Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

MÙA CHAY TRUYỀN GIÁO (3)

Suy Niệm 3 : ĐẰM THẮM - ĐIỀM ĐẠM - KÍN ĐÁO, NÉT ĐẸP THIÊNG LIÊNG CỦA NHÀ TRUYỀN GIÁO
Nhà truyền giáo không được sai đi “tham quan, ngao du sơn thủy”, nhưng được sai đi làm việc  như người gieo hạt tận tụy (x. Mt 13,4-8), sai đi rất xa, đến với mọi người, ở khắp mọi nơi để rao giảng “Nước Thiên Chúa đã gần”, và với quyền năng của Thiên Chúa “chữa người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và trừ khử ma qủy” (Mt 10,7-8). Nhà truyền giáo còn được sai vào nơi rất nguy hiểm, đầy chông gai va đe dọa “như chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt 10,16), và còn như người đi buôn phải vận dụng mọi khả năng để làm sinh lợi gấp hai, gấp năm, gấp mười vốn liếng được chủ trao (x. Mt 25,14-30).
Như thế, hành trình của nhà truyền giáo không dễ đi, địa chỉ nhà truyền giáo hoạt động không dễ đến, môi trường, hoàn cảnh nhà truyền giáo tiếp cận không luôn thuận lơi, công việc của nhà truyền giáo không dễ thực hiện, và nhất là những con người nhà truyền giáo gặp gỡ, phục vụ, đồng hành không luôn dễ hiểu, dễ sống, dễ nói dễ nghe, dễ thương, dễ cộng tác.
Cũng vì thế mà Đức Giêsu đã chỉ cho các môn đệ hàng loạt những việc phải làm, và những chuyện phải tránh, trước khi sai các ông đi truyền giáo (x. Mt 25,7-14), và ân cần căn dặn như bửu bối : anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu (Mt 25,16).
Khôn đây là khôn ngoan, chứ không phải thói “khôn lỏi, khôn ăn người, khôn lanh, khôn ma le, qủy quái” của thế gian, và đơn sơ đây cũng không phải đơn sơ “ngu ngốc, ngờ nghệch, đờ đẫn, đần độn, hậu đậu, kệch cỡm” để người đời khinh chê, nhạo cười.
Nhưng làm sao để luôn có được khôn ngoan và đơn sơ ? Cư xử thế nào để không đánh mất khôn ngoan và đơn sơ ? Cách sống nào được coi là tốt nhất để bảo đảm khôn ngoan và đơn sơ trong đời truyền giáo ?  
Thiết tưởng, không gì tốt hơn, chính xác hơn cho nhà truyền giáo là nhìn vào chính Đức Giêsu, Đấng sai các vị đi truyền giáo và căn dặn : “phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”.
1.    Đức Giêsu đã đằm thắm, điềm đạm trong mọi hoàn cảnh và với mọi người :
Chịu ma qủy cám dỗ trong hoang địa, thay vì bối rối, mất tinh thần, Đức Giêsu điềm đạm “dậy” cho ma qủy Lời Thiên Chúa, và chúng phải tháo lui (x. Mt 4,1-11) ; khi bị mấy ông kinh sư hỗn xược chụp mũ “phạm thượng”, thay vì nóng giận “đốp chát”, Đức Giêsu điềm đạm cắt nghiã và đề nghị : “Trong hai điều : một là bảo : Con đã được tha tội rồi”, hai là bảo : “Đứng dậy mà đi, điều nào dễ hơn ?” (Mt 9,5).    
Đức Giêsu còn điềm đạm trước những lời “xóc óc, móc họng”, khiêu khích, miệt thị, cả những xúc phạm, nguyền rủa, đe dọa, xua đuổi, tấn công của nhóm Biệt Phái như khi thấy Ngài ăn uống với người tội lỗi, họ đã khích bác, châm chọc cốt để Ngài “nổi qạua” to tiếng. Trái lại, Đức Giêsu đã điềm đạm giải thích cho họ sứ mệnh của Ngài : “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mt 9,12). Bị trách móc không ăn chay, thay vì “nổi đoá”, Đức Giêsu điềm đạm trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ ?” (Mt 9,15). Cả khi bị đám đông qúa khích chửi rủa và lượm đá ném, vì Ngài nói : “Ông Ápraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ” (Ga 8,56), Đức Giêsu cũng vẫn điềm đạm “lánh đi và ra khỏi Đền Thờ” (Ga 8,59), mà không gay go, gây hấn ; và sau cùng, khi các thủ lãnh Do Thái quyết định giết Ngài, sau phép lạ cho Ladarô sống lại sau bốn ngày chôn trong mồ, Đức Giêsu vẫn điềm đạm ứng xử, và “không đi lại công khai giữa người Do Thái nữa” (Ga 11,54). Rồi những ngày chịu nạn : từ khi bị bắt đến lúc chịu đóng đinh, trước không biết bao nhiêu nhục mạ, cực hình, lên án bất công, Đức Giêsu vẫn một thái độ đằm thắm, điềm đạm trước mọi người : không một lời nguyền rủa, không một lần phẫn nộ.
Đặc biệt với các môn đệ, Đức Giêsu luôn đằm thắm, điềm đạm, như khi thấy các ông tranh giành chỗ cao thấp, địa vị lớn nhỏ, Ngài đằm thắm, điềm đạm nói với các ông : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35) ; khi Giuđa phản bội, Ngài cũng vẫn điềm đạm trả lời câu hỏi giả hình của ông (x. Mt 26,25) ; cả khi Phêrô nóng nẩy chém đứt tai tên đầy tớ của thượng tế trong vườn Cây Dầu, nơi Ngài bị bắt, Đức Giêsu cũng điềm đạm nhắc nhở ông : “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm…” (Mt 26,52).   
Qủa thực, có đằm thắm, điềm đạm, nhà truyền giáo mới tránh được những “thái qúa, bất cập”, là nguyên cớ của nhiều thất bại, vì đằm thắm, điềm đạm là thái độ của người biết phân định, trung dung, không qúa khích, qúa đáng, cũng không lười biếng, buông xuôi.               
Đằm thắm, điềm đạm còn là đức tính cần thiết của nhà truyền giáo, vì xuất phát từ tâm hồn “hiền lành và khiêm nhuờng” (Mt 11,29), bài học quan trọng và nền tảng Đức Giêsu dậy, mà bất cứ ai muốn đi theo Ngài đều phải nằm lòng và cố gắng thực thi trong đời sống.
Đằm thắm, điềm đạm còn là chià khóa Đức Giêsu ban cho nhà truyền giáo, để các vị thành công trong sứ vụ thiêng liêng được trao phó, bởi thiếu đằm thắm, điềm đạm, các vị rất khó có thể đến với muôn dân, rất khó đi vào lòng người, rất khó vào được nhà người khác, và vô cùng khó “ở lại bình an” với mọi người, vì thiếu đằm thắm, nhà truyền giáo sẽ ứng xử một cách cứng cỏi, thô kệch, dễ đưa đến trịch thượng, hống hách, kiêu căng, cửa quyền, kẻ cả đối với mọi người ; thiếu điềm đạm, nhà truyền giáo cũng sẽ bốc đồng, nóng nẩy, hiếu chiến, hiếu thắng, trong lới nói và cung cách, dễ đưa đến đôi co, hơn thua, thách thức, bạo lực, là điều cấm kị đối với nhà truyền giáo.
Sở dĩ là điều cấm kị ở nhà truyền giáo, vì thái độ, lời nói, hành động thiếu đằm thắm, điềm đạm sẽ gây nên ấn tượng xấu về một nhà truyền giáo “kiêu căng, áp chế, khuynh đảo, xâm lăng”, không tôn trọng, không yêu thương, không phục vụ, trong khi hình ảnh cần có ở nhà truyền giáo là “hiền lành và khiêm nhường”, đơn sơ và nghèo khó, phục vụ trong niềm vui, yêu thương đến quên mình, như chính Đức Giêsu.
Trong thực tế, không thiếu những nhà truyền giáo đã thất bại ngay vòng đầu, vì thiếu đằm thắm, điềm đạm, mặc dù làm đúng quy trình truyền giáo : Những vị này tuy có “vào nhà người xứng đáng và ở đó” như Đức Giêsu dặn (x. Mt 10,11), nhưng vì ăn nói “linh tinh, lôm côm, huyênh hoang, biết ít nói nhiều”, lại thường háo thắng, giành diễn đàn, chiếm micrô “độc thoại”, nên chủ nhà mệt mỏi, ngao ngán mời đi ; những nhà truyền giáo mà “vào nhà nào cũng chúc bình an cho nhà ấy” (Mt 10,12), đúng như Đức Giêsu dặn, nhưng vì thiếu đằm thắm và điềm đạm, các vị đã làm bình an “hoảng sợ và bỏ chạy mất dép” : không ở lại với nhà ấy, mà cũng không “trở về với các vị”.
Thực vậy, nhà truyền giáo, noi gương Đức Giêsu, càng đằm thắm trong cung cách xư xử, càng điềm đạm khi ăn nói, càng đem lại nhiều kết qủa thiêng liêng trong truyền giáo, bởi đó là máng chuyển dễ thương, dễ tiếp cận, dễ cảm thông, dễ đi vào lòng người, dễ đưa vào nhà người Lời hằng sống, Bánh trường sinh, Ơn cứu độ, đặc biệt là lời chứng sống động, đầy sức thuyết phục của nhà truyền giáo về Đức Giêsu hiền lành, nhân hậu, Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại.
2.   Đức Giêsu yêu thích kín đáo :
Nét đẹp thứ hai mà nhà truyền giáo cần có để giữ được “khôn ngoan và đơn sơ” trong đời truyền giáo chính là biết sống kín đáo, như Đức Giêsu.
Kín đáo ở đây không được hiểu là “thiếu cởi mở, khép kín, đóng chặt cửa tâm hồn, hà tiện lời ăn tiếng nói, và không trao đổi, chia sẻ tâm sự hay công việc với ai”. Trái lại, kín đáo là đức tính cần thiết, đúng hơn rất cần thiết ở nhà truyền giáo, vì chính sứ vụ truyền giáo đòi hỏi.
Nhà truyền giáo cần kín đáo, vì sứ vụ lắng nghe tâm sự thiêng liêng của các tâm hồn, sứ vụ băng bó, chữa lành những vết thương nội tâm, sứ vụ giải thoát linh hồn người khác khỏi xiềng xích, ngục tù của tội lỗi, sứ vụ chia sẻ, đồng hành, hướng dẫn con người trên đường nên thánh, chưa kể những vị mang sứ vụ “tha tội” được Giáo Hội trao phó, và tất cả các sứ vụ đó đều đòi ở các vị sự kín đáo, thận trọng. Nếu không sẽ chẳng còn ai dám tin tưởng, và ký thác tâm sự thầm kín, thiêng liêng ở các vị.  
Sự kín đáo nơi nhà truyền giáo không những phải được triệt để tuân giữ khi thi hành sứ vụ thiêng liêng, mà ngay trong giao tế bình thường trong đời thường, đức tính ấy cũng không thể thiếu, nếu các vị muốn được mọi người kính trọng, bởi khó có thể chấp nhận một nhà truyền giáo thiếu kín đáo, không giữ kín được điều cần phải giữ kín, không bảo đảm được bí mật của những gì liên quan đến danh dự, uy tín, hạnh phúc của người khác, để rồi bất cứ chuyện riêng tư của ai, vấn đề nhậy cảm của gia đình nào chẳng may “bị” các vị biết đều sẽ mau chóng biến thành chuyện công cộng, chuyện công khai, chuyện của công chúng, chuyện của “bàn dân thiên hạ”.
Trong thực tế đã có nhiều phũ phàng đáng tiếc xẩy ra cho nhà truyền giáo, khi các vị không quan tâm đến đòi hỏi phải kín đáo, tế nhi, thận trọng trong giao tế, và hậu qủa là công việc truyền giáo không đem lại kết qủa, khi các vị bị coi là người không đáng tin, thiếu kín đáo, và mọi người rỉ tai nhau coi thường, xa lánh.  
Qủa thực, trong Tin Mừng, Đức Giêsu luôn nhắc nhở các môn đệ phải kín đáo : kín đáo khi cầu nguyện, ăn chay, chia sẻ, làm phúc bố thí  vì “Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo… Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,4.6.18).
Cả ba việc đạo đức quan trọng là cầu nguyện, ăn chay và làm phúc bố thí đều đuợc Đức Giêsu đặt trong tình trạng kín đáo, âm thầm, không khoa trương, ồn ào, nặng phần trình diễn, khoe khoang, cốt để mọi người biết mà tấm tắc khen ngợi, tuyên dương, vì Ngài biết : nhà truyền giáo sẽ không còn “khôn ngoan và đơn sơ” khi được thiên hạ “cho lên mây” với những lời tung hô “có cánh” ; sẽ không “hiền lành và khiêm nhường” như đầy tớ chỉ biết làm việc chủ trao phó ; sẽ không  sống đơn sơ như người môn đệ “hoàn toàn phó thác” vào Thiên Chúa, Cha mình, mà chẳng thu gom, vun vén, cẩn thận chuẩn bị tương lai, tuổi già. Trái lại, nhà truyền giáo được đám đông cuồng tín sùng bái, hâm mộ, vì “thích” tỏ mình giỏi giang, “biết cách” tỏ mình thánh thiện, đạo đức, “chăm chút” tỏ mình vượt trội hơn anh em về mọi mặt trước sau cũng sẽ vấp ngã nặng nề, vì không còn khôn ngoan để phân định, và đơn sơ để được mọi người tin tưởng, yêu mến.
Ngoài những căn dặn phải kín đáo khi cầu nguyện, ăn chay, bố thí, Đức Giêsu còn làm gương kín đáo trong đời sống của Ngài, như khi làm phép lạ, Ngài thường dặn dò người vừa được Ngài chữa lành : “Đừng nói với ai cả” (Mt 8,4), hoặc tự Ngài kín đáo “lánh đi, vì có đám đông ở đấy” (Ga 5,13).
Vâng, Mùa Chay không chỉ là mùa “cá nhân sám hối, bản thân trở về”, nhưng còn là mùa truyền giáo, vì truyền giáo là căn tính của mọi Kitô hữu, nghiã là tất cả chúng ta, khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy đểu trở thành nhà truyền giáo, đều mang sứ vụ truyền giáo, đều được Thiên Chúa sai đi truyền giáo, nên việc sám hối cá nhân, việc trở về của bản thân trong mùa chay cũng là việc truyền giáo của cộng đoàn dân Chúa, việc lên đường cùng toàn thể Giáo Hội đến với  muôn dân, và “Mùa Chay Trở Về” được biến thành “Mùa Chay Chay Ra Đi”, Mùa Chay sám hối trở nên “Mùa Chay Được Đổi Mới” cùng với mọi người nhờ dấn thân truyền giáo, lên đường loan báo Tin Mừng.
Và thành qủa truyền giáo ít hay nhiều sẽ tùy thuộc tấm lòng của người được sai đi, hệ tại ở sự vâng phục, và làm theo những gì Đấng sai đi đã căn dặn : “Anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 25,16).
Jorathe Nắng Tím

0 nhận xét: