Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

YÊU NHƯ HỌ LÀ

Càng yêu nhau, ta càng sợ mất nhau. Càng sợ mất nhau, ta càng đặt cho nhau nhiều lần câu hỏi: "Anh có yêu em không, Em có yêu anh không?" Sở dĩ cứ phải hỏi nhau hoài về chuyện có yêu, còn yêu nữa không là vì ta bị ám ảnh bởi những đổi thay. Những đổi thay nơi ta làm ta sợ ngươì ta yêu không yêu ta nữa, những đổi thay nơi người ta yêu có thể làm họ tự tách xa ta hay ta giảm bớt yêu họ. Đổi thay ở ta hay nơi họ cuối cùng đều gây cho ta một nỗi lo, một bâng khuâng, nghi ngại. 
Đức Kitô cũng giống ta, Ngài yêu các môn đệ rất nhiều. Riêng với Phêrô, Đức Kitô yêu ông đặc biệt. Ông là người được tín nhiệm và tuyển chọn thay mặt anh em, rồi thay chính Ngài sau này đứng đầu Hội Thánh. Thuơng Phêrô nhiều, Ngài vẫn hỏi ông: "Con có yêu Thầy không?" Câu hỏi đã làm nặng lòng Phêrô vì nhiều lần ông đã trả lời Ngài: "Lạy Thầy, Thầy biết, con yêu mến Thầy." (Ga 21,15-17).
Như con người, Đức Kitô cũng hay hỏi người Ngài yêu: Con có yêu Thầy không? Nhưng khác con người, câu hỏi ấy không đến từ tâm trạng nghi ngại, lo sợ người mình yêu thay lòng đổi dạ, nhưng do lòng tín nhiệm tuyệt đối của Ngài nơi người Ngài yêu.
Khi hỏi Phêrô có yêu mình không, Đức Kitô biết Phêrô đã chối mình, phản bội mình. Biết rất rõ những bẽ bàng đã xẩy ra, nhưng Đức Kitô vẫn một lòng yêu Phêrô và tiếp tục tín nhiệm trao trọng trách cho ông. Ngài không thay măt đổi lòng khi Phêrô thay lòng đổi mặt. Ngài không ăn miếng trả miếng, không hậm hực, miả mai xa gần, bóng gió. Nhìn vào tình Ngài dành cho Phêrô, ta không tìm ra một khoảnh khắc suy thoái, xuống cấp; trái lại, xem ra Phêrô càng yếu đuối, tình Ngài cho ông càng mặn nồng, dào dạt.
Hỏi Phêrô có yêu mình nhiều không, Đức Kitô giúp ông nhận ra hơn tình Ngài thương ông mỗi lần ông trả lời Ngài. Trả lời yêu Ngài là nhận rõ hơn tình trạng đáng thương của mình, đồng thời thâm tín hơn tình yêu Đức Kitô đang bao phủ, ôm ấp đòi mình.
Với ta, khi hỏi người yêu có yêu ta không, ta tìm ta hơn tìm người ta yêu. Ta tìm thêm tình yêu cho ta, củng cố thêm chỗ đứng của ta trong tim người ta yêu. Cũng có những phần trăm ta nghĩ cho người ta yêu, nhưng nhiều vẫn trăm vẫn nghiêng về phiá ta. Hỏi người yêu có yêu ta không là một đòi hỏi xác nhận tương quan. Nếu tương quan còn tốt, ta tiếp tục yêu hoặc yêu nhiều hơn; nhưng chẳng may, nếu tương quan không còn như ta muốn, như ta đợi chờ, thử hỏi, ta sẽ có thái độ nào? Thái độ có thể thấy trước là thái độ nghi vấn: ta nghi ngờ, tra vấn mọi người, mọi sự, mọi chuyện để tìm ra đâu là nguyên nhân đưa đến câu trả lời tiêu cực nơi người ta yêu. Tiếp đến là thái độ hằn học, trả thù. Hằn học vì mặc cảm bị "cho de.", hận thù vì khinh bỉ đối tượng. Hoạ hiếm lắm mới có thái độ "nhìn lại mình để biết mình." hầu chấn chỉnh, sửa chữa những sai lầm đang tàn phá tình yêu.
Nơi Đức Kitô, sở dĩ không có những thái độ trên, vì Ngài yêu ta như ta là, không yêu những gì ta có hay yêu ta như ta có. Những cái có là những cái trước đó đã không có và sau này có thể sẽ mất đi. Yêu nhau " như nhau có." khác xa "yêu nhau như nhau là.". Tình yêu thứ hai sẽ bền vững, vì tôi yêu anh bao lâu anh là anh và anh sẽ phải mãi mãi là anh, không chỉ trong cuộc đời này mà ngay cả sau khi anh nằm xuống.Yêu anh như vậy, tôi sẽ không lo lắng, băn khoăn gì vì tình ấy luôn có lý do để tồn tại bao lâu anh còn tồn tại. Nó khác tình yêu thứ nhất đặt trên những gì anh có. Yêu anh vì anh có sự nghiệp, tôi sẽ hết yêu anh khi sự nghiệp khánh tận. Yêu anh vì anh giầu, đến khi anh nghèo, tôi sẽ hêt yêu anh. Yêu em vì em đẹp, nhưng về già, sắc đẹp tàn phai, tôi làm sao dám yêu em? Những cái "có." khi được chọn làm nền tảng của tình yêu sẽ giết chết tình yêu một ngày khi "có" biến thành "không". Thảm cảnh của tình yêu là đe doạ dài dài này, đe doạ mất nhau khi những cái "có" của nhau mất đi. Nó làm xáo động, nao núng nhiều trái tim, làm mệt mỏi nhiều nghị lực vì không có gì đảm bảo cho những cái "có" sẽ có mãi.
Yêu ai như họ là chính là chấp nhận không do dự, không sợ sệt toàn thể con người họ. Con người ấy có thể là một con người hoàn hảo, tốt đẹp, nhưng cũng có thể là một con người khiếm khuyết, nhiều bất toàn. Tình yêu thật không màng chi đến nhưng "sở hữu", nhưng đặt tất cả trên giá trị con ngươi ấy như "nguời ấy là".
Yêu Phêrô, Đức Kitô không tìm những cái có của con người hay một con người nhiều cái có: có tài năng, có ảnh hưởng, có đức tính, có sự nghiệp; nhưng tìm chính con người ấy. Phêrô không có nhiều, nhưng Phêrô là Phêrô, một Phêrô không thể thay thế, khấu trừ. Tình yêu Đức Kitô dành cho ông là tình yêu gắn trên ông, trên đời ông, trên con người ông, không hơn không kém, và chỉ có thế và mãi như thế. Tình ấy không đổi dời, vì Phêrô mãi mãi là Phêrô.Tình ấy không thay biến vì nền tảng và lý do có mặt của nó chính là Phêrô như Phêrô là.
Chính vì thế, khi hỏi Phêrô về tình yêu ông dành cho Ngài, Đức Kitô tự xác nhận tình Ngài mãi thủy chung cho ông hơn là đợi ông minh định tình ông cho Ngài.Với Ngài, Phêrô luôn được yêu, dù Phêrô có chối bỏ không yêu Ngài.Bởi chối bỏ Ngài hay không, Phêrô vẫn là Phêrô và Ngài chỉ biết yêu đến cùng Phêrô ấy. Sự có mặt của Phêrô trong đời Ngài là sự có mặt trong thời gian tuyệt đối, không chia thành từng quãng hay từng phần, để rồi có phần trước phần sau, có yêu và có không yêu. Đức Kitô đặt tình cuả Ngài trên chính con người Ngài yêu, không trên bất cứ giá trị, đơn vị ngoại tại nào, vì trong và trên chính con người ấy đã sẵn có tất cả những "đáng yêu, đáng qúy": hình ảnh sống động của Thiên Chúa." Chính hình ảnh sống động của Thiên Chúa trong mỗi người mà mỗi người trở nên đáng yêu mãi mãi. Không chỉ đáng yêu, dễ yêu khi "yêu vô", nhưng đáng yêu, dễ yêu cả những khi "yêu không vô" tý nào.
Cái tình đáng yêu ngàn đời và mãi mãi ấy phải được đóng trụ trên "hình ảnh Thiên Chúa tuyệt đối" này, Thiên Chúa tuyệt đối trong thời gian và trong tất cả. nhờ vậy, ta mới có thể chấp nhận yêu người khác như họ là, không như họ có; vì tin rằng trước hết và muôn thưở, Thiên Chúa đã cho họ chính hình ảnh tuyệt đối đáng yêu của Ngài.
Xác tín và lao mình vào tình yêu của Đức Kitô, ta sẽ an bình, nhẫn nại hơn khi yêu.An bình chia sẻ và nhẫn nại chịu đựng. Đức Kitô đã không nôn nóng, bức xúc, khó chịu klhi biết trước Phêrô sẽ chối mình vì Ngài thương ông như ông là. Ngài cũng không xôn xao, hốt hoảng, la ó, trừng phạt Phêrô bởi tin vào hình ảnh "sống động, có sức phục sinh" của thiên Chúa trong ông. Tin tưởng vào hình ảnh "sáng tạo và cứu rỗi." trong mỗi người là yêu thương họ thật, thương họ trong tận cùng trạng huống "người" của họ, thương tận gốc rễ người của họ, thương trọn vẹn con người họ.Tình yêu thương ấy không thể có nếu không được tình yêu siêu nhiên nâng đỡ. Lý do rất dễ hiểu là nó không còn đặt trên hững gì "có" nơi đối tượng, nhưng trên chính đối tượng như đối tượng "là". Nó đã "chạm." đến hữu thể như một thực thể tuyệt đối.
Sáng mai, thế nào bạn cũng phải ghé thăm người yêu. Với tâm tình của Đức Kitô và qua ánh mắt của Ngài, bạn thử tập chiêm ngưỡng người mình yêu như đang chiêm ngắm hình ảnh tuyệt vời của Thiên Chúa, cha bạn. Sau một vài lần tập yêu như Đức Kitô, bạn sẽ thấy tình của bạn an bình, mặn nồng hơn và người bạn yêu sẽ ngàn lần dễ thương hơn.

0 nhận xét: