Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Chương XI : CHA MẸ: NGUỒN HY VỌNG KHÔNG VƠI CẠN CỦA CON


    Đã làm người, không ai tránh được đau khổ, sầu buồn, tủi nhục : Không khổ vì nghèo, cũng khổ vì giàu; không đau vì bệnh cũng đau vì tình; không sầu riêng cũng sẽ sầu chung với người mình thương mến;   không buồn đời cũng sẽ buồn mình; không tủi thân cũng  phải tủi phận; không nhục vì nước mất nhà tan, cũng nhục vì sai trái, lỗi lầm của mình và người thân. Cuộc đời là bể khổ, nên mấy ai không lênh đênh, chới với, ngắc ngoải trong biển đời. Gia đình là thế giới cuộc đời thu nhỏ gồm ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt, họ hàng, cũng ngập đầy thử thách, khó khăn trong các tương quan… Chỉ trong thế giới nhỏ bé gia đình thôi, mỗi người cũng đã trải nghiệm thế nào là khổ đau, và sức nặng oằn vai của  gánh đời ô trọc. Trong những đau khổ, tủi nhục, bế tắc, mỗi người  tùy theo mức độ đều có một số kinh nghiệm chung như:
1. Đau khổ có sức tàn phá ghê gớm  
    Không ai dám thách thức đau khổ, hay coi thường sức phá hoại của đau khổ, vì đau khổ làm kiệt quệ thân  xác, sụp đổ tinh thần, đánh gục ý chí. Có biết bao người đã đầu hàng, và chôn đời vì không đủ sức vượt qua đau khổ, bởi sức tàn phá, hủy hoại của đau khổ thật kinh hoàng, ghê gớm.
2. Không hy vọng, không thể vượt qua đau khổ  
    Người ta giống nhau ở kiếp người đau khổ, nhưng khác nhau ở khả năng vượt qua đau khổ. Có người đầu hàng, và chết gục dưới sức nặng của đau khổ, nhưng cũng có người vượt qua đau khổ. Và người ta đều nhận ra sức mạnh để chiến thắng đau khổ chính là niềm hy vọng. Hy vọng đem lại nghị lực để chiến đấu, hy vọng giải thoát khỏi thất vọng, hy vọng là phao an toàn cứu sống, để người đau khổ bám víu, khi không còn gì. Như thế, con người không thể sống thiếu niềm hy vọng, vì hy vọng đem lại lẽ sống và sức sống cho con người trong những cơn giông của thử thách, những bão tố của nguy nan, những cuồng phong của thất bại.
    Nhưng hy vọng là gì, và hy vọng đến từ đâu? Hy vọng là niềm tin được đặt trên lời hứa của tình  yêu, như đôi nhân tình đặt hết hy vọng ở nhau, vì họ tin vào lời hứa “ăn đời ở kiếp” của nhau; như người vợ đặt  hết hy vọng ở chồng, vì tin ở lời chồng hứa sẽ trọn đời chung thủy; bạn bè hy vọng ở nhau vì tin vào lời hứa sống chết có nhau, mà không gì có thể lay chuyển. Lời hứa bảo đảm cho hy vọng, vì kỳ thực một khi đã gọi là hy vọng, thì chỉ còn hy vọng vào lời đoan hứa, thề  nguyền, bởi hy vọng thuộc về tương lai, mà bảo đảm cho tương lai thì chẳng sự gì có khả năng, ngoài lời hứa.  Nhưng để lời hứa là lời mang lại niềm hy vọng thì lời hứa phải xuất phát từ tình yêu, và nhắm đến hạnh phúc  của người được hứa. Vợ yêu chồng, nên mới hứa chung  thủy với chồng, chồng thương vợ mới đoan hứa một đời  son sắt. Vì thế, những lời hứa đe dọa xuất phát từ căm thù, ganh ghét sẽ không chuyển tải niềm hy vọng; những lời đoan nguyền bạo lực sẽ chỉ mang về lửa máu, chết chóc, tang thương. Chỉ duy nhất lời hứa xuất phát từ tình  yêu mới đem hy vọng cho người thất vọng, đem hy vọng   cho người đang chết đứng trước ngõ bí cuộc đời. Hy vọng là tin vào lời hứa phát xuất từ tình yêu, tin vào lời hứa của người yêu mình, tin vào sức mạnh của lời hứa được khai sinh và nuôi lớn từ trái tim yêu thương. Chính nhờ tình yêu mà lời hứa có năng lực cứu chữa, và trên nền tảng yêu thương, lời hứa có sức bật mạnh để cất cao niềm hy vọng.  Bên cạnh những lời hứa của tình yêu mang lại niềm  hy vọng đích thực, có những lời hứa giả hiệu đội lốt tình  yêu, và chỉ mang đến thất vọng, tuyệt vọng. Những lời   hứa phỉnh lừa, gạt gẫm, những lời hứa chiếm đoạt, lợi dụng, những lời hứa hời hợt, thời cơ, tất cả sẽ tạo nên những đám mây đen thất vọng, những vực thẳm tuyệt vọng, vì không có tình yêu, không nhắm hạnh phúc của người nhận lời hứa. Bao nhiêu trái tim đã bị đâm thủng, tan nát vì những lời hứa loại này, và vẫn còn nhiều thảm cảnh đau lòng vì niềm tin bị lừa dối kéo theo phá sản của niềm hy vọng. Con cái cũng là người, nên không tránh được những bước truân chuyên, những nỗi vất vả, những đắng đót cay chua, những bế tắc cách này cách khác trên đường đời dong duổi. Như con người đau khổ, con cái cũng khổ   đau, đồng thời cũng như mọi người, con cái có cha mẹ là qùa tặng vô cùng lớn lao của Thượng Đế để có niềm hy vọng khi lỡ bước đến gần bờ thất vọng. Khi sinh ra có cha có mẹ, như cánh tay yêu thương nối dài của Thượng Đế, con cái được chăm sóc, che chở, nuôi nấng, giáo dục, và có cha mẹ như nguồn hy vọng không bao giờ  vơi cạn.   Là hy vọng không bao giờ cạn của con, vì chính hiện diện của cha mẹ đã là lời hứa yêu thương, ơn gọi làm cha mẹ đã cho con một lời hứa “trọn đời con có tình cha   nghia mẹ”, tương quan cha mẹ - con cái đã suốt đời đậm  sâu dấu ấn “ơn nghia sinh thành”. Là hy vọng không bao giờ cạn, cha mẹ sẵn sàng có mặt với bàn tay nâng đỡ khi  con cần, ở bất cứ chân trời góc bể nào, và trong hoàn cảnh dù tang thương, ê chề đến đâu. Là hy vọng không bao giờ cạn của con, cha mẹ bất chấp danh dự, lời chê  tiếng khen của người đời, mà chỉ ưu tiên là bến đỗ cho con khi con lâm nạn, chốn ẩn náu của con khi con bị truy lùng, xua đuổi, vòng tay phụ mẫu nhân hậu khi con cô đơn, bị mọi người phụ bạc, ruồng rẫy, núi đá chở che của con khi con “thân tàn ma dại”, bơ vơ giữa chợ đời. Là hy vọng của con, cha mẹ quên mình bị giới hạn bởi không  gian, thời gian để chỉ mong được đồng hành với con từng phút giây, và ở mọi nơi dù xa xôi, cách trở, hiểm  nguy. Là hy vọng không bao giờ cạn, cha mẹ vui lòng tự nguyện trở nên tất cả cho con, dù phải hy sinh chính mạng sống mình. Sau cùng, là hy vọng không bao giờ  cạn, cha mẹ sống chết với tình yêu con đến cùng, nghia là đến tận cùng của thời gian, tận cùng không gian, tận   cùng của kiếp nhân sinh, tận cùng phận làm người, tận  cùng ơn gọi làm cha mẹ yêu thương. Như thế, hạnh phúc lớn nhất của con là có cha mẹ là  nguồn hy vọng không bao giờ vơi cạn, để khi nguy khó,  lúc buồn thương, khi cô quạnh, lúc thất vọng, khi sa cơ,  lúc khánh kiệt vẫn luôn có vòng tay ấm áp của tình mẹ,  và bàn tay chống đỡ hữu hiệu của cha. Nhưng để có được niềm hy vọng không bao giờ vơi  cạn, thiêng liêng, và bảo đảm này, cha mẹ phải trở thành Lời Hứa bảo đảm, Lời Hứa thánh thiện, Lời Hứa tuyệt  vời không bao giờ suy chuyển, biến thái.  Trở thành Lời Hứa, cha mẹ phải trung thành với ơn  gọi làm cha mẹ, kiên trì trước mọi thách đố, thử thách,  kể cả cám dỗ của đời cha mẹ, và nhất là kiên quyết mãi  mãi là tình yêu không vơi cạn của con cái. Sở di lời hứa   tình yêu đòi quả cảm, trung thành, vì cám dỗ đao ngũ, bỏ cuộc, đầu hàng, rút lui khỏi thiên chức làm cha mẹ  là chuyện vẫn xảy ra trong đời thường, khi mà khó khăn chồng chất, vất vả bủa vây, ngao ngán ngập đầy trên hành trình làm cha mẹ. Có những cha mẹ không những  không giữ lời hứa một đời thương con, mà còn hành hạ, trừ khử con như khử trừ một thứ dịch nguy hại, và tiêu diệt một kẻ thù không đội trời chung, và bất hạnh vẫn đè nặng trên phận làm con của những em bé không niềm  hy vọng, vì không được lời hứa yêu thương của cha mẹ bảo kê.  Một cách cụ thể, và sống động, cha mẹ phải sống chính niềm hy vọng của lời hứa yêu thương bằng:  
    • Luôn lạc quan, tin tưởng, nhất la khi con suy sụp,  gục ngã để la bờ vai vững chắc cho con nượng tựa. 
    • Luôn trân quý hy vọng của con, dù la một tia hy vọng rất yếu ớt còn sót lại nơi con, để con không   bao giờ rơi xuống vực sâu tuyệt vọng. Nhiều cha mẹ thay vì là niềm hy vọng đã chủ bại   biến thành người nhận chìm, dập tắt niềm hy vọng của con. Đó là một sự thật đau lòng, thường gặp trong đời sống gia đình. Như thế, hy vọng sẽ được hình thành khi cha mẹ trở thành Lời Hứa tình yêu của con cái, và trung thành với lời hứa ấy. Về phía con cái, hy vọng được thực hiện khi con đặt trọn niềm tin vào lời hứa của cha mẹ; bởi không thiếu những mầm hy vọng bị thui chột, chết yểu, vì con  cái không tin cha mẹ là lời hứa. Con không tin cha mẹ  là lời hứa tình yêu có thể vì ngạo mạn, kiêu căng, coi thường cha mẹ, khi đánh giá cha mẹ là những người lạc lậu, cổ hủ, không còn khả năng đáp ứng nhu cầu thời   đại; có thể vì tình yêu dành cho cha mẹ không đủ nồng  nàn, do tính hời hợt, vô ơn, tự mãn, tự phụ; cũng có thể vì không phục cha mẹ trong một vài phương diện nào đó, hay mất hết lòng kính trọng cha mẹ, do đời sống luân lý không mấy tốt đẹp của cha mẹ. Như thế, để niềm hy vọng thực sự là hy vọng giải   thoát, hy vọng cứu sống, hy vọng thăng tiến, xây dựng, cả cha mẹ và con cái đều phải đáp ứng những điều kiện  căn bản về phía mình. Chúng ta có thể ghi nhận hiện tượng đánh mất niềm  hy vọng nơi nhiều người trẻ trong các gia đình hôm nay. Hiện tượng tự tử của trẻ vị thành niên phải chăng là lời tố cáo, hay tiếng kêu tuyệt vọng của những đứa con vô  phúc vì đã không tìm được nguồn hy vọng không bao giờ vơi cạn nơi cha mẹ. Có những em chưa sống đã ngao ngán cuộc sống, chân chưa bước vào đời đã chán chường đường đời. Các em chán, vì không tìm ra lẽ sống, mục đích cuộc sống; các em ngao ngán đời sống, vì đời sống nhàm chán, vô vị; các em buông thả đời sống, vì không biết đời mình nổi trôi về đâu.  Tựu trung tất cả đều bắt nguồn từ thiếu vắng niềm hy vọng, mà chỉ cha mẹ mới là nguồn vô biên, vô hạn.  Là nguồn hy vọng vô biên, cha mẹ không thể tự mình trở thành vô biên, nhưng phải tháp nhập hy vọng của  mình vào Nguồn của mọi nguồn, Hy Vọng của mọi hy  vọng; là hy vọng vô hạn, cha mẹ không thể tráo đổi hữu  hạn của phận người, nhưng phải hòa nhập hữu hạn vào Nguồn Vô Hạn; là hy vọng phát sinh từ tình yêu, cha mẹ   phải ghìm mình trong đại dương của Tình Yêu tuyệt đối, vô cùng, Nguồn của tất cả mọi tình yêu. Nhờ thế, nguồn yêu thương từ trái tim cha mẹ sẽ không bao giờ vơi để đem lại nguồn hy vọng cũng chẳng bao giờ cạn. Đó là lý   do khi yêu con như căn tính của mình, cha mẹ trở thành  nguồn hy vọng đích thực, và vô hạn cho con cái.  Cùng trong hành vi thiêng liêng của tháp nhập, “hữu hạn” của phận người nơi cha mẹ được Vô Hạn nâng đỡ,  “có cùng” của kiếp nhân sinh nơi cha mẹ được Vô Cùng trợ lực, “tương đối” của đời vô thường cha mẹ cưu mang được Tuyệt Đối che chở, và Lời Hứa tình yêu sẽ đi vào   cõi siêu nhiên, được mang chiều kích siêu nhiên, đồng  thời được đảm bảo vững chắc bởi Nguyên Lý siêu nhiên.
    Nhưng cũng vì nguồn hy vọng của cha mẹ không tự  thân vô hạn, không tự nhiên vô biên, không tự động vô cùng, mà phải tháp nhập vào Hy Vọng Tuyệt Đối vừa là Nguồn, vừa là Cùng Đích, nên hy vọng ấy có khả thể  biến thành thất vọng, có nguy cơ thoái hóa thành tuyệt vọng, có nhiều rủi ro xuống cấp, lung lay, chao đảo, nếu cha mẹ quên làm đầy nguồn hy vọng của mình bằng đón  nhận nguồn mạch đích thực của hy vọng. Quả thực, vì còn là người, nên niềm hy vọng của cha mẹ vẫn luôn bị đe dọa, mặc dù lúc nào trên vai cha mẹ cũng nặng trĩu một gánh trách nhiệm là nguồn hy vọng vô hạn cho con. Hy vọng ấy bị đe dọa yếu đi, không còn vô hạn, bởi cuộc sống lam cha mẹ có khi vất vả, khổ sở tưởng như không thể vượt qua; bởi điều kiện sống không có; bởi con cái quá ngang ngược, ngỗ nghịch, mãi không trưởng thành; bởi cha mẹ “bất lực” đanh bỏ quên trách  nhiệm giáo dục; bởi tâm lý không bình thường; nhất là  bởi thiếu niềm tin. Đúng vậy, thiếu niềm tin là cái thiếu tai hại, tàn phá nhất, vì hy vọng không thể đứng vững nếu thiếu niềm  tin: niềm tin ở mình, niềm tin ở người, niềm tin ở Đấng Toàn Năng.  Tin ở mình bằng nhận ra những giá trị, ơn gọi và chỗ đứng không thể thay thế của mình trong cuộc đời. Tin ở người, vì có người mới có mình, và nhờ người mà mình được là mình hơn, bởi sống là “sống với”. Tin ở Đấng Tối Cao là chủ tạo để niềm tin nhân loại không tan biến theo vật chất, và dừng lại ở thời gian, nhưng vượt  không gian, thời gian để vươn đến Vô Cùng, Vô Hạn.  Đang khác, niềm tin nơi con người vốn giới hạn, nên  không ngừng bị thử thách, cám dỗ. Phải vượt qua ranh giới nhân loại để niềm tin đạt mức thánh thiêng, mầu  nhiệm như đảm bảo cho niềm hy vọng vốn mong manh, dòn mỏng của con người, bởi niềm tin có vững chắc,  niềm hy vọng mới bao la, trải rộng. 
    Tóm lại, trở nên nguồn hy vọng vô hạn cho con, cha mẹ mang trên vai tương lai của con, vì tương lai chính là niềm hy vọng. Không hy vọng, không tương lai nào được ươm trồng và phát triển. Và còn hơn cả tương lai, hy vọng còn là lẽ sống của đời người. Có ai đã sống đẹp đời mình mà không đẹp một niềm hy vọng? Có ai đã sống tròn đầy đời làm người, mà không sống trọn vẹn niềm hy vọng? Có ai đã thành công, thành nhân mà không bước đi trên đường hy vọng? Có ai đã vượt lên tầm thường, mà không trở nên phi thường khi ôm ấp hy vọng?  Hy vọng cho con người sống. Hy vọng cho thế giới sống, gia đình sống, và làm sống đời hạnh phúc của con.
Quý độc giả vui lòng đọc tiếp chương 12 : http://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/CMYT-chuong12