Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2020

NGƯỜI CHO - KẺ NHẬN

 


     Có ai suốt đời chỉ cho hoặc nhận, mà không nhận và cho, bởi ai cũng có lúc cho, và lúc nhận, khi là kẻ nhận, khi là người cho, vì cho - nhận là hạnh phúc, và nghiã vụ của mỗi người suốt đời làm người.

Qủa thực, ai cũng phải nhận : nhận tình yêu và hy sinh trời bể của cha mẹ, anh chị em, vợ con, thân nhân, bạn hữu ; nhận lòng tốt và giúp đỡ của rất nhiều người, nhận kiến thức của cả loài người từ cổ chí kim, nhận thành qủa khoa học của vô số người tài giỏi, xuất chúng để đời sống mỗi ngày được bảo đảm an toàn, thoải mái, hạnh phúc hơn ; cả khi nhắm mắt chết rồi cũng còn nhận đươc từ nhiều người lời cầu nguyện, tâm tình lưu luyến, tiếc thương.

Bên cạnh niềm vui lãnh nhận, hạnh phúc được chia sẻ, con người còn niềm vui khác lớn hơn là cho đi, hạnh phúc sâu đậm hơn là trao ban, dâng hiến. Chúng ta có thể không nhận ra mình đang trao ban, khi tận tụy làm việc, âm thầm đóng góp công sức cho sinh hoạt vật chất, tinh thần cũng như tâm linh của nhiều người chúng ta thương, hoặc có bổn phận ; chúng ta cũng có thể không để ý đến những việc mình làm, tuy nhỏ bé, nhưng giúp nhiều người được hạnh phúc hơn, nhưng giá trị của trao ban, dâng hiến thì không bao giờ sút giảm hay mất đi, nhưng mang lại cho chúng ta niềm hạnh phúc, bình an sâu lắng.  

Tóm lại, sống là nhận lãnh và trao ban. Không có người chỉ cho mà không nhận, cũng chẳng có ai chỉ nhận mà không cho. Thiếu một trong hai, cuộc sống sẽ lệch lạc, mất quân bình, vì vô nghiã.

Vô nghiã khi tính liên đới ở con người không được thể hiện, phát triển ; vô nghiã khi tính xã hội bị ngộp thở, bức tử ; vô nghiã khi hạnh phúc tương trợ giữa người với người không có đất sống, và tất cả dồn con người vào tình trạng cô độc làm hao mòn, cạn kiệt sức sống, tàn phá khả năng sống hạnh phúc là mục đích của đời sống con người, bởi chỉ nhận mà không cho, chỉ cho mà không nhận, cả hai đều không đem đến hạnh phúc đích thực, và viên mãn.      

Nhưng Cho và Nhận thế nào?

Bởi có nhiều người cho như bố thí, cho như “hất vào mặt”, khi thái độ cho không biểu lộ lòng tôn trọng, không trân trọng người nhận và cũng chẳng trân qúy của được cho ; bởi có nhiều người cho cách lạnh lùng, lãnh đạm, thờ ơ, cho để được yên thân, cho để khỏi bị quấy rầy, phiền phức, cho để bỏ đi những gì không còn  cần thiết, bởi có nhiều người vừa cho vừa the thé kể lể công lao, vừa cho vừa bắt người nhận phải “phủ phục” trước công đức cao dầy của mình, vừa cho vừa kê hoá đơn, vừa cho vừa dậy bảo, lên lớp, dằn mặt người nhận…

Cho như thế không phải là cho, mà là bỏ đi những đồ mình không cần, khi coi người nhận như thùng rác để tha hồ vứt bỏ những đồ phế thải, hết xài.

Về phiá người nhận, có người nhận lòng tốt của người cho như nhận một tai ương, nhận một gánh nặng, khi tỏ thái độ không vui, nhưng khó chịu, bực dọc. Nhận món qùa nhỏ, không mấy có giá trị vật chất thì bĩu môi, lắc đầu khinh miệt người cho ; nhận món đồ không vừa ý thì giẫy nẩy kêu trời ; nhận qùa tặng không thích, thì sầm nét mặt, giận dỗi người cho.

Nhận như thế là nhận với tinh thần kẻ cả, vua chúa, khi cho rằng mọi người đều có bổn phận “triều cống”, biếu xén mình, vì mình là người nắm quyền sống chết trên mọi người. Nhận như vậy là nhận với trái tim kiêu căng coi người cho chẳng ra gì, và tặng vật không bao giờ xứng đáng, phù hợp với địa vị, vai vế của mình.

Đó là lý do nhiều người đã không muốn cho, lý do nhiều người đã thất vọng khi dấn thân làm từ thiện, mà trên mạng lúc này nhan nhản những câu chuyện được kể lại bởi những anh chị em trong các chương trình thiện nguyện đó đây, những câu chuyện làm cả người cho và người nhận đều “dở khóc dở cười”.

“Dở khóc dở cười” khi người cho bị người nhận hạch hỏi đủ điều, nào là tiền từ đâu, tại sao không cho mọi người đồng đều, sao không làm thế này thế kia, vân vân và vân vân? Chưa kể người cho còn bị người nhận gọi điện thoại, hay chặn xe hùng hổ, dữ tợn đe dọa…

“Dở khóc dở cười” khi người nhận bị người cho “hành tới bến” khi điều tra hết vòng ngoài đến vòng trong, hết qua tổ chức này đến tổ chức nọ trước khi được nhận đồ cứu trợ. Điều tra đã đành, nhưng có khi còn lên lớp, mắng nhiếc, thì qủa là khổ thân cho người nhận trong cảnh thiếu thốn cùng cực phải cắn răng cậy nhờ  sự giúp đỡ của người khác.

Nếu phải kể ra những chuyện “dở khóc dở cười” thì nhiều lắm, và có lẽ chẳng bao giờ hết chuyện để kể. Vấn đề ở đây là làm thế nào cả người nhận và người cho có thể hạnh phúc khi cho và nhận.

Chúng ta tạm để qua một bên số rất ít những người cho với mục đích ích kỷ, tìm tư lợi bất chính, theo kiểu “cho con tép để bắt con tôm”, còn lại phần đông khi làm thiện nguyện đều hướng đến một mục đích tốt, được thúc đẩy bởi động cơ tốt.

Khác với người cho, về phía người nhận, thì tâm tình và thái độ rất phức tạp, vì có người nhận luôn tự cho mình cái quyền phải được người khác giúp đỡ, cái quyền phải được người khác cho, cái quyền được hạch hỏi người cho, vì nghĩ rằng người cho đã nhân danh mình mà kiếm chác những mối lợi ngàn lần lớn hơn, đã lợi dụng cảnh khổ của mình mà đánh bóng tên tuổi, làm giầu ; lại có những người xem thường, coi nhẹ lòng tốt của người cho, khi nghĩ rằng : không cho mình, họ cũng cho người khác, nên không việc gì phải bận tâm, nặng lòng.

Suy nghĩ cho cùng, chúng ta sẽ thấy cả hai bên người nhân và người cho đều thiếu một Tình Yêu Biết Ơn. Đây là mấu chốt của mọi vấn đề, nguyên nhân của những câu chuyện “dở khóc dở cười” khi cho và nhận.

Nếu người cho có trong trái tim Tình Yêu Biết Ơn khi cho, người ấy sẽ không cho một cách trịch thượng, kẻ cả, cho nhưng thiếu tôn trọng người nhận, cho nhưng làm tổn thương người được cho, bởi Tình Yêu Biết Ơn nhắc cho họ công ơn của bao nhiêu người đã cho họ, từ tình yêu, sự sống, đến kiến thức, nghề nghiệp và cơ hội thành công. Tình yêu Biết Ơn sẽ nói cho họ đừng quên đời họ đã được làm nên nhờ lòng tốt và công sức của bao nhiêu người để họ được ở vào vị trí người cho hôm nay, nên việc làm cho đi, dâng hiến, trao ban của họ là hành động đền đáp, trả ơn những người đã cho họ, những ân nhân đã góp tình yêu, công sức, lao nhọc xây dưng đời họ, mà họ không được gặp lại để trực tiếp đền ơn, đáp nghiã. Cũng vì không được gặp lại tất cả những ân nhân đã làm ơn cho mình, mà họ phải biết làm ơn cho người khác là những người xa lạ, không quen biết, vì đó là nghiã vụ của tình yêu biết ơn.

Với tình yêu biết ơn khi cho đi, người cho sẽ không cho với kiểu cách của kẻ có quyền, nhưng với tâm tình của người chịu ơn, với thái độ của người đang làm nghiã vụ đền ơn những người đã làm ơn cho mình, bằng cách làm ơn, giúp đỡ  người khác. Và tâm hồn người cho sẽ tràn đầy hạnh phúc của tình yêu biết ơn.

Với người nhận, nếu tình yêu biết ơn ở trong tim, mắt người ấy sẽ nhìn thấy tình yêu trong tim  người cho, hy sinh trên đôi chân người cho khi vượt sông vượt núi, bất chấp nguy hiểm đến với họ nơi xa xôi, hẻo lánh, bão lụt ; nếu có tình yêu biết ơn ở trong tâm hồn, miệng người nhận sẽ không buông ra những lời ác độc vô ơn, nhưng thân thương huynh đệ ; nếu có tình yêu biết ơn trong đáy lòng, hạnh phúc sẽ lớn gấp bội, vì họ không chỉ nhận qùa tặng vật chất, mà còn nhận được chính trái tim ăm ắp tình yêu của người cho ; nếu có tình yêu biết ơn trong thái độ nhận lãnh, niềm vui sẽ tăng gấp ngàn lần, vì không niềm vui nào có thể so sánh với niềm vui khi biết mình được được yêu thương và được quan tâm chia sẻ, giúp đỡ.

Vâng, chúng ta rất cần tình yêu biết ơn trong cuộc sống, nhất là ở thời đại này, khi lòng biết ơn bị mất giá thảm hại, và tình yêu không còn là giá trị được mọi người trân qúy, gìn giữ. Nhưng rất tiếc, thiếu tình yêu biết ơn, đời sống không vui, không hạnh phúc, vì người cho kẻ nhận luôn làm tổn thương nhau, bắt nhau phải “dở khóc dở cười”, khi không yêu thương, biết ơn nhau, trong khi luật xã hội  không cho con người sống mà không biết cho và nhận, và niềm vui, hạnh phúc được làm người không đến với người chỉ nhận mà không cho, chỉ cho mà không nhận với tình yêu biết ơn người.  

Jorathe nắng Tím     

0 nhận xét: