Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

II. LÀM TỪ THIỆN


Làm từ thiện thường được hiểu là một hành động nhân đạo, một công tác thiện nguyện, một hành vi đạo đức muốn đem lại cho người khác khốn khổ, bất hạnh, xấu số hơn mình một món quà vật chất, một trợ giúp hữu hiệu, một an ủi, nâng đỡ tinh thần. Từ thiện hiểu như một việc tốt lành, đáng trân trọng và mang lại công phúc, ơn đức cho người thực hiện. Tôn giáo nào cũng đề cao và khuyến khích việc từ thiện. Hồi Giáo đặt việc từ thiện, bố thí là một luật buộc quan trọng. Thiên Chúa giáo đặt việc bác ái, giúp đỡ người khác như một giới răn ngang với giới răn thờ phượng, yêu mến Thiên Chúa. Phật giáo kêu gọi, khuyến khích con Phật làm từ thiện, cứu giúp người. Các tôn giáo khác như Cao Đài, Hoà Hảo cũng không đi ngoài hướng đi nhân ái, vị tha, bác ái này.
Như thế làm từ thiện trước hết là đối diện với người nghèo, là đến với người kém may mắn, là tiếp cận với người xấu số, cực khổ hơn mình với mục đích làm nguôi ngoai nỗi đau, làm giảm nhẹ khốn khổ, cơ cực của họ.  
1.   Đối diện với người nghèo:
Người nghèo ở đây không phải là người nghèo được vẽ trên giấy, người nghèo trong tranh được lồng kính và treo trên tường ; người nghèo ở đây cũng không là một quan niệm, một danh xưng rỗng tuyếch để chỉ một thành phần, một số đông, một tập thể nghèo; người nghèo ở đây càng không là những con số không hồn, lạnh lẽo, vô cảm trên biểu đồ trong phòng làm việc của nhà xã hội hoặc trên máy tính của ủy ban dân số. Người nghèo, đối tượng của từ thiện là người nghèo bằng xương bằng thịt, những người nghèo chỉ còn da bọc xương, gầy gò, lem luốc, tật nguyền, đau bệnh. Người nghèo có thật bằng những vết thương sâu hoắm trên đùi, lở loét ngang bụng cho mùi hôi thối đến nôn mửa. Người nghèo “bụng ỏng da chì”, nhợt nhạt, xanh mướt vì bệnh sốt rét, hoặc  bàn tay không ngón vì phong cùi. Người nghèo có thực: thực trong dáng đứng, thực trong hơi thở yếu đuối, thực trong cơn đói cồn cào, thực trong manh áo tả tơi, thực trong ngơ ngẩn đáng thương vì mất trí, thực trong lơ đãng, kỳ cục phải kiên nhẫn lắm mới chịu đựng được. Ngừơi nghèo ở đây không biết tên mình là người nghèo, cũng không biết tuổi mình đã bao năm làm người nghèo, càng không  biết mình đang ở đâu, chỗ nào trong xã hội. Người nghèo ở đây nghèo đến độ không  cần phân biệt ngày mai - hôm nay, trước - sau, phải - trái ; vì với họ không ai là điểm tựa, không gì là hải đăng,  không đâu là địa bàn. Người nghèo ở đây cũng  chẳng quan tâm đến chính sự sống của mình, vì có hiểu tại sao mình sống đâu.
Đối diện với một người mà ta chưa biết họ là ai và ta cũng chưa nhận ra ta là ai, thì làm sao có được buổi hội ngộ có ý nghiã? Giáp mặt nhau mà không nhận ra nhau, thì còn gì là gặp gỡ, còn gì là thân cận,ncòn gì là thân tình? Vì thế, để cuộc gặp gỡ giữa ta và người nghèo mang một ý nghiã nhân bản, ta phải tìm biết người nghèo là ai:
a.   Trước hết, người nghèo là con người:  
Họ là một con người có hồn và xác, có quyền làm người, có nghiã vụ của con người trong xã hội, có giá trị, khả năng và vị trí con người như tất cả mọi người khác.
b.  Người nghèo là người có lịch sử:
Người nghèo là người nên có lịch sử, gia thế, cũng như  hoàn cảnh và đời riêng cần được mọi người tôn trọng.
c.    Người nghèo được sinh ra là người:
Nghèo chỉ là một tình trạng có thể thay đổi, trong khi bản tính “người” nơi người  nghèo thì bất biến, bất khả nhượng. 
Như thế người nghèo khác người giầu ở tình trạng sống, nhưng giống người giầu ở chất người, chỗ đứng người, tư cách người, giá trị người; nói tắt là nhân vị. Không khác nhau ở căn tính, chỉ khác nhau ở tình trạng nên cùng chung một vị thế, đứng chung một hàng, cùng chia sẻ một thân phận, cùng đồng hành trên một hành trình làm người và gánh chung một định mệnh là  người. Từ điểm then chốt này, ta hình dung cuộc gặp gỡ, đối diện giữa người làm từ thiện, tạm gọi là người không nghèo và người được trợ giúp thường có tên là người nghèo. Đó là cuộc gặp gỡ sẽ không mang tính đối đầu giữa ông chủ và tên nô lệ, cũng không  là cảnh người giầu bố thí  “cơm thừa canh cặn” cho người ăn xin nghèo khổ ; nhưng là gặp gỡ giữa hai con người, hai nhân vị, hai chủ thể bình đẳng có khả năng đồng cảm, đồng thuận, đồng hành. Đó là cuộc gặp gỡ giữa hai tâm hồn, hai cuộc đời cần có nhau, cần đến nhau.
Người cho cần có người nhận ; bởi khi cho đi người ta soi được bóng dáng và diện mạo thật của mình trong người khác ; bởi khi cho đi hiện hữu của người cho được cắm sâu hơn, trải rộng hơn trong người khác ; bởi khi cho đi chất người nơi người cho phong phú, dồi dào hơn và nhất là hạnh phúc được tràn đầy và sâu lắng nhờ có mặt trong trái tim tha nhân.
2.   Đối thoại với người nghèo.
Đối diện với người nghèo là nhận ra họ là người như ta. Đối thoại với họ đòi người làm từ thiện tự lột bỏ ngôn ngữ giai cấp để mang vào một ngôn ngữ mới của một người đang làm bổn phận chia sẻ. Nói đến bổn phận là nói đến việc phải làm, trách nhiệm phải chu toàn, nghiã vụ phải thực thi. Người làm từ thiện không làm từ thiện với tinh thần “thi ân, bố thí”, làm từ thiện như một hobby, một môn giải trí lành mạnh, một hành động thu góp công đức thiêng liêng hay tìm danh thơm để đời.  Làm từ thiện phải mang một lớp áo của nghiã vụ làm người, một ý nghĩa của bổn phận  người với người. Trong nghiã vụ, bổn phận, con người nhận ra tính tương trợ và trách nhiệm của mỗi người trên toàn thể nhân loại và  sự đóng góp cần thiết của toàn thể nhân loại trên mỗi người. Trách nhiệm chung ấy đòi mỗi người có bổn phận làm cho đời người khác tốt hơn, hạnh phúc hơn, giầu có hơn, xứng đáng hơn. Trách nhiệm chung đó cũng lôi kéo mỗi người ra khỏi vỏ ốc ích kỷ của mình vì hạnh phúc của tha nhân. Như thế, ngôn ngữ trong cuộc đối thoại giữa người làm từ thiện và người nghèo sẽ không mang cung giọng trịch thượng, khinh miệt hay diễu cợt, bông đùa. Trái lại, ngôn ngữ sẽ mang lòng nhân ái, chuyển tải tâm tình thông cảm và diễn tả lòng kính trọng, yêu thương.
3.   Đồng hành với ngừơi nghèo.
Đồng hành là cùng đi, không đi cùng người chết, nhưng đi với người sống mặc dù người sống ấy  nghèo. Đi chưa đủ, còn phải đi về một mục đích đã chọn sẵn. Như thế, dấn thân đồng hành với người nghèo, người làm từ thiện phải ý thức mình đang đi với người nghèo, tuy nghèo nhưng vẫn đang sống.
Sở dĩ phải nhấn mạnh điểm này vì khuynh hướng tự nhiên nơi người làm từ thiện là  hay quên người nghèo là người đang sống, cũng ham sống, muốn sống như mình. Khi vực dậy người nghèo đói, bệnh tật, ta hay quên sự sống nơi họ bằng giảm thiểu một cách rất vô tình khả năng sống và quỹ sống của họ, làm như họ không được phép sống khoẻ, sống mạnh, sống sung sức như ta. Cũng có lúc coi nhẹ sự sống nơi những thân phận hẩm hiu, bất hạnh khi đồng hoá họ vào những con số.
Đồng hành với người nghèo hệ tại ở ý thức tôn trọng sự sống, đời sống của họ. Đồng hành với ai là cốt nâng đỡ họ để được cùng họ đi đến cuối đường, đạt được mục tiêu. Đồng hành mà chỉ mong sớm được “đơn thân độc mã” trên đường thì còn gì ý nghiã của đồng hành. Làm từ thiện là cứu sự sống, nâng đỡ sự sống, đấu tranh để giành sự sống cho những người sắp mất sự sống. Khi cho người đói ăn, ta mong họ sống. Khi cho người bệnh thuốc, ta mơ họ được hồi sinh. Khi giúp một người đi học, ta đợi chờ một cuộc sống viên mãn, dồi dào, phong phú nơi họ. Tôn trọng sự sống, trân qúy sự sống, khát khao sự sống, hết mình vì sự sống của người nghèo, đó là điều kiện không thể thiếu để đồng hành với họ. Thiếu điều kiện này, ta sẽ chỉ làm người nghèo tủi thân hơn khi họ phát hiện thái độ coi thường sự sống  của họ nơi ta.
4.   Đóng góp cho kế hoạch phát triển.
Mục đích phải đến của công tác từ thiện là giúp người nghèo thoát khỏi cảnh nghèo. Người nghèo chỉ thoát nghèo khi chính họ tự thoát. Nhưng đã có nhiều trường hợp muốn tự thoát nhưng thoát không xong ... Đó là những trường hợp khả năng chưa đủ còn cần nhiều trợ giúp.
Làm từ thiện đòi một cái nhìn xa, một  tầm phóng lớn để thấy trước những gì cần phải làm. Hời hợt, nóng nẩy, vội vã trong từ thiện sẽ không mang lại kết qủa như ý, vì  bất cứ kế hoạch từ thiện nào cũng đòi hỏi thời gian, mà  thời gian vẫn luôn thích níu kéo lòng kiên trì, tính nhẫn nại.
Vật chất trong từ thiện đôi khi cũng làm nóng ruột người cho, nhưng kết qủa trong công cuộc cứu sống con người thường ẩn khuất, kín đáo, không ồn ào, nên phải có độ nhậy của óc thông minh và tinh tế của tâm hồn nhân ái mới thấy được tất cả giá trị và mầu nhiệm của nó.

0 nhận xét: