩ Giáo Hội là cộng đoàn hiệp nhất và hiệp thông vì Giáo Hội có Đức Giêsu là Đầu, Đấng đã hứa : Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20), và  qủa quyết : Ở đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giữa họ (Mt 18,20).   

Thực vậy, đọan Tin Mừng với lời qủa quyết trên đã tiếp liền ngay sau  đọan Tin Mừng về việc sửa lỗi anh em, với lời căn dặn của Đức Giêsu : Thầy bảo thật anh em : nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho (Mt 18,19) như một điểm nhấn quan trọng : khi sửa lỗi anh em, Giáo Hội không chỉ cần đến hai, ba người để tìm kiếm, đào bới nhân chứng, vật chứng hầu luận tội cho đúng, kết án không oan sai, nhưng Giáo Hội mời gọi những người có trách nhiệm  ngồi lại với nhau trước hết và trên hết để cầu nguyện, triệu tập hội đồng để cầu nguyện, quy tụ nhân chứng để cầu nguyện, gặp gỡ những người liên quan vụ việc để cầu nguyện, và cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa cầu nguyện, bởi việc sửa lỗi người anh em có kết qủa hay không, việc thay đổi đời sống của người tội lỗi có đạt mục đích hay không hoàn toàn tùy thuộc ơn Chúa, nên việc cầu nguyện là điều không thể sao lãng, bỏ quên khi sửa lỗi anh em.

Cũng chính vì thiếu cầu nguyện và đặt ra ngoài lề sức mạnh của ơn Chúa, mà nhiều cuộc giải quyết những khúc mắc, sai trái, lỗi lầm của anh em trong Giáo Hội đã đau đớn biến thành những cuộc đấu tố, tra khảo, hạch tội, thanh trừng, truy diệt sắt máu, cạn tình, không mang  dấu ấn của Tin Mừng, hơi hướng của bác ái, sắc diện của tình huynh đệ giữa các chi thể của Thân Thể Hội Thánh.

Vâng, sửa lỗi anh em, cũng như được anh em sửa lỗi là trách nhiệm của mọi thành phần trong Giáo Hội, vì tất cả chúng ta liên đới với nhau. Để công việc khó khăn này được thành tựu tốt đẹp như ý Chúa muốn, chúng ta phải đặt đức ái lên trên tất cả, bởi thiếu đức ái, ngay cả sự thật cũng sẽ trở thành sự thật giết chết, sự thật tàn phá, sự thật làm ngăn cách, chia lià. Với đức ái, chúng ta nhìn người anh em cũng như lỗi lầm và những vấn đề tế nhị, nhạy cảm của họ bằng cái nhìn nhân hậu của Đức Giêsu ; với đức ái, chúng ta có ơn Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con để có những phương án giải quyết trong yêu thương và sự thật ; với đức ái, chúng ta được chính Đức Giêsu, Đấng ngự giữa chúng ta khi chúng ta tụ họp nhau cầu nguyện và đồng hành với người anh em yếu đuối, lầm lỗi để họ được chữa lành, được nâng đỡ và tiếp tục cùng dân Chúa bước đi, mà không bẽ gẫy, nhận chìm, vùi dập họ.

Ước gì mỗi ngày chúng ta ý thức hơn món nợ tình yêu còn mang nặng đối với anh em, để trong mọi tình huống, ở mọi chức vụ, trách nhiệm, chúng ta đều biết mình phải ứng xử, giải quyết vấn đề của nhau trong đức ái, với ơn Chúa nhờ hiệp thông cầu nguyện.

Jorathe Nắng Tím    

0 nhận xét: