Có một điều không cha mẹ nào nói ra, nhưng tất cả đều
ưu tư, lo lắng, đó là đạo đức của chính mình, nhất là tuổi già khi sồng sộc đến,
và con cái ngày càng lớn khôn.
Lý do của ưu tư, lo lắng, băn khoăn, kể
cả hối tiếc về đạo đức, chính là cái
nhìn của con, thái độ của con, và tương
lai của con.
1. Cái nhìn của con
Ngày xưa khi con còn bé bỏng, cha mẹ sống thế nào cũng được, nhưng con càng lớn, cái nhìn “đặt
vấn đề, nhận định vấn đề, phân tích vấn
đề, phán đoán vấn đề” của con không cho
phép cha mẹ sống tự do “như ý” nữa, nhưng phải theo một khuôn khổ đạo đức. Nhìn
cha bê tha rượu chè, ngất ngưởng say xỉn sáng chiều ở quán nhậu, con sẽ nhìn cha bằng đôi mắt trách móc
rất buồn. Thấy mẹ bon chen, gian dối, con sẽ tủi thân, xấu hổ, coi
thường. Cái nhìn của con cái là điều cha mẹ ngại hơn tất cả. Người đan ông không sợ cái nhìn của
vợ khi ông phạm tội, nhưng run rẩy trước
cái nhìn của con ông, cũng như người mẹ
có tội không kinh hãi gì cho bằng cái nhìn
chất vấn của con bà, bởi con cái là tấm gương, qua đó cha mẹ thấy mình rõ nhất, nghiêm minh nhất,
đáng sợ nhất. Đó là tấm gương trung thực,
chính xác, nhưng cũng tinh vi, tường tận
có sức làm cha mẹ ngã gục trước ngây
thơ, trong sáng của con.
2. Thái độ của con
Cha mẹ thiếu đạo đức thường né tránh con, vì thái độ của con như gai nhọn làm nhức nhối lòng
cha mẹ, khi cha mẹ không đạo đức. Ai cấm
con cái tỏ thái độ vui, buồn, đồng tình,
phản đối trước hành vi của cha mẹ. Nếu
cha mẹ đạo hạnh, thái độ của con sẽ là yêu mến,
kính trọng; trái lại, cha mẹ vô trách nhiệm, lười biếng, gian tham, lừa lọc, bạo hành, bất trung, bất
nghia sẽ bắt buộc con có thái độ không
tin tưởng, dè dặt, kể cả khinh thường và
xa tránh. Thái độ của con cái nói lên yếu tính
“đạo đức” của ơn gọi làm cha mẹ, vì đã làm cha mẹ, người ta không thể chối bỏ đạo đức, bởi một
trong những nghia vụ hàng đầu của cha mẹ
là giáo dục, huấn luyện con thành những
người tử tế, đạo đức, đạo hạnh. Thử hỏi không
đạo đức, cha mẹ có chu toàn được bổn phận của
nhà giáo dục?
Đàng khác, con cái cần nơi cha mẹ một tấm
gương, một đuốc sáng, một ngọn hải đăng để sống và tiến bước mà không sợ lạc đường,
mất hướng trên hành trình cuộc đời. Mất cha mẹ “đạo đức”, con cái bị thiệt
thòi, và hụt hẫng trước vô vàn những cám dỗ, cạm bẫy nguy hiểm của tội ác, sa đọa
trên đường đời.
3. Tương lai của con
Tương lai của con là ẩn số lớn đối với
cha mẹ. Tương lai ấy không chỉ hệ tại ở
khả năng học hành, tháo vát, khôn ngoan trong ứng xử của con, mà còn tùy thuộc không ít vào đạo đức của cha mẹ. Có được cha mẹ đạo đức, con cái không chỉ an
tâm, hạnh phúc, mà còn hãnh diện với mọi
người, nhất là bạn bè cùng trang lứa.
Con sẽ vui mừng biết bao khi được mọi
người kính trọng, vì là con của cha mẹ có tiếng đạo hạnh, tử tế. Con sẽ vinh dự biết bao khi được
nghe người khác ca tụng công đức của cha
mẹ mình. Con sẽ phấn khởi thế nào khi đi
đến đâu cũng được nhiều người giúp đỡ, trân trọng, chỉ vì là con của cha mẹ
đáng phục, đáng yêu, đáng kính bởi mọi người.
Và con sẽ dễ dàng thành công trong cuộc
sống gấp nhiều lần người khác, vì xuất thân
từ gia đình tốt, cha mẹ đức độ, con cái hiếu thảo, anh chị em hiền hậu, thương yêu nhau. Đạo đức
của cha mẹ kéo theo đạo đức của cả nhà, là đầu tàu cho cả dòng dõi con cháu đức
độ. Vì thế, khi cha mẹ không đạo đức, cả con tau gia đình sẽ
chìm, và nhiều thế hệ con cháu sẽ chơi
vơi, chao đảo. Đó là lý do mà người ta
thường cho rằng: “đời cha ăn mặn, đời
con khát nước”. Thực ra thì ai ăn mặn, người ấy
khát nước, nhưng vì tương quan cha mẹ - con cái là một tương quan rất đặc biệt vì khăng khít huyết
thống, gắn bó dòng dõi, nên ảnh hưởng lớn
và chặt trên nhau. Cha mẹ sinh ra con, nên máu huyết con là máu huyết cha mẹ; cha mẹ tạo nên hình dạng con, nên trong con
có tất cả “chất liệu” của cha mẹ. Vì thế,
không một liên đới nào gần gũi, sâu sát,
mật thiết hơn liên đới cha mẹ - con cái. Cũng vì ảnh hưởng nhiều và mạnh mẽ trên nhau, nên đời con khó ra khỏi đời cha mẹ, và việc làm tốt xấu
của cha mẹ luôn gây âm vang lớn, chấn động cao trên đời con. Khi đề cập đến một thành viên của gia đình,
người ta không thể gạt bỏ ảnh hưởng của
cha mẹ, vì bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào,
khi thiết lập một quan hệ với một người mới,
người ta luôn tìm về nguồn cội của người này, và nguồn cội phải tìm trước hết chính là cha mẹ.
Nếu cha mẹ hiền lành, con cái khó có thể
hung dữ. Nếu cha mẹ thuộc giai tầng “đá
cá lăn dưa” thì lấy đâu con thuộc hàng
“trâm anh, thế phiệt”? Không hẳn: “Con vua thì
lại làm vua, con ông sãi chùa lại quét lá đa”, nhưng thực tế cũng không mấy xa “kinh nghiệm nhân gian”
này, khi con cái của cha mẹ đạo hạnh luôn là những đứa con thành nhân trong xã hội, thành công trong hôn
nhân, cũng như thành đạt trong đời sống
nghề nghiệp.
Thực ra, khi làm cha mẹ, không ai không
băn khoăn về hạnh phúc của con mình, và băn khoăn ấy tăng gấp bội khi vấn đề đời sống cá nhân của cha mẹ được
đặt ra. Cha mẹ đặt ra vấn đề đạo đức cho chính mình, vì đó là tiếng nói của lương tâm, đặc biệt lương
tâm của người mang ơn gọi làm cha mẹ,
người giáo dục. Lương tâm hối thúc cha mẹ
nhìn lại mình, kiểm tra lại đời mình, kiểm điểm nếp nghi, nếp nhà “quá khứ” của
mình, vì hạnh phúc của con, bởi cha mẹ
thừa biết: Con cái sẽ tủi hổ khi thấy
cha mẹ thiếu đạo đức, khi nghe thiên hạ đồn
thổi tiếng xấu về cha mẹ mình, khi cảm nghiệm cha mẹ không xứng đáng với thiên chức “Đấng sinh
thành”, khi linh cảm một ngày mai không
mấy tươi sáng, vì nếp nhà đạo đức ngày
càng xuống cấp, dột nát, suy sụp. Cha mẹ đặt lại vấn đề đạo đức cho chính mình,
vì con cái không “buông thả” cha mẹ
trong những thói quen không đạo đức, bởi
chính lương tâm của con cái réo gọi, đòi
hỏi. Nhiều cha mẹ mất hẳn thế đứng “rường cột” của gia đình, vì mặc cảm tội lỗi khi biết mình
không xứng đáng với chỗ đứng và bổn phận
làm cha mẹ. Không thiếu những cha mẹ ngậm
đắng nuốt cay phải “bó tay đao ngũ” khỏi
cương vị “cầm cân nẩy mực” của người lãnh đạo gia đình, vì không chịu nổi những
cái nhìn “chất vấn” của con cái. Đây là thảm kịch tinh thần đau đớn nhất mà cha
mẹ phải gánh chịu, nếu chẳng may rơi vào tình trạng thiếu đạo đức trong đời sống. Nhiều người trốn
gia đình, bỏ con cái đi biệt tăm không phải vì không thương con, cho
bằng vì không chịu nổi đắng đót, cay nghiệt từ thái độ “không còn kính trọng” của con cái. Cha mẹ
tự đặt vấn đề đạo đức của mình, khi cảm nghiệm
một cách siêu nhiên ảnh hưởng của mình trên con cái, như khi cha mẹ ăn chơi, sa
đọa thì con cái học hành xuống dốc, bầu khí gia đình lộn xộn, căng thẳng; trái lại, khi đạo đức, chuyên chăm cầu nguyện,
bác ái, vị tha thì con cái thành công mọi mặt, và phúc lộc như đổ xuống trên mọi người trong nhà. Cha mẹ tự đặt
lại vấn đề đạo đức, vì đến lúc không muốn
cũng phải chấp nhận: trách nhiệm đầu tiên của đời cha mẹ là trở nên tấm gương đạo đức cho con.
Không đạo đức, cha mẹ sẽ như kẻ có tâm
điạ xấu lén gieo cỏ dại, cỏ gai, cỏ lùng
và hạt độc trên thửa ruộng đời con, khác với sống đạo đức là gieo trong con những
hạt giống tốt, những hạt giống sẽ nảy mầm
hạnh phúc, thành công. Cha mẹ đặt vấn đề đạo đức của mình cũng là dấu hiệu đến khúc quanh cuộc đời, khi tất cả đã
có, đã trải qua, nhưng có một cái bỗng
dưng thấy rất cần, nhưng chưa có, đó là
gia sản đạo đức không thể thiếu cho mình
và cho con. Cho mình vì quỹ thời gian đời mình không còn nhiều; cho con
vì tương lai của con đang mở ra như một
thách đố. Sẽ đến một lúc cha mẹ không muốn
tin cũng phải tin sức mạnh vô song của đạo
đức trong việc giáo dục con cái. Chỉ sợ
khi khám phá sức mạnh để tin, thì mọi sự đã
quá muộn. Vì thế, ngay khi có thể, cha mẹ nên xem lại đạo đức của mình, không những để ổn định
đời sống tinh thần, bảo đảm bình an tâm hồn, mà còn giải quyết những lấn cấn, khúc mắc trong tương quan giữa
mình và con cái, khi đạo đức là chìa
khóa vạn năng cho tất cả mọi nan đề. Ngôn
ngữ bình dân rất thâm thúy khi tóm tắt đạo đức
ở “lòng nhân”. Lòng nhân là lòng người, khác với “lòng lang dạ thú”.
Lòng nhân là trái tim người biết chạnh lòng thương người, là tâm hồn người biết mở rộng đón tiếp người, là bàn tay người sẵn sàng nối dài giúp
đỡ người, là bàn chân người lặn lội tìm đến với người cần cứu giúp, là ánh mắt
người bao dung, chia sẻ, là tiếng nói người an ủi, khuyến khích, yêu thương, là óc não người thao thức kiếm tìm hạnh phúc cho mọi người. Lòng nhân
làm cho con người thật sự là người, người cao thượng, người đạo đức, người
thánh thiện, người đáng kính, người lý tưởng,
người tuyệt vời. Lòng nhân đem lại hạnh phúc cho chính mình và mọi người chung quanh đang cùng sống.
Thế giới loài người không thể thiếu những con người có “lòng nhân”; nếu không, thế giới sẽ bùng nổ tức
khắc vì hận thù; sẽ đóng băng lập tức,
vì thiếu lửa hy sinh; sẽ đột tử thình
lình vì không còn tình thương làm khí thở.
Lòng nhân làm cho đời người mang chất người, làm cho ngày mai của người thành ngày mai hy vọng.
Lòng nhân biến quá khứ của người thành
ký ức đáng nhớ, dễ yêu, cho phép người gọi
tên nhau bằng tình người, và liên kết mọi
người thành một xã hội nhân loại hạnh phúc, an lạc.
Tóm lại, đạo đức là có lòng nhân, và
lòng nhân là thương người, quý người, giúp người. Người là đối tượng của tình
yêu, đồng thời cũng là lề luật của tình yêu, nên lòng nhân trở thành điều kiện
của đạo đức. Cha mẹ có lòng nhân sẽ dạy con thành người nhân nghĩa. Nhân nghĩa
là thước đo người đạo đức, và là nấc thang cần thiết cho cuộc đời hạnh phúc,
thành công. Tuy thế, để lòng nhân mãi bền vững, người đạo đức cần quy chiếu đời
sống đạo đức của mình vào một lý tưởng
siêu nhiên, hay một Đấng thiêng liêng nào đó. Niềm tin tôn giáo không thể thiếu
trong đời sống đạo đức, vì đó là căn bản
và là đích tới của mọi đạo đức nhân loại.
Người viết đã làm việc trong nhiều nha dưỡng lão, bên các cụ ông, cụ bà rất cao
tuổi ở Áo và Pháp thời còn đi học. Qua nhiều tiếp xúc, và chia sẻ thân tình,
người viết biết rõ một điều: Nỗi buồn
sâu lắng và không ngừng day dứt tâm hồn các cụ là đời sống đạo đức của quá khứ.
Nhiều cụ đêm nào cũng khóc, vì tiếc nuối đã không sống đạo đức, để con cái hư hỏng. Có cụ thở dài
trách mình đã trác táng, sa đọa thời
trai trẻ, để lại một gánh nặng tinh thần
trên đời con cái. Cũng có trường hợp tự tử vì không chịu nổi những cắn rứt của lương tâm về cuộc
sống quá khứ không đạo đức, và đáng
thương hơn là nhiều cụ đã hóa điên vì không đủ bao dung
tha thứ cho quá khứ nhầy nhụa, hư đốn của mình. Sau nhiều năm thực tập bên các người già, người viết nghiệm ra một điều: Đạo
đức là ám ảnh khôn nguôi, đáng sợ nhất ở
tuổi già, khi quá khứ như những thước
phim cứ tuần tự trở về. Mỗi chợt thoáng
nhớ con là gọi về nỗi buồn đời không đạo đức;
mỗi vu vơ chợt tỉnh là nghe hồn nặng triu xót xa thời sa đọa; mỗi choáng ngợp của thời gian là rùng
mình sợ hãi khi hành trang đạo đức còn lỏng
lẻo, nhẹ tênh; mỗi trở mình khó ngủ là
trăn trở, nghẹn ngào vì dĩ vãng nhiều lầm
lỗi. Và chính ở tuổi “gần đất xa trời”, người ta mới nghiệm hết cái giá trị không thể thiếu của một
đời đạo đức, có lòng nhân. Ước gì cha mẹ
ý thức đạo đức là đòi hỏi không thể thiếu
cho hạnh phúc của con cái, và của chính bản thân, để mỗi ngày thêm một bước có
thể rất ngắn, rất nhỏ, nhưng luôn quy hướng “lòng nhân”, đi tới lý tưởng một đời làm cha mẹ đạo đức.
Quý độc giả vui lòng đọc tiếp chương 10 : http://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/CMYT-chuong10