Tự thân
ly dị là một tiêu cực, bởi ly dị là hôn nhân thất bại, hôn nhân đổ vỡ, hôn nhân
đứt gánh, hôn nhân dang dở khi vợ chồng không còn khả năng, khả thể cùng nhau
đi hết hành trình đời người. Ly dị cũng là ước mơ chưa tròn, lý tưởng chưa đạt,
nên tự thân ly dị còn là một khiếm khuyết.
Vì tiêu
cực, khiếm khuyết nên ly dị không là điều đáng
mong ước, và khi chấp thuận ly dị chính là miễn cưỡng chọn một điều ít xấu
nhất giữa những điều khác xấu hơn, hoặc
rất xấu. Như thế ly dị trong mọi trường hợp phải là giải pháp ít tai hại nhất,
ít ảnh hưởng xấu nhất, ít gây tổn thương, mất mát nhất, và ít nguy hiểm nhất; mặc
dù tự thân ly dị vẫn luôn là điều không đáng ước mơ.
Người
ta, vì thế phải ly dị khi không còn cách tốt hơn để giải quyết những xung đột,
mâu thuẫn là những điều xấu. Người ta đành lòng ly dị vì ngoài giải pháp này
không còn phương án nào ít xấu hơn nữa. Đó là lý thuyết, nhưng trong thực tế,
có bao nhiêu người đã chọn ly dị như một giải pháp “bất đắc dĩ”,
tương đối ít xấu hơn cả ?
Bị đặt
trong hoàn cảnh thường xuyên bị bạo hành
bời người chồng vô trách nhiệm, hung dữ, sáng đêm say xỉn, người vợ nếu muốn bảo
toàn mạng sống và tương lai của con cái sẽ phải cắn răng nộp
đơn xin ly hôn. Người vợ đáng thương ấy đã bất đắc dĩ làm một việc mà tận thâm
tâm bà không hề mong muốn. Nhưng vì tình thế bắt buộc và để tránh những tai họa
thê thảm, khốc liệt cho mình và đàn con nên đã phải tìm đến giải pháp ly dị. Trường hợp cụ
thể được đem ra như thí dụ trên nói lên
tính “bất đắc dĩ.” của chọn lựa ly dị.
Ly dị
là một thực tế không thể chối cãi, và ngày càng nhiều. Ly dị rất đa diện vì là
điểm kết thúc của những mâu thuẫn, xung đột, bất đồng giữa vợ chồng. Mỗi nhà mỗi
cảnh, mỗi người mỗi tính, nên mỗi ly dị là mỗi ẩn số của hôn nhân mà không ẩn số nào giống ẩn số nào, như không tìm được
hai cặp vợ chồng giống hệt nhau.
Vì ly dị
không là điều đáng ước mơ, tích cực nên hậu qủa của ly dị cũng không là điều tốt
đẹp nên tìm kiếm, bởi không ai đã muốn có con để rồi phải chia con; không ai
nghĩ có ngày “của chồng công vợ” phải cân, đo, đong, đếm trước Toà; không ai tưởng
tượng hôn thú xé đôi, vợ chồng coi nhau như đối thủ, không còn muốn nghĩ đến
nhau.
Nhưng
dù ly dị không tốt đẹp, không tích cực,
không đáng mơ ước, chúng ta cũng bị đặt trước những con người ly dị đang khao
khát hạnh phúc và nỗ lực đi tìm một cuộc sống khác hy vọng sẽ tươi sáng, may mắn
và hạnh phúc hơn. Đối diện với những tâm hồn khát khao hạnh phúc vì vừa trải
qua một phần đời bất hạnh với thất bại hôn nhân, thiết tưởng thái độ cần phải
có chính là biết chân thành cảm thông, và tận tình chia sẻ.
Tận
tình chia sẻ những khó khăn đã không thể vượt qua và nỗi đau bất lực khi không tìm được giải pháp nào
khác tốt hơn ly dị.
Chân
thành cảm thông hoàn cảnh không lối thoát và nỗi buồn phải mượn ly dị như con
đường thoát thân.
Tận
tình chia sẻ những thất bại, vấp ngã khó có thể vực dậy và nỗi khổ phải chọn ly
dị như giải pháp bất đắc dĩ để tự giải cứu.
Chân
thành cảm thông để không đứng ngoài chép miệng, nhún vai, lắc đầu phê bình, khi
cho rằng ly dị là quyết định nông nổi, bồng bột, vội vàng, hời hợt, trẻ con.
Tận
tình chia sẻ để làm vơi mặc cảm thất bại, và giúp mở ra chân trời mới có ngày
mai bình an, hạnh phúc.Và hậu ly dị sẽ trở thành thời gian ngơi nghỉ, tịnh tâm,
ở đó trái tim ray rứt trút bỏ được tâm sự
buồn, và cõi lòng tan nát nhẹ bớt gánh sầu ly hôn.
Viết xong tại Tân Phú 7/5/2014
Jorathe Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét