Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

Mùa Chay - Mùa Đáp Trả


Lịch sử ơn cứu độ là lịch sử những mời gọi và đáp trả: Thiên Chúa lên tiếng mời gọi và con người cất lời đáp trả. Khởi từ Ápraham, Môsê, Samuen, Đức Maria, Phaolô, cho đến hàng tỉ tín hữu, chứng nhân của hôm nay và mãi mãi đến tận thế, Thiên Chúa luôn kêu gọi và chờ ở mỗi người lời đáp trả “Xin Vâng”, “Lạy Chúa, này con đây”.

Tiếng gọi của Thiên Chúa trước hết luôn mang tính cá nhân, có nghĩa là gọi “từng người” và Ngài thường gọi đích danh người đó: “Ápraham, mang con trai đi tế lễ Ta” (St 22,1-2), “Môsê, hãy đi cứu dân Ta”, “Samuen, Samuen...”, “Saolê, tại sao ngươi bách hại Ta?” Tiếng gọi nằm trong một quan hệ được xác định rõ ràng, không chung chung, mơ hồ và người được gọi nhận ra ngay tiếng gọi đó dành cho riêng mình.

Ngài cũng gọi trong chính hoàn cảnh hiện tại của người đó. Gọi Ápraham, Môsê khi họ đang chăn cừu trên sườn đồi, gọi Samuen khi cậu đang ngủ trong đền thờ, gọi các tông đồ khi họ đang vá lưới bên bờ biển, gọi Đức Maria khi người là một thiếu nữ đang lo việc nhà, gọi Saolê - Phaolô khi ông đang trên đường lùng bắt các tín hữu. Hoàn cảnh hiện tại của mỗi người là nơi tiếng gọi được gửi đến dễ dàng nhất. Thiên Chúa không tách con người ra khỏi cảnh sống thường ngày của họ khi đến gọi họ; trái lại Ngài trân trọng tình trạng hiện tại và bối cảnh sống hàng ngày của người Ngài muốn gọi. Nếu là công chức sở thuế, Ngài sẽ đến tận văn phòng thu thuế để gọi như đã gọi Mátthêu; nếu là người thông thái, hiền triết, Ngài sẽ dùng chữ nghĩa, suy tư để gọi như trường hợp của thánh Augustinô.


Tất nhiên gọi ai, Thiên Chúa muốn trao cho người ấy một sứ mạng chính xác: Ápraham được gọi để làm tổ phụ dân riêng, Môsê được gọi để đi giải phóng và cứu dân ra khỏi đất nô lệ Ai cập, Maria được gọi để làm Mẹ Đức Giêsu, Saolê được gọi làm tông đồ dân ngoại... Nhưng sứ mạng được trao thường không được tiết lộ nếu người được gọi chưa hết tình, hết mình đáp trả. Tiếng gọi chờ đợi lời đáp trả chân thành, quả cảm và dứt khoát. Thiếu lời “Xin Vâng” của Đức Maria, chương trình nhập thể của Đức Giêsu sẽ không được thiên thần Gabriel tiết lộ; thiếu “Lạy Chúa, này con đây” của Ápraham, Môsê, Samuen... công cuộc cứu độ cũng không thể thành tựu. Bởi dựng nên con người, Thiên Chúa đã không hỏi ý kiến, nhưng cứu chuộc con người, Thiên Chúa cần sự cộng tác tích cực của con người. Vì thế mà tiếng gọi cần một đáp trả, cần một chia sẻ, cộng tác, cần một liên đới thiết thân và thông cảm sâu sắc. Khi đáp trả, người được gọi đã xác tín một cách vô điều kiện, đã quyết định liều lĩnh dấn thân theo Tiếng Gọi mặc dù chưa biết được gọi làm gì, gọi đi đâu... Ở họ, chỉ một điều cần thiết là ai đang gọi họ và nếu người lên tiếng gọi là Thiên Chúa thì họ sẵn sàng “bỏ mọi sự mà theo Ngài”, không cần biết chuyện gì sẽ xảy ra. Thái độ và tâm tình chung của tất cả những người được gọi đều là tin yêu, phó thác. Họ yêu nên tin, tin nên phó thác tất cả, không tính toán, do dự, chần chừ, nghi ngại. Thiên Chúa là Đấng họ tin yêu, cũng là Đấng họ đáp trả và đi theo.


Như thế, tiếng gọi là lời mời đi vào mầu nhiệm Đức Tin. Nói đến mầu nhiệm là nói đến “những gì không biết hết, không hiểu nổi, không thấy rõ”. Người được gọi, khi đáp trả, đã lao mình vào cuộc phiêu lưu của Đức tin: Ápraham có thấy gì đâu trước lời hứa sẽ được là tổ phụ một dân đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển, trong khi đã trăm tuổi, còn vợ suýt soát chín mươi. Ông sẽ còn mù loà, tối tăm hơn nữa trước đề nghị của Thiên Chúa: “Ápraham, đem con trai duy nhất là Isaác sát tế, dâng ta”. Khiếp sợ và hãi hùng quá và Ápraham đã hoàn toàn không hiểu gì khi dắt con trai lên núi, trói lại và vung dao toan sát tế con làm của lễ dâng Thiên Chúa như ý Ngài. Môsê cũng đâu hiểu nhiều và gần như mù tịt trước sứ mạng được trao của mình: ông biết mình vừa ăn nói khó khăn, ngọng nghịu, vừa vô danh tiểu tốt làm sao dám đơn thân đối đầu Pharaon, vua Ai cập. Đức Maria càng không hiểu gì sứ mạng làm mẹ Thiên Chúa khi giữ mình đồng trinh...

Tất cả đều ẩn khuất sau đám sương mù Đức Tin dầy đặc: không chương trình cụ thể, rõ rệt; không khế ước, giao kèo chính xác từng điểm, từng mức độ; không hạch toán chi li, kỹ lưỡng... nhưng tất cả chỉ là phiêu lưu, cuộc phiêu lưu Đức Tin dựa trên uy tín của Đấng mời gọi dấn thân, nhập cuộc. Và cuộc phiêu lưu này hứa hẹn nhiều chông gai, thử thách.

Đáp trả với một niềm tin không điều kiện, người được gọi sau khi thân thưa “Xin Vâng”, “Lạy Chúa, này con đây” đã đứng dậy, lên đường theo Tiếng gọi để từ nay chính Đấng kêu gọi sẽ trực tiếp hướng dẫn từng bước, từng việc, từng nơi, từng thời điểm. Lòng tin dẫn đến niềm trông cậy phó thác tuyệt đối, không chỉ phó thác tương lai không thấy gì, mà còn ký thác cả hiện tại đầy trắc trở, vô thường. Quả thực, đứng trước nỗi lo sợ tương lai và bấp bênh của hiện tại, người được gọi đã dựa hẳn đời mình vào Thiên Chúa và chỉ biết nhắm mắt đi theo Tiếng Gọi. Người lên tiếng đáp trả từ nay phải chấp nhận nhiều thử thách, hy sinh cho niềm tin của mình ngày càng lớn mạnh, cho tinh thần phó thác của mình ngày càng dạn dĩ. Họ sẽ học bài học “liều”, vì đáp trả Tiếng Gọi là gieo mình vào đại dương của liều lĩnh. Ápraham đã phải liều giết con trai duy nhất, dù chỉ có một thằng bé để nối dòng; Môsê đã phải liều mất mạng trước tâm địa độc ác và sức mạnh bách chiến bách thắng của quân đội Ai Cập; Đức Maria đã liều mất cả cuộc đời và để lưỡi đòng suốt đời đâm thấu trái tim; các tông đồ đã liều mất hết vợ con, thuyền lưới, nhà cửa, sự nghiệp và chính mạng sống; các tín hữu theo Đức Kitô vẫn tiếp nối nhau liều mất tất cả vì đáp trả Tiếng Gọi. Liều lĩnh đáp trả là nhắm mắt theo Tiếng Gọi và sống chết với Tiếng Gọi ấy, dù không nắm vững chương trình, kế hoạch, đường lối của Đấng lên tiếng gọi.

Nhưng nếu đáp trả Tiếng Gọi để rồi chẳng biết gì, chẳng đi về đâu và nhất là chẳng biến đổi gì thì quả là người đáp trả Tiếng Gọi đã liều tận mạng, liều hết chỗ nói, liều có bằng cấp. Đúng vậy, nếu không là người trong cuộc, không là người được diện kiến, được nghe trực tiếp Đấng kêu gọi và không cảm được tận sâu thẳm lòng mình tình yêu, sức cuốn hút, hấp dẫn của Đấng kêu gọi thì khó có thể hiểu được tại sao người ta đã dám liều khi đáp trả. Nếu không gắn bó thiết tha, tình nghĩa với Đấng kêu gọi thì chẳng có ý nghĩa gì những lời đáp trả. Nếu thiếu quan hệ thân mật, khăng khít giữa Thiên Chúa là tiếng gọi và con người được gọi thì đáp trả chỉ là một công thức xã giao hời hợt. Như thế, khi gọi ai, Thiên Chúa đã yêu người ấy rất nhiều và đã đầu tư, chuẩn bị kỹ càng người ấy cho tình yêu kết hợp giữa Ngài và người ấy. Với Thiên Chúa, gọi ai là gắn bó, yêu thương suốt đời; gọi ai là ở với, ở trong, ở mãi với người ấy; nên ơn gọi là ơn được yêu thương, cưng chiều và đáp trả là đáp trả tình yêu bằng chính tình yêu. Hai nhân vị từ nay trở nên một trong tình yêu đòi hợp nhất, hai nhân vị từ nay muốn được hòa quyện trong nhau, tan biến trong nhau. Tiếng gọi và tiếng thân thưa đáp trả bây giờ chỉ còn là một tiếng: tiếng lòng của tình yêu. Và khi yêu nhau, Thiên Chúa cũng như con người đều ước mong nên một và nên giống nhau.


Muốn người được gọi trở nên giống mình, đó là điều Thiên Chúa nhắm trước tiên, trước cả sứ mạng sẽ trao cho người ấy, vì con người chỉ có thể chu toàn sứ mạng của Thiên Chúa trao, khi họ chấp nhận được biến đổi, biến hình để trở nên giống như Ngài. Giống Thiên Chúa trở thành mục tiêu của tiếng gọi và đáp trả chính là thái độ chấp nhận để Thiên Chúa biến đổi. Hầu hết chúng ta lầm tưởng: khi được kêu gọi làm việc cho Chúa, chúng ta chỉ cần hăng say làm công việc được trao là đẹp lòng Chúa và quá đủ rồi… Thực ra, điều Thiên Chúa mong muốn trước hết nơi ta, những người được gọi, chính là ngoan ngoãn để Thiên Chúa biến đổi mỗi ngày. Không chấp nhận được biến đổi, ta không thể nào thực hiện đến nơi đến chốn sứ mạng được trao, hoặc sẽ bỏ dở, hoặc sẽ làm hư, phản tác dụng. Không thiếu những người được gọi, vì lơ là với bổn phận “để Chúa biến đổi” thay vì làm sáng danh Chúa đã làm danh Chúa tối hơn và biến mất; thay vì phục vụ Thiên Chúa đã lợi dụng danh Chúa để được phục vụ; thay vì loan báo Tin Mừng đã gieo rắc tin buồn độc hại; thay vì dẫn dắt người đã làm trệch đường, sai hướng, đưa người khác xuống vực thẳm; thay vì xây dựng hoà bình đã gây hận thù, chiến tranh; thay vì yêu thương đã gây tàn ác; thay vì chữa lành đã làm tổn thương; thay vì săn sóc, chăm nom đã dập vùi, hắt hủi. Họ là những người được gọi và đã đáp trả tiếng gọi, nhưng rất tiếc, họ đã quên tiếng gọi ấy không chỉ là gọi họ cho một sứ mạng ngoại tại, mà còn gọi họ đi vào tình yêu với Đấng kêu gọi và phải được biến đổi ngày càng nên giống hơn Đấng đã kêu gọi họ. Không ý thức sự biến đổi chính mình để nên giống Đấng gọi mình là nguy cơ hàng đầu của những người tự nhận mình được Chúa gọi. Không gắn bó trong tình yêu là Chúa và để tình yêu ấy biến đổi, những người mang ơn gọi sẽ chỉ là những công chức lạnh lùng, không đồng cảm đồng tình với đám dân họ được sai đến, không giới thiệu đúng Đấng đã gọi và sai họ đi, vì sứ mạng của tất cả mọi người được gọi bởi Thiên Chúa đều quy về một điểm duy nhất là làm cho “danh Chúa được sáng, nước Chúa hiển trị, ý Chúa được thực hiện”; nên một khi không giống Chúa, không thiết thân, gần gũi Chúa, người được gọi ngay cả đã nhanh nhẩu đáp trả tiếng gọi cũng sẽ chỉ giới thiệu một Thiên Chúa kỳ lạ, xa lạ, một Thiên Chúa mang hình ảnh họ hơn là họ mang hình ảnh Thiên Chúa, nói đúng hơn, họ chỉ đủ khả năng và tâm huyết để quảng cáo, giới thiệu chính họ, như một thiên chúa quái lạ.

Được biến đổi trong Thiên Chúa khi đáp trả lời mời gọi của Ngài là công việc đầu tiên phải làm, là ưu tiên một trước cả việc thực hiện sứ mạng. Ápraham, Môsê, Đức Maria, Phaolô.., tất cả đều đã ý thức điều này và đã để hết tâm trí, cuộc đời cho sự gặp gỡ Thiên Chúa và mong được biến đổi nên giống Ngài. Sứ mạng được trao phó sẽ thành tựu mỹ mãn hay thất bại ê chề hệ tại ở tình nghĩa thiết thân với Thiên Chúa và mức độ giống Ngài của ta, vì “có ở trong Ngài, ta mới sinh nhiều hoa trái”.

Tin Mừng chúa nhật thứ hai Mùa Chay nhấn mạnh sự cần thiết được biến đổi trong Chúa khi kể chuyện Đức Kitô dắt theo ba môn đệ Phêrô, Giacôbê, Gioan lên núi và và đó Ngài biến hình sáng láng trước mặt các ông (Mc 9,2-10). Ngài biến hình để nhắc nhở bổn phận đầu tiên sau khi đáp trả lời mời gọi của Ngài là được biến đổi trong Ngài. Môsê lên núi cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa và đã được Thiên Chúa biến đổi, nên khi xuống núi, dân chúng không còn dám nhìn ông, vì mặt ông sáng và uy nghi quá… Ông đã được Thiên Chúa biến đổi vì ở với Ngài. Người đáp trả tiếng gọi của Đức Kitô cũng được biến đổi nên giống Đức Kitô và một khi được giống Ngài, người ấy sẽ không còn tìm kiếm hạnh phúc nào khác, vì giống Ngài là hạnh phúc tuyệt vời của người đi theo Ngài. Theo Ngài, đáp trả lời mời gọi cũng là đi lên núi biến hình sáng láng, vinh quang. Tuy không nói ra, nhưng người đáp trả tiếng gọi sẽ được ở với Ngài trong vinh quang, hạnh phúc ngày phục sinh. Bởi ai yêu mến và đáp trả lời Ngài thì ở với Ngài và Ngài ở với họ mãi mãi. Ở với Thiên Chúa trong thử thách của những ngày tử nạn, tất nhiên cũng sẽ ở với Ngài trong ngày sống lại vinh quang, ngày lên trời vinh hiển. Có đáp trả trong hiện tại của Đức Tin mới có đáp trả vinh phúc ngày về trời, như thánh Phaolô đã quả quyết: “Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng Ngài phục sinh; nếu ta chịu khổ với Ngài, ta sẽ cùng Ngài thống trị”.


Đáp trả tiếng gọi của Đức Kitô trong Mùa Chay là xác tín một lần nữa nhu cầu để Đức Kitô biến đổi cuộc đời, đổi mới tâm hồn, cải thiện đời sống. Sứ mạng trước mọi sứ mạng khi đáp trả lời kêu gọi của Đức Kitô chính là sứ mạng sống với Ngài và xin được biến đổi nên giống Ngài mỗi ngày hơn.