Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Mùa Chay - Mùa Tìm Lại Bóng Hình

Nếu phải xa nhau lâu ngày, hai người yêu nhau khi gặp lại thường quấn quýt hôn lấy hôn để, và nghẹn ngào sờ soạng khuôn mặt nhau. Họ đang tìm ở nhau một cái gì đó sâu đậm hay đã phôi phai, vẫn còn hay đã mất, như ngày xưa hay đã khác xa lắm rồi. Đôi tay tình nhân có khi hốt hoảng, có lúc ngập ngừng, có khi hạnh phúc, có lúc bẽn lẽn tìm lại khuôn mặt người tình, tìm xem những gì còn, những gì mất trên đó. Họ đang khám phá dung mạo của nhau bằng đối chiếu những nét hôm nay với những nét hôm qua, những đổi thay hằn sâu hay bàng bạc, phơn phớt trên làn da, thớ thịt. Hai tình yêu đang mơn trớn sờ soạng tìm bóng dáng nhau. Hai trái tim đang thổn thức nhận diện lại nhau. Hai cuộc đời đang ghi chụp hình ảnh về nhau. Hai hạnh phúc đang xác định nồng độ tình cho nhau.

Tìm lại hình ảnh, dung mạo nhau là điều cần thiết; bởi không những bóng thời gian làm lu mờ, phai nhạt hình ảnh; dung mạo trong tim nhau, mà người đời cũng góp phần không nhỏ làm bầm giập, lệch lạc, méo mó. Những thị phi, ganh ghét, hiểu lầm của người chung quanh, những cơn mây đen kịt của lòng ích kỉ, hận thù đã biến thành dị dạng nhiều khuôn mặt dễ thương, phúc hậu và không cho hai trái tim nhận ra nhau; vì thế mới có cảnh “xa mặt cách lòng” đáng buồn, đáng trách.

Tìm lại hình ảnh, dung mạo nhau cũng là đòi hỏi của tình yêu chân thực khi mỗi ngày tình ấy đều muốn nói mãi lời “yêu em - yêu anh” như khẳng định lòng này chẳng bao giờ muốn cách, dù mặt này đôi lúc phải xa xôi. Những khẳng định tình yêu như những thanh củi cho bếp hồng luôn có lửa tỏa ấm và như những giọt nước rót đều vào gốc hồng chờ ra đời những bông hồng tươi xinh, rực rỡ. Trong bất cứ cuộc tình nào, những lần trở lại, gặp lại, tìm lại đã cho phép những người yêu nhau lại nhận ra khuôn mặt mình yêu, hình bóng mình thương, dáng dấp mình dấu ái, dung mạo mình âu yếm, tôn thờ để tình yêu trong họ được sống mãi và vững chãi trưởng thành.

Tình yêu giữa ta và Đức Kitô cũng cần những Mùa gặp lại, tìm lại để dung mạo Đức Kitô không nhạt nhòa, phôi phai và bóng dáng Ngài không bị xiêu vẹo, sụp đổ trong tâm hồn những người đi theo Ngài. Và Mùa Chay chính là Mùa thuận tiện để bóng hình, dáng dấp, dung mạo ấy được cung kính tô đậm trong trái tim muốn nói yêu Ngài.

Nhưng đâu là dung mạo đích thực của Đức Kitô - Thiên Chúa?

Chính Đức Kitô đã muốn biết các môn đệ vẽ chân dung của Ngài thế nào, khi hỏi các ông: “Người ta bảo Thầy là ai? ” trong khi dân chúng đang ồn ào, xôn xao, kháo láo, đồn thổi, phỏng đoán về Ngài (Mt 16,13-15). Người thì bảo Ngài là Gioan Tẩy Giả mới bị Hêrôđê chém đầu sống lại; nhóm khác bảo Ngài là hiện thân của tiên tri Elia; có đám cho rằng Ngài là tiên tri Giêrêmia hay một tiên tri nào đó... Người ta thi nhau vẽ hình dáng và “tự biên tự diễn” lí lịch của Ngài, nhưng có mấy người đã biết chính xác và chân thực Đức Giêsu là ai?


Người thời nay cũng như người đương thời với Đức Kitô đã nhốn nháo đổ xô đi xem phép lạ, điềm lạ nhưng lại không tin Đức Kitô là người đã làm phép lạ. Họ thích nghe chuyện lạ, thấy sự lạ, nhưng rất xa lạ với Đấng có quyền làm phép lạ. Đức Kitô đã nhiều lần nói với họ về Ngài, cũng như Gioan Tẩy Giả trước khi Đức Kitô khởi đầu sứ vụ rao giảng đã công khai giới thiệu về Ngài (Lc 3,16), nhưng rất ít người đã tin Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế. Người ta cũng như chúng ta thích tự mình nặn ra một Thiên Chúa theo óc tưởng tượng của mình, thích vẽ một Thiên Chúa như mình nghĩ, mình muốn, thích đúc tạc một Thiên Chúa hợp với khuynh hướng, sở thích riêng. Con người muốn tạo dựng Thiên Chúa cho mình, muốn Thiên Chúa thuần túy mang hình ảnh mình, là khuôn mẫu luân lý do chính mình đề ra để che chống, giải toả những ẩn ức và dục vọng bất chính. Thiên Chúa do con người tạo nên đã không khác “thiên chúa bò vàng” mà dân Do Thái đã đúc tạc rồi rủ nhau thờ lạy trên hành trình về Đất Hứa.

Những Thiên Chúa được tạo nên từ bàn tay con người thì nhiều và thời nào cũng có. Đã có bao nhiêu tổ chức to nhỏ tự dựng nên một Thiên Chúa, tự tạo một giáo lý, tự chế biến một giáo hội. Nhóm này bảo Thiên Chúa của họ phán thế này; nhóm kia tuyên bố chính xác ngày giờ tận thế; nhóm khác “nhặt nhẹ” giáo lý Công

Giáo, bỏ đi vài điều phải tin, rồi vui vẻ tung tin mình vừa được Thiên Chúa mạc khải và giao sứ mệnh thành lập một giáo hội mới; có nhóm tự phụ: chỉ những người đi theo họ mới được lên thiên đàng, còn tất cả sẽ phải sa hoả ngục, mất linh hồn. Tựu trung các nhóm này đều không xây dựng được giáo lí của mình trên một nền tảng vững chắc vì thường chỉ là vay mượn, cắt xén, hoặc do óc tưởng tượng bệnh hoạn nên “giáo lí” không nhất quán, không chặt chẽ nhưng thiếu sót, lệch lạc, phi lí. Và mãi mãi, ta còn phải gặp những người tự xưng là đấng thiên chúa sai đến, là “chiêu thánh hoàng đế”, là “con cưng của chúa”, là tiên tri sau cùng của loài người. Thế giới hôm qua cũng như hôm nay tràn lan những giáo phái với những giáo lý giật gân, kinh dị, non nớt này, nhưng vẫn không thiếu những người nhẹ dạ, hiếu kì đổ xô xin làm đệ tử.

Thực ra, chuyện bỏ Đạo và chạy theo những giáo thuyết lệch lạc đã được chính Đức Kitô cảnh báo: “Sẽ nổi lên nhiều đấng cứu thế và ngôn sứ giả. Họ sẽ làm mê hoặc dân chúng và vì sự dữ lan tràn, đức ái nơi nhiều người sẽ nên như băng giá” (Mt 24,23-26) và các tông đồ tiếp tục nhắc nhở từ những ngày đầu của Giáo Hội. Thánh Gioan trong thư thứ nhất của Ngài đã viết rất rõ về câu chuyện “bỏ Đạo chạy theo tiên tri giả” (1Ga 2,17-27). Vấn đề đặt ra cho ta là lý do nào đã làm những người anh em này bỏ Giáo Hội ra đi? Có khi nào ta nghĩ: ngoài tính nhẹ dạ, bồng bột, hiếu kỳ và tâm lý yếu đuối, bệnh hoạn, những người anh em này đã bỏ Đạo vì chúng ta đã không yêu thương, kính trọng, nâng đỡ, hướng dẫn, đồng hành với họ; vì những người có trách nhiệm trong Dân Chúa đã không làm tròn bổn phận mục tử; vì thái độ kiêu căng, hống hách, quan liêu, gian dối, bóc lột, thiếu từ tâm và công bình bác ái của Bề Trên, người phụ trách; vì những phán đoán lệch lạc, thiên kiến của cộng đoàn; vì chúng ta sống không xứng đáng; vì gương mù gương xấu của cha xứ, ban Hành Giáo, anh chị huynh trưởng; vì chúng ta đã đi lệch đường Đức Kitô dạy; vì chưa một lần ta cầu nguyện xin cho họ ơn trở về… Nếu khiêm tốn và chân thành, chúng ta sẽ thấy mình đồng trách nhiệm trong yếu đuối, sa ngã của anh em và biết mình phải làm gì.


Trở lại câu hỏi của Đức Kitô về dung mạo, căn cước tính của Ngài, ta có lời tuyên xưng của Phêrô, tông đồ trưởng, đại diện nhóm mười hai: “Lạy Thầy, Thầy là Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Lời tuyên xưng rất quan trọng của Phêrô đã cho ta dung mạo, căn cước đích thực của Đức Kitô và là nền tảng cho niềm tin Công giáo; bởi chúng ta tin Đức Kitô và tuyên xưng niềm tin của chính Phêrô đã tuyên xưng khi nhận bí tích Rửa Tội, gia nhập Giáo Hội được Đức Kitô chính thức xây trên tảng đá Phêrô: “Phúc cho con, Phêrô ơi, vì không phải máu huyết loài người tỏ cho con biết điều này, nhưng chính Chúa Cha trên Trời đã mạc khải cho con. Thầy nói với con: Con là Đá và trên tảng Đá này, Thầy sẽ xây dựng Giáo Hội của Thầy” (Mt 16,17-18). Lời tuyên xưng của Phêrô đã được Đức Kitô đóng ấn chấp thuận và công khai, chính thức xây dựng Giáo Hội trên niềm tin được tuyên xưng ấy. Nói cách khác, đức tin ở Đức Kitô mà Phêrô vừa tuyên xưng là đức tin duy nhất của Giáo Hội, đức tin không thể thay đổi của người theo Đức Kitô, đức tin tinh tuyền, trọn vẹn không tì ố và chúng ta không tuyên xưng một niềm tin nào khác ngoài niềm tin đã được Phêrô long trọng tuyên xưng này. Đây là điểm rất quan trọng mà chúng ta không được phép quên hay lơ là, sao lãng; bởi có thể cũng là niềm tin, nhưng niềm tin của những người khác, giáo phái khác không “giống” niềm tin của Phêrô, niềm tin mà Giáo Hội đã, đang và mãi mãi tuyên xưng. Chúng ta không tuyên xưng niềm tin của triết gia, nhà đạo đức, lý thuyết gia, bậc vĩ nhân, hay ông tổ của giáo phái nào đó, dù niềm tin ấy cũng là “tin vào Thiên Chúa dựng nên trời đất”; bởi vì niềm tin của Phêrô là niềm tin được đặt hoàn toàn trên con người Đức Kitô, Thiên Chúa làm người. Niềm tin ấy không mơ hồ, bâng quơ, đại trà, tổng quát, chung chung; nhưng xác định rõ trên con người Đức Kitô, tin ở Đức Kitô, Thiên Chúa ngôi Hai nhập thể làm người, đã sống, đã chịu khổ hình thập giá để cứu độ và đã sống lại từ cõi chết. Niềm tin của Phêrô phải là niềm tin của chúng ta, nghĩa là một niềm tin gắn bó thiết thân, thiết thực, thiết tha, thiết yếu trong Đức Kitô, Đấng cứu thế, Con Thiên Chúa hằng sống. Các tông đồ và tất cả mọi người tín hữu từ buổi đầu của Giáo Hội đến hôm nay đều tuyên xưng chung một niềm tin Phêrô này. Chối từ, loại bỏ niềm tin Phêrô, chúng ta lập tức ở ngoài Giáo Hội của Đức Kitô, bởi lẽ Đức Kitô đã xây Giáo Hội của Ngài trên niềm tin Phêrô đã tuyên xưng này.


Như thế, khi loại bỏ Đức Kitô hay giảm bớt Đức Kitô, chúng ta cũng loại bỏ luôn niềm tin nơi Thiên Chúa, vì ngoài Đức Kitô, chúng ta không có niềm tin nào đáng tin hơn; vì ngoài Đức Kitô, ta không thể gặp được Thiên Chúa, không hoà giải được với Thiên Chúa và không nhận được từ Thiên Chúa ơn cứu độ. Đức Kitô xuống thế để trở thành Thiên Chúa ở giữa con người hầu qua Ngài, con người biết Thiên Chúa là ai. Không những biết, con người còn được gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Kitô và cùng với Đức Kitô, con người được đồng hưởng hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa. Cắt đi nhịp cầu Giêsu, Đấng trung gian giữa Đất - Trời, Loài người - Thiên Chúa, chúng ta sẽ hoàn toàn bất lực trong toan tính lên trời, gặp Thiên Chúa, và thất bại trong công trình tìm hạnh phúc đời đời. Loại bỏ Đức Kitô ra khỏi niềm tin như phần đông các giáo phái chủ trương, con người sẽ lập tức rơi vào tình trạng lầm lạc, mất sức sống vì Đức Kitô là “Ánh Sáng, là Đường, Sự Thật và Sự Sống”. Suốt cuộc đời dương thế, Đức Kitô đã luôn luôn căn dặn các môn đệ và những người đi theo Ngài:

“Chúa Cha yêu thương Chúa Con và đặt nơi Ngài tất cả mọi sự. Vì thế, ai tin ở Chúa Con sẽ được sống đời đời. Ai từ chối không tin Ngài, sẽ không có sự sống, trái lại cơn giận của Thiên Chúa sẽ đè nặng trên họ” (Ga 3,35-36). Vì thế, “các ngươi sẽ không nghe được tiếng Chúa Cha, không thấy mặt Ngài, và Lời Ngài không ở trong các ngươi, nếu các ngươi không tin Ta là Đấng đã được Chúa Cha sai đến” (Ga 5,37-38), để rồi “các ngươi không biết Chúa Cha và Ta; nhưng nếu các ngươi biết Ta, các ngươi cũng sẽ được biết Cha Ta trên trời” (Ga 8,19) vì “ai tin Ta là Tin Đấng đã sai Ta, ai thấy Ta là thấy Đấng đã sai Ta” (Ga 12,14-15), “ai đón nhận Ta là đón nhận Đấng đã sai Ta” (Ga 13,20), “ai nghe lời Ta, Cha Ta sẽ yêu mến họ và chúng ta sẽ đến ở với họ” (Ga 14,23).


Giáo Hội từ hơn hai nghìn năm nay đã trung thành với niềm tin được Phêrô tuyên xưng về Đức Kitô: “Lạy Thầy, Thầy là Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa hằng sống” và Giáo Hội đã sống chết với niềm tin này, bằng chứng là không lúc nào máu các chứng nhân đã ngưng đổ ra trước sức tấn công vũ bão của thần dữ và bè lũ. Thần dữ chỉ tấn công một điểm duy nhất là đánh bật Đức Kitô ra khỏi niềm tin của chúng ta; bởi chúng biết: duy nhất một niềm tin nơi Đức Kitô là niềm tin thật, niềm tin vững chắc, tinh tuyền mang lại ơn cứu độ và sự sống đời đời; bởi chúng biết khi loại bỏ được Đức Kitô, niềm tin sẽ chỉ còn là mơ hồ, ảo tưởng; bởi chúng biết khi bứng được Đức Kitô, niềm tin sẽ trở nên u tối, lầm lạc, phai tàn, héo úa vì không còn Ánh Sáng và Sự Sống. Đánh phá niềm tin của người tín hữu, thần dữ luôn nhắm vào hòn đá tảng là niềm tin Phêrô đã tuyên xưng khi tìm mọi cách li gián niềm tin của ta ra khỏi niềm tin của Phêrô, tách rời xác tín của ta ra khỏi lời tuyên xưng nồng nàn, quyết liệt của Phêrô và làm lung lạc niềm tin của ta nơi niềm tin của Phêrô là đá tảng xây Giáo Hội. Kinh nghiệm làm việc với những anh em bị cuốn hút bởi các giáo phái mới mọc lên như nấm ở Việt Nam những năm gần đây cho thấy: hầu như tất cả đều bắt đầu bằng loại bỏ vai trò của Đức Kitô, truất phế vị trí trung tâm trong công trình cứu chuộc của Đức Kitô, tách biệt Đức Kitô ra khỏi Chúa Cha và phủ nhận thiên tính của Ngài trong mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Không một giáo phái nào đã dám để Đức Kitô có mặt, trái lại trọng tâm và mục đích của họ là triệt phá, xóa hẳn, tẩy sạch dấu vết hình ảnh, dung mạo Đức Kitô trong niềm tin của con người. Đức Kitô không thể “đội trời chung” với họ và bằng mọi giá phải đánh gục Ngài. Vì thế, khi đối thoại với những người anh em bỏ Giáo Hội đi theo các giáo phái chống Đạo, không chấp nhận đức tin tông truyền của Phêrô, chúng ta nên cố gắng giúp họ can đảm nhìn thẳng vào Đức Kitô và tìm gặp lại chính Ngài với dung mạo yêu thương, nhân hậu, tha thứ, “chậm bất bình và rất đỗi khoan dung” hơn là mất giờ vì những đối chất loanh quanh ở vòng ngoài, không liên quan đến cốt lõi của niềm tin nơi Đức Kitô qua những cắt nghĩa gượng ép, phân tích vụn vặt, chú giải rời rạc, thiếu khách quan, lương thiện xoay quanh một vài câu Kinh Thánh được cẩn thận cắt xén và tách ra khỏi ngữ cảnh của Tin Mừng với ác ý “ăn thua đủ”, gài người đối thoại vào ngõ bí. Đừng quên một điều rất căn bản là niềm tin của chúng ta luôn dựa trên “Đức Kitô - Thiên Chúa làm người”, nên niềm tin ấy không chấp nhận bất cứ một nhượng bộ, du di, sắp xếp, thương lượng nào có mục đích thay đổi “Con Người - Thiên Chúa” nơi Đức Kitô. Trái lại, bằng mọi giá phải gìn giữ dung mạo ấy được tinh tuyền, nguyên vẹn là “Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa hằng sống” mà Phêrô đã tuyên xưng. Trong đức tin tông truyền, niềm tin của chúng ta được Đức Kitô chứng thực, bảo đảm và niềm tin ấy cho chúng ta nghị lực và sáng suốt để cùng Giáo Hội can đảm làm chứng Đức Kitô là Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian để cứu độ mọi người.


Như thế sẽ không khó phân biệt, cũng không khó đo lường đức tin của mỗi người, vì tiêu chuẩn duy nhất để phân biệt, đo lường là mức độ gắn bó với Đức Kitô như thánh Gioan đã viết: “Tiên tri giả sẽ tràn đầy thếgiới. Và đây là cách để anh em biết ai thực là người được Thánh Thần Chúa linh ứng, thúc đẩy: Nếu người được linh ứng tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô đã đến giữa chúng ta trong xác phàm thì người ấy thuộc về Thiên Chúa; trái lại, người được linh ứng mà từ chối tuyên xưng Đức Giêsu thì quả thực người này không thuộc về Thiên Chúa, nhưng họ thuộc về thần dữ chống Đức Kitô...” (1Ga 4,1-3) và “Bất cứ ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, người ấy thực sự được sinh bởi Thiên Chúa” (1Ga 5,1).


Dung mạo Đức Kitô trong ta có lẽ ít nhiều cũng đã bị lu mờ, méo mó, nhăn nhúm, sứt mẻ vì những yếu đuối, thiếu sót, lỗi lầm của ta. Dung mạo tuyệt vời ấy trong anh em cũng có thể đã bị bôi nhọ lấm lem, bẩn thỉu vì rất nhiều tội lỗi và đời sống bất xứng của ta.

Mùa Chay, Đức Kitô ghé lại thăm nhà tâm hồn, Ngài muốn rửa sạch trong ta những vết nhơ trên mặt Ngài để dung mạo thánh thiện của Ngài sẽ lấy đi cái hoang vắng của cõi lòng thiếu Chúa là Tình Yêu. Xin cho Mùa Chay trở thành mùa tìm lại hình bóng Chúa và dung mạo Đức Kitô nhân từ, khiêm nhường, giàu lòng xót thương.