Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

V. NHỮNG KHÓ KHĂN KHI LÀM TỪ THIỆN


1.   Dị nghị :
Làm từ thiện thường dính đến tiền bạc, có thể là tiền của bá tánh đóng góp, có thể là tiền của cơ quan, tổ chức ở xa... nhưng đã có mùi tiền là có dị nghị, lời ra tiếng vào. Tiền bạc cần thiết cho công tác từ thiện, nhưng cũng là nguyên cớ của nhiều thất bại trong từ thiện khi tiền không được kế toán minh bạch và xử dụng không đúng mục tiêu. Không thiếu những tổ chức từ thiện phải đóng cửa, tan hàng vì không chứng minh được chi thu. Không thiếu  những tâm hồn thiện chí phải buông tay, giã từ công tác từ thiện vì bị mang tiếng “biển thủ, lợi dụng tiền của người nghèo”.
Minh bạch trong chi thu là hoạch định ngay từ đầu lối vào, đường ra của tiền. Nếu chủ trương dùng hết tiền cho cứu trợ thì không cần nghĩ đến chuyện “tiền đẻ ra tiền”  bằng cách trích ra một phần tiền để đầu tư ngắn hạn, dài hạn. Nếu  rạch ròi ngay từ đầu nguyên tắc chi thu và công khai hoá tài chính thì không phải lấn cấn vì tham lạm, sai lầm hạch toán. Nếu cương quyết định rõ ranh giới quyền hạn của người trách nhiệm tiền bạc thì chẳng bao giờ phải đặt lại vấn đề tín nhiệm hay không tín nhiệm vì nghi ngờ, thắc mắc. Nếu tiền bạc từ thiện được xử dụng hợp lý thì chẳng sợ gì những “lời ong tiếng ve” của những người cố tình tấn công vì ác ý.
Trong một xã hội mà niềm tin không còn là một giá trị lớn, thì chuyện dị nghị, nghi ngờ là những chuyện thường ngày trong nhà, ngoài ngõ. Vì thế đôi khi cũng phải “phớt tỉnh Ăng Lê “để bình tâm làm việc từ thiện.          
2.   Khủng hoảng niềm tin :
Trong khi viết những giòng này, tôi đọc trên mạng rất nhiều  bài viết về chuyện làm từ thiện ở Việt Nam hôm nay. Các bài viết có ba khuynh hướng rõ rệt: Khuynh hướng thứ nhất chống triệt để việc Việt Kiều về nước làm từ thiện và giúp đỡ những tổ chức từ thiện ở quê nhà. Lý do được trưng dẫn là hầu hết các trung tâm từ thiện ở Việt Nam đều do những tay bịp bợm khai thác và tiền bạc thu được đều đổ vào túi những con buôn từ thiện này. Nhiều bài đã công khai nêu đích danh người sáng lập và điạ chỉ của trung tâm bị chỉ trích. Khuynh hướng thứ hai là không chống việc làm từ thiện ở Việt Nam, nhưng đề nghị không giao chuyển  tiền bạc cho bất cứ tổ chức hay cá nhân nào, mà phải tự mình trao tận tay người được trợ giúp. Lý do cũng như trên; vì không tin tưởng những người trung gian. Còn lại khuynh hướng cuối cùng là chấp nhận làm từ  thiện “hên xui may rủi”; nghiã là đành lòng gửi tiền giúp các trung tâm từ thiện nhưng xác xuất tin tưởng “toàn phần số tiền đến tay người cần được giúp đỡ ” rất thấp, nhưng vẫn chấp nhận.
Những bài viết trên mạng với ba khuynh hướng vừa kể phần nào đã nói lên tình trạng niềm tin bị khủng hoảng. Người ta không còn tin vào nhau nữa. Có thể vì kinh nghiệm chua cay, bẽ bàng làm người ta không dám đặt niềm tin vào người khác; có thể họat cảnh xã hội ngày nay bị ô nhiễm quá trầm trọng đến độ niềm tin trở thành một điều gì đó rất xa lạ, tưởng như không có. Không có niềm tin, con người khó gửi gắm nhau tâm sự, ước mơ, tiền bạc. Vắng bóng niềm tin, người ta cũng mất đi nhiều cơ hội xây dựng hạnh phúc cho nhau và dễ mất nhau trong dửng dưng, xa lạ. Hiện tượng mất niềm tin nơi những người làm từ thiện, dù đến từ đâu và dưới góc cạnh nào, ít nhiều cũng gây ra hậu qủa rất tiêu cực cho những nỗ lực phục vụ đồng bào xấu số của nhiều người thành tâm, thiện chí luôn cần bàn tay đóng góp của mọi người. 
3.   Cám dỗ : “tìm mình, chỉ có mình:
Bản chất của công việc từ thiện là cao qúy, nên có thể gây cho người làm từ thiện ảo tưởng “mình là người hùng, thánh nhân, ân nhân của nhân loại”. Không thiếu những phô trương lố bịch nơi một số người làm từ thiện và không thiếu những cạnh tranh ấu trĩ giữa những người cùng làm từ thiện, giữa những tổ chức từ thiện vì những tước vị ảo, danh dự hão.
Như đã trình bầy ở trên: làm từ thiện là phải quên mình và chỉ  tìm kiếm hạnh phúc của người được giúp đỡ, ngoài ra không còn mục đích nào khác. Tìm mình, vinh danh mình trong khi giúp người thiếu thốn hơn mình là thiếu sòng phẳng, công bằng. Dùng việc  từ thiện là phương tiện để tiến thân là không lương thiện ; bởi  lợi dụng sự có mặt khổ đau của người nghèo cho lợi ích cá nhân cũng đáng trách như hành vi  tham lạm, chiếm đoạt, riả rói tiền bạc của người nghèo.
Ý thức cơn cám dỗ “tìm mình, chỉ vì mình ” để tránh tìm danh, tìm ảnh hưởng xã hội  cho riêng mình khi làm từ thiện  là nhắc nhở cần thiết cho người làm từ thiện. Rất ít người  lợi dụng tiền bạc của người nghèo khi làm từ thiện, nhưng một số không nhỏ có thể dùng  người nghèo như những nấc thang cho địa vị và danh thơm của họ trong xã hội.
Xoá mình khi phục vụ người cô thân, yếu thế, phận nhỏ hẩm hiu đòi quên mình triệt để; bởi không quên mình, cơn cám dỗ danh vọng, quyền lực sẽ khó buông tha khuynh hướng vị kỷ vốn tiềm tàng nơi mỗi người, nhất là khi họ đang đóng vai “người thi ơn, kẻ ban phát”.  
Bên cạnh cám dỗ “tìm mình” là cám dỗ “chỉ có mình”  khi thành qủa của từ thiện được nhiều người biết đến, khi công tác từ thiện tạo được tiếng vang, bùng lên ngọn lửa phong trào.
“Chỉ có mình” là thái độ tự mãn đưa đến độc tôn khi coi thường hay phủ nhận thành công, đóng góp của những tổ chức từ thiện “bạn bè, láng diềng, lân cận”. Thái độ ấy càng nguy hiểm khi biến chất thành đối đầu, đối kháng, đối nghịch với chính những người cùng một chí hướng, theo đuổi cùng một lý tưởng phục vụ người nghèo, người bệnh, người thất học.
Như thế mới biết: làm từ thiện không dễ vì đòi nhiều điều kiện; bởi  từ thiện là một nghề: nghề yêu thương, nghề phục vụ, một nghề cao qúy và khó nên cần được quan tâm đào tạo và trui rèn qua luyện tập, thử thách.      

4.   Tính bi quan, cầu toàn :
Ước vọng chung của tất cả những ai dấn thân làm từ thiện là hạnh phúc của nhân loại. Giấc mơ của những tâm hồn thiện nguyện này là thế giới không còn người đói, người bệnh, người thất học. Chính vì thế, hơn ai hết, họ dễ rơi vào tình trạng tâm lý cầu tòan; nghiã là muốn công việc từ thiện của họ mang lại kết qủa không những nhiều, lớn mà còn “ tuyệt diệu và ngay lập tức”. Họ cảm thấy bực bội khi  những người nhận sự giúp đỡ từ họ cứ “ tỉnh bơ, nhẩn nha, thong thả, hay ù lì ” trong ngõ bí cuộc đời. Đôi khi họ giận dỗi những  người nghèo khi những người  này không tỏ ra mau mắn, sốt sắng tìm đường thoát thân khỏi cảnh nghèo. Đến một lúc, họ chán nản vì cho rằng: công sức và tiền bạc của họ đổ vào đều vô ích.  Kết qủa là họ bi quan, không hứng thú làm từ thiện nữa.
Tâm trạng cầu tòan và bi quan trên không thiếu nơi những người làm từ thiện; nếu họ không chấp nhận từ đầu: làm từ thiện đòi một tầm nhìn xa, không đợi kết qủa trước mắt nhưng nhẫn nại chờ ngày muà, như hạt lúa cần thời gian để thối đi, nẩy mầm, lớn lên và trổ bông, đơm hạt.
Một điểm quan trọng khác cần phải xác định  là “ưu tiên số một” của từ thiện không là thành quả nắm bắt ngay, thấy được ngay, kiểm chứng được liền tại chỗ;  nhưng chính là sự có mặt “cảm thông, chia sẻ”  của con người bên những con người khác trong cơn túng quẫn, thất thế, sa cơ để làm nổi bật giá trị của tình người . Ưu tiên số một ấy cho thấy đâu là đất người, đâu là đất lành, đâu là nơi con người sống. “Nơì nào, ở đâu” đó chính là nơi có những con người đang yêu thương, chia sẻ, đùm bọc, nâng đỡ, dắt dìu nhau.
Ưu tiên số một này còn là dấu ấn không thể phai của một cộng đồng nhân loại được thành hình, sinh hoạt và mãi mãi trường tồn bởi những con người đã dám yêu thương bằng hành động hiến dâng, chia sẻ. Ưu tiên số một ấy còn  là dấu chứng không thể chối cãi của một thế giới loài người luôn ý thức điều kiện căn bản của cuộc sống con người là một cuộc “sống chung, sống với”, ở đó không ai là một hòn đảo và mọi người đều liên đới, gắn bó, cột chặt vào nhau bằng giây ân tình như “giây mơ rễ má” để  cùng sống và cùng phát triển.
Khi sự hiện diện có “tình người” được coi là “ưu tiên một” khi làm từ thiện, ta sẽ an tâm khi biết sự có mặt bằng xương bằng thịt, bằng mồ hôi nhọc mệt, bằng nụ cười yêu thương, bằng thái độ vui vẻ, lịch thiệp, bằng cung cách tương kính, nhã nhặn mà  ta đang cố gắng có sẽ tạo điều kiện cho  nhiều phép lạ của tình người được thực hiện. Phép lạ lớn nhất của việc làm từ thiện là sưởi ấm  trái tim giá lạnh cô đơn của người bất hạnh  Phép lạ vĩ đại nhất của công tác từ thiện là mạc khải cho người xấu số một chân lý: vẫn có người thương họ trong cuộc đời. Phép lạ thường xuyên nhất khi dấn thân làm từ thiện là khám phá hạnh phúc lớn lao, sâu sa, lắng đọng nhất ở con người là biết mình còn có chỗ trong tim người khác. Từ thiện khi đó mang một chiều kích siêu hình vì chạm tới sâu thẳm mầu nhiệm của Tuyệt Đối : Thượng Đế.

0 nhận xét: