Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG, Năm C

   Các bài đọc trong Chúa Nhật thứ nhất muà vọng đặt chúng ta trong bầu khí nhiều biến động mang tính đe dọa, và một xã hội nhiều bất công. Đó là  sự thật của một  thế giới, khi đường lối công chính và ơn cứu độ của Thiên Chúa chưa được con người đón nhận.  Nhưng chính trong bối cảnh hỗn loạn, “ hoảng hồn mất vía”  này, chúng ta được kêu gọi “tỉnh thức cầu nguyện hầu thoát mọi điều nguy hiểm và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36). 
     Bài đọc thứ nhất: sau khi  tuyên sấm “cảnh điêu tàn, không người, không vật” của Giuđa và Giêrusalem, ở đó, tất cả “đã ra tan hoang…, không tiếng mừng vui, hoan lạc, tiếng cô dâu chú rể, tiếng những kẻ nói : “Hãy cảm tạ Giavê các cơ binh, vì Người tốt lành, vì ơn Người miên man vạn đại ” (Gr 33,10-11), ngôn sứ Giêrêmia đã loan báo những ngày Thiên Chúa Giavê cho nẩy chồi công chính và hạnh phúc trong nhà Đavít: “Giuđa sẽ được độ trì và Giêrusalem sẽ hưởng cảnh an cư” (Gr 33,16).
   Tin Mừng  Luca thì cảnh báo “ sẽ có điềm lạ nơi mặt trời, mặt trăng và các tinh tú. Dưới đất, các dân hồi hộp vì biển gầm sóng vỗ. Người ta mất vía vì sợ..” (Lc 21, 25-26), và nhắc bảo cảnh giác đề phòng, kẻo lòng các ngươi ra nặng nề bởi chè chén say sưa, bởi những lo lắng sự đời.. Nhưng hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Lc 21, 34.36).
     Qủa thực, những năm gần đây, ít nhiều chúng ta đã chứng kiến hoặc nghe kể thảm cảnh sóng thần  trong vài phút đã cuốn trôi cả một thành phố gần biển, và  hàng vạn dân cư. Thiên tai đủ loại, đủ cỡ xẩy ra liên tục khắp nơi trên thế giới làm nhiều người nghĩ đến ngày tận thế. Chẳng thế mà cứ lâu lâu lại nghe đồn đãi ngày ấy, tháng ấy, năm ấy đêm tối sẽ bao phủ địa cầu, không ai  thấy ai, nên cả làng, cả nước đổ xô mua nến phòng hờ ngày tăm tối. Cũng có nhiều nhóm tự nhận mình được “mặc khải riêng” trong giấc mơ, hay “thị kiến” về ngày giờ tận thế, nên gõ cửa từng nhà cảnh báo, dặn dò những gì phải làm trong ngày cuối cùng của loài người.  Thậm chí cả những  “bậc đạo đức” tự cho mình thông hiểu Kinh Thánh cũng với bộ dạng trầm trọng “bỏ nhỏ” vào tai người thân quen “ngày giờ tận thế”.
   Nhưng rồi thế giới vẫn chưa tận số, loài người vẫn sống, chỉ khổ thần những con người nhẹ dạ, cả tin đã căng thẳng chuẩn bị ngày tận thế, để phải thẹn thùng với bà con làng nước về “mặc khải dổm”, “lời tiên tri ấu trĩ, ngờ nghệch”, và những “chuẩn bị lố bịch đến nực cười” của mình khi ngày tận thế không xẩy ra.
   Là người  Kitô hữu, chúng ta không được mời gọi tiên đoán ngày tận thế, vì ngày đó thuộc quyền Thiên Chúa; chúng ta cũng không có bổn phận loan báo ngày tận thế cho anh em mình, với dáng vẻ của người “thất kinh bát đảo”, lo lắng, sợ hãi, thất vọng; chúng ta càng không được phép lấy cảnh hãi hùng của tận thế phần lớn do óc tưởng tượng để doạ nạt, trấn áp, ép buộc  anh em mình đi đạo. Trái lại, trước những thiên tai, những bất thường trong thiên nhiên, chúng ta được mời gọi nhận ra dấu chỉ và sứ điệp của Chúa nhắn gửi:

1. Nước Thiên Chúa đã đến gần, và chúng ta phải chuẩn bị để đón nhận Nước Thiên Chúa.
  Thánh Phaolô kêu gọi cộng đoàn Thessalônica hãy thực hiện việc đón nhận Nước Thiên Chúa bằng sống huynh đệ trong cộng đoàn, đồng thời lan tỏa lòng bác ái đến với mọi người, ở ngoài cộng đoàn.

2. Đường lối của Thiên Chúa là Tình Yêu và Sự Thật:
     Một điều chúng ta thường hay quên, đó là ý nghĩ của Thiên Chúa không phải ý nghĩ của ta, và đường lối của Thiên Chúa không phải đường lối của ta (x. Is 55, 8-9). Thánh Phaolô còn nhấn mạnh: “Ôi, thẳm sâu thay sự giầu có, khôn ngoan, thượng trí của Thiên Chúa ! Những phán quyết của Người vô phương dò thấu, đường lối của Người không thể dõi theo! ” (Rm 11, 33). Vì thế, chúng ta không thể sắp xếp chương trình cho Thiên Chúa, lập trình sẵn đường lối  hay làm cố vấn cho Ngài. Chúng ta chỉ có thể đón nhận thánh ý Ngài được mặc khải qua Đức Giêsu, con yêu dấu của Ngài đã làm người và ở giữa chúng ta. Ngài ở giữa để chia sẻ phận làm người và để nói với chúng ta bằng ngôn ngữ loài người về Thiên Chúa, về đời sống và vận mệnh tương lai của con người; Ngài còn ở giữa, ở với , sống, chết, và phục sinh để cứu độ mọi người. Chính Ngài đã cho chúng ta biết đường lối của Thiên Chúa là Tình Yêu và Sự Thật. Trên đường lối này, Thiên Chúa muốn chúng ta bước đi theo Ngài.
     Ở đây, chúng ta cần lưu ý: Sự Thật ở Thiên Chúa luôn sánh vai với Tình Yêu để sự thật, dù là sự thật đáng ghét, đáng nguyền rủa, trần trụi, trơ trẽn thế nào đi nữa, cũng vẫn là sự thật được Thiên Chúá biến đổi thành giá cứu độ, vì có Tình Yêu bao che, bảo bọc, bênh đỡ, tẩy rửa. Có thể sự thật của con người trong tay con người sẽ bị té tát, khai thác, lột trần trắng trợn, để lên án, trừng phạt, nhưng sự thật của con người trong tay Thiên Chúa lại được Thiên Chúa cất giấu trong Tình Yêu, gìn giữ trong Tình Yêu, bảo vệ trong Tình Yêu, thăng hoa trong Tình Yêu bằng thánh hoá trong Tình Yêu. Vì thế nên, trong Thiên Chúa,  không sư thật nào, dù bẽ bàng, xấu xa đến đâu của tôi, của anh chị lại có thể bị Thiên Chúa xử dụng để lên án, thanh trừng, loại bỏ.   
    Khi nhắc bảo chúng ta: trong những ngày thử thách, “Hãy tỉnh thức ”, Đức Giêsu biết rõ: ta chỉ có thể tỉnh thức trong Sự Thật, vì dối trá sẽ làm u mê tim óc , gian manh sẽ làm tối tăm đôi mắt tâm hồn, chỉ  Sự Thật mới giải phóng ta khỏi sai trái, lầm lạc và cho ta tỉnh thức khi Chúa đến. Bên cạnh là Tình Yêu, như bệ chắc chắn cho  ta đứng vững trước mặt Con Người, bởi chỉ Tình Yêu mới là công trạng có giá trị trước mặt Chúa Cha;  chỉ Tình Yêu mới có sức hấp dẫn trái tim Thiên Chúa là Tình Yêu; chỉ Tình yêu mới là tiêu chuẩn chọn lọc người lành, kẻ dữ trước Nhan Thánh, trong ngày chung thẩm; chỉ Tình Yêu mới làm Thiên Chúa nhớ đến ta ,và chỉ Tình Yêu mới là dấu chỉ, huy hiệu ta thuộc về gia đình Thiên Chúa.
   Vâng, Mùa Vọng khởi đầu bằng lời nhắc nhở: “ Đường lối của Thiên Chúa  không phải đường lối của loài người ”, để chúng ta bỏ đi thói quen  vẽ đường cho Chúa đi, ép Chúa làm những gì ta ưa thích, và trách móc Chúa khi lời cầu xin của ta không được toại nguyện, để thay vào đó lòng vâng phục đường lối của Thiên Chúa , bởi tự nó đã là hạnh phúc mang lại ơn cứu độ cho chúng ta.
     Hành trình Mùa Vọng cũng bắt đầu bằng khởi điểm Sự Thật và Tình Yêu. Không bắt đầu bằng khởi điểm này, chúng ta không thể gặp được Thiên Chúa, dù Ngài đang ở giữa chúng ta, bởi một lý do rất đơn giản : Chính Thiên Chúa là Sư Thật và là Tình Yêu, nên ở ngoài Sự Thật, và Tình Yêu, chúng ta không có Thiên Chúa đồng hành trong cuộc đời.
     Có Chúa là Sự Thật và Tình Yêu, chúng ta sẽ chẳng phải lo lắng trước bất cứ xáo trộn, tai hoạ nào, vì mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh vui, buồn, thành công, thất bại, chúng ta luôn được tỉnh thức với Chúa và đứng vững trước tôn nhan Ngài.
Jorathe Nắng Tím

SỨ ĐIỆP MÙA VỌNG

      Đã bao nhiêu Mùa Vọng đi qua, nhưng qủa thực, tôi chưa biết đích xác sứ điệp nào là sứ điệp Mùa Vọng Chúa gửi đến cho tôi. Vì bận kiếm sống cũng có, mà vì lười biếng, buông thả cũng có, Mùa Vọng với tôi đã chỉ đơn thuần là muà chuẩn bị một lễ Giáng Sinh hoành tráng, có đèn sao khắp nơi, có hang đá khổng lồ cuối nhà thờ, có lễ đêm và bữa ăn thịnh sọan sau lễ. Ngoài ra, không có gì hết, nếu có thì chỉ là ý niệm  sơ sài Chúa xuống thế làm người và tâm tình biết ơn Thiên Chúa rất mong manh, hời hợt.  Mùa Vọng năm nay, khi tuổi đời đã sang bên kia triền đồi, đang hồi xuống dốc, tôi mới giật  mình tiếc nuối bao nhiêu Mùa Vọng đã vô nghiã vụt trôi.
   Nhờ tiếc nuối, tôi mới nhận ra : Mùa Vọng là mùa đem lại niềm Hy Vọng cho chính tôi, trước khi là Mùa Hy Vọng của toàn thể nhân loại.
   Đem lại niềm hy vọng cho chính tôi, khi Lời Hứa Đấng Cứu Thế sẽ đến để  "đem Tin Mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ tù đầy, cho người đui mù được thấy, cho kẻ áp bức được giải oan ; và mọi người được loan báo năm hồng ân của Thiên Chúa" (Lc 4, 18-19).
    Sở dĩ là niềm hy vọng của tôi, bởi như mọi thân phận làm người, tôi đã không thể thoát khỏi những vết thương do người khác gây ra. Người khác ấy có thể là người ghen ghét, kèn cựa, kiếm chuyện vu oan, giáng hoạ cho tôi cách vô cớ ; có thể là đối phương trong tình cảm, việc làm ; có thể là những người tôi yêu thương đã dầy công giúp đỡ nhưng quay mặt làm ngơ, phản bội ; có thể là người nhà, thân quen không hiểu hay không muốn hiểu tôi vì một lợi ích riêng tư hay tính toàn cỏn con nào đó. Nhưng tất cả đã ít nhiều, xa gần, trực tiếp hay gián tiếp làm khổ tôi. Họ có thể đã ruồng bỏ, xua đuổi tôi, khi nói : "chúng tôi không muốn có anh", và đẩy tôi rơi vào tình cảnh tâm lý trốn chạy mọi người, vì mặc cảm sợ hãi, dư thừa, làm phiền người khác ; họ có thể đã dửng dưng, lạnh lùng, bỏ rơi tôi khi nói : "chúng tôi không thể giữ anh với chúng tôi", và tôi rơi sâu xuống vực thẳm mặc cảm vô dụng, bất tài vô tướng, không còn dám tự mình quyết định bất cứ một việc gì ; họ có thể đã mạ lỵ, xỉ nhục tôi, khi vu khống đủ điều thật phi lý, nhưng đầy độc ác, để tôi biến thành một người luôn tự hổ thẹn vì mặc cảm có tội, và chỉ còn  thú vui khi tự làm mình đau khổ hay làm người khác khổ đau ; họ có thể đã phản bội, phản phúc, để tôi trở thành người không còn dám tin ai, không chia sẻ được với người nào, nhưng thành kiến, ngờ vực, đề phòng mọi người ; họ có thể đã nghiền nát tôi bằng rất nhiều ngôn từ, việc làm bất công, đến nỗi tôi trở thành vô cảm, cứng cỏi, lạnh lùng, không còn biết chạnh lòng, cảm thương bất cứ ai.
      Và chỉ với năm vết thương sâu hoắm trên thân xác cuộc đời vừa kể đã đủ làm cuộc sống tinh thần của tôi hầu như mất phương hướng, đúng hơn là làm tôi tha hoá toàn phần.
      Nhưng đó mới chỉ là tương quan giữa tôi với người khác, giữa "cái tôi" với những "cái tôi khác" chung quanh. Kinh nghiệm cho thấy những tương quan này theo thời gian ngày càng chằng chịt đan quyện, ngóc ngách, rối rắm đến nhiêu khê, không gỡ được đưa đến tình trạng đánh mất chính mình, mà nhiều khi mình cũng không hề hay biết.
    Bên cạnh tương quan với tha nhân, chính tôi cũng là nguyên nhân của vô vàn phức tạp, dẫn đến chung một hậu qủa vong thân, xa lạ với chính mình.
    Bắt đầu bằng lòng ganh tỵ. Nó dầy vò, đay nghiến, cắn rứt  khi tôi thua người khác, kém cỏi hơn người chung quanh. Không mấy đêm ngủ ngon, không mấy ngày được hạnh phúc, bình an cũng chỉ vì hỏa lực của lòng ghen tương, ganh tỵ. Rồi chính tôi cũng không mấy khi hài lòng với chính mình, khi mơ ước cao xa, mà khả năng thấp kém, khi muốn rất nhiều mà năng lực chẳng bao nhiêu. Tính kiêu căng, háo danh, háo thắng, háo lợi đẩy tôi lên tận tuyệt đỉnh của tham vọng, và quên khuấy giới hạn của thân phận người bị đóng khung trong không gian, thời gian, và nhiều định chế khác, để rồi khi rớt xuống vực thẳm của thực tế, mới ngỡ ngàng, bất mãn, thất vọng, hận mình, hận người, hận Trời.
   Không hài lòng với chính mình, khi không chấp nhận giới hạn của mình, tôi trở thành người lạ ngay trong nhà mình, vì không nhận ra mình ngay trong ý thức của mình. Một thảm cảnh thật đáng thương được liệt vào thảm thương hạng nhất của con người!
    Vì thế, Mùa Vọng đến, trước hết cho tôi niềm hy vọng tìm gặp lại chính mình. Gặp lại chính mình là niềm hy vọng lớn nhất cho tôi tìm lại những niềm hy vọng khác cũng to lớn không kém : hy vọng ở người khác, hy vọng ở cuộc đời.
     Sở dĩ, tôi hy vọng được ở tôi, vì Lời Hứa của Đấng Cứu Thế sẽ giải phóng tôi khỏi các thứ ngục tù tinh thần cũng như thể xác. Người khác sẽ không còn là hoả ngục, cai tù, lý hình, đao phủ khống chế, đe dọa, truy đuổi, tiêu diệt tôi. Tha nhân sẽ không còn quyền sinh sát trên tôi, và tôi sẽ không còn sợ ai, bởi Lời Hứa của Thiên Chúa đảm bảo cho tôi ơn giải phóng : "Người đến để ban bố ân xá cho kẻ bị tù đầy" (Lc 4,18). Sẽ không chỉ những kẻ bị tù đầy trong nhà giam, trại cải tạo được làm bằng gạch đá, nhưng còn là những nhà tù, trại giam tinh thần, không tường cao, rào kín do lòng ganh ghét, hận thù, tham vọng bất chính của người chung quanh. Sẽ không chỉ có tù nhân chính trị, hình sự bằng xương bằng thịt, nhưng còn là những người tù tuy có xương  thịt, nhưng cùm gông, xiềng xích thì vô hình, và vô cùng rùng rợn, đau đớn.
    Mùa Vọng đến cho tôi niềm hy vọng được Lời Hứa của Đấng Cứu Thế giải oan những vu khống bất công thiên hạ từ bấy lâu đổ vấy : "Người giải oan cho kẻ bị áp bức" (Lc 4,18). Giải oan cho kẻ bị áp bức là trả lại cho họ niềm hy vọng căn bản của người công chính, bởi không ai có thể bình an, hạnh phúc trong mặc cảm là người bất chính, mà mục đích của tất cả việc làm hàm oan, vu khống, mạ lỵ người khác đều là biến họ thành người bất chính, để phải chịu hình phạt dành cho người bất chính. Đấng Cứu Thế thấu hiểu nỗi thất vọng của người bị hàm oan, nên sứ điệp Tin Mừng của Ngài đã không bỏ quên họ, nhưng tìm giải oan, trả lại cho họ danh dự người công chính .
       Mùa Vọng còn cho tôi ánh sáng hy vọng khi Lời Hứa của Đấng Cứu Thế  "cho người đui mù được thấy" (Lc 4,18). Người mù được thấy chính là tôi. Vì mù nên mới thất vọng khi không thực hiện được những ước vọng vượt qúa tầm tay ; vì đui nên mới tuyệt vọng khi những công trình vĩ đại cứ theo nhau đổ vỡ, thất bại, chỉ vì khả năng non nớt, yếu kém ; vì khiếm thị nên mới lạc lối về trong những thiếu sót, khiếm khuyết như bệnh tật, cuộc sống kém may mắn của mình,  nên khi ánh sáng của Đấng Cứu Thế mở mắt cho thấy giới hạn đích thực của con người, tôi mới hoàn hồn biết mình được cứu sống, nhờ nắm bắt sự thật của chính mình được mặc khải bởi Thiên Chúa qua Lời Hứa ban niềm Hy Vọng của Ngài.  
    Khi "mở mắt cho người mù được thấy", Lời Hứa của Đấng Cứu Thế cũng cho tôi  thấy giới hạn của người khác,  giới hạn của họ cũng « có hạn » như giới hạn của tôi. Và vì biết họ có giới hạn như tôi, nên tôi không nỡ trách móc, hận thù, trả đũa những bất công, bất chính, bất nhân, bất nghiã họ đã gây cho tôi, nhưng bao dung, quảng đại hơn, vì họ đã nhìn sai, hiểu lầm, phán đoán linh tinh, hành động bừa bãi cũng chỉ vì không biết mình có giới hạn, cũng như tôi cứ tưởng mình vô hạn, toàn năng.
   Mùa Vọng như thế không những đã mang đến sứ điệp hy vọng giải thoát tôi khỏi mọi gông cùm của mặc cảm tinh thần, khổ đau thân xác do giới hạn của mình và của người khác gây ra, mà còn cho tất cả chúng tôi nhận ra mình là những người nghèo trước mặt Thiên Chúa và nghèo đối với anh em mình. Sứ điệp Mùa Vọng cho chúng tôi biết mình nghèo nhiều mặt, nghèo nhiều nỗi, vì nghèo không chỉ là nghèo tiền bạc, mà còn nghèo kiến thức, nghèo đạo đức, nghèo tâm hồn, nghèo tình nghiã, nghèo niềm tin, nghèo hy vọng, nghèo con người, nghèo Thiên Chúa… Và Lời Hứa của Đấng Cứu Thế đã cho chúng tôi, những người nghèo của Ngài được hạnh phúc đón nhận Tin Mừng (Lc 4,18).
   Và còn hơn người nghèo, chúng tôi còn là những người mắc nợ Thiên Chúa và anh em mình, nên Lời Hứa của Đấng Cứu Thế cũng sẽ ban cho những người còn mắc nợ  năm hồng ân, xóa nợ (Lc 4,19)   
     Mùa Vọng về mang về cho tôi niềm Hy Vọng từ Lời Hứa của Đấng Cứu Thế. Lời hứa giải phóng kẻ tù đầy, cho người đui mù được thấy, cho kẻ bị áp bức được giải oan, người nghèo được loan báo Tin Mừng và ban năm hồng ân, xóa nợ cho người mắc nợ. Sứ điệp ấy bấy lâu Thiên Chúa gửi đến tôi qua Mùa Vọng, nhưng tôi nào có hay. Chính vì thờ ơ, vô tình trước sứ điệp Lời Hứa Hy Vọng của Đấng Cứu Thế, mà đời tôi bấy lâu ảm đạm, u sầu vì thất vọng với chính mình, thất vọng với người chung quanh. Cũng chính vì không nhận ra sứ điệp Mùa Vọng với Lời Hứa Đấng Cứu Thế đến để giải phóng, cứu độ, chữa lành, mà tôi hao mòn niềm vui sống với  phận người có giới hạn của mình ; cạn kiệt hạnh phúc, bình an với người chung quanh vì những thị phi, mâu thuẫn vô bổ, vô nghiã.
    Mùa Vọng năm nay với sứ điệp Hy Vọng của Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa làm người, tôi thấy mình tràn trề niềm vui được giải phóng khỏi gánh nặng của mặc cảm, xiềng xích của hận thù để nhận ra mình là  người con được Thiên Chúa yêu thương và mời gọi đi theo Ngài ; tôi cũng thấy mình có chỗ đứng và trách nhiệm trên hành trình cùng đi với mọi người, với tấm lòng bao dung, cảm thương những thiếu sót, giới hạn của anh em mình, khi biết tất cả đều được Thiên Chúa dẫn vào Mùa của Hy Vọng, mùa của Hồng Ân khi nhân loại được Thiên Chúa đến cắm lều ở cùng, yêu thương, và hiến mạng sống để cứu độ.
Jorathe Năng Tím   

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

Thánh Giá và Lòng Thương Xót


   Một hiện tượng không thể chối cãi trong Giáo Hội là khi xuất hiện một phong trào đạo đức mới, thì lập tức phát sinh một làn sóng nghi ngờ, tẩy chay, chống đối, như trường hợp các phong trào Thánh Linh, Cursillos, Học Hỏi Kinh Thánh một thời, ở những năm đầu mới hoạt động đã bị búa rìu dư luận chặt chém nặng nề : phong trào Thánh Linh và học hỏi Kinh Thánh thì bị chụp mũ theo Tin Lành, thành viên của phong trào Cursillos thì bị xếp vào hàng Pharisêu lập dị, muốn qua mặt hàng giáo sĩ...Hiện nay thì phong trào Lòng Chúa Thương Xót cũng ít nhiều, và ở một số địa phương bị liệt vào sổ đen những phần tử giữ đạo qúa khích, ngoài luồng, khước từ thánh giá, xa dần giáo lý đức tin. Nhưng sự thật có phải như vậy không?  
     Sự thật sẽ không phải như vậy, nếu những phong trào đạo đức trên không ra ngoài Tin Mừng, không đi ngược giáo lý, không chống quyền giáo huấn, không phục vụ tổ chức nào, ngoài Hội Thánh. Sự thật không phải như vậy, khi từ danh xưng, đến công việc của phong trào đều là những điều đã được khẳng định trong Tin Mừng. Sự thật không phải như vậy, nếu hoa trái của phong trào là Bình An của Đức Giêsu phục sinh trong các tâm hồn, gia đình, cộng đoàn.Sự thật không phải như vậy, khi thành viên của phong trào nhận được “hoa qủa của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền lành, tiết độ” (Gl 5,22-23). Và sẽ không bao giờ là sự thật được, nếu thành viên các phong trào bị dư luận hay bất cứ đám đông nào ném đá sống Đức Ái và bám gót Đức Giêsu trên hành trình Thánh Giá.
  Trước hết, chúng ta cần biết: Thiên Chúa chúng ta tôn thờ trong Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa của Lòng Thương Xót, Thiên Chúa mà tông đồ trưởng Phêrô đã đại diện anh em tuyên xưng : “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Danh hiệu Kitô là tên của Đức Giêsu, nghiã là Đấng Cứu Thế: Thiên Chúa làm người để cứu thế giới loài người khỏi chết đời đời. Ngài  là Đấng Cứu Độ nhân loại.
   Là Thiên Chúa của lòng thương xót, Đức Giêsu Kitô đã thương xót loài người đến cùng, dù loài người có vô tình, vô ơn, bạc nghiã đến đâu, bởi bản tính của Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót, nên không thể làm gì khác hơn ngoài thương xót. Đây là chân lý rất quan trọng mà người Kitô hữu không thể bỏ qua, bởi nếu bỏ qua, chúng ta sẽ không thể hiểu, càng không thể chấp nhận việc làm vô cùng xót thương và thái độ nhẫn nại chịu đựng con người của Thiên Chúa, như người con trai lớn đã bất mãn trước thái độ nhân từ của cha mình dành cho người em hoang đàng trở về sau khi đã tiêu tán gia tài được chia trong dụ ngôn đứa con hoang đàng của Tin Mừng Luca (15, 11-32).     
   
Là Thiên Chúa của Lòng Thương Xót, Đức Giêsu đã không dậy điều gì ngoài lòng thương xót: với Hiến Chương Nước Trời, là hiến chương dành cho những người có lòng thương xót, Ngài dậy phải có lòng thương xót để được Thiên Chúa xót thương (Mt 5,7); trong Kinh Lậy Cha, Ngài dậy phải biết xót thương hết mọi người, kể cả kẻ thù khi tha thứ để được Thiên Chúa thứ tha (Mt 6,12); và rõ ràng hơn cả là ngày chung thẩm trước nhan thánh Thiên Chúa, mọi người đều sẽ phải trả lời về lòng thương xót của mình đã được thực hiện khi còn sống, và chỉ trên tiêu chuẩn Thương Xót này, Thiên Chúa thưởng phạt chúng ta (Mt 25,31-46).
    Là Thiên Chúa của lòng thương xót, Đức Giêsu đã không làm gì khác hơn là thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người. Ngài đã chữa lành các bệnh tật vì lòng thương xót, đã cho người chết sống lại vì xót thương, đã giải phóng người bị qủy ám vì chạnh lòng thương, đã gần gũi, chia sẽ, đồng bàn với người tội lỗi cũng vì thương xót thân phận của họ. Và đi xa hơn, nghiã là đi đến cùng của lòng thương xót, Đức Giêsu đã chấp nhận chịu khổ hình, chịu chết treo trên thánh giá để chuộc tội cho toàn thể nhân loại.
    Như thế, chúng ta không thể coi thường lòng thương xót nơi Thiên Chúa, không thể đánh giá thấp cuộc đời ngập tràn lòng thương xót của Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, không thể xem lòng thương xót chỉ là chuyện bịa đặt trong Tin Mừng, và nhìn lòng thương xót như chiếc bánh vẽ để dụ dỗ, mồi chài. Có thể đôi lúc chúng ta nghi ngại rằng chính chúng ta hay người khác đã lợi dụng lòng Chúa thương xót  để tha hồ ăn chơi xả láng, thoả thích phạm tội, vì có lòng thương xót bảo kê, chống lưng. Cũng có thể nhiều khi chúng ta thấy có người lạm dụng lòng thương xót mà cắt nghiã sai lệch các giới răn của Chúa và luật của Giáo Hội. Nhưng  dù thế nào và trong mọi trường hợp, chúng ta vẫn không thể phủ nhận Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa mà Đức Giêsu là dung mạo đích thực là Thiên Chúa của lòng thương xót. Thương xót là căn tính của Ngài, bởi nếu Thiên Chúa không thương xót vô cùng, Ngài đã không xuống thế làm người, không chịu chết, không cứu độ; nếu Thiên Chúa không thương xót đến cùng, con người không thể lấy lại được ân huệ làm con Thiên Chúa, và sự sống đời đời cho con người  là điều không thể có. Lòng thương xót đã làm tất cả, cứu chữa tất cả để không một người nào sẽ phải hư đi, không ai sẽ bị tội lỗi khống chế và ma qủy tận diệt, bởi “ở đâu tội lỗi càng nhiều thì ân sủng càng dồi dào, chứa chan gấp bội” (Rm 5,20), bởi lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người thì vô cùng, vô hạn, vô biên.vượt sức tưởng tượng của con người.
    Trước lòng thương xót, có nhiều thái độ khác nhau: người thụ động nghĩ lòng thương xót của Chúa  tự động, tự nhiên, nghiã là ta không phải làm gì, không cần cộng tác, góp phần, chẳng phải vất vả, lao nhọc cũng vẫn được hưởng miễn phí lòng thương xót của Chúa;  người lười biếng thì nghĩ  có làm gì cũng chẳng đáng kể, và vẫn là ít oi trước bao la của lòng thương xót, nên ươn ái thả trôi cuộc sống như  những cánh lục bình hững hờ trôi giạt; có người lại nghĩ chỉ cần tin ở lòng thương xót là đủ để được cứu rỗi, mà không cần tuân giữ một điều khoản nào khác; số còn lại thì phó mặc hết cho lòng thương xót như người nhận được một nén bạc đã đem chôn đi, mà không tìm cách sinh lợi.
   Sở dĩ có những thái độ trên là vì người ta đã không hiểu thấu đáo lòng thương xót của Chúa, cũng như điều kiện phải có để nhận được lòng xót  thương.

1.   Lòng thương xót luôn gắn liền với  đau khổ:
    Thương xót ai là mang lấy khổ đau, bất hạnh, cơ cùng của người ấy trong tim; là vui với họ khi họ mừng vui và khổ với họ khi họ sầu buồn. Lòng thương xót luôn mang hình ảnh con chiên gánh hết tội lỗi, yếu đuối của người mình thương, nên không có tâm hồn thương xót nào lại không khổ đau; không trái tim thương xót nào lại không biết đắng đót; không con người biết thương xót nào mà mình mẩy không bầm tím thương tích; không cuộc đời thương xót nào lại không “xất bất xang bang”, đủ mùi tân khổ; không lòng dạ thương xót nào lại không  thắt dạ nát lòng, bởi không có lòng thương xót ở ngoài qũy đạo “quên mình”, lọt vùng phủ sóng “hy sinh”, không cùng tần số, cung bậc của “Thánh Giá”.
    Chính vì lòng thương xót luôn gắn liền với khổ đau, mà người ta không thể thương xót ai mà lại hờ hững, dửng dưng trước tâm sự sầu buồn, hoàn cảnh đáng thương và số phận hẩm hiu, kém may mắn của người ấy. Kinh nghiệm còn cho thấy yêu ai là chuốc lấy gánh nặng cuộc đời của người mình yêu, là vác trên vai tất cả nhọc nhằn, vất vả, cơ cực của người ấy, nếu không  tình yêu sẽ không mang một giá trị nào.
      Tình yêu gắn liền đau khổ, vì đau khổ còn là biểu chứng hùng hồn, dấu ấn khó nhạt phai  của tình yêu. Nếu yêu nhau mà không phải hy sinh gì cho nhau, yêu nhau mà không mất mát gì vì nhau, yêu nhau mà không cần phải vượt qua thử thách để có nhau, yêu nhau mà không phải bận tâm, nặng lòng, lo lắng chăm sóc nhau, yêu nhau mà không đòi tận tâm, tận lực gìn giữ và phát triển tình yêu của nhau, thì tình yêu dành cho nhau sẽ không có giá trị, và hoàn toàn không tưởng, hão huyền, nếu không muốn nói là vu vơ, giả dối.
    Đức Gỉêsu cũng chân nhận tình yêu gắn liền đau khổ, khi Ngài khẳng định : “Không có tình yêu nào lớn lao, cao qúy, trọng đại bằng chết cho người mình yêu”. Ngài nói đến tuyệt đỉnh của tình yêu dành cho nhau là chết cho nhau, tột điểm của lòng thương xót là hiến mạng vì nhau, tuyệt vời của  đức ái là trao ban chính mạng sống cho người khác. Và đó là điểm đến của tình yêu Ngài dành cho nhân loại: chết cho con người mà Ngài thương xòt.
    Như thế, tình yêu được đánh giá theo mức độ của đau khổ: càng yêu nhiều càng hy sinh nhiều, càng thương xót nhiều, càng khổ đau nhiều và đau khổ lớn nhất, hy sinh kinh khủng, hãi hùng nhất đối với con người là chết, bởi đối với con người, sự sống là giá trị lớn nhất so với các giá trị trần thế khác.
    Tóm lại, không có tình yêu không đau khổ, không có lòng thương xót vắng bóng hy sinh, nên khi yêu ai, ta không còn ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình, sống vì mình, nhưng bắt đầu quên mình, tập quen cho đi chính mình, sẵn sàng hiến đời sống mình cho người mình yêu để làm chứng tình yêu và nuôi sống tình yêu, bởi tình yêu chỉ được nuôi  bằng hy sinh quên mình để mưu cầu hạnh phúc cho người mình yêu. Cũng vậy, khi chạnh lòntg thương xót và nỗ lực thực hiện lòng thương xót, không ai đã tránh khỏi những khổ đau gắn liền, những hiểu lầm, thị phi kèm theo, những đối kháng vô cớ, những cú đá giò lái, cũng như những  cơn mưa đá do lòng ganh tị. Những kinh nghiệm đó cho chúng ta xác tín hơn lòng thương xót luôn gắn liền với thiệt thòi, hy sinh, đau khổ.
2.   Lòng thương xót luôn gắn chặt với Thánh Giá:
     Đức Giêsu không chỉ khẳng định: “Không có tình yêu nào trọng đại cho bằng chết cho người mình yêu” (Ga 15,13), mà còn qủa quyết: “Ai muốn theo tôi, hãy vác thánh giá” (Mc 8,34). Thánh giá không chỉ là cao điểm của lòng thương xót, ở đó, tình yêu tuyệt đỉnh là chết cho người mình yêu được thể hiện, minh chứng. Mà còn là phương cách Thiên Chúa dùng để thực hiện lòng thương xót của Ngài đối với con người, như chúng ta vẫn tuyên xưng : “Chúng con thờ lậy và ngợi khen Chúa Kitô, vì Chúa đã dùng thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ”,  khi đi chặng đàng Thánh Giá.   
     Dùng Thánh Giá để cứu chuộc, là dùng đau khổ để tỏ lòng thương xót, dùng hy sinh quên mình, hiến trao mạng sống để thực hiện tình yêu đến cùng, vô cùng. Thánh giá nói lên chân lý: lòng thương xót không thể xa rời Thánh Giá, cũng như tình yêu gắn liền khổ đau, và người có lòng thương xót là người vác Thánh Giá đi theo Đức Giêsu.
     Vác Thánh Giá đi theo Đức Giêsu là đòi hỏi dành cho người muốn đi theo Thiên Chúa của lòng thương xót, bởi nếu không có lòng thương xót, không vì lòng thương xót, thì Thánh Giá hoàn toàn vô nghiã, và việc chấp nhận vác Thánh Giá phải được coi là ngu dại, điên rồ. Nhưng ở đây, chính Đức Giêsu là Thiên Chúa Cứu độ giầu lòng thương xót đã chọn Thánh Giá để bầy tỏ, minh chứng, thực hiện lòng thương xót của Ngài, nên không thể có lòng thương xót của Đức Giêsu mà thiếu Thánh Giá của Đức Giêsu, không thể có tình yêu của Thiên Chúa, mà xa lạ khổ đau của Thiên Chúa, không thể gắn bó với Đức Giêsu đầy lòng thương xót mà khước từ Thánh Giá là phương cách biểu hiện lòng thương xót của Ngài. Từ đó, người môn đệ đi theo Đức Giêsu là Thiên Chúa giầu lòng thương xót cũng phải vác Thánh Giá là phương cách thể hiện lòng thương xót; là tuyệt đỉnh của lòng thương xót  mà Thiên Chúa muốn người môn đệ phải sống. Vì thế, tách  lòng thương xót ra khỏi Thánh Giá chẳng khác nào tách Đức Giêsu, Thiên Chúa của lòng thương xót ra khỏi Thánh Giá, là bảo chứng Tình Yêu tuyệt vời Ngài đã chọn.
    Như thế, chúng ta có thể nói:  người môn đệ Đức Giêsu là người đi theo Đức Giêsu để sống lòng thương xót như Ngài là Thiên Chúa của Lòng Thương Xót, đồng thời vác Thánh Giá với Ngài, vì Thánh Giá là cách Ngài đã chọn để thực hiện lòng thương xót, và suốt cuộc đời, người môn đệ sẽ phải bước đi trên đường Thánh Giá với Đức Giêsu để được trở nên giống Ngài trong lòng thương xót, vì ngoài lòng thương xót và Thánh Giá, không còn con đường nào đến với Thiên Chúa, cũng như không còn cách nào để con người “được thấy” Thiên Chúa.
    Tin Mừng mô tả mẫu người được Đức Giêsu mời gọi. Họ là những người nghèo khó vì xót thương người khác, hiền lành để có thể xót thương anh em, sầu khổ vì mang nặng gánh buồn đau của người mình thương xót, Họ là những người khao khát và tranh đấu công lý, vì yêu thương tha nhân; bị thiệt hại đủ điều vì tìm kiếm và xây dựng hoà bình cho xã hội, và họ thực sự là những người được Thiên Chúa ban phần thưởng của lòng thương xót, vì họ đã hết lòng xót thương anh em mình (x. Mt 5,1-12).
     Đọc Hiến Chương Nước Trời trong Tin Mừng Mátthêu, ai có thể tưởng tượng rằng tất cả những người được coi là công dân của Nước Trời đều phải chấp nhận khổ đau, thua thiệt, kể cả “bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5,11), Nhưng tại sao họ phải chấp nhận sầu khổ, tủi nhục, bị xử tệ, hàm oan? Thưa vì họ sống lòng thương xót, như Thiên Chúa của lòng thương xót, khi chạnh lòng thương xót và nỗ lực thực hiện lòng thương xót đối với anh em mình. Cũng vì thực hiện lòng thương xót, mà họ gặp bao nhiêu phiền phức, phải liên tục quên mình, liên lỷ xóa mình, và suốt đời triền miên trên vai cây Thánh Giá.       
    Cuộc sống vác Thánh Giá để thể hiện lòng thương xót của người môn đệ Đức Giêsu còn được trỉnh bầy chi tiết trong quang cảnh ngày chung thẩm, khi Thiên Chúa chỉ hỏi con người về những việc làm của lòng thương xót (x. Mt 25, 31-46). Tất nhiên, để được đứng về bên phải của Thiên Chúa, và được Thiên Chúa chúc phúc : “Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dành sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,34-36). Nhưng tất cả những việc làm thương xót người khác, mà Thiên Chúa vừa kể đều không là những việc dễ, bởi tất cả đều đòi cố gắng, vất vả, hy sinh: phải cố gắng mới có thể vượt qua ích kỷ, ky bo để chia sẻ cơm bánh, áo quần; phải vất vả đấu tranh với chính mình và quên mình mới có thể bỏ thời gian, bỏ công việc làm ăn sinh lợi, có khi bỏ cả gia đình để âm thầm cất công đi thăm nuôi tù nhân, người bệnh, người già neo đơn, chị em cơ nhỡ, cô nhi thất học; phải phấn đấu đến đổ mồ hôi mới vươn đến được quyết định hy sinh tiết kiệm từng bữa ăn, từng chiếc áo mới và dầy mặt đi xin bạn bè, người thân từng thùng mì, từng tấm chăn, từng manh chiếu, từng vuông vải để đem lên buôn thượng, bản làng vùng cao nguyên cho anh em dân tộc nghèo đói. Những hy sinh, vất vả, cố gắng ấy không phải Thánh Giá sao? Và những người có lòng thương xót đang làm những công tác từ thiện, từ tâm ấy không lẽ bị xếp vào những người khước từ Thánh Giá?  
    Muà Vọng đến chuẩn bị ngày Thiên Chúa của Lòng Thương Xót xuống thế làm người. Thiên Chúa xuống thế làm người với lòng thương xót và để yêu vô cùng, và thương xót đến cùng, Thiên Chúa đã chọn Thánh Giá. Chỉ có Thánh Giá mới nói hết lòng thương xót vô bờ bến và tình yêu tuyệt đỉnh của Thiên Chúa  đối với con người có tội.
   Mùa Vọng vì thế mời gọi chúng ta suy nghĩ về sứ mệnh của người môn đệ Đức Giêsu, là sống lòng thương xót bằng con đường Thánh Giá  như  sứ vụ thứ nhất và quan trọng nhất phải được ưu tiên thực hiện. Thiếu lòng thương xót, chúng ta không thể là môn đệ của Đức Giêsu, vì Đức Giêsu là Dung Mạo đích thực của Chúa Cha giầu lòng thương xót. Đàng khác, đi theo Đức Giêsu là chọn sống lòng thương xót của Thiên Chúa thánh thiện, vì Ngài là Thiên Chúa của lòng xót thương; bởi lẽ, có những tôn giáo trọng lề luật như Do Thái giáo; cặn kẽ, chi ly, bắt bẻ từng chữ của kinh Coran như Hồi giáo; luân hồi nhân qủa như Phật giáo nhưng chúng ta chọn Kitô giáo là tôn giáo duy nhất có Thiên Chúa làm người, gần gũi với con người, vì xót thương con người. Chúng ta có “một Thiên Chúa giầu lòng xót thương, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung”, mà các tôn giáo khác  không có. Thiên Chúa ấy không xót thương con người “từ xa”, không yêu thương  theo “kiểu remote”, nhưng xuống thế, ở cùng, ở với, chọn Thánh Giá ô nhục, khổ đau để thể hiện, minh chứng lòng thương xót tuyệt đỉnh, vô cùng, để không ai có thể yêu con người nhiều hơn Thiên Chúa, để không tình nào có thể so sánh với tình của Thiên Chúa, bởi không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu hiến mạng sống cho người mình yêu, không có tình xót thương nào vĩ đại hơn tình xót thương của Thánh Giá Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người. 
    Muà Vọng cũng là mùa lên đường của môn đệ Đức Giêsu để loan báo Tin Mừng Giáng Sinh, Tin Mừng của Lòng Thương Xót, cũng là Tin Mừng của Thánh Giá cứu độ, Thánh Giá mà Thiên Chúa đã chọn để tò lòng xót thương.
   Xin Đức Giêsu tràn đầy tâm hồn chúng ta lòng thương xót của Ngài, và nâng đỡ chúng ta trên đường Thánh Giá như Ngài đã hứa : “Hỡi những ai vất vả, khó nhọc, hãy đến với Ta, Ta sẽ bổ sức cho, vì ách Ta êm ái, gánh Ta nhẹ nhàng”. Với Thánh Giá, chúng ta bình an bước đi trên hành trình Lòng Thương Xót với Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, để  loan báo Thiên Chúa là “Đấng Cứu Độ giầu lòng xót thương đã dung Thánh Giá mà cứu chuộc nhân loại”.
     Jorathe Nắng Tím

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

Suy Niệm TIN MỪNG CN 34 TNB – LỄ CHÚA KITÔ VUA

  
Thật bẽ bàng, đắng đót khi quan tổng trấn Philatô hỏi Đức Giêsu đang đứng trước mặt ông trong tư thế bị cáo: “Ông có phải là vua dân Do Thái không ?” (Ga 18,33).  Bị chính đồng hương, đồng bào Do Thái giải giao cho quan tổng trấn như tội phạm, sao lại có thể là vua của dân mình? Và còn chua xót, ứ nghẹn hơn khi Philatô lạnh lùng xác nhận : “Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi” (Ga18, 35). Thực vậy, Đức Giêsu đã nhận “triều thiên và vương trượng” Vua trong hoàn cảnh nghiệt ngã của một tên tội phạm đang chờ lãnh án tử hình, giữa tiếng la hét điên cuồng, khát máu :  “đóng đinh nó vào thập giá !” của đám đông nhẹ dạ bị chăn giắt bởi các thượng tế ma mãnh, gian hùng, mưu lược.
      Vì quyết tâm giết chết Đức Giêsu qua tay chính quyền đế quốc Rôma, mà họ đã nộp Đức Giêsu cho quan Philatô. Ông này thấy Đức Giêsu vô tội, nên hỏi các thượng tế và đám đông đang gào thét đòi mạng : “Các ngươi tố cáo ông này về tội gì ?”.  Câu hỏi rất tự nhiên, vô tư đáng lẽ phải nhận được câu trả lời  khách quan, chính xác, nào ngờ, người ta đã lái xa trọng tâm của câu hỏi để ngụy biện một cách trơ trẽn, lố bịch, nhưng đầy độc ác : “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan” (Ga 18,30). Thế ra cứ tố cáo ai, là hẳn người ấy phải có tội ; cứ viết thư nặc danh, lên mạng vu khống ai, là người ấy trở thành tội nhân ; cứ trục cổ được người nào ra trước toà án nhân dân, tất người ấy phải là tội phạm. Câu trả lời của các thượng tế làm cho người nghe có cảm tưởng đúng, nhưng thực sự hoàn toàn phi lý vì chỉ là “trò chơi luận lý” lắt léo để buộc tội.
     Dã tâm giết chết Đức Giêsu của các thượng tế và đám đông qúa khích  còn bị lộ tẩy ngay trong câu trả lời của họ với quan Philatô : “Chúng tôi không có quyền xử tử ai” (Ga 18,31), khi ông bảo họ : “Các ông cứ đem ông ta đi mà xét xử theo luật của các người” (Ga 18,31). Bởi muốn Đức Giêsu phải chịu án tử hình, phải bị đóng đinh vào thập giá, chứ không chỉ đánh đòn hay tù giam ít tháng, mà các thượng tế đã lừa Philatô bằng tạo áp lực, xử dụng trò chơi chữ nghiã, nhất là đe dọa ông : “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xêda. Ai xưng mình là vua thì chống lại Xêda” (Ga 19,12). 
     Tuy hèn nhát không dám quyết định tha Đức Giêsu vì sợ sức mạnh của đám đông và để giữ an toàn chiếc ghế tổng trấn, Philatô vẫn tỏ lòng ngưỡng mộ Đức Giêsu và hỏi Ngài một vài câu hỏi xoay quanh câu chuyện vương quyền.
   Đáp lại câu hỏi của Philatô : Ông có phải là vua  dân Do Thái không ? Đức Giêsu đã vắn tắt cho quan tổng trấn biết về vương quyền của Ngài :

1.       Đức Giêsu xác nhận Ngài là Vua :
    Khi trả lời Philatô : “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi ?” (Ga 18,34), Đức Giêsu đã gián tiếp xác nhận Ngài là vua, nhưng không là vua dân Do Thái, và nước của Ngài không thuộc về thế gian này (x. Ga 18,36), như nhiều người đã mơ tưởng, gán ghép cho Ngài, vì khao khát được giải phóng khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, và tái lập nền độc lập. Cũng chính vì không đáp ứng ước vọng thuần chính trị, mà người Do Thái đã muốn giết chết Ngài, vì cho rằng Ngài đã lừa bịp họ, khi làm họ vỡ mộng.
    Họ vỡ mộng thật, khi họ mong Ngài là Đấng đến giải phóng dân tộc bằng bạo lực, thì Ngài lại rao giảng yêu thương, tha thứ, làm ơn và cầu nguyện cho kẻ thù ; vỡ mộng khi  muốn tôn Ngài làm chủ tịch phong trào phục quốc, giải phóng Israel, thì Ngài lại chủ trương nghèo khó, khiêm nhường, trong sạch,  đi tìm công lý và xây dựng hoà bình (Mt 5, 1-9) ; vỡ mộng khi muốn thần tượng Ngài là lãnh tụ đầy uy lực, thì Ngài lại khiêm tốn qùy xuống rửa chân cho môn đệ ; vỡ mộng khi muốn Ngài làm phép lạ cho quân ngoại bang Rôma tàn rụi, te tua, thì Ngài lại loan báo cuộc tử nạn của chính mình. Vì thế mà người ta phải khử Ngài, chỉ vì không còn chịu đựng nổi giáo lý và đường lối Cứu Thế  khiêm tốn, yêu thương, phục vụ, quên mình, hiến mình của Ngài, bởi hoàn toàn đi ngược điều họ mong đợi.  
  
2.  Đức Giêsu qủa quyết Ngài là Vua của vương quốc Sự Thật :
    Trả lời Philatô, Đức Giêsu nói : “Chính Ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật. Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37).
    Như thế, Nước của Đức Giêsu là nước gồm các chứng nhân, bởi Ngài đến làm Vua với duy nhất một mục đích là làm chứng cho sự thật, và người nghe tiếng Ngài, đi theo Ngài, thuộc về Ngài, là công dân của vương quốc Ngài trị vì, mang quốc tịch do Ngài cấp, tất cả đều phải đứng về sự thật. Đứng về sự thật là thao thức mong ước sự thật, khắc khoải muốn có sự thật, tận tụy tìm kiếm sự thật, một lòng yêu mến sự thật, hết mình sống sự thật, tận tình phục vụ sự thật, và can đảm làm chứng sự thật, dù phải hy sinh chính mạng sống.
    Thế ra vương quốc của Đức Giêsu không giống các vương quốc thế gian khác phải có cung điện, triều đình, bầy tôi, quân đội, dân chúng, lãnh thổ, ngân sách... Ngài làm Vua cũng không như các vua trần thế phải có đủ mọi vinh quang, quyền lực, lợi thú, ảnh hưởng. Vua như Đức Giêsu  qủa thực không giống ai, và vương quốc của Ngài thật kỳ lạ!

a. Đức Giêsu : Vua của Sự Thật về Thiên Chúa là Cha giầu lòng thương xót.
  Sự thật lớn nhất mà Đức Giêsu làm chứng khi đến thế gian chính là lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người : “Chúa Cha yêu chúng ta dường nào. Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (1Ga 3,1).
     Người Cha Thiên Chúa, vì yêu thương đã không nỡ đoán phạt con cái yếu đuối, “nhưng nếu ai phạm tội, thì đã có một Đấng Bảo trợ trước mặt Chúa Cha : đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” (1Ga 2,1) Thiên Chúa làm người. “Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1Ga 2,2).     
     Cùng với  Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con. “Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Sự thật toàn vẹn về Thiên Chúa là Cha nhân hậu như Tin Mừng Luca chương 15 đã mô tả :
  Người cha như người chăn chiên vui mừng vác lên vai con chiên bị lạc mất nay tìm thấy. Về đến nhà, ông mời bạn bè, hàng xóm lại ăn mừng (x. Lc 15,4-6) ; “và trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7).

b. Đức Giêsu : Vua của Sự Thật về con người được Thiên Chúa yêu thương, cứu độ :
   Ngoài Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người, không ai đã cho con người biết sự thật về Thiên Chúa : Thiên Chúa là ai, Ngài muốn gì nơi con người ? Cũng vậy, ngoài Đức Giêsu, không ai có thể nói hết sự thật về con người : tại sao con người hiện hữu, con người sống để làm gì, chết rồi đi đâu ?
   Chỉ một mình Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa, vừa là con người mới mặc khải cho chúng ta sự thật về cả Thiên Chúa và con người một cách chính xác, đích thực.
   Sự thật về con người, chính là con người được tạo dựng vì được Thiên Chúa yêu thương, để hạnh phúc ở đời này và đời sau khi ở trong Thiên Chúa, đồng thời  “sống với”, và chia sẻ với anh em đồng loại trong tình yêu.  Điều này có nghiã : chúng ta chỉ có hạnh phúc thật, khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân như chính mình (Mt 22,37-39), bởi ai yêu mến thì ở trong Thiên Chúa, và ai ở trong Thiên Chúa, người ấy có tất cả.
      Đàng khác, con người được hạnh phúc vì được Thiên Chúa chăm sóc, nâng niu, bởi vận mạng, sự sống, sự chết của con người đều được đặt trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa : “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào ? Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em trên trời. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đã đếm cả rồi.Vậy anh em đừng sợ, anh em còn qúy giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10,29-31).

c.  Đức Giêsu : Vua Sự Thật về cuộc sống đời sau của con người :
    Bí mật làm nhức nhối và làm con người lo sợ, hoang mang hơn tất cả, đó là những bí mật sau cái chết. Chết chấm dứt cuộc sống hôm nay, nhưng mơ hồ cho thấy có một cuộc sống khác, sau cuộc sống này. Chính vì mơ hồ linh cảm có một đời sau, nên con người lo lắng, sợ hãi trước ngưỡng cửa vào đời sau là cái chết, bởi điều làm người ta sợ nhất là rơi vào tình trạng chơi vơi, thấy mình cô đơn lạc lõng giữa một thế giới không thuộc về mình. Cảm giác chơi vơi làm sợ hãi: sợ vì không biết mình sẽ phải làm gì, đi về đâu, nương tựa vào ai, bám víu vào người nào?
     Đức Giêsu đã mặc khải sự thật về đời sau, về những gì sẽ xẩy đến :
-        “Chúng ta từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em”  (1Ga 3,14).
-        Thiên Chúa sẽ phán xét mỗi người về  lòng thương xót anh em :
   “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người bên phải rằng : “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dành sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”. Bấy giờ, những người công chính sẽ thưa rằng : “Lậy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống ; có bao giờ thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước ; hoặc trần truồng mà cho mặc ? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù mà đến hỏi han đâu ?” Đức Vua sẽ đáp lại rằng : “Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất   của Ta đây,  là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,34-40).
    Tóm lại, Đức Giêsu đã khẳng định trước mặt quan Philatô : Đích thực Ngài là Vua, nhưng không làm Vua kiểu thế gian, nhưng Vua của Sự Thật. Hiểu theo nghiã : Ngài là Vua tất cả mọi người yêu mến và đi tìm Chân Lý về Thiên Chúa, về Con Người, về vận mệnh tương lai của con người, nên bất kỳ ai đứng về  Chân Lý thì thuộc về Ngài, là công dân của Nước Ngài ; bất cứ người nào khao khát Sự Thật của Thiên Chúa, đấu tranh cho Sự Thật của con người, làm chứng cho Sự Thật của Vương Quốc Nước Trời đều nghe tiếng Ngài, vì chính Ngài là Sự Thật (Ga 14,6).
     Là Sự Thật, Đức Giêsu không là sự thật soi mói, tìm tòi để buộc tội, tống giam của công an chấp pháp ; sự thật “bới lông tìm vết” để trừng phạt, kết tội của chánh án ; sự thật đe doạ, thanh toán của xã hội đen ; sự thật như con ách chủ, lá bài tẩy để khống chế, đánh gục kẻ thù ; sự thật ganh ghét, bạo lực cốt tiêu diệt đối phương, nhưng là Sự Thật của lòng thương xót, Sự Thật được lòng thương xót bao bọc, Sự Thật  được lòng thương xót che chở, Sự Thật được bảo kê bởi Thiên Chúa là Tình Yêu xót thương.
     Là Vua của Sự Thật về Thiên Chúa giầu lòng thương xót ; Vua của Sự Thật về con người luôn được Thiên Chúa xót thương ; Vua của Sự Thật về một Vương Quốc đời sau gồm những người biết chạnh lòng xót thương và chia sẻ cơm bánh, áo quần, thời giờ, tiền bạc, điều kiện sống, và tình yêu thương, huynh đệ với anh em mình, Đức Giêsu thực là Vua muôn vua, Chúa các chúa, bởi vương quốc Sự Thật của Ngài bao trùm toàn thể địa cầu và thiên quốc, bao trùm cả đời này, đời sau, và tất cả mọi người bất phân sắc tộc, trình độ, hoàn cảnh, mọi nơi, mọi thời đều được kêu gọi lắng nghe tiếng nói Sự Thật của Ngài, được mời gọi quây quần chung quanh Ngài, đứng bên Ngài là Vua với duy nhất một điều kiện, một đòi hỏi là tin và sống lòng thương xót như Ngài là Thiên Chúa giầu lòng xót thương.
    Đó cũng là lý do Đức Giêsu đã không trả lời, khi Philatô gặng hỏi : “Sự thật là gì ?” (Ga 18,38), bởi người ta không thể đón nhận sự thật của lòng thương xót khi tâm hồn đầy gian dối, bất lương, bạo lực ; bởi không cách nào sự thật thương xót có thể được lắng nghe, khi những người Do Thái kia đang cuồng điên kêu gào Philatô dùng bạo lực tàn ác để giết chết Thiên Chúa là Sự Thật ; bởi làm sao sự thật của lòng thương xót có thể  đi vào nhà, cư ngụ trong tâm hồn, khi các thượng tế, lòng đầy gian ác và giả hình, đã từ chối “đội trời chung” với Đấng là Thiên Chúa của Sự Thật xót thương.
     Như thế, không phải ai cũng nhận ra Sự Thật, cũng như không phải ai cũng nhận ra Thiên Chúa, vì chỉ có những người có tâm hồn khao khát Sự Thật của lòng thương xót, mới nghe được tiếng Thiên Chúa giầu lòng xót thương ; chỉ những trái tim biết chạnh lòng trước sự thật về con người cần được thương xót, mới nhận ra Đức Giêsu Kitô, Dung Mạo đích thực và hoàn hảo của Chúa Cha giầu lòng thương xót ; chỉ những cuộc đời dấn thân phục vụ vì lòng thương xót, mới nhận được visa vào Vương Quốc Nước Trời dành sẵn từ thuở tạo thiên lập địa cho những ai có lòng xót thương anh em mình.
    Xin Đức Giêsu Kitô là Vua giầu lòng thương xót đón nhận chúng con làm công dân Vương Quốc Thương Xót của Ngài ngay ở đời này, và được hưởng phần thưởng đời sau trong Nước yêu thương đời đời dành sẵn cho những ai biết chạnh lòng xót thương.
Jorathe Nắng Tím

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2018

NGỠ NGÀNG ĐỜI TU



     Mừng lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ, thiết tưởng không gì ý nghiã hơn là suy nghĩ về những ngỡ ngàng của đời tu. Những ngỡ ngàng thánh thiện, hồn nhiên, khiêm hạ, nhưng không kém thách đố, hy sinh đã làm người tu mỗi ngày được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu hơn. 

     Đoạn Tin Mừng Luca 10, 1- 24 có thể được coi như tường thuật đầy đủ và chi tiết về sứ vụ truyền giáo của các môn đệ Đức Giêsu. Các vị “được Đức Giêsu sai đi cứ từng hai người một vào tất cả các thành, các nơi mà chính Ngài sẽ đến” (Lc 10, 1); các vị được mời gọi phải cầu nguyện với Thiên Chúa Cha để “xin Ngài sai thợ ra gặt lúa về, vì luá chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” (Lc 10,2); các vị được cảnh báo sẽ phải “đi giữa bầy sói và đừng mang túi tiền, bao bị, giầy dép” (Lc 10,4); các vị được báo trước sẽ được ân cần đón tiếp, nhưng cũng có thể bị ruồng rẫy xua đuổi (Lc 10,5.10); các vị được trang bị quyền năng của Thiên Chúa để chữa những người đau yếu và ơn Bình An để ban phát cho mọi người  (Lc 10,5.9); nhất là sứ điệp Tin Mừng để loan báo: “Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,11). Và khi trở về sau những ngày đi truyền giáo, các vị đã không chỉ vui mừng vì thành qủa của sứ vụ, mà còn hân hoan vì tên mình được ghi trên trời (Lc 10,20), được biết những điều ngay cả bậc khôn ngoan thông thái cũng không được biết, được chúc phúc và nhận ra đặc ân của môn đệ Đức Giêsu (Lc 10,22-24).
   Không nói thì chúng ta cũng biết, các môn đệ đã đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng nọ, từ bất ngờ này đến bất ngờ kia, từ ngạc nhiên có thể hiểu được đến ngạc nhiên vượt xa tầm nghĩ.

1.         Ngỡ Ngàng trước sứ vụ:
   Các vị ngỡ ngàng, vì không hiểu gì trước sứ vụ được trao phó: Loan Báo Triều Đại Thiên Chúa sắp tới.
   Đây không phải là sứ vụ mà các vị mong đợi, cũng không là hy vọng các vị chờ đón, bởi tận thâm tâm và ngay trong sinh hoạt, các vị đợi chờ một sứ vụ hoàn toàn khác: sứ vụ thuần trần thế, vừa tầm tay, trong tầm ngắm, sứ vụ làm quan, làm lớn trong vương quốc trần gian mà các vị nghĩ sắp thành hình của Đức Giêsu.

2.      Ngỡ Ngàng trước phương án thi hành sứ vụ:
   Sứ vụ đã làm ngỡ ngàng, phương án thực hiện sứ vụ còn bất ngờ hơn, bởi không là phương án bình thường như phải có xe để đi công tác, có phương tiện vật chất đảm bảo, có bố trí, chuẩn bị gần xa; bởi không là cách thức của đời thường như phải đem theo lương thực cho mấy ngày đường, mà còn phải tiên liệu cho cả thời gian dài thi hành sứ vụ; bởi không như  suy tính của người thường trước khi đến đâu phải nghiên cứu, điều tra, xem xét kỹ lưỡng, thiết lập tương quan, xây dựng cơ sở vật chất đàng hoàng; bởi không như dự đoán thường tình là phải có lập trình, đồ án chính xác để không lâm vào tình trạng thiếu hụt làm dở dang dự án, đổ vỡ kế họach.

3.      Ngỡ ngàng trước rủi ro của sứ vụ:
  Các môn đệ không thể không thất kinh khi Đức Giêsu cảnh báo: “Anh em sẽ được sai đi như chiên con đi vào giữa bầy sói!” (Lc 10,3). Không con nào hiền hơn chiên con, và không thú nào dữ hơn chó sói, thế mà chiên con sẽ phải hiền lành, ngây thơ,  ngơ ngác đi giữa bầy sói dữ. Hình ảnh chiên và sói qúa tương phản đã đặt các môn đệ trước ngỡ ngàng đáng lo sợ, và các vị đã sợ hãi thật khi biết mình được sai đến những nơi đầy sói dữ này.
     Đó là ba ngỡ ngàng các môn đệ đã cảm nhận trước giờ lên đường truyền giáo. Những ngỡ ngàng này đã làm chao đảo các vị, bởi đây là lần đầu tiên được sai đi, và cũng là lần đầu tiên đối diện với một sứ vụ hoàn toàn không nằm trong mong ước, đợi chờ. Chắc chắn các vị đã không dấu được lo âu trên nét mặt, và trong lòng tất cả chung một ngại ngùng, xao xuyến đang chực thốt thành lời: Lậy Thầy, nếu khó và nguy hiểm  như vậy, thì làm sao chúng con dám?
    Đức Giêsu biết rõ tâm trạng của các vị, vì đó là tâm trạng bình thường của  người có  tâm lý quân bình: ngỡ ngàng trước điều mình không đợi chờ và lo sợ trước rủi ro được cảnh báo.
     Là Đấng sai đi, Đức Giêsu đã không để các môn đệ của Ngài dừng lại ở những ngỡ ngàng nhân loại này, nhưng dẫn các vị đến những ngỡ ngàng mới, những ngỡ ngàng hân hoan, phấn khởi, bình an và tràn đầy hạnh phúc của người được Thiên Chúa sai đi loan báo Tin Mừng Cứu Độ: Thiên Chúa giầu lòng thương xót đã đến cứu độ dân Ngài.             
 
     Nếu ba ngỡ ngàng trên là phản ứng tự nhiên của “con người” môn đệ, thì những ngỡ ngàng sắp tới là hồng ân của Thiên Chúa trên những con người được chọn làm môn đệ:
3.1      Ngỡ ngàng với ơn Bình An:
  Đức Giêsu ban cho các môn đệ ơn Bình An của Ngài, để như món qùa qúy giá các vị sẽ ban lại cho tất cả những ai các vị sẽ gặp trên đường truyền giáo. Đây là món qùa từ Thiên Chúa, và là điều mọi người ước mong, tìm kiếm, bởi không gì qúy hơn Bình An, không gì đem lại hạnh phúc ngoài Bình An, không gì làm cho đời người có lẽ sống và ý nghiã, nếu không phải Bình An, và không gì làm hoan lạc tuổi xuân cuộc đời khác hơn Bình An.
      Được trang bị Bình An, các môn đệ phấn khởi, hạnh phúc  trong đại dương Bình An của Đức Giêsu.Vì thế, các vị đã mạnh dạn lên đường mà không còn nghi ngại, sợ hãi; ra đi mà không do dự, chùn bước, hoang mang.Với ơn Bình An, sứ vụ tuy cao cả, vượt sức người nay trở thành đích tới lý tưởng. Với ơn bình an, mọi rủi ro, đe dọa, cạm bẫy, cũng như sói dữ, rắn độc, con người nham hiểm không còn là chướng ngại cản lối người môn đệ, buộc trói bước chân người được sai đi.
3.2      Ngỡ ngàng với quyền năng của Thiên Chúa:    
    Cho đến lúc được sai đi, các môn đệ vẫn chỉ là những người đi theo Đức Giêsu vì một hoặc nhiều lý do mang tính trần thế nào đó, chứ chưa vị nào xác tín sứ vụ loan báo Tin Mừng sẽ được trao. Vì thế, khi trao sứ vụ, Đức Giêsu đã bảo đảm sứ vụ, bằng ban  cho các môn đệ Bình An và quyền năng chữa lành những người đau yếu trong thành (Lc 10,9), đạp lên rắn rết, bọ cạp mà không hề hấn, đuổi qủy trừ tà và chẳng thế lực Kẻ Thù nào có thể làm hại được  (Lc 10, 19).
     Trước quyền năng được ban, các môn đệ đã tin tưởng  lên đường và phấn khởi trở về khoe với Thầy mình: “Thưa Thầy, nghe đến Danh Thầy, cả ma qủy cũng phải khuất phục chúng con” (Lc 10,17).  
3.3      Ngỡ ngàng với phần thưởng:
   Đức Giêsu không giấu diếm đặc ân và phần thưởng Thiên Chúa dành cho những người được Ngài sai đi loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần. Khi nghe các môn đệ kể chuyện hành trình truyền giáo, Đức Giêsu đã minh nhiên công bố phần thưởng Nước Trời cho các vị: “Anh em hãy vui mừng, vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20).
     Còn phần thưởng nào lớn hơn phần thưởng Nước Trời; còn vinh dự nào cao qúy hơn vinh dự làm công dân Vương Quốc của Thiên Chúa; còn hạnh phúc nào vĩ đại hơn hạnh phúc làm con Thiên Chúa trong chính nhà Ngài!
    Nhưng phần thưởng không chỉ là phần thưởng của đời sau, đặc ân trên thiên đàng, công lênh sẽ nhận được sau khi chết, nhưng ngay bây giờ,trên dương thế này, trong cuộc sống hôm nay, môn đệ của Đức Giêsu được  biết những mầu nhiệm thuộc về Thiên Chúa mà người khác, dù khôn ngoan thông thái đến đâu cũng không biết được; được chia sẻ với Thiên Chúa những kho tàng vô cùng qúy giá mà người đời dù tiền rừng bạc bể cũng không thể chiếm hữu (x. Lc 10, 21).
     Và cuối đọan Tin Mừng, Đức Giêsu đã long trọng tuyên bố: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy. Quả vậy, Thầy bảo cho anh em  biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Lc 10, 22-24).
    Vâng, đời tu là đời của những ngỡ ngàng: từ ngỡ ngàng của thân phận mọn hèn đến ngỡ ngàng của người được tuyển chọn lên hàng vinh phúc; từ ngỡ ngàng thuộc con người đến ngỡ ngàng làm bạn hữu của Thiên Chúa; từ ngỡ ngàng lạc lõng, bơ vơ đến ngỡ ngàng được gọi làm môn đệ; từ ngỡ ngàng tội lụy, bất xứng đến ngỡ ngàng được sai đi ban ơn Cứu Độ; từ ngỡ ngàng “thân con chỉ là tro buị” đến ngỡ ngàng biến thành Của Lễ đẹp lòng Chúa Cha; từ ngỡ ngàng là tội nhân đến ngỡ ngàng nhân danh Thiên Chúa giầu lòng xót thương để ban ơn thứ tha, hoà giải; từ ngỡ ngàng là người bé nhỏ, dốt nát, tôi tớ vô ích, mọn hèn đến ngỡ ngàng được ở trong hàng ngũ những người mà “Chúa Con muốn mặc khải cho” (Lc 10,22).
     Vâng, đời tu là đời của ngỡ ngàng từ khởi sự đến hoàn thành, ngỡ ngàng từ khởi điểm đến đích điểm của hành trình Ơn Gọi, bởi mỗi giây phút của đời tu là một mời gọi, mời gọi tín thác tuyệt đối nên không biết gì trước; mời gọi vâng phục tuyệt đối Thánh Ý, nên không toan tính, trù liệu bất cứ điều gì cho ngày mai; mời gọi hy sinh quên mình, nên không ngần ngại đi bất cứ đâu, lên đường bất cứ lúc nào, gặp gỡ bất cứ ai, và thi hành bất cứ sứ vụ nào được trao phó; mời gọi yêu thương đến cùng, nên sẵn sàng chết cho người mình được sai đến để yêu thương; mời gọi khiêm tốn phục vụ, nên không phân biệt, kỳ thị, loại trừ bất cứ đối tượng nào của Tin Mừng.
  Và như thế, đời tu sẽ mãi đẹp như giòng suối ngoan hiền theo tiếng gọi của Đại Dương mênh mông róc rách đến vô cùng vô tận một đời luôn ngỡ ngàng với hạnh phúc được sai đi, một tình yêu luôn ngỡ ngàng được trở nên giống người mình yêu mến, phụng thờ.
Jorathe Nắng Tím