Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020

MÙA CHAY TRUYỀN GIÁO (9)


                                           Suy Niệm 9 : KHỦNG HOẢNG
Thiên Chúa gọi ai là muốn họ đi theo Ngài cả cuộc đời, nên không có Ơn Gọi hợp đồng, Sứ Mạng thời vụ, như hợp đồng lao động ba tháng, một năm hay khế ước thời vụ sáu tháng, vài tuần của công nhân trong các xí nghiệp. Nhưng gọi ai, chọn ai, sai ai, Ngài giữ người ấy ở lại và đi với Ngài đến cùng, không bao giờ sa thải, đuổi việc, bỏ rơi họ, như Lời Hứa với các môn đệ : “Thầy ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Nhưng có Chúa ở cùng và đồng hành cho đến tận thế không có nghiã nhà truyền giáo không còn vất vả, cực nhọc, chịu đủ điều vu khống bất công, và nhận về mình mọi thua thiệt. Bằng chứng là có Đức Giêsu trên thuyền, mà “cuồng phong vẫn nổi lên, sóng lớn vẫn ập vào, đến nỗi thuyền đầy nước” (Mc 4,37) như sắp chìm làm các môn đệ lo sợ, hốt hoảng kêu cứu : “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi…” (Mc 4,38).
Có Chúa ở cùng mọi nơi, mọi lúc không đồng nghiã với tránh được mọi đe dọa, cạm bẫy hiểm nguy của thế gian, ma qủy, vì Đức Giêsu đã khẳng định : “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước…. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15, 18.20).
Có Đức Giêsu hiện diện không có nghiã khổ đau lánh mặt, thử thách trốn đi, vì chính Đức Giêsu đã qủa quyết con đường dành cho những ai muốn đi theo Ngài là con đường Từ Bỏ: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,38). Ngài còn đề nghị những ai đi theo Ngài : “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).
Vì thế mà đời truyền giáo không mấy khi “sóng yên biển lặng”, và nhà truyền giáo nhiều lúc rơi vào bế tắc : “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, khi nhiều biến cố không ngờ, nhiều sự việc ngoài ước tính, nhiều tình huống éo le, nhiều hoàn cảnh khó xử, nhiều vấn đề chưa từng nghe bất ngờ xẩy đến tạo nên tình trạng khủng hoảng ở nhà truyền giáo.
Khủng hoảng như Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu, khi “cảm thấy hãi hùng, xao xuyến” và “buồn đến chết được” (Mc 14,33-34) trong tột cùng của cô đơn và lo sợ trước con đường Thánh Giá sắp phải vượt qua ; khủng hoảng như Con Thiên Chúa rướn mình nức nở giờ hấp hối trên Thánh Giá : “Lậy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?” (Mc 15,35), trong “thinh lặng lãng quên” của Cha mình.
Môn đệ không hơn Thầy, “tôi tớ không hơn ch ” (Ga 15,20), nên nhà truyền giáo cũng trải qua những cơn khủng hoảng đức tin trong đời người môn đệ trước những vấn đề nhiêu khê của chính Giáo Hội, những thiếu sót của anh em, và những yếu đuối của chính mình; nhà truyền giáo cũng phải “ba chìm, bẩy nổi, chín lênh đênh” giữa biển đời, vì sóng gió “dữ tợn” không ngừng nổi dậy từ mọi phía của nhiều thế lực đối kháng.
Khủng hoảng như Nhóm Mười Hai những ngày Đức Giêsu lên Giêrusalem để chịu nạn và chịu chết. Các ông đã rơi vào tình trạng khủng hoảng dữ dội, kinh hoàng, vì chỉ trong mấy ngày, Đức Giêsu và nhóm môn đệ các ông đã đi từ vinh quang của ngày vào thành thánh được dân chúng đón rước long trọng đến thảm cảnh đường Thánh Giá, và bản án tử hình : đóng đinh ô nhục trên đỉnh đồi Gôngôtha như một phạm nhân trọng tội.
Chính vì khủng hoảng mà Phêrô đã ngã lòng chối Thầy, Giuđa đã rơi vào tuyệt vọng đi thắt cổ, các môn đệ khác, trừ Gioan đã “ba chân bốn cẳng” trốn chạy tự lo thân. Cũng vì khủng hoảng mà hai môn đệ đã rời Giêrusalem, ở đó vừa xẩy ra “chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá” (Lc 24,19-20). Và chuyện này là một sụp đổ “toàn tập”, một thất bại toàn phần, một tính toán sai lầm không thể cứu vãn đã đưa các ông vào cơn lốc khủng hoảng toàn diện, ở đó niềm hy vọng coi như tắt lịm như các ông thú nhận : “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ítraen”, nhưng nay thì hoàn toàn thất vọng vì “đến nay là ngày thứ ba rồi” (Lc 24, 21), mà chưa thấy gì … sáng sủa.
Cũng chính vì khủng hoảng do những biến cố qúa bất ngờ, dồn dập và khủng khiếp, mà các môn đệ sợ người Do Thái, nên “đóng kín cửa” khi Đức Giêsu phục sinh hiện đến, và Tôma trở nên cứng lòng không tin anh em đã gặp Thầy (x. Lc 20,19-29).
Thực vậy, người môn đệ trên đường truyền giáo sẽ không tránh được khủng hoảng đủ loại, đủ kích cỡ, đủ mức độ : có những khủng hoảng từ bản thân, khủng hoảng do cộng đoàn, khủng hoảng từ bề trên, khủng hoảng từ Giáo Hội, khủng hoảng do người khác. Và vì khủng hoảng, nhà truyền giáo dễ rơi vào những tâm trạng : xao xuyến - nghi nan, lo âu - hoảng sợ, bất mãn - phản loạn.  
Xao xuyến - nghi nan khi thấy khoảng cách qúa xa giữa lý tưởng và thực tế ; cách biệt qúa lớn giữa những gì đã học, đã nghe và những gì đã thấy, đã trải nghiệm. Đứng trước thử thách nặng nề và khủng hoảng qúa lớn, nhà truyền giáo có thể nghi nan chính mình, nghi nan chọn lựa dấn thân của mình, nghi nan ơn gọi, sứ vụ của mình, nghi nan đức tin của mình, nghi nan tình huynh đệ của anh em với mình, nghi nan tổ chức, cơ chế của Giáo Hội, nghi nan luôn cả Lời Hứa của Thiên Chúa, và vì nghi nan nên bất an, xao xuyến.
Từ bất an, xao xuyến đến lo âu, hoảng sợ, con đường không dài, và nhà truyền giáo bị lạc vào tình trạng mất phương hướng, vì mất điểm tựa, mất nhiệt huyết vì mất niềm tin, mất thăng bằng vì không còn quân bình tự nhiên cũng như siêu nhiên. Thảm trạng lo âu, hoảng sợ ở nhà truyền giáo làm đời sống của các vị trở nên héo úa, tàn tạ, không còn sức sống để truyền lửa cho ai, không còn hy vọng để chuyển ban ánh sáng tình yêu cho người nào, và người bất hạnh thứ nhất, nhiều nhất chính là nhà truyền giáo, vì tự cho mình là người đã mất tất cả, khi bỏ tất cả đi theo Chúa.
Sau cùng là tình trạng bất mãn, phản lọan được coi như hậu qủa có thể phát sinh từ những cơn chấn động khủng hoảng trầm trọng, khi nhà truyền giáo tự coi mình là nạn nhân của một hệ thống sai lầm, của một “chọn lựa” ngây thơ bị người khác khéo léo dụ dỗ, đẩy đưa. Nhà truyền giáo sẽ rơi vào tình trạng này khi nghi nan, xao xuyến, lo âu, hoảng sợ trong tâm hồn không kịp được be bờ, hóa giải, giảm bớt độ căng thẳng, bởi khi bị dồn vào đường cùng mà không đường thoát thân, bị đẩy lên cao chót vót mà không còn đường xuống, người ta phải thoát ra bằng “đường máu” là phản loạn vì bất mãn.
Thực vậy, nhà truyền giáo vì cho đi tất cả, cho đi cả cuộc đời, tính mạng, nên rất nhậy cảm với những gì bất công đối với mình, nhậy cảm trước những ai bất trung, bất tín với mình, nhất là nhậy cảm với những người bất cần và vô ơn với mình. Chỉ một o ép bất công của bề trên, chỉ một việc làm “đâm sau lưng, đánh lén” của đồng nghiệp, chỉ một thái độ “vắt chanh bỏ vỏ” của bề trên, bề ngang hay bề dưới cũng đủ làm tâm hồn vốn đa cảm, nhậy bén của nhà truyền giáo se thắt đọan trường.
Đó là lý do nhiều nhà truyền giáo đã ngã gục trước những phản bội, chơi xấu của anh em ; đã bỏ cuộc khi bị đối xử không tử tế ; đã nản chí nản lòng khi việc làm của mình không được nhìn nhận, bởi nhà truyền giáo không đủ “lì lợm” như “đám côn đồ anh chị”, không “cố đấm ăn xôi” như đám con buôn trục lợi bằng mọi giá, dù có phải “luồn trôn” thiên hạ, chỉ vì tâm hồn nhà truyền giáo thanh cao, và nhà truyền giáo luôn biết tự trọng.
Trường hợp môn đệ Giuđa tuyệt vọng đi thắt cổ cũng được xếp vào tình trạng bất mãn, phản loạn này, khi đám thượng tế và kỳ mục “vắt chanh bỏ vỏ” đã từ chối nhận lại ba mươi đồng bạc mà họ đã trả cho ông theo “hợp đồng phản bội, chỉ điểm” bắt Đức Giêsu, khi trả lời ông : “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh !” mặc dù ông đã hết lời năn nỉ họ : “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan” (Mt 27,4-5).
Như thế, khủng hoảng có thể được coi như cơm bữa của nhà truyền giáo trên đường truyền giáo, vì hơn ai hết, nhà truyền giáo có nhiều tương quan, và càng nhiều tương quan càng nhiều khả thể làm phát sinh khủng hoảng, càng nhiều liên đới càng dễ rơi vào phức tạp, nhiêu khê, bởi hễ có “hoạt” thì có “động”, có “động” mới “va chạm”, và có “chạm” mới thấy “đau”, mà có nhà truyền giáo nào đã được sai đi để nằm lì hưởng thụ, an dưỡng?
Vâng, Đức Giêsu đã không nhận lời xin của Phêrô trên núi Tabor, sau khi ông thấy Ngài biến hình sáng láng : “Lậy Ngài, chúng con ở đây thật hay ! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” (Mt 17,4), nhưng Ngài đã muốn Thầy trò cùng xuống núi tiếp tục “con đường đời thường” nhiều thách đố, chông gai, cạm bẫy ; cũng như trước khi chia tay các môn đệ, Ngài đã cầu nguyện với Chúa Cha cho các ông: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần”, mặc dù “Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17,15-16).
Tuy không lấy các môn đệ ra khỏi thế gian, nhưng Đức Giêsu luôn có mặt, và đồng hành với các ông trên đường truyền giáo để nhắc nhở các ông phải chuyên chăm lắng nghe Lời  Chúa và chuyên cần cử hành Thánh Thể để vượt qua mọi khủng hoảng, như đã dậy hai môn đệ đang khủng hoảng nặng nề trên đường từ Giêrusalem về  Emmau, sau biến cố tử nạn kinh hoàng, khủng khiếp của Ngài, vì chỉ có Lời Chúa và Mình Máu Chúa mới ban lại ơn Bình An phục sinh cho “tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề”, mới có sức cho “tâm hồn được nghỉ ngơi bồi dưỡng”, bởi chỉ Lời Chúa, Mình Máu Chúa là chính Chúa mới làm cho ách đau thương trên đường loan báo Tin Mừng của chúng ta trở nên êm ái, và gánh nặng  rao giảng Nước Thiên Chúa cho muôn dân trở nên nhẹ nhàng (Mt 11,28-30).
Jorathe Nắng Tím

0 nhận xét: