Trong các cuộc hội thảo về gia đình, người ta có khuynh hướng đặt con cái làm đối tượng hàng đầu, và hăng say phân tích tâm lý, hành động, đời sống của chúng, đến nỗi nhiều cuộc thảo luận về gia đình đã bỏ quên cha mẹ, làm như gia đình hạnh phúc hay bất hạnh, bình an hay xào xáo đều do con cái. Có nhiều lý do để cha mẹ bị lãng quên không chỉ trong phòng hội nghị, trên đề án thảo luận mà còn trong thực tế : cha mẹ bị lãng quên, vì chính cha mẹ muốn được lãng quên, khi thấy mình có nhiều vấn đề, những vấn đề tiêu cực, tế nhị không tiện phơi bày trước con cái, hay tương quan giữa cha mẹ và con cái đang trong tình trạng bất ổn, bất mãn; cũng có thể cha mẹ bị lãng quên, vì người ta vô tình bỏ sót, hay đánh giá thấp vai trò phụ mẫu trong việc hình thành nhân cách của con cái.
Thế nào đi nữa thì cha mẹ cũng ít nhiều bị lãng quên, và đáng tiếc hơn khi chính cha mẹ lãng quên ơn gọi, vai trò, bổn phận, lý tưởng làm cha mẹ của mình: quên mình là cha mẹ của những đứa con đang sống rất thực, rất cụ thể trong những hoàn cảnh rất đặc thù, cá biệt; quên mình phải đáp ứng những nhu cầu và đòi hỏi của những con người gọi mình là cha mẹ; quên giá trị cao quý của người đồng cộng tác với Thượng Đế trong việc sinh ra những con người mới. Tập chia sẻ “Cha Mẹ Yêu Thương” được viết trong mùa Vu lan, mùa nhớ ơn cha mẹ, mùa con cái báo hiếu mẹ cha, người viết muốn được cùng bạn đốt nén hương lòng tạ ơn cha mẹ sinh thành, cảm tạ tình mẹ bao la, tình cha hải hà, bằng tự nhắc nhớ “cha mẹ là yêu thương”: yêu thương cho con vào đời, yêu thương cho con nên người, yêu thương cho con làm người hạnh phúc.
Quý độc giả vui lòng đọc chương 1 : http://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/CMYT-chuong1