Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

Bóng Tối

Hiện tượng cúp điện làm bực mình, nhất là khi nhà có khách hay đang yến tiệc, khách khứa vui vẻ. Cúp điện còn gây nhiều nguy hiểm tính mạng cho bệnh nhân, người già, con nít và làm bế tắc, dang dở, chậm trễ nhiều công trình. Vì thế, ai cũng sợ cúp điện và ngao ngán cảnh tối tăm, không ánh sáng. Nhưng cũng có lúc người ta tìm bóng tối, cậy nhờ bóng tối, tạo ra bóng tối như khi muốn tán tỉnh, ve vãn, chim chuột và lợi dụng thân xác người khác, hay khi muốn trấn lột, thủ tiêu, đánh “hội đồng” người nào. Bóng tối như thế có lúc gây phiền phức, bực mình, nhưng có khi được tìm kiếm, nghênh đón, mời chào.
Tin Mừng thứ ba Tuần Thánh nói về chuyện “có một người trong các con sẽ nộp Thầy” (Ga 13,21). Sau lời tiết lộ “nặng như bom tấn” của Đức Kitô, các môn đệ nhao nhao hỏi: “Có phải con không Thầy?” và không khí bữa ăn trở nên nghiêm trọng, nặng nề. Nặng nề vì phản bội là một tội nặng ai cũng biết. Nghiêm trọng vì tình hình bên ngoài ngày càng căng thẳng khi Hội Đồng Kỳ Mục đã hạ quyết tâm bắt Đức Kitô trong dịp lễ Vượt Qua.
Trong bữa ăn chia tay đêm ấy, có hai môn đệ được nhắc tên: Simon Phêrô và Giuđa Iscariốt. Ông Giuđa được nhắc đến khi ông nhận miếng bánh do Đức Kitô trao và nói với ông: “Việc gì con cần làm thì làm đi”, câu nói ngắn gọn, đủ để hai người: Giuđa và Đức Kitô hiểu với nhau và “sau khi ăn miếng bánh, Giuđa đứng dậy ra đi. Lúc đó, trời đã tối” (Ga 13,27-30). Phêrô thì được nhắc đến khi ông đang gân cổ: “Con sẽ thí mạng vì Thầy” và Đức Kitô nói với ông: “Đêm nay, gà chưa gáy, con đã chối Thầy ba lần” (Ga 13,36-38).
Cả hai ông Phêrô và Giuđa đều dính dáng đến bóng tối: một ông bỏ bàn tiệc ra đi khi trời đã tối, một ông sẽ chối Thầy đêm nay, khi gà chưa gáy. Bóng tối đêm nay bám lấy hai ông. Bóng tối đêm nay biến hai môn đồ thành hai tên phản bội. Bóng tối đêm nay làm các ông hèn nhát, quên tình xưa nghĩa cũ. Bóng tối đêm nay lấy đi sự khôn ngoan, lòng nhiệt thành, tính trung thực và để lại trong lòng các ông tội lỗi, tuyệt vọng. Cũng may Phêrô còn chút can đảm đưa mắt nhìn Chúa để được đôi mắt gợi nhớ tình xót thương vô bờ bến, vô điều kiện; nếu không ông cũng đã buông xuôi, tuyệt vọng như Giuđa.

Kinh nghiệm bóng tối thì ai cũng có:
1. Bóng tối đồng lõa


Những cuộc gặp gỡ với ý đồ xấu thường được tổ chức về đêm, vừa tránh được tai mắt quần chúng, vừa dễ thuyết phục người khác đồng phạm, vì bóng tối làm lòng người chùng xuống, trí khôn bớt minh mẫn và ý chí giảm thiểu khả năng lựa chọn. Có nhiều người hồi đêm đã chấp nhận mạo hiểm vào những “phi vụ” phi pháp, nhưng khi bình minh ló rạng, đem về nắng ấm ban mai, họ thay đổi quyết định và nhận ra mình đã dại khờ, liều lĩnh, nhẹ dạ trong đêm. Tính cách đồng loã của bóng tối là ở khả năng làm con người trở nên yếu đuối, liều lĩnh, buông thả. Đêm đen luôn bao trùm tội lỗi, vì bóng tối luôn đồng loã với hành vi thiếu trong sạch, trung thực, chân chính.



2.                 Bóng tối đe doạ
nhà một mình ban ngày thì được, nhưng một mình ban đêm, xem ra cô cậu trẻ nào cũng sợ. Sợ vì bóng tối đe doạ. Kẻ gian có thể nhờ bóng tối lẻn vào nhà trấn lột. Bọn dâm tặc có thể mượn bóng tối đột nhập khuê phòng hãm hiếp. Quân lưu manh có thể nương bóng tối đục tường khoét vách, làm điều xằng bậy. Sợ bóng tối là chuyện tự nhiên của mọi người bình thường, chỉ có những tâm địa bất thường và việc làm bất thường mới cần bóng tối cho những ý đồ đen tối, không bình thường.

3.                 Bóng tối làm sai lạc
Trong bóng tối, người ta không thể nhận diện nhau chính xác, không thể nhận ra sự vật như nó là và lẫn lộn sự thật về con ngưòi cũng như về thế giới khách quan bên ngoài với những hình ảnh của trí tưởng tượng. Trong bóng tối, không ai thấy mình, không ai thấy ai và cũng chẳng ai thấy những gì chung quanh mình. Người ta có thể nghe, sờ mó rồi đoán non đoán già, đoán mò như những anh mù đi xem voi. Kết quả là chẳng có gì được nhận thức đúng như sự thật khách quan. Nguy cơ của con người là không thấy để phân biệt hư thực, đúng sai, thực tại hay ảo tưởng, cụ thể, sống động hay mơ màng, tưởng tượng. Đời sống nhiều bóng tối hơn ánh sáng sẽ là đời lầm lẫn hơn chính xác, sai hơn đúng, huyền hoặc hơn có thực.


4. Bóng tối làm hụt hẫng, vấp ngã, lạc hướng
Phòng họp bị mất điện, rạp xinê mất điện, thành phố mất điện, xa lộ mất điện nhiều giờ sẽ làm hốt hoảng người có mặt. Họ sẽ đạp lên chân nhau, quờ quạng vào mặt nhau, vấp té lên nhau, chạy ngược xuôi, lung tung, loạn xạ. Bóng tối làm mất trật tự, đảo lộn tôn ty, gây nhiều bế tắc, thiệt hại.
Bóng tối Tuần Thánh đã đồng loã với Giuđa trên đường dẫn lãnh binh đền thờ và kỳ mục đến bắt Thầy và đồng loã với cái hôn phản bội của ông (Lc 22,47-48). Bóng tối Tuần Thánh đã đồng loã với những lần Phêrô chối “không quen biết Giêsu” và củng cố hèn nhát, phản bội của ông. Cũng bóng tối Tuần Thánh đã đe doạ các môn đệ khác và họ không ai bảo ai đã bỏ Thầy mình trơ trọi trốn biệt. Bóng tối thật đáng sợ. Bóng tối đã làm đám đông nhận định sai về Đức Kitô khi giơ tay đả đảo, lên án tử hình Ngài. Bóng tối càng kinh khủng khi tiếp tay với bạo lực khủng bố tinh thần, tra tấn, hành hạ thân xác Đức Kitô suốt đêm trong sân dinh vị Thượng Tế (Lc 22,54-65). Và bóng tối đêm thứ Sáu Tuần Thánh với câm lặng bẽ bàng của thất bại, mồ chôn, hoảng sợ, trốn tránh, thất vọng, chia lìa. Đêm đen, bóng tối kéo về phủ kín khung trời Tuần Thánh đã làm chao đảo nhiều tâm hồn. Bóng tối đang hồi thắng thế khi trở thành bóng tối cám dỗ, bóng tối sa ngã, bóng tối phản bội, bóng tối bạo lực, bóng tối gian dối, bóng tối đe doạ, bóng tối khủng bố.
Đức Kitô là nạn nhân của bóng tối trong đó môn đệ phản bội, đám đông lên án, hành hạ, chế giễu. Đức Kitô là nạn nhân của bóng tối để từ bóng tối làm phát sinh ánh sáng cứu độ cho những ai đang đi trong bóng tối, đang bị bóng tối khống chế, kềm kẹp.
Ngài là ánh sáng tạo dựng của Chúa Cha, “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không nhận ánh sáng. Ánh sáng này là ánh sáng thật, đến trong thế gian để soi dẫn thế gian” (Ga 1,5.9).
Ngài là ánh sáng thế gian, như đã cho người mù được thấy. Người mù là hình ảnh của nhân loại mù loà trong cuộc đời đang cần ơn cứu độ (Ga 9,1-7). Nhưng “con người ưa thích bóng tối hơn ánh sáng vì công việc của họ đều là gian ác” (Ga 3,19).
Đức Kitô đã phân tích tại sao con người không thích ánh sáng và hay đi tìm bóng tối. Bóng tối được săn đón vì “Ai làm sự dữ thì ghét ánh sáng và không muốn đến gần ánh sáng, vì sợ công việc của mình bị lên án. Còn ai làm sự lành thì đến cùng ánh sáng, để cho công việc của mình được tỏ rõ là đã được thực hiện nhờ ơn Thiên Chúa” (Ga 3,19-21).
Như thế, việc lành được làm là nhờ ánh sáng soi dẫn, phân định. Ánh sáng Đức Kitô cho con người biết đâu là chính đâu là tà, đâu là sinh lộ đâu là tử lộ. Ánh sáng ấy phá tan đêm đen trong tâm hồn, triệt hạ thành trì của tội lỗi, bứng đi xào huyệt của ác thần trong cung lòng con người, “vì ai đi với Thiên Chúa thì không đi trong bóng tối” (Ga 8,12; 12,46) và “chỉ người gian ác mới thích đi trong bóng đêm” (Cn 4,19; Kn 17,2; Rm 1,21). Người đi trong ánh sáng là người đi với Thiên Chúa vì Thiên Chúa là ánh sáng, nơi Ngài không có tối tăm. Ánh sáng ấy chiếu rọi đến đâu, xoá tan bóng tối đến đó cũng như ơn sủng tràn lan đến đâu thì tội lỗi phải rút lui khỏi đó.
Nếu Tuần Thánh với bóng tối của sợ sệt, hèn nhát, phản bội, tuyệt vọng thì Phục Sinh với ánh sáng vui mừng, phấn khởi, can đảm, trung tín, hy vọng, yêu thương. Đức Kitô đã đi qua bóng tối mà nhân loại tội lỗi đã kéo về, để từ bóng tối sa đoạ, Ngài đem về ánh sáng Phục Sinh. Ánh sáng cây nến Phục Sinh đã chiến thắng bóng tối tử thần, đêm đen tội lỗi, sương mù thù hận. Ánh sáng Đức Kitô sống lại đã đem con người ra khỏi bóng tối bất trung với Thiên Chúa, bất hoà với đồng loại để đi vào mầu nhiệm của giao ước mới, giao ước ánh sáng bình an. Trong Đức Kitô là ánh sáng của Chúa Cha và ánh sáng cho muôn dân, nhân loại được giao hoà trong ơn cứu độ.
Bóng tối trong tâm hồn Giuđa hay đêm đen trong trái tim Phêrô cũng là những đêm tối trong lòng mỗi người. Những đêm tối không gọi mà về hay cố tìm cố gọi đều cần đến ánh sáng. Đức Kitô là ánh sáng đến trong thế gian để thế gian được sáng và được sống. Xin cho tâm hồn còn tăm tối của chúng ta được ánh nến Phục Sinh viếng thăm để đường đời từ đây mãi mãi được Ánh Sáng Đức Kitô chiếu soi, hướng dẫn.