Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2020

Chương 2 Ly Dị = Chia, Sẻ, Xa

Chỉ hai chữ Ly Hôn  thôi đã đủ nói lên hôn nhân từ nay là hôn nhân chia lià, hôn nhân sẻ đôi, hôn nhân xa cách. Hai người sẽ phải chia, phải sẻ, phải xa và họ sẽ rơi vào một hoàn cảnh mới, ở đó vật chất phải chia, người phải xa, tinh thần phải sẻ.
1.Vật chất phải chia  
 Khi lấy nhau, hai người muốn nên một, vì thế, của cải, vật chất được cộng chung, và không ai quan tâm hay đúng hơn không ai dám nói đến chuyện “của ai nấy giữ, tiền ai nấy xài”. Lý tưởng đời sống chung thật đẹp và quyến rũ hai người muốn nên một trong tất cả, từ tinh thần, thể xác đến của cải vật chất, nên cái gì của anh là của em, sự gì em có là  anh có, và chúng mình  đồng lao đồng hưởng, không so đo, tính toán, ki bo, cất giấu riêng cho mình.
Rồi một ngày, chuyện không mong nhưng đến khi hai người ly dị, và của cải vật chất phải phân chia. Đây là then chốt của hầu hết các nhiêu khê, phức tạp, kể cả tang thương trong  những vụ kiện tụng ly dị có thể kéo dài hằng nhiều năm, tốn kém không biết bao nhiêu tiền bạc, phí phạm nhiều nghị lực, thời giờ, sức khoẻ.
a.   Có những cặp vợ chồng đã rành mạch về của cải riêng ngay trước khi lấy nhau. Tuy nhiên, gia sản chung của hai người trong thời gian sống chung  cũng là vấn đề cần giải quyết sòng phẳng.
b.   Có người chồng, hoặc vợ tự nguyện để lại phần của mình cho con cái và rút ra khỏi mọi tranh chấp vật chất khi ly dị.
c.    Hai người thoả thuận giải quyết tài sản chung.
d.   Phần đông không đi tới thoả thuận, nên phải nhờ Toà Án can thiệp, phân chia.
Phân chia tài sản trong ly dị làm nhức nhối không ít những cặp vợ chồng ly dị. Họ không ngờ trận chiến phân chia tài sản lại ác liệt đến thế. Trận chiến không chỉ có đối thủ là chồng, là vợ, mà còn có mặt của rất nhiều đồng minh khác:  Cha mẹ, anh chị em, chú bác, bạn bè, đặc biệt sự có mặt “nặng ký”có tính quyết định của người chồng, hoặc người vợ sắp cưới của một hoặc của cả hai. Ai cũng có tiếng nói, ai cũng đòi tham dự quyết định, ai cũng dành phần thắng, ai cũng muốn phần lớn hoặc toàn bộ tài sản thuộc về mình.
Đây là lúc vợ chồng cũ “cạn tầu ráo máng” khi thi nhau kể lể tài cán, công lao, vất vả của mình. Chồng thì vỗ ngực là người đã làm nên tất cả, một mình xây dựng sự nghiệp, một tay tạo ra tài sản chung. Ông không ngượng gọi vợ cũ là phường ăn bám, chẳng  biết làm ăn, chưa “đi cầy” một ngày. Ông quên bẵng: không có bà thì ai đã chăm lo con cái, chuẩn bị từng bữa cơm ngon, áo quần  ủi thẳng thốn cho ông đi làm. Ông tự nhận hết tài sản về mình và phủ nhận “của chồng công vợ”. Về phiá vợ cũ, bà cũng có thể giương vây, xù móng, “mồm loa mép dải” kể từng ngày lặn lội gian nan gầy dựng nên cơ đồ và hạ quyết tâm dành hết tài sản về mình. Như ông, bà đã quên công sức của chồng.
Trong cuộc chiến tranh giành tài sản, người ta thường rất kinh dị với đủ độc chiêu để đốn gục, đánh ngã đối thủ. Tài sản trở thành mục tiêu phải đạt, và hai phe lâm chiến tự cho phép mình xử dụng mọi thủ đoạn dù là những thủ đoạn bỉ ổi, thâm độc, bất nhân. Cũng trong cuộc đấu tranh ác liệt này, “đường xưa lối cũ” bị xóa tên và “người xưa, tình  cũ” bị lặng lẽ chôn vùi.   
   2.   Người phải xa:
a. Vợ chồng ly dị phải xa nhau:
Hai người đã yêu, và chung sống với nhau một thời nay phải xa nhau, vì đòi hỏi của ly dị. Chính vì không vượt qua được khác biệt mà nay phải ly biệt; không thuận thảo chung sống, nên phải chia ly. Biệt ly là kết qủa tất nhiên của ly dị, và hai người hoặc  đồng thuận hoặc bất đắc dĩ phải chấp nhận xa nhau, sau khi hôn ước bị xé bỏ.
Người ta không ly dị để ở chung, nhưng vì không thể ở chung nên phải ly dị. Ly dị đánh dấu một xa cách, một chia lià, một mãi mãi biền biệt.
b. Con cái của cha mẹ ly dị phải xa cha hoặc mẹ:
Vì cha mẹ không thể sống chung dưới một mái nhà, không thể sinh hoạt trong cùng tổ ấm mà con cái phải mất một trong hai, hoặc có cha mất mẹ, hoặc có mẹ mất cha. Người lớn không chịu “đội trời chung”, hỏi làm sao con trẻ được xum vầy cùng lúc bên gối cha, trong lòng mẹ?
Người ta chỉ có thể gượng gạo chắp nối, vá víu khoảng trống quá lớn “cha hoặc mẹ” bằng giải pháp thăm con hay ở với con những cuối tuần hoặc kỳ nghỉ. Chẳng hạn, người cha có quyền đón con về chơi một hoặc hai cuối tuần trong một tháng, một vài dịp lễ trong năm, nếu con  ở với mẹ, và ngược lại. Nhưng đó chỉ là giải pháp có tính cách “bù đắp, chạy tội, xoá bỏ mặc cảm” rất tương đối, nhất thời…
c. Vợ chồng cũ xa dần gia đình bên chồng, bên vợ:
Ly dị không chỉ làm vợ chồng  xa nhau, con xa cha hoặc xa mẹ, mà còn làm xa gia đình hai bên trước đó đã thắm thiết nghiã tình. Từ nay, người chồng ly dị sẽ không hứng thú đến thăm cha mẹ, anh chị em, gia đình bên vợ. Người vợ ly dị cũng  mất hết tự tin và niềm vui ghé thăm cha mẹ chồng cũ. Và xa mặt thì cách lòng, cho đến một ngày chẳng ai còn nhận ra ai, vì ai cũng đã trở thành  người xa lạ.
1.   Tinh thần phải sẻ:
Có lẽ tinh thần người ly dị không chỉ bị sẻ đôi mà bị sẻ mười, sẻ một  trăm. Ngày xưa gia đình chỉ một mối, nhưng nay thì nhiều mối: con cái của cuộc hôn nhân đổ vỡ, bên cạnh là con cái của cuộc hôn nhân mới; qúa khứ với kỷ niệm buồn vui, thành công, thất bại cùng ngưởi vợ, chồng đã ly dị, bên cạnh hiện tại với nhiều thách đố với người tình hoặc vợ, chồng mới. Tương quan càng mở rộng, bổn phận càng nhiều, trách nhiệm càng nặng, lo âu càng sâu, tinh thần càng căng thẳng, cấu xé.
Vì tình cảm vẫn còn đó, trách nhiệm vẫn réo gọi, lương tâm không ngừng nhắc nhở, nên tinh thần day dứt khôn nguôi. Không day dứt sao được khi nhớ đám con vắng bóng cha, thiếu tình cha, cần bàn tay cha nâng đỡ ? Không đắng đót sao được khi kỷ niệm  tình cũ vẫn trở về giữa hiện tại tình mới nhiều khó khăn trắc trở ? Và cứ thế, tinh thần vẫn mãi chưa được yên.
Chia, xa, sẻ. Cả ba đều gợi lên giảm thiểu, khấu trừ, thiệt thòi, mất mát. Nó cũng diễn tả khoảng cách không gian, cách trở tinh thần. Và bất cứ sự gì khi phải chia, xa, sẻ đều gắn liền tâm trạng buồn.
Ly dị là câu chuyện không vui, dù ly dị được lý giải, biện minh bởi bất cứ lý do gì; bởi ly dị tự nó là một đứt đọan, gẫy gánh, đổ vỡ,  suy sụp, kết thúc của công trình được thực hiện qua tự do chọn lựa, trên lời hứa và niềm xác tín sẽ cùng nhau đi đến cuối cuộc đời. Ly dị  cắt đứt hành trình của hai người yêu nhau đang cùng sánh bước. Ly dị hủy bỏ dự phóng tương lai của vợ chồng  muốn cùng nhau thực hiện ước mơ “có nhau trọn kiếp”. Ly dị ngăn trở và cấm cản hai người bạn đời chung đường chung lối đi đến đời đời.
Tóm lại, ly dị là chuyện chẳng đặng dừng, vì trước đó, hai người  đã tự nguyện yêu nhau và chọn nhau làm vợ chồng. Những  “chia, xa, sẻ” khi  ly dị chỉ là hậu quả tất yếu của một lần lựa chọn thứ hai trái ngược với lựa chọn lần thứ nhất khi kết hôn. Nếu kết hôn là kết hợp hai người, thì ly hôn là ly tán hai người. Nếu kết hôn là hợp nhất hai người, thì ly hôn là phân rẽ hai người. Nếu kết hôn là khế ước gắn bó hai người nên một, thì ly hôn là tách  hai người rời xa hẳn nhau.
Ly dị là một thực trạng, một thực tế cần được nhìn nhận và can đảm đối diện. Nhìn nhận  ly dị để không đánh giá sai. Can đảm đối diện để có đáp án đúng nhất. Nhờ thế, ly dị không trở thành tai hoạ và hạnh phúc  của cuộc sống hậu ly dị được bảo đảm.


0 nhận xét: