Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Mùa Chay - Mùa Nhắc Nhớ Kỷ Niệm

Một trong những hạnh phúc của hai người yêu nhau là nhắc nhớ kỷ niệm từ buổi đầu mới quen đến những buổi hẹn hò, yêu thương, giao ước.

Hai người nhắc nhớ kỷ niệm về nhau, nhắc từng chi tiết, biến cố, hoàn cảnh đã làm nên cuộc tình, nhớ từng thời điểm thai nghén, khai sinh, lớn lên của mối tình. Và kỉ niệm càng được năng nhắc nhớ, họ càng cảm thấy cần nhau và yêu nhau mặn nồng.

Mùa Chay chính là mùa Thiên Chúa gặp gỡ và nhắc nhớ kỷ niệm của giao ước tình yêu giữa Ngài và ta như hai người yêu nhau nhìn lại đường tình đã đi và cùng nhau làm mới lại lời thề.

Khi chọn Ápraham, Thiên Chúa đã giao kết chọn ông làm tổ phụ dân riêng của Ngài, “một dân đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển” và kí thác cho dòng dõi này sứ mệnh tôn thờ duy nhất một Thiên Chúa Giavê. Đáp lại, Thiên Chúa sẽ yêu thương, bảo bọc, gìn giữ dân riêng Ngài mãi mãi, từ đời này đến đời kia (St 15; 17,2; 28,15-21).

Dọc suốt lịch sử dân Do Thái, Thiên Chúa đã luôn trung thành với giao ước, mặc dù dân Ngài thường xuyên phản bội, bất trung, không tuân giữ những điều đã hứa. Vừa được giải phóng khỏi đời nô lệ bên Ai Cập, dân đã bất trung đúc bò vàng để thờ; vừa được nuôi bằng manna rơi xuống từ trời, dân đã ca thán, trách móc, phạm thượng Thiên Chúa Giavê. Có bao nhiêu đời vua là có bấy nhiêu đời thất tín, bất trung; có bao nhiêu cơ hội là có bấy nhiêu lần xây đền thờ thần ngoại giáo; có bao nhiêu cám dỗ là có bấy nhiêu chống đối, phản bội. Các tiên tri đã kêu gào dân trở về, năn nỉ dân thôi đừng phản bội, đe nạt dân thôi đừng xé bỏ giao ước, nhắc nhở dân thôi đừng vô ơn, bất kính Giavê. Lịch sử dân Do Thái đã thăng trầm với trung thành - phản bội, bỏ đi - trở về, phản nghịch – ăn năn. Lịch sử với các tổ phụ Ápraham, Isaác, Giacóp trung tín, với Môsê khiêm tốn, với Đavít vâng lời, với Gioan Tẩy Giả như tiếng kêu trong sa mạc dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến; đồng thời cũng là lịch sử của không biết bao nhiêu đổi dời, tàn phá gắn liền với kiêu căng, sa đọa, bất trung, bất tín của dân đối với Thiên Chúa.


Dù thăng trầm với bao nhiêu phản bội, thất hứa, Giao ước ấy vẫn luôn là hiến pháp quốc gia, sức mạnh của niềm tin, bảo đảm của nòi giống và hy vọng của Israel nhờ bởi lòng trung tín đơn phương, vô điều kiện của Giavê Thiên Chúa.

Thực vậy, trước thái độ dửng dưng, ngạo mạn và hành động phản bội của dân (Đnl 29,24; Gs 7,11; Tl 2,20), Thiên Chúa đã luôn đơn phương trung thành và không quên lời Ngài đã giao ước (Xh 2,24; 6,5; Đnl 4,31; Đn 9,4; Lc 1,72). Là Thiên Chúa trung tín, Ngài đã không quên hay vi phạm lời hứa, nhưng luôn giữ lời và không ngừng làm mới lại lời đã hứa: yêu thương, bảo vệ dân Ngài. Là Thiên Chúa nhịn nhục và kiên nhẫn, Ngài đã luôn nhớ lại lòng trung thành và vâng lời của tổ phụ cha ông mà bỏ qua lỗi lầm của con cháu. Nhưng lý do Thiên Chúa đã trung tín và nhẫn nhục trước những xúc phạm, phản bội của dân là vì giao ước đã được xây dựng trên lòng xót thương bao la của Ngài như lời kinh Tán Tụng của Đức Maria: “Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia”. Chính lòng xót thương vô điều kiện, đơn phương và vô vị lợi của Thiên Chúa đã cho dân được tiếp tục đứng vững và sống. Chính lòng thương xót không tính toán, cân đo của Ngài đã triển hạn hiệu lực của giao ước. Lòng thương xót ấy bao la, vô biên, vô tận đã làm tan biến những vi phạm trắng trợn, những phản bội tầy đình, những phạm thượng kinh tởm của dân. Chính lòng thương xót không giới hạn thời gian, không gian đã cho dân cơ may trở về hoà giải, nối lại giao ước xưa với Ngài. Chính lòng thương xót hải hà đã làm cho dân được tái sinh trong ơn thứ tha mỗi ngày. Trong giao ước này, Thiên Chúa đã không thu lợi về mình, nhưng toàn bộ lợi nhuận đã được dành hết cho con người; phần Thiên Chúa, theo ngôn ngữ của nhân loại: Ngài chỉ “hạnh phúc” vì tỏ được lòng xót thương trên con người là tạo vật Ngài nuông chiều, yêu quý.


Giao ước giữa Thiên Chúa và dân riêng cũng là giao ước giữa Thiên Chúa với mỗi người. Giao ước cũ với dân Do Thái đã được kiện toàn bằng giao ước mới của Đức Kitô với chúng ta qua máu của Thiên Chúa đổ trên Thánh Giá. Sự chết của Đức Kitô đã là chữ ký của Thiên Chúa trên giao ước mới và vĩnh cửu. Nếu giao ước cũ đã ký bằng máu hy lễ chiên bò, thì giao ước mới được đóng ấn bằng máu Đức Kitô - Thiên Chúa làm người. Máu Thiên Chúa đã chứng nhận và bảo đảm sự hữu hiệu vô cùng của giao ước: ơn cứu rỗi đời đời và vô hạn cho mọi người.

Gặp gỡ Đức Kitô trong Mùa Chay, mỗi người có dịp nghe Ngài nhắc nhớ tình yêu nhập thể, nhập thế và mầu nhiệm cứu chuộc. Tình yêu đã nhập cuộc trong đời mỗi người. Tình yêu đã khiêm hạ quỳ xuống rửa chân cho mỗi người. Tình yêu đã vất vả gánh vác tội lỗi của mỗi người. Tình yêu đã giang tay chịu đóng đinh để ôm lấy trọn vẹn vận mệnh, đời sống của mỗi người. Và tình yêu ấy đã đơn phương yêu thương, đơn phương tha thứ, đơn phương chữa lành, hoà giải, bởi tình yêu ấy là tình xót thương, “thích” mù loà trước tội lỗi và liều lĩnh thứ tha.

Gặp gỡ mỗi người trong Mùa Chay, Đức Kitô muốn làm mới lại giao ước tình yêu giữa Ngài và mỗi người. Giao ước ấy là tình cha – con vời vợi, tình bè bạn thân thương, tình thầy – trò nghĩa thiết. Đức Kitô đã thiết lập bằng chính máu Ngài các mối quan hệ ân tình này giữa Ngài và mỗi tâm hồn. Ngài muốn đi vào trái tim mỗi người và ở lại đó để yêu thương, cứu độ. Hạnh phúc của Thiên Chúa say mê con người là được ở trong cuộc đời mỗi người để thăng tiến, xây dựng và thánh hoá cuộc đời đó cho hạnh phúc tròn đầy, viên mãn, đời đời. Hạnh phúc của Thiên Chúa xót thương là con người không phải chết, nhưng được sống và sống dồi dào. Hạnh phúc ấy còn là nâng nhân tính của con người lên hàng thiên tính, nghĩa là được tháp nhập trong chính sự sống của Thiên Chúa. Ngày chịu phép thánh tẩy, mỗi người được dìm mình trong nước như dấu chỉ của một lần chết đi cho tội lỗi hầu mặc lấy sự sống của chính Thiên Chúa, để rồi ngày sống lại, thân xác hư nát cũng sẽ được phục sinh trong Đấng đã chiến thắng sự chết nhờ sự chết và sống lại của Ngài. Giao ước giữa Đức Kitô và mỗi người chính là giao ước sự sống và phục sinh đã được ký trong ơn sủng từ Thánh Giá. Đức Kitô đã tự hiến mạng sống để có được giao ước mới hoàn hảo mang ơn cứu độ. Ngài cũng đã chấp nhận đau khổ và cái chết nhục nhã để giao ước mang một giá trị vô cùng: cho tất cả mọi người được ơn tha tội. Và giao ước bằng máu Thiên Chúa ấy đã đời đời hoà giải con người tội lỗi với Thiên Chúa và ban lại ơn bình an của con cái Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại tội lụy.

Mùa Chay như lời tâm sự nhắc nhớ. Thiên Chúa nhắc mỗi người để mỗi người nhớ lại tình xưa nghĩa cũ với Thiên Chúa. Đã có bao nhiêu kỷ niệm đẹp giữa ta và Chúa, bao nhiêu ân sâu nghĩa nặng ta cần cám ơn, đền đáp, bao nhiêu dấu ái mặn nồng Chúa đã để trên đời ta, bao nhiêu ước mong, khát vọng, đợi chờ Chúa đã hơn một lần ở ta kí thác.

Đời Chúa muốn gắn với đời ta như giao ước cho ta sự sống của Chúa. Tình Chúa muốn bao phủ đời ta như giao ước cho tình ta nghèo nàn được bơi lội thỏa thuê trong đại dương tình Chúa. Ơn Chúa như sương sớm nuôi ngàn hoa như giao ước chan hoà đời ta niềm vui cứu độ. Vì hạnh phúc duy nhất của Thiên Chúa Tình Yêu chính là trái tim con người biết rung lên niềm cảm tạ “lòng thương xót của Ngài từ đời nọ đến đời kia trên những kẻ kính sợ Ngài“ (Lc 1,50).