Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

V. TẠI SAO THIÊN CHÚA CHỌN YẾU ĐUỐI?


Yếu đuối của Thiên Chúa trong Đức Giêsu làm chúng ta sốc nặng, nhưng thánh ý của Thiên Chúa là càng nên giống con người bao nhiêu, tình yêu của Ngài càng được diễn tả, biểu lộ chính xác, tròn đầy bấy nhiêu. Nói cách khác, sự kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người chính là Thiên Chúa trở nên giống con người trong mọi sự, trừ tội lỗi. Bởi định luật căn bản của tình yêu là “trở nên giống người mình yêu”. Sức mạnh của tình yêu là “ trở nên giống nhau”, bởi yêu nhau mà không bị “nhau” thu hút, hấp dẫn, cuốn lôi, biến đổi, đồng hoá, trở nên một thì chưa phải trọn vẹn yêu nhau, hết tình, hết mình, hết đời yêu nhau.
Thiên Chúa yêu con người, nên cũng muốn “trở nên một” với con người, muốn gần gũi, thân mật, gắn bó xương thịt với con người, chẳng thế mà Ngài đã hiến máu thịt cho con người ăn uống,  để con người “được sống và được sống dồi dào” (Ga 10,10).
Nhưng làm thế nào để nên giống con người, vả đặc điểm nào làm Thiên Chúa và con người giống nhau ?
Thưa từ góc độ đời đời, Thiên Chúa nhìn con người là thụ tạo cao cả, nhưng rất yếu đuối: yếu đuối là nét nổi bật của con người, yếu đuối là thân phận của con người, yếu đuối là đặc tính chung của loài người, yếu đuối là mẫu số chung của mọi người, yếu đuối là điều không ai tránh khỏi. Con người yếu đuối trong mọi ý nghĩ, ước muốn, hành động; yếu đuối trong nếp nghĩ, nếp sống; yếu đuối với mình, với người; yếu đuối trong mọi tình huống sang, hèn, giầu, nghèo, vinh, nhục. Con người mang nặng gánh yếu đuối từ khi sinh ra đến lúc chết, và giòng đời là giòng sông yếu đuối, cũng như đường đời là những cây số yếu đuối nối dài.
Vì con người ai cũng yếu đuối, do hậu qủa của tội lỗi (Rm 3,9-18), nên chỉ trong yếu đuối, Thiên Chúa mới giống con người trăm phần trăm.Giống con người yếu đuối, Thiên Chúa không khác con người dù một mảy may chi tiết, bằng chứng là vì giống con người yếu đuối: giống  em bé sơ sinh yếu đuối, giống người bệnh yếu đuối, giống tù nhân yếu đuối, giống tội nhân yếu đuối, mà Đức Giêsu-Thiên Chúa đã không được nhận diện, khám phá, đón nhận bởi nhiều người: “Lậy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa  đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu ? ” (Mt 25,44).
Vì mọi người đều yếu đuối: người tội lỗi yếu đuối đã đành, cả những đấng bậc thánh thiện, những người được tuyển chọn cũng yếu đuối. Biết bao đấng thánh đã yếu đuối trở về; bao nhiêu tâm hồn thánh thiện, đạo hạnh đã nhận mình rất yếu đuối; bao nhiêu người đạo đức, lành thánh đã chẳng dám nghĩ mình xứng đáng, hoàn hảo, nhưng tất cả đều biết mình yếu đuối.
Không phải yếu đuối kềm kẹp, và không cho con người vươn lên, đứng dậy, vì con người vẫn có tự do và nghị lực, nhưng yếu đuối bay lượn dật dờ, bàng bạc đó đây, giăng mắc, bao phủ làm con người không dễ “làm điều tốt tôi muốn, tránh điều xấu tôi chẳng ưa”, vì khả năng chọn lựa thiện - ác của con người không còn nguyên vẹn như trước khi nguyên tổ phạm tội. Tội lỗi vào thế gian đã làm con người yếu đuối, để “điều tốt tôi muốn, tôi lại không làm, điều xấu tôi chẳng ưa, tôi lại làm” (Rm 7,19).
Kinh nghiệm sống đạo, qúa trình đi theo Đức Giêsu, cảm nghiệm đời tông đồ cho chúng ta khẳng định mà không sợ sai lầm: chúng ta hết thẩy đều rất yếu đuối, dễ ngã gục. Thánh Phaolô hơn ai hết đã nếm kinh nghiệm này, nên cảnh giác giáo dân của Ngài: “Anh em hãy cẩn thận, vì ai đang nghĩ mình mạnh rất có thể sẽ sắp ngã”.        
Thiên Chúa cũng chọn yếu đuối, vì muốn chứng minh Tình Yêu của Ngài là tình đến tận cùng, đi vào thẳm sâu hiện hữu của con người. Thiên Chúa không yêu con người bằng tình yêu hời hợt, bên ngoài, trình diễn, nhưng yêu tận căn gốc con người, tận “củ tỷ” bản chất con người, tận bản doanh sinh hoạt thực tại con người, và ở thâm cung, góc tối ẩn khuất đó, con người biết mình rất yếu đuối.
Trở nên như con người yếu đuối, Thiên Chúa nên giống con người trong tận căn của con người, chứ không chỉ giống con người như diễn viên sân khấu cố nhập vai nhân vật ngoài đời nhờ trang phục, khả năng đóng kịch, nghệ thuật diễn xuất. Ở đây, chúng ta cần ghi nhận một điều rất quan trọng, đó là Đức Giêsu làm người thực sự, chứ không “giả vờ” làm người, đóng kịch làm người, mượn hình hài con người, bởi nơi Ngài có hai bản tính cùng lúc: bản tính Thiên Chúa, và bản tính loài người. Ngay người công giáo đôi khi vì không muốn Thiên Chúa của mình “yếu” hơn thiên chúa đạo khác, nên vờ vĩnh cắt nghiã mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu theo kiểu đồng cốt nhập xác, thần thánh mượn xác người để nói, để truyền việc này việc nọ…Nguy cơ của kiểu cắt nghiã vờ vĩnh, mơ hồ  mầu nhiệm nhập thể sẽ đưa đến lạc đạo khi chối bỏ nhân tính nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người thực, và thực sự làm người trong lịch sử của con người. 
Thiên Chúa còn chọn yếu đuối để gần được mọi người, vì mọi người đều yếu đuối. Ở trong yếu đuối  là mẫu số chung, đặc tính chung của con người, Thiên Chúa không loại trừ ai, phân biệt ai, thiên vị ai, nhưng mọi người đều có chỗ đứng trong trái tim Thiên Chúa, vì Ngài nên giống từng người trong yếu đuối, gần gũi mọi người qua yếu đuối. Người giầu có yếu đuối của người giầu, nên người giầu cũng gặp được Đức Giêsu như  người giầu Giakêu được kể tên trong Tin Mừng; người thánh thiện, đạo đức  có yếu đuối của  người đạo đức, thánh thiện, nên Đức Giêsu cũng ở với họ; người thông thái, giỏi giang cũng không thiếu yếu đuối của giai cấp khoa bảng, trí thức, nên họ cũng không xa lạ với Đức Giêsu; còn những người nghèo khó, túng bấn, bệnh tật, tội lỗi, hoang đàng, sa đọa thì yếu đuối búa xua, đầy tràn, chồng chất, nên được Đức Giêsu đặc biệt quan tâm, và lân la, ở cùng đến nỗi nhiều người đã bực dọc lên tiếng trách móc: “Ông ấy la cà, ăn uống với cả phường tội lỗi” (Lc 19,7).  
Như thế, lý do Thiên Chúa chọn yếu đuối là vì Ngài muốn nên giống, muốn gần gũi, muốn có mặt trăm phần trăm, “hai mươi bốn trên hai mươi bốn” với tất cả những ai yếu đuối, khó nhọc, vì Ngài thương họ, muốn chia sẻ gánh nặng yếu đuối của thân phận người với họ, muốn làm cho “ách đời” họ nên êm ái, và “gánh đời” họ nên nhẹ nhàng.
Qủa thực, yếu đuối của con người là ưu tư của Thiên Chúa; vất vả, khó nhọc của con người làm tim Thiên Chúa nhói đau, và tin nhắn của Ngài gửi từng con người yếu đuối, lao nhọc, khốn quẫn vẫn mãi là: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 28-30).  
Qua tin nhắn này, chúng ta thấy ngay mục đích của mầu nhiệm Thiên Chúa trở nên con người yếu đuối, đó là Thiên Chúa có mặt với con người trong yếu đuối, để làm cho gánh nặng của con người được nhẹ bớt, đau khổ của con người được nguôi ngoai, và con người yếu đuối được nâng đỡ, vực dậy bởi chính sự yếu đuối của Thiên Chúa toàn năng.
Thiên Chúa còn yếu đuối để con người dễ dàng gặp Ngài, đến gần Ngài mà không sợ hãi, e ngại, như đến với vua chúa, quan quyền, thẩm phán. Thương con người yếu đuối, nhiều mặc cảm tội lỗi, Thiên Chúa trở nên con người yếu đuối để không ai yếu đuối mà mất hy vọng gặp Ngài, không ai yếu đuối mà mất cơ hội được Ngài cứu độ, không ai yếu đuối mà phải tuyệt vọng, buông xuôi.
Yếu đuối sau cùng là phương cách Thiên Chúa chọn để trở nên “mọi sự cho mọi người: omnia omnibus”. Bởi một Thiên Chúa chỉ toàn năng sẽ cứng cỏi, chỉ toàn mỹ sẽ nghiêm khắc, chỉ toàn thiện sẽ xa vời, cách biệt.  Thiên Chúa của Đức Giêsu ngoài toàn năng, toàn mỹ, còn toàn thiện vì yếu đuối trong lòng xót thương. Chiêm ngắm thái độ của người cha nhân từ khi đón đứa con hoang trở về, chúng ta không khỏi xúc động trước sự yếu đuối vì quá thương con của ông: vì thương xót con, ông đã trở nên người cha yếu đuối trước yếu đuối của con khi không một lời trách móc, một câu “dằn mặt, lên lớp”; vì xót thương thân con yếu đuối, dáng con tiều tụy. Ông đã trở nên yếu đuối khi chạy ra trước, ôm chầm lấy con, cho áo đẹp, giầy mới, tổ chức tiệc tùng ăn mừng để rồi bị con trai trưởng cằn nhằn, giận dỗi. Cậu trưởng giận dỗi vì thấy cha mình qúa yếu, đã chẳng đủ  cứng rắn “cho thằng con bất hiếu, hoang đàng một trận nên thân”, trái lại đã không để con phải nói lời xin lỗi, tạ tội, mà chỉ mê man yêu thương, âu yếm.
Thái độ của người cha qủa thực rất “yếu” dưới mắt nhiều người, trong đó có người con trai trưởng của ông. Nhưng vì qúa yêu con, ông đã hành xử theo lý lẽ riêng của lòng thương xót, và bất chấp tất cả để trở nên yếu đuối cho đứa con hoang đàng yếu đuối  được tìm thấy thiên đàng yêu thương và sống lại hạnh phúc được tha thứ.