Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

TRÔNG ĐỢI VÀ LÃNH ĐẠO

 


Trên hành trình dài Trông Đợi được vào Đất Hứa, dân Thiên Chúa đã luôn được Thiên Chúa ban cho những nhà lãnh đạo không chỉ để hướng dẫn, răn dậy, cảnh báo, mà còn để năn nỉ, van xin Thiên Chúa đừng nổi cơn thịnh nộ trừng phạt dân Ngài.

Suốt hành trình Vượt Qua cho đến khi vào Đất Hứa, và còn tiếp nối mãi cho đến Tân Ước, lịch sử của dân Chúa là chuỗi dài những biến cố vui buồn, những trung tín, phản bội, những mạnh mẽ, yếu nhược, những thăng trầm khôn lường với những nhà lãnh đạo cũng mang đủ tính cách đa diện và phức tạp. Ở đây, chúng ta tập trung vào con người lãnh đạo của Môsê, người mà Thiên Chúa chọn và được khen là “người hiền lành, khiêm nhường nhất trên đời” (Ds 12,3).

Môsê đã lãnh đạo dân trong một bối cảnh vô cùng khó khăn : đưa dân trốn khỏi đất nô lệ Ai Cập, và vất vả cùng dân thực hiện hành trình trông đợi Lời Hứa “được vào miền đất chảy sữa và mật” suốt bốn mươi năm.

Lãnh đạo ở hoàn cảnh không lãnh thổ ; lãnh đạo một dân trên đường vượt sa mạc thiếu thốn đủ thứ, mà tâm trạng còn luyến tiếc những ngày tháng tuy làm nô lệ khốn khổ nhưng có bánh có thịt dư thừa ở Ai Cập ; lãnh đạo một dân cứng đầu cứng cổ hay càm ràm, than thở, kêu trách, lại kiêu căng, phản bội, Môsê đã không lãnh đạo như những lãnh tụ  khác, nghiã là dùng quyền mà thống trị, dùng uy mà cai qủan, nhưng ông đã hoàn toàn dựa vào Thiên Chúa Giavê và khiêm tốn đứng chung hàng ngũ và chịu chung số phận với dân mình.

1.   Môsê đã lãnh đạo bằng hoàn toàn trông cậy vào Thiên Chúa Giavê qua Lời Hứa của Ngài :

Được Thiên Chúa chọn từ thân thế “không có gì đáng nói”, với khả năng được coi là “dưới trung bình”, Môsê biết mình bất xứng, bất tài khi thưa với Thiên Chúa : “Con là ai mà dám đến với Pharaô và đưa con cái Ítraen ra khỏi Ai Cập?” (Xh 311), nên Môsê đã hoàn toàn trông cậy vào Lời của Giavê Thiên Chúa hứa với ông : “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,12), và dấu chỉ cho ông biết ông được Thiên Chúa chọn chính là trên đường Trông Đợi, dân mà ông đưa ra khỏi Ai Cập sẽ được phúc thờ phượng Thiên Chúa, Đấng đã sai ông đi giải phóng họ. Và suốt hành trình Hy Vọng, trông đợi vào Đất Hứa ấy, Môsê đã luôn sống Lời Hứa của Thiên Chúa Giavê.

Sống Lời Hứa “Ta sẽ ở với ngươi”, Môsê đã không bao giờ rời xa Thiên Chúa, nhưng tìm mọi dịp để được “ở với Thiên Chúa, lắng nghe Thiên Chúa dậy bảo”, và trước những ngỗ nghịch, ngang tàng, bướng bỉnh, bất mãn nổi loạn của dân, như ở Mara, vì không thể uống được nước, vì nước ở đó đắng, họ đã kêu ca, trách móc ông : “Chúng tôi sẽ lấy gì mà uống?” (Xh 15,24), hay ở sa mạc Xin, giữa Êlim và Xinai, “toàn thể cộng đồng con cái Ítraen kêu trách ông Môsê và ông Aharon : “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó, mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây” (Xh 16,2-3), Môsê đã luôn “kêu lên Đức Chúa, và Đức Chúa chỉ cho ông một khúc gỗ. Ông thả xuống nước và nước hoá ra ngọt” (Xh 15,25), và Đức Chúa phán với ông Môsê : “Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn” (Xh 16,4).     

Sống Lời Hứa của Giavê, Môsê xác tín : Ítraen là dân của Lời Hứa, dân của Trông Đợi, nên chỉ Lời của Thiên Chúa Giavê mới bảo đảm thành công cho công cuộc Vượt Qua, chỉ Lời Thiên Chúa hứa mới đưa dân đến đích của hành trình Hy Vọng, và suốt đời làm lãnh đạo, Môsê đã một lòng một dạ tín thác vào Lời Hứa “Ta sẽ ở cùng ngươi” của Thiên Chúa, và vì có Thiên Chúa ở cùng, Môsê đã không sợ dân, mị dân, nhưng chuyển đạt Thánh Chỉ của Chúa cho dân, và thẳng thắn  cảnh cáo, răn đe dân, khi dân đi ngược Thánh Chỉ của Giavê Thiên Chúa (x. Xh 19-20).  

2.   Môsê đã lãnh đạo bằng chia sẻ tất cả với dân và chịu chung số phận của dân :

Không như các lãnh tụ khác với chế độ đặc biệt từ ăn uống đến ăn ở ; không như các lãnh chúa bắt thần dân phải hầu hạ, phục dịch tận răng, Môsê là người khiêm hạ phục vụ : phục vụ từ tâm tình yêu thương và xót xa yếu đuối của dân, khi phủ phục nài xin Thiên Chúa tha thứ những lỗi lầm, tội lỗi của dân (x. Xh 34,8-9) đến tâm tình cùng thống hối, ăn năn với dân và nhận hết tội cũng như hình phạt về mình, vì thương dân khi thân thưa với Thiên Chúa : “Than ôi, dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng! Nhưng giờ đây, ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không, thì xin Ngài xóa tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết” (Xh 32,32).

Tuy được Thiên Chúa chọn làm lãnh đạo dân Ngài với sứ vụ rất khó khăn, nhưng Môsê đã không tư phụ nghĩ rằng mình thủ đắc Thiên Chúa, hoặc dựa hơi Thiên Chúa, ỷ mình là người được Thiên Chúa nâng lên hàng khanh tướng để bóc lột, đàn áp, hành hạ dân, hay lên mặt hống hách, cửa quyền, độc đóan, độc tài, xây dựng thế lực, quần thần, lính lác để bảo vệ ngai vàng, bảo toàn ngôi báu. Trái lại, như bao người dân trên đường Trông Đợi khác, Môsê đã sống đời người lữ hành trên đường hy vọng vào Lời Hứa của Giavê Thiên Chúa, Lời Hứa với toàn dân, Lời Hứa với các tổ phụ, cha ông, Lời Hứa cho muôn muôn thế hệ.

3.    Sự cần thiết của lãnh đạo trên hành trình Trông Đợi :

Sách Xuất Hành ghi rõ lý do dân đã rủ nhau đúc bò vàng để thờ : “Dân thấy ông Môsê lâu qúa không xuống núi, bèn tụ họp bên ông Aharon và nói với ông : Xin ông đứng lên, và làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Môsê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai Cập” (Xh 32,1).  

Môsê lên núi gặp Thiên Chúa, và vì thời gian khá lâu chưa xuống núi, dân chúng đã hoang mang, lại thêm khuynh hướng xấu như Aharon đã nói về dân với Môsê khi Môsê nổi giận vì  Aharon đã cùng dân đúc bò vàng : “Xin ngài chớ bừng bừng nổi giận ; chính ngài biết : dân này có khuynh hướng xấu” (Xh 32,22).

Sự vắng mặt của Môsê đã phần nào làm dân mất tinh thần, khi không biết mình sẽ đi đâu, sẽ làm gì, nhất là không có Môsê, dân không còn nghĩ đến Giavê Thiên Chúa là Đấng đã dẫn họ ra hỏi Ai Cập. Ngay cả Aharon là phụ tá của Môsê cũng không đủ bản lãnh để hướng dẫn dân theo đúng Thánh Chỉ của Thiên Chúa, và không đủ cương nghị để cầm cân nẩy mực như một nhà lãnh đạo “một tay nắm chặt tay Thiên Chúa, một tay nắm chặt tay dân”. Trái lại, chính Aharon đã để dân lôi cuốn và đứng ra tổ chức công trình đúc bò vàng và lập bàn thờ trước bò vàng (x. Xh 32,2-6).  

Thưc vậy, Thiên Chúa cần người lãnh đạo dân Ngài trên đường trông đợi Lời Hứa. Nhưng Ngài cần những lãnh đạo biết lắng nghe, có lòng khiêm tốn, thương xót và có trách nhiệm, bởi thiếu những người lãnh đạo thuộc về Thiên Chúa biết lắng nghe Ngài, những người lãnh đạo khiêm hạ dám đứng chung hàng ngũ với dân, những người lãnh đạo có trách nhiệm và  giầu lòng xót thương sẵn sàng chịu chung số phận của dân, dân Chúa trên đường trông đợi Lời Hứa sẽ rơi vào tình trạng thay vì “hiền lành và khiêm nhường” cùng mọi người đi tìm Thiên Chúa lại kiêu căng, ngạo mạn, kỳ thị, tẩy chay người khác, vì nghĩ mình độc quyền “nắm gọn” Thiên Chúa ; thay vì chuyên chăm sống Lời Hứa lại bàng quan, nhởn nhơ, phất phơ theo kiểu “sống sao cho đẹp đội hình”, nặng phần trình diễn, phô trương thành qủa, biểu dương lực lượng ; thay vì phấn đấu vượt qua thử thách, lại đi tìm cái dễ, cái nhàn ; thay vì hy vọng lại thất vọng vì nhiều thách đố, lực cản ; thay vì bước đi như người lữ hành hy vọng tiến về Lời Hứa, lại ươn lười, hưởng thụ bằng dừng chân, bám trụ, cắm rễ, dựng pháo đài ngàn năm, xây tháp ngà vĩnh cửu.

Vâng, Thiên Chúa ban cho dân Ngài trên hành trình trông đợi những người lãnh đạo để dân Chúa luôn nhớ mình là đoàn lữ hành còn đang trên đường về Đất Hứa. Người lãnh đạo tốt lành của Thiên Chúa không thể bỏ quên sứ vụ nhắc nhở dân căn tính trông đợi của họ, bởi rời xa căn tính này, dân sẽ hoang mang, mất tinh thần như Ítraen xưa đã mất phương hướng trong sa mạc là Lời Hứa của Thiên Chúa Giavê. Vì thế, họ đã đúc bò vàng làm thần dẫn đầu họ (x. Xh 32,23-24).

Xin Chúa ban cho chúng con những nhà lãnh đạo thánh đức biết lắng nghe Chúa và gắn bó yêu thương, chia sẻ, chịu đựng với dân trong tất cả trên hành trình trông đợi ngày giờ Chúa đến trong vinh quang. 

Jorathe Nắng Tím

0 nhận xét: