Những ngày dong duổi trên khắp nẻo đường quê hương từ
thành phố xa hoa, “ăn chơi lút cán” đến thôn xóm nghèo “chưa từng thấy”, tôi đã
chứng kiến, gần gũi và trải nghiệm một tuổi trẻ rất đa dạng. Đa dạng ở sức sống,
đa dạng ở sinh hoạt, đa dạng ở góc nhìn, tầm ngắm. Có những bạn trẻ miệt mài,
nhưng cũng không thiếu những bạn trẻ sa đoạ. Có những bàn chân luôn cố bước tới,
nhưng cũng còn đó nhiều biếng lười, dựa dẫm, ỷ lại. Có những giọt mồ hôi mặn nồng hy sinh, nhưng cũng có những bàn tay nhẫn
tâm phá hoại. Có những tận tụy ân cần và cũng có những lạnh lùng, dửng dưng.
Những đa dạng này
xem ra muốn báo động một tuổi trẻ đang bị khủng hoảng trầm trọng. Tuổi trẻ khủng
hoảng trong căn tính, trong suy tư, ngay trong môi trường sống. Nét đa dạng
cũng cảnh giác một khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng bậc thang giá trị. Nét đa
dạng ấy cũng kín đáo mời gọi người lớn cần tín nhiệm tuổi trẻ hơn và trở nên một
tấm gương, một mẫu mực cho họ
Trước những bế tắc của hiện tại, đe doạ của tương lai, tuổi
trẻ dễ rơi vào tình trạng mất hướng, mất điểm tựa, mất thăng bằng. Tất cả đều
không xa và nhanh chóng dẫn đến “cái mất chính mình”.
Trên đây là bức tranh về tuổi trẻ Việt Nam hôm nay do tôi
tự vẽ ra từ những gì tôi thấy và cảm nhận
trên quê hương tôi. Nó có thể mang tính chủ quan và phiếm diện ; nhưng bức tranh ấy giúp tôi can đảm nhìn sự thật và khiêm tốn đón nhận thực tế để không một kiêu
hãnh, tự hào qúa đáng nào, dù là tự hào dân tộc có cơ may lấn lướt công tác nhận
định rất tế nhị tôi đang làm. Cũng nhờ vậy mà tôi không bi quan, hay trầm trọng hoá bất cứ vấn
đề nào tôi gặp nơi người trẻ. Tôi luôn mến thương và đặt niềm tin nơi họ vì ở
đâu, bất cứ điểm dừng chân, buổi gặp gỡ, trao đổi nào, tôi cũng nhận ra ở người
trẻ Việt Nam một mẫu số chung. Đó là thao
thức đi tìm, băn khoăn muốn biết và liều lĩnh muốn mạo hiểm. Với tôi, đó là ba
chân kiềng cần thiết làm thành ước mơ và giá trị của tuổi trẻ. Đó cũng là những
điều làm cho bức tranh tuổi trẻ có giá trị vì mang tính thách đố hiện thực. Ở
đây, tôi chỉ có thể đề cập về mẫu số chung này trong phạm vi “làm từ thiện” , đề
tài được chọn để chúng ta cùng chia sẻ.
Thực vậy, nếu nghiên cứu sinh hoạt làm từ thiện ở Việt
Nam, ta sẽ bỡ ngỡ và vui mừng khi thấy thành phần trẻ chiếm đa số. Ở trung tâm
nuôi trẻ khuyết tật Di An, không ngày nào văng bóng các bạn sinh viên, học sinh
từ thành phố đến thăm và sinh hoạt với các em bé mồ côi, khuyết tật. Những chuyến
công tác cuối tuần gồm toàn bạn trẻ hăng
say phục vụ người nghèo, người bệnh ở các vùng
thôn quê, hẻo lánh, nghèo nàn. Các chương trình khám bệnh từ thiện của
các bác sĩ trẻ, xây dựng nhà cho dân nghèo của các sinh viên Kiến Trúc, hướng dẫn
y tế thường thức của sinh viên các trường Y Khoa ... và nhiều tổ chức, sinh hoạt
từ thiện được khởi xướng và sinh hoạt do các bạn trẻ đã nói lên tinh thần trẻ:
nhập cuộc và phục vụ của tuổi trẻ Việt
nam hôm nay. Đây là niềm tự hào của giới trẻ và cũng là niềm hãnh diện của mọi người Việt Nam; bởi bao lâu người trẻ
còn dám dấn thân hy sinh phục vụ, bấy
lâu đất nước và nhân loại còn tràn đầy
niềm hy vọng thăng tiến. Cái đáng lo của một dân tộc là khi tuổi trẻ của dân tộc
ấy không còn biết băn khoăn, thao thức và dám liều lĩnh mạo hiểm. Rất may, tuổi
trẻ Việt Nam còn rất đông những người có đủ ba chân kiềng Băn Khoăn, Thao Thức,
Liều Lĩnh này.
Người trẻ đã học được gì trong công việc từ thiện ? Nói
cách khác, người trẻ đã gặt hái được những gì cho chính mình khi chấp nhận “tự
đào tạo” qua các công tác nhân đạo, từ thiện ? .
1. Trước hết, họ ra khỏi vỏ ốc kiêu căng, háo thắng thường gặp nơi những người trẻ thành công trong học vấn,
hoặc thuộc gia đình sang giầu, bề thế.
Tham gia công tác từ thiện giúp bạn trẻ nhận ra tính tương đối của kiếp người
khi đối diện với những mảnh đời bất hạnh, xấu số hơn mình. Họ sẽ nhờ những lần
gặp gỡ cận kề người đau bệnh, tàn tật để hiểu ra rằng những gì họ có đều là hồng ân, những gì họ hưởng
phần lớn không do họ làm ra, tự tạo, nhưng do tình yêu, lòng tốt, tận tụy hy
sinh của nhiều người, khởi đầu danh sách những ân nhân này là cha mẹ, gia đình,
thầy cô...Tính kiêu căng, ngạo mạn, khinh người hay các kiểu “chảnh ”, “nhìn đời
bằng nửa con mắt” sẽ bớt dần khi những
khổ đau thân xác và tinh thần của những người họ phục vụ đánh thức và nhắc nhở
họ về tính vô thường của đời sống và những giới hạn rất đáng thương của kiếp
người.
2. Người trẻ sẽ tránh được căn bệnh thời đại rất nguy hiểm
là Vô Cảm.
Vô cảm là dửng dưng trước sự có mặt, đời sống và hoàn cảnh của người khác. Người
vô cảm không quan tâm đến ai, nói chi đến khổ đau, hạnh phúc, vui buồn, thành công, thất bại của người chung
quanh. Họ không biết “vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu”. Trái tim
sơ cứng, trí khôn đặc sệt một chất vô cảm có sức tàn phá kinh khủng biến họ thành vô tâm, vô tình đối
với tha nhân và vô phương, vô vọng, vô phúc cho chính bản thân họ.
Bệnh Vô Cảm làm xã
hội loài người bị đóng băng, biến gia đình thành địa ngục và khai tử tâm hồn bằng
gieo hạt độc “trống vắng”. Không trống vắng sao được khi vô cảm làm họ chẳng giữ
được dù là một chút tình cảm của người khác trong trái tim. Trái tim không rung
cảm, không mang ân tình, không lưu trữ hình ảnh yêu thương, dấu ái làm sao được
gọi là trái tim hạnh phúc, yêu thương ? Trái tim không còn nhậy bén trước một mời
gọi, không còn trăn trở cho hạnh phúc, không còn rạo rực, bâng khuâng khi mới yêu, không còn xót xa, xao xuyến khi chia lià,
không còn ngây ngất, đam mê khi trao dâng - đón nhận thì làm sao còn được gọi
là tổng hành dinh của sự sống ? Trái tim ấy chỉ còn là một lỗ hổng vô vị, một cục
thịt thừa thãi tai ương, một trống rỗng đáng nôn mửa mà sự sống của nó không
hơn “cái chết lâm sàng”.
3.
Sự
hiện diện của người thiếu thốn, nghèo khổ, bệnh tật cũng sẽ giúp người trẻ phản
tỉnh để rồi tự hổ thẹn
về lối sống thực dụng nếu có của mình và
nhìn ra những lố bịch của một đời sống hoang phí, ích kỷ, hưởng thụ,
không có ích cho ai . Bên cạnh căn bệnh vô cảm là hiểm hoạ thực dụng. Cả hai là
những bệnh nan y khó chữa cần được đề phòng và chích ngừa thường xuyên bởi một
thứ thuốc rất rẻ, có sẵn trong trái tim mỗi người. Tên
loại thần dược ấy là Yêu Thương.
4.
Người trẻ khi làm từ thiện không những
thấy được sự thật về con người qua hoàn cảnh “tội nghiệp”, mà còn khám phá tính
mầu nhiệm của sự sống con người.
Họ sẽ cảm nghiệm
sự sống rất huyền bí, mầu nhiệm. Sự sống
ấy mong manh, dễ mất, dễ tan, nhưng rất cao qúy và tuyệt vời. Mầu nhiệm sự sống
của con người ở ngay chính trong những khổ đau, trần trụi, giới hạn rất thảm
thương của con người. Nó hiện diện trong chính thân phận mỏng dòn của con người.
Nó mặc nguyên hình con người trong bé nhỏ, yếu đuối của con người; nhưng đằng
sau tất cả những giới hạn, sự sống con người nổi bật lên tính mầu nhiệm, huyền
bí.
Dường như Thượng
Đế đã đích thân can thiệp để con người được thông phần tuyệt đối xuyên qua mầu
nhiệm sự sống. Nhờ cảm nghiệm mầu nhiệm
sự sống, người trẻ sẽ biết trân trọng sự sống mà khi đứng trước nó, trong bất cứ
hoàn cảnh nào, con người chỉ còn một chọn lựa duy nhất là phải cứu lấy sự sống
với bất cứ giá nào. Như thế, sự sống sẽ không còn bị xếp vào những hàng số và gọi
tên bằng các số thứ tự để thêm bớt, lên xuống tùy tiện kể cả vì một lý do không chính đáng và bằng những
phương thế phi nhân, phản lại chính sự sống.
Sự sống nhờ được
tôn trọng sẽ giữ được phẩm giá của mình và không ai có thể ngang ngược coi thường,
huỷ hoại sự sống. Trong nền văn minh của sự sống mà người trẻ vẫn tự hào là tác
viên, sự sống phải được tuyệt đối tôn trọng, tôn trọng đến cùng cho dù sự sống ấy
chỉ còn là một hơi thở thoi thóp, một thân thể
gầy giơ xương, một dáng dấp tàn phế vô dụng.
Học biết tôn trọng
giá trị sự sống là nét đẹp của người trẻ, sức bật của nền văn minh sự sống, một
nền văn minh mà người trẻ đã chọn như lý tưởng, đối nghịch với nền văn minh sự chết là những gì đe doạ, ngăn
cản, phá hủy sự sống của con người.
Làm từ thiện như
thế đã trở thành một trường đào tạo mà người trẻ tự nguyện gia nhập để tự đào tạo
mình: đào tạo thành một con người mới với
cái nhìn vị tha, xây dựng một nhân cách mới với thái độ hướng đến cộng đồng,
thay đổi một qủa tim mới bằng thịt để bớt chai đá, nhưng nhân ái, hiền lành
hơn. Tất cả là một chương trình tự đào tạo tuyệt vời mà việc làm từ thiện đề
nghị.
Không gì tốt hơn
là học sống làm người bằng sống với người, tập yêu thương con người bằng yêu
thương người chung quanh, học chia sẻ với
đồng loại bằng chính hành động sẻ chia trong đời thường với những người kém may mắn.
Như thế, tương lai một quốc gia, hạnh phúc của một dân tộc chắc chắn sẽ được bảo
đảm nhờ xác tín vững chắc và dấn thân qủa cảm của những người sẽ nắm vận mệnh
nhân loại sau này là tuổi trẻ hôm nay, khi họ biết thao thức, băn khoăn và liều
lĩnh lên đường phục vụ vì hạnh phúc của những người đang cần đến lòng tốt và hy sinh của họ.
Hôm qua tôi nhận Email của Quỳnh, cô cháu tôi
viết : “ Chú ơi, con mới đi thăm Lều Cỏ về, nghe thầy Ngọc bảo người chủ đất muốn
bán đất cho một công ty ngoại quốc nên xin thầy dời anh chị em Sida đi nơi
khác. Thầy không biết sẽ đi đâu với 22
người con Sida của thầy... Cháu thấy tội quá. Chị Dung nói ở Bình Dương
có một miếng đất khá rộng, dời Lều Cỏ lên đó thì tuyệt, nhưng giá trên 6 tỷ cơ ...
Trên đường về, hai đứa đã mua 10 vé số với hy vọng trúng to để có tiền mua đất
cho thầy Ngọc làm Lều Cỏ. Chú cầu nguyện nhé !”.
Tôi không hy vọng
Dung và Quỳnh sẽ trúng số để có tiền mua đất cho thầy Ngọc giúp bệnh nhân Sida ở
thời kỳ cuối, nhưng tôi thấy mình đã trúng lớn khi Email của cháu Quỳnh làm chứng
cho những gì tôi viết ở trên về tuổi trẻ Việt Nam hôm nay giữa một xã hội “thực
dụng, tiêu thụ - hưởng thụ” tưởng không còn gì đáng nói, để nói nữa.
Và cứ thế, người
trẻ Việt Nam vẫn mãi miệt mài, hăng say trong công tác từ thiện dưới nhiều hình
thức. Có bạn thích lo cho trẻ em khuyết tật, có bạn chăm lo người già, có bạn
dành nhiệt tình cho người nghèo dân tộc, có bạn chuyên chăm dậy các em bé thất
học, bụi đời... Như Quỳnh, tuổi trẻ Việt Nam
đằm thắm, dễ thương, ân cần, tế nhị, nhẹ nhàng, kín đáo. Như Hạnh, người
trẻ Việt Nam nhẫn nại, hy sinh, kiên cường,
nhiệt thành, nhiều sáng kiến và chịu chơi vô cùng...Và như tất cả bạn trẻ Việt
Nam, chúng ta hãy cùng nhau tận tụy gieo mỗi ngày những hạt giống tâm hồn “Tình
người”, chờ ngày mùa sẽ đến, cho người đói rét được no ấm,
bệnh nhân được chữa lành, thất học được đến trường và cõi lòng tan nát được san
sẻ, ủi an.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét