RAO GIẢNG TIN
MỪNG VÀ ƠN BÌNH AN
Giữa tâm dịch Covid-19, chúng ta chung nhau một mẫu số,
đó là hoảng loạn, và sợ hãi. Hoảng loạn khi “biết” virút Corona lây lan nhanh và
có sức làm chết người; sợ hãi vì “không biết” mình và người thân có vô phúc rơi
vào đôi tay gieo chết chóc oan nghiệt với lưỡi hái tử thần của virút không…
Một
cái “biết” làm hoảng loạn, bên cạnh một cái “không biết” làm hoang mang, nên khắp nơi con người chỉ muốn “biết và không biết”
những gì làm mình an tâm; và thời nào nhân loại cũng chỉ tìm “không biết và biết”
những gì đem lại cho tâm hồn và cuộc sống bốn chữ “Bình An vô sự”. Chẳng thế mà có những lúc chúng ta phải tự dối mình
và làm như “không biết”, dù đã biết tai ương, thất bại, khốn khó đang tiến gần
và chắc chắn sẽ xẩy ra, để níu kéo đôi phút bình an, vớt vát đôi chút bình tĩnh,
để mình không gục ngã, hoặc để tạm thời trấn an người thân trong gia đình…
Thực vậy, bình an qúy giá, nên khó tìm; bình an hiếm
hoi, nên vất vả mới có được. Đó là lý do Đức Giêsu đã không nói gì về Bình An
trước khi chịu khổ hình và tử nạn, cũng không đề cập đến ơn Bình An khi chưa chết
và sống lại. Bằng chứng là chỉ sau khi sống lại, và khi hiện ra với các tông đồ,
môn đệ, Ngài mới ban cho các vị Ơn Bình An: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất
trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái.
Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình
an cho anh em!. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ
vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga
20,19-20).
Chỉ ban Bình An sau khi đã chịu đau khổ, Đức Giêsu muốn
nói cho các môn đệ: Bình An chỉ có thể trao tặng người khác, khi người trao ban
Bình An đã nhọc nhằn hy sinh vì yêu thương, vì Bình An là hoa trái của Tình
Yêu, nên Bình An không thể trổ hoa, kết trái ở ngoài tình yêu hy sinh, quên
mình; chỉ ban Bình An của Ngài cho các tông đồ, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh: Bình
An không dễ có để trao ban, bởi Bình An là chính cuộc đời được dâng hiến vì yêu
thương của mình, Bình An là tình yêu bản thân, tình yêu “cái tôi” được biến
thành lễ tế chuộc lỗi, xóa tội người mình yêu, và là quà tặng hạnh phúc đích thực;
chỉ chúc phúc Bình An cho các môn đệ sau khi sống lại từ cõi chết với các thương
tích còn nguyên trên mình, Đức Giêsu khẳng định: lời chúc Bình An chỉ có giá trị
cứu rỗi, chỉ mang lại niềm vui sống lại, chỉ ban nguồn sống phục sinh, khi Bình
An được cưu mang trong mồ hôi máu của buổi tối cầu nguyện ở Ghếtsêmani, lớn lên
trong nước mắt của tra tấn, đòn vọt tại dinh Caipha, Hêrôđê và Philatô, nẩy mầm
trên đường vác thập tự, và trổ hoa, kết trái trong nức nở vì bị bỏ rơi, trong vật
vã vì khát nước, trong đau đớn vì đinh nhọn, lưỡi đòng giờ hấp hối cực kỳ tang
thương trên Thánh Giá giữa hai can phạm cùng chung án tử hình đóng đinh.
Đức Giêsu còn đi xa hơn khi hiện ra với Tôma tám ngày
sau, và bảo ông: “Đặt ngón tay vào đây,
và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20,27),
để qủa quyết một điều mà các môn đệ Ngài phải ghi lòng tạc dạ, đó là Bình An chỉ
có thể được trao ban, hiến tặng cho người khác như Bình An thật và đến từ Đức
Giêsu phục sinh, khi Bình An ấy được ươm trồng bằng máu yêu thương của chính trái
tim, được nuôi lớn nhờ hy sinh của tình yêu chăm sóc, và sinh sôi nẩy nở trong
chính cuộc đời dầy dạn kinh nghiệm khổ đau vì yêu thương của người môn đệ.
Do đó, sẽ không có Bình An, nếu không có Tình yêu được
trao ban cùng lúc; không có Bình An đích thực nếu Tình Yêu từ trái tim người
trao ban Bình An là tình yêu giả dối, lừa gạt; không có Bình An đem lại hạnh phúc,
nếu tay người trao ban Bình An mang nanh vuốt của ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ; không
có Bình An của Đức Giêsu được trao ban cho nhân loại từ người môn đệ vô cảm,
thiếu lòng thương xót, không biết chạnh lòng; không có Bình An của Thiên Chúa,
nếu nhà truyền giáo chỉ hau háu trục lợi, nhẫn tâm hy sinh người khác vì mình,
và tránh né những cơ hội, hoàn cảnh phải qủang đại dấn thân, chịu thiệt thòi vì
người khác.
Thực vậy, trong bất cứ thời thuận tiện hay không thuận tiện nào, việc rao
giảng Tin Mừng là bổn phận chính yếu của người Kitô hữu. Nhưng rao giảng thế nào,
để Tin Mừng là Tin Mừng phục sinh, Tin Mừng Chúa đã sống lại, Tin Mừng Đức Giêsu
là niềm vui ơn cứu độ của mọi người, mà không phải là Tin Mừng không vui, Tin Mừng bất an, bất ổn, Tin Mừng hoảng lọan, hoang
mang, Tin Mừng đe dọa, lo sợ?
Đã đành phải rao giảng mọi nơi, mọi lúc, bằng nhiều cách
thức, phương tiện, miễn sao phù hợp; rao giảng cho người trong gia đình, láng
diềng quen biết, đồng nghiệp cùng sở làm; rao giảng qua lời nói, chữ viết, nhờ
các phương tiện truyền thông thời đại…, nhưng
quan trọng hơn cả là rao giảng Tin Mừng bằng làm chứng đời sống người tín hữu đầy
tình bác ái, trái tim người Kitô hữu có Đức Giêsu giầu lòng thương xót, nhân hậu,
bao dung, và con đường Thánh Giá yêu thương gập ghềnh gian khổ, trên đó người
vác ngã lên ngã xuống vì bị dập vùi; ù tai, mờ mắt vì những lên án, thị phi; te
tua, tơi tả vì roi đòn, xỉ nhục với duy nhất một ước mong được yêu thương đến
cùng như Đức Giêsu, để đem lại Bình An Phục Sinh của Ngài cho mọi người.
Bởi nếu Tin Mừng được rao giảng, mà thiếu yêu thương, Tin
Mừng sẽ không là Tin Mừng Sống Lại với ơn Bình An của Đức Giêsu; bởi nếu Tin Mừng
được loan báo mà tim người loan báo cạn khô đức ái, thì Tin Mừng sẽ không mang đến
ơn Bình An của Đức Giêsu phục sinh; bởi nếu Tin Mừng được giới thiệu đến mọi người
mà thiếu mão gai, đinh sắt, lưỡi đòng của Thập Giá tình yêu, thì Bình An được
trao ban sẽ không là Bình An đích thực, Bình An của Đức Giêsu đã chết và sống lại,
Đấng Cứu Độ, vì một lý do duy nhất: Bình
An là hoa trái của Tình Yêu, và Tin Mừng chỉ đáng mừng, làm cho vui mừng,
khi Thiên Chúa ban bình an cho con người đang hoảng loạn, lo sợ; khi con người nghe được tin Thiên Chúa là Tình Yêu cứu giúp
họ, và biết chắc họ được Thiên Chúa yêu thương, ban Bình An.
Vì thế, tận thâm tâm người môn đệ khi loan báo Tin Mừng,
cũng như nhà truyền giáo khi rao giảng Đức Giêsu chịu đóng đinh phải sáng lên tình
yêu hy sinh, quên mình, được biểu hiện
qua ý muốn và nỗ lực mưu tìm Bình An đích thực cho người được rao giảng, vì mục
đích của việc loan báo Tin Mừng là trao ban Bình An của Đức Giêsu phục sinh cho
người khác, bởi không bình an, Tin Mừng làm sao còn là tin mừng, tin vui, vì
trong hoảng loạn, lo sợ, sầu buồn, đau khổ, con người khao khát Bình An, đi tìm bến đỗ An Bình, chạy đến Đấng
là Nguồn Bình An.
Không quan tâm đến nỗ lực kiến tạo và đem lại Bình An
cho người được loan báo, rao giảng, nhà truyền giáo sẽ làm người khác thất vọng
nhiều hơn hy vọng, khi Bình An không hiện diện trong Tin Mừng, không có mặt
trong “đời sống chứng nhân” của nhà truyền giáo. Nói cách khác, khi nhà truyền
giáo không là dấu chỉ Bình An của Đức Giêsu phục sinh, các vị sẽ không mang
Bình An của Đức Giêsu hiền lành và khiêm nhường vào tâm hồn, gia đình người khác, bởi chính tâm hồn
nhà truyền giáo không khao khát ơn Bình An cho chính mình và cho người mình rao
giảng, cũng như không tìm kiếm Bình An như hoa trái trổ sinh từ tình yêu hy
sinh. Và chuyện buồn phải xẩy ra, tin buồn
phải tới, khi bình an vắng mặt để
nhường chỗ cho bất an, khi hoà bình vắng bóng để bàn giao cho chiến tranh, khi
trái tim khô cạn tình yêu để hận thù xâm
chiếm, khi đường truyền giáo mất hướng Bình An để thay bằng mê lộ bất an, tuyệt vọng.
Như các môn đệ đã đóng kín cửa, vì sợ người Do Thái,
thế giới cũng đang đóng chặt cửa nhà mình, khóa kỹ cửa lòng mình vì sợ đại dịch
Covid-19; như các môn đệ lo sợ bị người Do Thái truy lùng, bắt bớ, hàng tỷ người
trên địa cầu cũng đang hoảng sợ vì tính mạng bị virút đe dọa; như các môn đệ đã
khao khát bình an, con người hôm nay đang
ước mơ được sống những ngày êm ấm, an ổn, thoát nguy hiểm đại dịch, để rồi
chính trong trong hoàn cảnh bất an, ở vào tình trạng bị đe dọa, và tâm trạng hốt
hoảng, lo sợ, Đức Giêsu phục sinh đã đến giữa các môn đệ và ban cho các ông ơn
Bình An của Ngài.
Với
Đức Thánh Cha Phanxicô, tối nay (19/3/2020), lễ thánh Giuse, Đức Thánh Cha cũng nhắc đến sáng kiến 24 giờ dành cho Chúa. Ngài nói:
“Thứ Sáu và thứ Bảy 20-21/03 tới đây là ngày cử hành sáng kiến 24 giờ dành
cho Chúa. Đây là một sự kiện quan trọng của Mùa Chay để cầu nguyện và đến với
bí tích Hòa giải (Vui lòng xem chi tiết: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-03/dtc-phanxico-cau-nguyen-thanh-giuse-virus-corona.html).
Chúng ta cùng lần chuỗi cầu nguyện
để nài xin Thiên Chúa cứu thế giới khỏi giông tố nguy hiểm, đưa nhân loại ra khỏi
cơn lốc xoáy khủng hoảng và qua những chứng nhân Tin Mừng được Chúa sai đến, xin
cho hết mọi người Ơn Bình An của Đức Giêsu phục sinh giữa tâm đại dịch.
Jorathe
Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét