Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

Chương III: NHỮNG TÂM TRẠNG SAU KHI LY DỊ


Để qua một bên những ly dị vì lý do chiến lược, chiến thuật, hay kinh tế, chúng ta chỉ tập trung chia sẻ tâm trạng của những người ly dị vì lý do không thể sống chung hạnh phúc.
1.   Tâm trạng được giải phóng:
Chọn ly dị như một giải đáp cho cuộc sống ngột ngạt vì những bất đồng hay nhàm chán vì thiếu lửa yêu thương, có thể để chấm dứt một tình trạng ở đó cả hai đều giả hình và cùng sống cuộc sống hai mặt, hai người sẽ đón nhận ly dị như một cuộc giải phóng. Cả hai sẽ thở phào, nhẹ nhõm như vừa trút một gánh nặng ngàn cân, vì không còn phải mang nhau trong đời.
Nhẹ bâng như mây, họ sung sướng, phấn khởi như tù nhân được ra khỏi trại giam, như  bị cáo vừa được toà tuyên bố  trắng án. Cảm giác được hồi sinh, sống lại ran ran trong cơ thể và họ thấy trước mắt một trời mới, đất mới, con người mới, tương lai mới, cuộc đời mới, ước mơ mới.
Qủa thực, gia đình là tổ ấm hạnh phúc cho những ai có tình yêu, nhưng là điạ ngục kinh hoàng khi tình yêu chắp cánh xa bay. Vì thế, người ta khó có thể ở lại lâu trong điạ ngục mà không tìm đường thoát thân. Tâm trạng của những hôn nhân thất bại khi ly dị đều chung cảm giác được hoàn toàn giải phóng này.
Nhưng nếu một trong hai người phải bất đắc dĩ ly dị thì tâm trạng thất bại sẽ  thay thế tâm trạng được giải phóng. Có nhiều vợ, chồng không muốn ly dị, nhưng vì yếu thế, hoặc thua lý, thiếu chứng cớ phản biện đã đành nuốt lệ thi hành quyết định ly dị của toà. Họ là người thất bại trước  chiến thắng của người kia, và mang tâm trạng tủi nhục trước hào quang thành công của đối thủ.                
2.   Tâm trạng phải khẩn trương bắt đầu lại tất cả:
Ly dị là một biến cố mang tính đọan tuyệt, cắt đứt toàn bộ, thay đổi tận gốc rễ. Người ta không ly dị một nửa hay một phần tư, nhưng toàn bộ: Ngày xưa ăn chung, ở chung, ngủ chung, đi chung; ly dị rồi thì đường ai nấy đi, nhà ai nấy ở, cơm ai nấy ăn, giuờng ai nấy ngủ. Ngày xưa thì chung chăn chung gối, chung lối chung đường; ly dị rồi thì “riêng mình chiếc bóng đơn côỉ” và “đường khuya không ai đưa em về”. Bởi đoạn tuyệt là chấm dứt tất cả, cắt đứt là chẳng còn gắn bó, giao lưu, nên từ đây hai người hai ngả, hai con người hai cuộc sống mới khi bỏ lại đằng sau đời sống chung.
Vì thế, tâm trạng “bắt đầu lại tất cả” xâm chiếm tâm hồn hai người. Họ cảm thấy phải gấp rút bắt đầu lại kẻo trễ, vì mang tâm trạng thất bại trong cuộc tình trước đó, tâm trạng mất thời giờ, mất nghị lực vì cuộc sống chung.
Mặc cảm thất bại thúc bách họ phải khẩn trương làm lại cuộc đời, vội vã xây dựng lại tương lai. Mặc cảm đã qúa phí phạm nghị lực, qũy thời gian hối thúc họ lao mình về phiá trước, dù chưa  rõ phiá trước có những gì. Chính tâm trạng hối hả, vội vã làm lại tất cả có thể làm họ trượt chân, lỡ bước them một lần nữa, nếu không ý tứ, bình tâm suy nghĩ, và chọn lựa đúng đắn con đường phải đi trước mặt.
3.   Tâm trạng hụt hẫng, ngỡ ngàng:
Hụt hẫng như người vô ý trược chân, rơi tỏm  xuống sông. Ngỡ ngàng như cô dâu mới về nhà chồng. Hai người ly dị hôm nay cũng không khác hai người trong ngày cưới. Nhưng khi cưới nhau, hai người ngỡ ngàng và sung sướng bao nhiêu thì nay ly dị, họ chao đảo, và hụt hẫng. Chao đảo vì thói quen, tập quán của đời sống chung bị thay thế đột ngột bằng sinh hoạt đời sống riêng mới mẻ. Hụt hẫng vì khả năng thích nghi không kịp đáp ứng. Anh chồng mới ly dị hụt hẫng vì sáng nay không có ai đánh thức, xuống nhà không bóng người, chiều về thui thủi một mình dọn dẹp, nấu ăn. Chị vợ mới ly dị hụt hẫng vì thiếu người xốc vác việc nặng và lầm lũi một mình lo toan mọi việc. Tất cả sinh hoạt của hai người bị xáo trộn. Mọi việc  bỗng trở nên phức tạp, khó khăn, đảo lộn.
4.   Tâm trạng thách đố:
Khi cưới nhau, hai người yêu nhau và cùng hoạch định một chương trình sống hạnh phúc. Cả hai không chỉ mơ ước mà cùng nỗ lực chuẩn bị một tương lai tươi sáng, tốt đẹp cho mình và con cái. Trong công trình này, cả hai đều là những anh hùng đương đầu trước thách đố. Họ tự thách đố mình và thách đố nhau trước mời gọi và viễn tượng thành công, hạnh phúc: Gia đình là mái ấm hạnh phúc, vợ chồng là cặp uyên ương đời đời, và con cái là niềm vui, vinh dự. Đó là mục tiêu của thách đố được đề ra, và cả hai người  cùng hạ quyết tâm thực hiện.
Nhưng nay ly dị, thách đố thay đổi mục tiêu, nhưng vẫn còn đó trong họ. Họ tự thách đố mình phải thành công hơn người vợ, người chồng vừa ly dị; thách đố mình phải hạnh phúc hơn; thách đố mình phải vượt xa chồng cũ, vợ cũ nhiều mặt. Đồng thời, họ  thách đố nhau xem ai sẽ là người thành công trong cuộc sống mới; bởi thành công sẽ là câu trả lời đúng nhất,  thuyết phục nhất cho quyết định ly dị của họ.
Người vợ trước khi ly dị chắc chắn đã không tránh được những khuyên can  của cha mẹ ruột. Các vị ít nhiều hay xa gần cũng đã đề nghị một giải pháp nhẹ nhàng hơn. Nay ly dị đã xong, chị phải chứng minh cho gia đình, bạn bè biết: quyết định ly dị của mình là đúng đắn, cần thiết, khôn ngoan, và đáng mừng qua chính thành công và hạnh phúc mới của chị. Về phiá người chồng ly dị, anh cũng có những đối tượng để chứng minh, và tự biện hộ. Cũng bằng chính thành công, hạnh phúc mới của mình, anh chứng tỏ mình không sai khi quyết định ly dị.
Tâm trạng thách đố này là động cơ thúc đẩy hai ngưòi đã ly dị cố gắng phấn đấu trước cuộc sống mới để đạt mục đích. Nhưng cũng chính tâm trạng này, nếu cực đoan, thái quá sẽ biến thành đối đầu, ganh ghét. Tinh thần phấn đấu không loại trừ thi đua, nhưng cạnh tranh vì ganh ghét sẽ mau chóng biến phấn đấu thành  đấu đá, và hai người bạn đời cũ sẽ vô phúc trở thành hai đối thủ hạ cấp “không đội trời chung”  hứa hẹn một cuộc sống mới đầy bất hạnh.
5.   Tâm trạng tiếc nuối:
Dù hồ hởi đến đâu, vì được giải thoát khỏi ngục tù của “ông kẹ, bà chằng”; dù hăng say thách đố và muốn bắt đầu lại đến cỡ nào, người ta vẫn không tránh được tâm trạng tiếc nuối sau ly dị.  Có thể không tiếc nuối cả đời  làm vợ làm chồng, nhưng tiếc nuối một phần đời làm chồng làm vợ. Có thể không tiếc những năm tháng dài sống chung, nhưng tiếc thời  mới yêu còn ngây thơ, e ấp. Có thể không tiếc nuối cả quãng đường dài cùng đi, nhưng tiếc nuối những cây số khởi đầu đường tình  ngợp bóng me xanh có chân  em bước  dịu dàng. Có thể không tiếc đời vợ chồng, nhưng tiếc thời gian đã phí phạm cho cuộc sống chung bất hạnh. Có thể không tiếc xót tình yêu đã mất, nhưng tiếc xót vì để mất một bóng hình. Có thể không tiếc thương  phận mình, nhưng thương tiếc nhiều thân phận phải khổ vì vụng dại của mình.
Nói chung, tâm trạng tiếc nuối là điều không thể tránh, và ít nhiều, bàng bạc hay sâu sắc, người trong cuộc ly hôn bắt buộc phải cảm nghiệm, vì ký ức là nỗi đau của con người, vì ký ức không bỏ sót một sự kiện, cảm xúc, tình cảm nào của qúa khứ. Ký ức hay trở về bất chợt. Nó đánh thức trái tim thổn thức. Nó  khơi dậy nỗi nhớ nhung. Và  hôn nhân không chỉ là sự kiện, nhưng là tất cả con người, cuộc đời con người, ở đó có biết bao điều, bao việc, bao người, bao ước mơ đã được ký ức ghi nhận, thu giữ. Có những kỷ niệm chỉ trở lại khi người ta không còn muốn giữ, những bóng hình chỉ hiện về  khi người ta đã hoàn toàn đánh mất. Đó là nỗi khỗ của con người khi không làm chủ được giòng chảy ngược của ký ức, và ký ức đã góp phần làm nên tâm trạng tiếc nuối, nhớ thương này.
6.    Tâm trạng níu kéo:
Có nhiều lý do, trong đó có nỗi sợ ngày mai làm người ta không muốn đưa chân liều bước, nhưng cố níu kéo, níu được đến đâu hay đến đó, kéo  được ngày nào hay ngày ấy. Đây là tâm trạng thất vọng vì bất lực trước tình huống, hoàn cảnh. Nó có thể làm người trong cuộc  thành điên loạn khi không còn có thể vớt vát, níu kéo những gì đang xa khỏi tầm tay.
7.   Tâm trạng hoang mang, lo sợ:
Người ta hoang mang khi không nắm vững một điều gì, lo sợ khi không làm chủ được tình thế. Người ly dị sau biến cố đoạn tuyệt đời sống hôn nhân cũ chưa nắm được tương lai, cũng  không hoàn toàn làm chủ tình thế trước mặt, nên lo sợ, hoang mang.
Có quá nhiều việc phải làm mà không biết cách nào làm. Có bao la nhu cầu mà không biết sắp xếp thứ tự ưu tiên. Có rất nhiều đòi hỏi phải đáp ứng mà không  tìm đâu ra phương tiện. Người mới ly dị không thể không lo lắng trước cả khối công việc một mình phải giải quyết mà trước đây được giải quyết bởi “hai mình”, và hoang mang khi tự lượng định khả năng  giới hạn, khi không còn người xưa trợ giúp.
8.   Tâm trạng dè dặt:
Ly dị là một thất bại, dù nhìn ở bất cứ góc cạnh nào. Vì thế, người ly dị không muốn thất bại lần thứ hai, nên rất dè dặt trước những mời gọi mới của hôn nhân. Hôn nhân từ nay không còn được nhìn  như đã được chiêm ngưỡng trước đây và người ly dị từ nay không hoàn toàn tin vào sự bền vững của hôn nhân.  Quan niệm hôn nhân và tình yêu vì thế cũng thay đổi nơi người ly dị. Những cảm xúc, hy vọng, hoài bão ngày nào trước khi bước vào hôn nhân lần đầu không còn cơ may lặp lại lần nữa ở hôn nhân tiếp theo, vì đã một lần thất bại, đổ vỡ.
Tâm trạng dè dặt trong hôn nhân kéo theo thái độ dè dặt trong tất cả mọi lựa chọn của người ly dị. Và họ trở nên khép kín, thận trọng hơn.
9.   Tâm trạng trống vắng, cô đơn:
Ngày xưa hai mình, nay một mình đơn chiếc, hỏi sao không trống vắng, cô đơn ? Cái trống vắng của không gian, nếp nhà hiu quạnh còn tăng  thêm cái trống vắng của tâm hồn làm vợ chồng ly dị cảm thấy xa lạ với tổ ấm, chăn ấm từ bao năm đã đắp đã ở, xa xôi với những gì trước đây quen thuộc, xa vắng ngay dưới mái nhà  thân thương chất chứa bao dấu áí kỷ niệm.  Chẳng thế mà  người ly dị sợ ở một mình , không muốn ở lại nhà cũ, và thường tìm đến bạn bè để không phải đối diện với trống vắng, cô đơn.
Thực ra tâm trạng trống vắng, cô đơn không ở ngoài, nhưng ngay trong tâm hồn khi nhu cầu chia sẻ yêu thương không được đáp ứng. Nỗi trống vắng lúc này như bước chân trở về tận thâm cung cõi lòng để nhìn mình rõ hơn, và bởi nhìn rõ mình trong sự thật tinh ròng, không che giấu, ngụy trang, nên hồn thênh thang nỗi buồn thân phận và tim se thắt nỗi trống vắng, cô đơn.
10.  Tâm trạng chán nản, buông xuôi, hận đời, giận người.
Bị gài vào thế phải chấp nhận ký ly hôn, người trong cuộc mang tâm trạng bị “knock out”, bị lừa đảo, bị phản bội, bị coi thường và rơi vào  bất mãn, chán nản, hận thù. Ở vào tâm trạng này, không ai còn là người đáng tin, đáng mến, đáng yêu, kể cả cuộc đời dù không  là nguyên nhân của đổ vỡ. Nhiều người sau ly dị đã nuôi căm phẫn  và hành động mù quáng vì thù hận. Không ít người đã coi ly dị là thất bại, mất mát, thua lỗ mang tính “định mệnh” mà không gì có thể cứu vãn, chuộc lại, hay đền bù được. Chính vì thế, “tái đầu tư hôn nhân” là điều bất khả thi, và hôn nhân dưới mắt họ, trong tâm trí họ từ nay chỉ là điều kinh tởm, cơn ác mộng hãi hùng, và những kỷ niệm “phung phí, phá sản”.     
Bên cạnh những tâm trạng bình thường, còn một số tâm trạng “khác thường”  hằn sâu thành nhiều nếp gấp trong tâm hồn và ảnh hường không nhỏ trên đời sống tinh thần, đó là những mặc cảm như mặc cảm bị phụ bạc, mặc cảm bất lực, mặc cảm thua kém, mặc cảm bị lường gạt, mặc cảm ngu dốt, mặc cảm thừa thãi, mặc cảm vô dụng, mặc cảm vô trách nhiệm, mặc cảm “ăn bám sống nhờ”, mặc cảm thất bại, mặc cảm cô đơn 
Tự bản chất, mặc cảm là tình cảm tiêu cực, không xây dựng, nhưng có sức đốn gục ý chí phấn đấu và làm tiêu hao nghị lực tinh thần. Người ly dị khó tránh được lưới mặc cảm bủa vây, và phần đông rơi vào tình trạng tâm lý  khủng hoảng. Ở mức độ trầm trọng, khủng hoảng tâm lý có thể đưa tới tình trạng trầm cảm, lạnh cảm “mãn tinh”.
Một số tâm trạng, mặc cảm tiêu biểu vừa kể là tâm trạng thường gặp nơi người mới ly dị. Có thể pha trộn nhiều tâm trạng một lúc, có khi các tâm trạng  đứng riêng lẻ, rồi bất ngờ  liên hoàn nối đuôi nhau. Ở trạng thái nào đi nữa, tâm trạng ở người ly dị cũng vẫn là tâm trạng  nhiều u uất, mênh mang tiếc nuối, phảng phất lo âu, đan chen nghi ngại, mặc dù hứng khởi được giải phóng đã có đó, và hy vọng “làm lại” tất cả cũng đã náo nức bập bùng.

0 nhận xét: