Không cha mẹ nào sinh
con mà không mơ ước con mình hạnh phúc, vì hạnh phúc là động lực thúc đẩy cha mẹ
sinh con, và hạnh phúc của con cũng chính là mục đích của đời làm cha mẹ. Khi
âu yếm con mình vừa được sinh ra, người
mẹ đã thỏ thẻ với con ước mơ con được hạnh
phúc. Khi ôm con vào lòng, người cha đã
nguyện cầu cho đời con đừng bất hạnh, nhưng ngập tràn hạnh phúc. Và ước mơ ấy cứ
lớn dần trong trái tim cha mẹ theo tuổi
đời của con. Con càng lớn, ước mơ ấy càng sôi sục, mãnh liệt. Con càng gần tuổi
trưởng thành, cha mẹ càng phấn đấu hy sinh hơn để đường vào đời của con không gặp
chông gai, cản trở; để ngày mai của con
là dòng đời huy hoàng, “công thành danh
toại”. Nhìn cha mẹ nắng mưa dãi dầu, sớm
tối tần tảo cho tương lai của con, không ai khỏi bùi ngùi, cảm động trước tình cha hy sinh, tình mẹ
quên mình vì con. Có những cha mẹ không nghĩ gì đến đời mình, vì yêu con; không
dành cho mình quyền lợi gì, vì tất cả
cho con. Tình mẹ cha vượt xa những gì con cái có thể nghĩ, vì tình ấy vươn xa đến
tận ngày mai tít tắp của con, mà chính
con chẳng hề ngờ. Bao nhiêu cha mẹ đã tằn
tiện từng đồng, ngay khi con vừa chào đời để có tiền cho con ngay con lấy chồng. Nhiều cha mẹ nhìn
xa thấy rộng mọi nhu cầu của con ngay con khôn lớn, và chu đáo chuẩn bị mọi sự
cho hạnh phúc của con. Nhưng không hẳn ước mơ “hạnh phúc cho con” của tất cả
cha mẹ trên thế giới này đều được thành tựu tốt
đẹp, trăm phần trăm như ý muốn, vì nhiều lý do:
1. Vì cuộc đời vô thường
Đời người vốn vô thường, không ai biết chắc
chuyện gì sẽ xảy ra, nên nhiều tính toán
bị ung sẩy, tan vỡ. Ngay cả những tính toán mang tầm vóc quốc gia, toàn cầu cũng
còn lệch lạc, sơ sảy, nên không lạ gì khi những sắp xếp tương lai cho con cái
trong gia đình đã không trọn vẹn đạt chuẩn như kế hoạch. Một biến cố xã hội, chính
trị, kinh tế ngoài dự tính, chưa kể những biến cố buồn trong gia đình như cha mẹ bỏ nhau đã
đủ làm sụp đổ tất cả; một tình huống mới ngoài chương trình cũng đủ để đánh sụp
tương lai của cả gia đình, mà con cái là nạn nhân số một, đáng thương nhất. Ý
thức vô thường của cuộc sống ít nhiều sẽ tránh cho cha mẹ những bàng hoàng, hụt
hẫng có thể mang đến suy sụp không chỉ tinh thần mà cả tương lai của con cái.
2. Vì khả năng của con có hạn
Thương con, lo cho hạnh phúc của con, nên hầu
hết cha mẹ đều cầu toàn, nghĩa là ước mơ
đủ thứ tốt đẹp cho con. Một đời hạnh phúc tràn đầy của con là ước mơ vĩ đại mãi mãi tồn tại trong lòng cha mẹ. Cũng vì
ước mơ ám ảnh, mà cha mẹ có thể quên đi
khả năng giới hạn của con mình. Có những
giới hạn không thể vượt qua như những khó khăn bẩm sinh, chưa kể những giới hạn khách quan bên ngoài tuy có thể vượt qua,
nhưng không luôn dễ. Quên đi những giới hạn này, cha mẹ có thể thay vì là động
lực thúc đẩy con tiến thân, đã trở thành “phản lực” làm cho đời con thêm khổ vì
bị o ép. Tinh tế nhìn ra và can đảm chấp
nhận khả năng giới hạn của con chính là giúp con thực hiện tốt nhất tương lai hạnh
phúc của chúng, vì được đứng vào vị thế xứng hợp trong xã hội chính là yếu tố
quyết định phần lớn hạnh phúc tương lai. Đừng lấy một khuôn mẫu cho tất cả các
con, nhưng mỗi đứa là một thế giới riêng, một kho tàng khác biệt đòi cha mẹ tôn
trọng và hướng từng đứa đến những chọn lựa khác nhau trước một ngày mai hạnh phúc.
Dễ dãi đồng hóa và cực đoan o ép tất cả vào một khuôn khổ là phá hoại tương lai của tất cả.
3. Thiện chí của con cái
Cha mẹ lo lắng tương lai cho con, nhưng nếu
con không cộng tác, nghia la thiếu thiện
chí, thì nỗ lực của cha mẹ cũng trở thành vô ích. Thiện chí của con rất quan trọng
trong việc hình thành nhân cách và tìm kiếm một
tương lai. Những đứa con chỉ lo chơi bời, lêu lổng, bia rượu, nghiện hút thì cha mẹ có sống mãi để “lo
lắng” cũng không thể xây dựng cho chúng cuộc đời hạnh phúc, vì hạnh phúc là kết quả của nỗ lực phấn đấu
cá nhân hơn là những đóng góp của người khác.
4. Kiên trì phấn đấu bên con
Nếu thiện chí của con cần thiết, thì bên cạnh
thiện chí ấy vẫn cần đến sự kiên trì phấn đấu cho hạnh phúc của con nơi cha mẹ,
bởi có nhiều cha mẹ không đủ kiên nhẫn để “ở lại” với con, không đủ hy sinh để
đi với con, không đủ gan lì để cùng con chịu đựng. Chính vì thế, phấn đấu cho hạnh phúc của con dễ bị tuột dốc khi
cha mẹ ngao ngán, mệt mỏi vì thời gian, và vì nhiều thử thách khác. Không kiên
trì phấn đấu bên con vì tương lai của con, cha mẹ sẽ không còn là thành trì,
núi đá, bến bờ, mái ấm và nguồn hy vọng cho con, mà đường đời con đi thì nhiều thách đố vất vả, nhiều gian
truân nhọc mệt. Vắng dáng mẹ cha như nguồn hy vọng, hỏi làm sao chân con đủ sức
bước tới tương lai? Có nhiều lý do đưa đến tình trạng cha mẹ ngao ngán, do dự
tiếp tục phấn đấu cho tương lai của con:
• Vì tuổi đời chồng chất quá nhiều thất bại
làm cha mẹ mất tự tin.
• Vì
những hoàn cảnh mới không như ý như ly dị, làm ăn thua lỗ.
• Vì con quá ỷ lại,
lười biếng, tầm gửi, vô trách nhiệm, vô ý thức.
• Vì tình yêu con xuống
cấp.
Lý do sau cùng “vì
tình yêu con xuống cấp” là điều đáng ngại nhất. Đáng ngại vì khi cha mẹ bớt
thương con chính là lúc con lao mình vào bất hạnh, vì bớt thương hay không còn thương, ranh giới rất mong manh, khó phân biệt. Con sẽ tủi thân, dù con hoang
đang, khốn nạn đến đâu, khi biết cha mẹ không còn thương. Tâm trạng tủi thân sẽ
đưa đến hận thù số phận, nhưng số phận sẽ không phải nhọc nhằn mang nặng, nếu đã không bị sinh ra làm người bởi
cha mẹ… Thế là cha mẹ từ nay đứng vào chỗ của “thủ phạm” đã gây nên tội ác
“sinh ra một thân phận bất hạnh”. Không ít thanh thiếu niên phạm pháp khi được
hỏi: “Anh, chị buồn ai nhất trong đời?” đã không do dự trả lời: “Cha mẹ tôi, vì
họ đã sinh ra tôi, mà không hỏi ý kiến tôi, để tôi phải sống một kiếp người cùng khổ, khốn nạn”. Câu trả lời của nhiều
bạn trẻ đã như gáo nước lạnh tạt vào mặt cha mẹ. Nhưng rất tiếc, đó lại là sự
thật, một sự thật luôn xuất hiện, phát sinh khi tình thương nơi cha mẹ xuống cấp đẩy con cái vào tang
thương hận đời, hận người. Ở đây, chúng ta gặp hai mẫu cha mẹ “tiêu chuẩn”, đại
diện cho hai chọn lựa, hai thái độ phát xuất từ hai tình yêu hoàn toàn trái ngược:
a. Những cha mẹ lo lắng tương lai, hạnh phúc của con chỉ vì con
Đây là mẫu cha mẹ hoàn toàn vì con, và không
mảy may vì mình. Các cha mẹ này không đặt vinh quang riêng của mình vao thanh công của con, không
gắn vinh dự của mình vao thanh quả của con, không trở thành áp lực tinh thần
trên tương lai của con vì lợi ích của riêng mình, càng không đòi con phải “trả
ơn cho cân xứng” với công ơn trời bể đã làm cho con. Các vị sẵn sàng rút lui vào bóng tối, tìm về lãng quên để
con được hạnh phúc. Biết bao cha mẹ đã ngậm ngùi khóc thầm, hoặc khóc với nhau,
mà con cái không hề biết, khi chấp nhận thêm nhiều hy sinh mới ở tuổi gìa neo
đơn, yếu đuối, chỉ vì hạnh phúc gia đình của con trai mình với con dâu, hay con
gái mình với con rể. Rất nhiều cha mẹ đã nuốt ngược dòng lệ vào trong, và giữ mãi nụ cười
mãn nguyện, mặc dù lòng dạ nát tan để
con mình được sống hạnh phúc. Tình yêu
nơi các cha mẹ nay la tình vô vị lợi, tình hoàn hảo, tình trọn vẹn, tình tuyệt
vời mà chỉ có tình của Thượng Đế mới có đủ khả năng ôm trọn.
2. Những cha mẹ xây dựng hạnh phúc cho con, nhưng
cũng là tìm kiếm vinh dự cho mình
Kiểu cha mẹ này không thiếu trong cuộc sống,
khi con cái như những người nhận ơn sẽ
phải trả ơn bằng đem lại vinh dự, quyền lợi cho cha mẹ khi thành danh thành tài.
Tuy không viết thành chữ, nói bằng “tuyên ngôn”, nhưng bằng bạc, hiểu ngầm một
công thức “có đi có lại”. Cha mẹ “có đi” với con, nên con phải “có lại” với cha
mẹ. Một trao đổi tình cảm, trao đổi công việc, trao đổi thành quả, trao đổi ơn
nghĩa. Vẫn biết: Cha mẹ gia thì cần con cái, nhưng kiểu cần ở đây không đơn thuần thuộc bổn phận tất nhiên của tình yêu,
trái lại, nó là cái cần của trao đổi, cần của câu chuyện muôn thuở: “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Bị rơi vào não trạng này, cha mẹ dễ sinh sự chê bai, trách móc con, nếu con không thành công như cha mẹ muốn; dễ tức giận, nguyền rủa, nếu con lơ la, làm thiệt thòi công sức của cha mẹ; dễ cam ram kể công,
kể tội, nếu con không thanh danh. Nhưng điều đáng buồn nhất, đó là đem vinh dự
bản thân, vinh quang gia tộc làm mục đích, thay vì hạnh phúc của con mới thực sự
là mục đích của mọi nỗ lực. Cũng vì não trạng quá “tôn sùng” những danh dự bên lề
hạnh phúc của con, mà cha mẹ khó có thể chấp nhận giới hạn “rất người” của con.
Chính vì thái độ cứng cỏi, gần như ngoan
cố không chấp nhận giới hạn và những tương đối của con, mà cha mẹ và con cái dễ rơi vào mâu thuẫn căng thẳng. Như thế, nỗi lo của cha mẹ
cho tương lai của con, cũng rất có thể bị biến thành nỗi lo cho vinh dự của chính
cha mẹ. Cái tôi của cha mẹ trong những kỳ vọng ở con xem ra có phần nổi cộm, mà cha mẹ không thấy, hay không muốn thấy. Vì thế, nếu đặt vấn đề một cách lương thiện, chưa chắc chúng ta dám quả quyết:
Ước mơ hạnh phúc cho con là ước mơ thuần khiết, không bị “ô nhiễm” bởi những mục
đích khác.
Khi ước
mơ hạnh phúc cho con không còn thuần khiết, nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy:
•
Tình yêu của cha mẹ không còn là tình vô điều
kiện, và đến cùng. Không “vô điều kiện”, vì ngoài hạnh phúc của con, cha
mẹ nhắm thêm nhiều mục tiêu khác. Không “đến cùng”, vì cha mẹ sẽ buông lơi, thả
lỏng, hay chấm dứt tình yêu giữa đường đời của con, nếu con không đem lại những
điều cha mẹ muốn, ngoài hạnh phúc của con.
• Ơn gọi làm cha mẹ không còn mang tính mầu
nhiệm, vì mục đích bị đóng khung trong thế giới hữu hình bởi những danh dự cá
nhân, gia đình, gia tộc hay lợi lộc có thể “cân, đo, đong, đếm”. Mất tính mầu
nhiệm, cha mẹ sẽ khó có thể yêu con tròn đầy,
khi con không thực hiện hết ước mơ cha mẹ ấp ủ.
• Những hệ lụy nặng nề, thảm khốc nhất, đó là con cái đã vô hình trung bị biến thành phương tiện thực hiện mục đích của cha mẹ.
Khi đề cập đến tương lai hạnh phúc của
con cái, cha mẹ nào cũng đau đáu một nỗi lo: lo cho con học hành thành đạt, có
chỗ đứng trong xã hội, có gia đình êm ấm, hòa thuận, con cái đầy đủ gái trai, đời
sống sung túc… và nỗi lo ấy liên lỉ hiện diện suốt đời cha mẹ. Tuy thế, để nỗi
lo không trở thành “ám ảnh bệnh hoạn”, cha mẹ cần xác định chỗ đứng và mức độ của
lo lắng trong toàn cảnh của thân phận người có giới hạn, trong tương đối của đời sống, cũng như xác suất của thành công
với điều kiện xã hội. Và điều quan trọng nhất, đó là biến nỗi lo thành niềm hy vọng khi giúp con trở thành người có trách nhiệm trên chính cuộc đời
mình. Biến nỗi lo thành niềm hy vọng bằng xây dựng tinh thần trách nhiệm nơi
con cái, cha mẹ thực sự đóng góp tích cực vào việc xây nền móng tương lai cho
con. Trên nền móng trách nhiệm này, con cái thực hiện tốt đẹp cuộc sống hạnh
phúc của mình, vì hạnh phúc trước hết là trạng thái tự do được bước đi trên
chính đôi chân mình. Đừng bao giờ quan
niệm: Hạnh phúc là những gì có sẵn, va hai lòng với của cải, gia sản mình cho con,
bởi tất cả những chuẩn bị vật chất ấy sẽ dừng lại ở ngưỡng cửa hạnh phúc như những điều kiện tốt
để vào căn nhà hạnh phúc, trong khi chìa
khóa để mở cửa căn nhà hạnh phúc
này, chính là trách nhiệm. Đào tạo những đứa con có trách nhiệm, biết trách nhiệm,
dám trách nhiệm là đem lại hạnh phúc cho con, bởi trách nhiệm là nền tảng hạnh
phúc vững chắc không gì có thể lay chuyển, bứng đi được. Thương con là căn tính
của cha mẹ, lo lắng cho hạnh phúc của con, băn khoăn vì tương lai của con cũng
nằm trong căn tính đó, nên không cha mẹ nào cảm thấy yên ổn khi con chưa có gì
bảo đảm cuộc sống, chưa bước được trên đôi chân mình, chưa trưởng thành, lập
thân. Nỗi lo, niềm khắc khoải, băn khoăn
ấy cứ nung nấu tâm can, và đời cha mẹ cứ ngay cang hao mòn đi như cây nến cháy
lửa yêu thương. Thương con là căn tính, nên cũng là niềm vui của đời cha mẹ; bởi
có thương mới có hạnh phúc, như nến có tiêu hao, mới tỏa sáng; có hao mòn mới
ban lửa ấm áp; có cạn kiệt thân sáp mới nồng nàn, thiết tha. Ước mong trái tim
cha mẹ đừng bao giờ mệt mỏi, đòi nghỉ hưu trước tình yêu dành cho con, bởi hạnh
phúc lớn nhất của con la được cha mẹ
yêu và đặt thành đối tượng thượng hạng ưu tiên.
Báo Tuổi Trẻ ngày 20/9/2014 trên trang 14
đăng bài “Lặng thầm tình mẹ” của Vũ Toan - Nguyễn Lê kể về người mẹ 73 tuổi
nuôi đứa con tật nguyền 35 tuổi tên Nguyễn
Bá Cường: “Vừa bước vào ngõ của ngôi nhà cũ kỹ, chúng tôi đã thấy một bà cụ gầy
guộc, lưng còng gặp bê rổ rau lụi cụi đi phía trước. Ba Vân mời chúng tôi vô
nhà rồi nói: “Đi mót nắm rau vặt về nấu bữa trưa cho con”. Trên chiếc giường trong ngôi
nhà, chàng trai tật nguyền Nguyễn Bá Cường đang nằm ngửa như một đứa trẻ. Tấm
chăn mỏng đắp ngang phần bụng, và một phần đôi chân bé tẹo, cong cứng. Cường
nhanh nhảu nở nụ cười chào khách làm nhô cái cằm đầy những sợi râu gai góc trên gương mặt tuổi 35… Đã quá quen với
nỗi buồn đau, ba Vân không bang hoang như chúng tôi đang chứng kiến một cảnh đời gian khó. Ba bảo:
“Cường một đời nằm ngửa, không gối kê đầu,
vì kê la đau cổ; không lật đi lật lại được bởi hơi nghiêng người là đau buốt”. Tuy
không được đến lớp ngay nao, nhưng Cường có năng khiếu thơ văn, nên thích làm thơ tặng mẹ, với dòng tâm sự rất dễ thương, xúc động: “Con có tội gì đâu/ mà không ngay đến lớp/ đã ba mươi tuổi đầu/Mẹ vẫn bê cơm đút/ Tuổi thơ con đâu mất/
Trong tận cùng nỗi đau/ Sao chân con không đủ/ để vững vàng bước mau?”. Và người
viết xin được mạo muội chia sẻ, thay cho lời kết: “Con chẳng có tội gì / Duy tội mẹ yêu con/ Đời
con là đời mẹ/ Mãi bé bỏng mẹ yêu/”.
Quý độc giả vui lòng đọc tiếp chương 13 : http://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/CMYT-chuong13