Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

Suy Niệm TIN MỪNG Chúa Nhật 3 TN, năm C (Lc 1,1-4;4,14-21.)


SỨ MẠNG CỦA ĐỨC GIÊSU

    Điều Tin Mừng làm chúng ta bất ngờ hôm nay chính là Đức Giêsu đã công bố sứ mạng cứu thế của Ngài trong hội đường ở Nadaret, quê hương Ngài, để cũng từ quê hương không “là chùm khế ngọt” này, Ngài bị đồng hương “lôi ra khỏi thành...kéo lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực thẳm” (Lc 4, 29).


Tin Mừng làm nổi bật ba điểm trong sứ mạng của Đức Giêsu:

  1/ Ngài được quyền năng Thần Khí thúc đẩy (Lc 4, 14):
     Đức Giêsu đã đến trong thế gian để thực hiện thánh ý Chúa Cha. Ngài không tự mình mà đến, nhưng được sai đến bởi Thiên Chúa là Tình Yêu để yêu thương nhân loại đến cùng. Vì thế, sứ mạng cứu thế của Ngài cũng đã được hướng dẫn, thúc đẩy bởi Thánh Thần Là Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nói cách khác, sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu là công trình chung của cả Ba Ngôi Thiên Chúa với sự cộng tác tích cực của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

  2/ Đối tượng của sứ mạng là con người toàn diện:
    Khi khẳng định: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21), sau khi đã công bố lời ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19), Đức Giê su đã cho cử tọa thấy rõ sứ mạng của Ngài là con người toàn diện, nghĩa là không chỉ con người siêu nhiên, nhưng còn là con người tự nhiên; không chỉ phần hồn của con người, mà còn phần xác của con người nữa.
    Ngài giải phóng những người nghèo thiếu ăn thiếu mặc, bị người đời khinh khi; giải phóng người mù loà vì đôi mắt thân xác không còn; giải phóng tù nhân mà xác thân bị tra tấn, hành hạ, gông cùm; và những ai bị áp bức mà dấu tủi nhục còn hằn sâu trên thân thể được Ngài trả lại tự do.
     Sứ mạng ấy nhắm con người toàn diện, vì con người gồm xác và hồn, nên không thể tách hồn khỏi xác. Thánh Giacôbê đã quảng diễn: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có Đức Tin mà không hành động theo Đức Tin, thì có ích lợi gì? Đức Tin có thể cứu người ấy được chăng ? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ : Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ?” (Gc 2, 14-16). Sứ mạng loan báo Tin Mừng vì thế cũng không thể bỏ quên nhu cầu của thân xác con người.
    Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai đã nói về thân xác. Thánh nhân là người nói về thân xác nhiều nhất, 91 lần. Trong thư gửi giáo đoàn Côrintô, ngài nhấn mạnh phẩm giá của thân xác con người, vì “thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác” (1 Cr 6, 14), và “thân xác chúng ta chính là phần thân thể của Đức Kitô” (1 Cr 6, 15). Ngài còn quả quyết : “ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy ... và chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1Cr 12, 12-13).

  3/ Sứ mạng của Đức Giêsu đã được các ngôn sứ loan báo:
     Khi trích lời ngôn sứ Isaia, Đức Giêsu đã nói lên vai trò của Cựu ước và sự gắn bó với truyền thống Itraen của Ngài, đồng thời cũng cho những người đang nghe Ngài biết : Chính Ngài là Đấng được xức dầu tấn phong và được Thiên Chúa sai đến để giải phóng nhân loại. Lời ngôn sứ lúc này là bảo chứng đáng tin cậy đối với cộng đoàn đang lắng nghe Ngài về sứ mạng cứu thế của Ngài.
    Công bố sứ mạng cứu thế, Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi theo Ngài và cùng Ngài thực hiện sứ vụ yêu thương, phục vụ anh em mình.

Jorathe Nắng Tím


Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2019

Hoài Nghi và Đức Tin

     Được sinh ra trong gia đình công giáo, lớn lên trong xứ đạo, và hồn nhiên giữ đạo theo truyền thống đến ngày phải xa nhà, xa xứ, bôn ba, phiêu bạt, tôi đã không có kinh nghiệm về tình trạng giằng co căng thẳng giữa hoài nghi và Đức tin nơi các anh em vô thần mà tôi quen biết, và sự biến đổi kỳ diệu khi anh em chọn theo Đức Giêsu.
    Hoài nghi là tính cách của con người. Vì có lý trí để nhận thức, tư duy và ý chí để chọn lựa, nên bất cứ sự gì, hiện tượng, hay biến cố nào đều được con người đặt thành vấn đề và  truy nguyên, phân định đúng sai, thật giả, giá trị nặng nhẹ. Ngay từ bình minh của loài người, tổ tiên chúng ta đã ngỡ ngàng trước thiên nhiên mà các ngài không hiểu gì về quy luật tuần hoàn. Và trước biến đổi của thời tiết, chuyển vận của hành tinh, vũ trụ, các ngài đã đi từ sừng sốt này sang sửng sốt khác, từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên kia, rồi vất vả vượt qua sợ hãi này đến sợ hãi kia, từ hoang mang này đến hoang mang nọ, do nhiều đe dọa, và vô số nghi nan.
     Do không hiểu, nên sợ hãi, nghi nan, mà tổ tiên chúng ta đã biến sức mạnh thiên nhiên thành những vị thần và suy phục, sùng bái. Đó là cách giải thích nguồn gốc tôn giáo được đa số đồng thuận, tuy không phải là giải thích đúng toàn phần, vì vô tình hay cố ý bỏ quên tôn giáo tính của con người.
    Ngoài những hoài nghi trước thiên nhiên, con người còn cảm thấy áp lực vô hình phải đối mặt với nghi vấn về sự có mặt của mình trong cuộc đời, vận mệnh, ý nghĩa và giá trị của cuộc sống, lý do hiện hữu của tai ương, đau khổ, cả cái phi lý đến phẫn nộ của sự thật đau lòng thường thấy, đó là người hiền chẳng gặp may, mà kẻ gian ác thì phúc lộc, công danh xếp dài từ cửa, chưa kể chuyện buồn “làm người thì phải chết”, và chuỗi dài hệ quả, mà chẳng người sống nào được biết.
    Phần đông bạn bè vô thần của tôi đã gặp Thiên Chúa trong tình trạng hoài nghi này, sau khi đã vận dụng mọi khả năng để có được giải đáp thỏa đáng. Khi chia sẻ về “duyên lành” và hành trình gặp gỡ Đức Giêsu, các bạn ấy đều chung những cảm nghiệm:
    Cảm nghiệm Thiên Chúa từ rất lâu đã có mặt cách sống động, và can thiệp cách tích cực trong đời sống anh em.
  Cảm nghiệm gặp gỡ Đức Giêsu là một ơn gọi đặc biệt và độc đáo, riêng tư. Thiên  Chúa không theo quy tắc, quy luật hay quy trình chung, áp dụng cho mọi người, nhưng làm theo sáng kiến bất ngờ và xem ra chỉ dành riêng cho tương quan giữa một mình Ngài và người ấy.
    Cảm nghiệm gặp Đức Giêsu là đích tới đã được Thiên Chúa quan phòng cầm tay dẫn dắt không chỉ từ khi lọt lòng mẹ, mà từ nhiều đời cha ông trước đó. Điều này
có nghĩa việc gia nhập Giáo Hội không được hiểu như hành vi phản bội, chối bỏ quãng đời trước đó với truyền thống gia tộc, giáo dục gia đình, đặc biệt các giá trị nhận được nơi tôn giáo cũ. Trái lại, tất cả đều mang dấu ấn chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ nhiệm lạ với Đức Giêsu.
    Nhưng cảm nghiệm gây ấn tượng nhất, đó là những nghi nan, nghi vấn, nghi hoặc, nghi ngờ, nghi ngại có trước đó đã được biến đổi trong Đức tin, với Đức tin và nhờ Đức tin, khi anh em gặp Đức Giêsu.
     Điều này không có nghĩa tất cả hoài nghi phút chốc biến mất, và nhường chỗ cho xác quyết kiên định; càng không thể ảo tưởng gặp gỡ Đức Giêsu là không còn vấn đề, không còn nghi nan, do dự. Trái lại, khi cảm nghiệm hoài nghi được biến đổi thành Đức Tin trong Đức Giêsu, người anh em của chúng ta muốn chia sẻ ơn hiểu biết nhận được một cách kín đáo, nhẹ nhàng từ Chúa Thánh Thần khi tín thác đi theo Đức Giêsu, và phó thác mọi hoài nghi dưới ánh sáng của Tin Mừng. Chính lúc phó thác là khi hoài nghi được Lời Thiên Chúa giải mã; chính lúc ngoan ngoãn lắng nghe Tin Mừng là khi Tin Mừng khai đường mở lối những nghi nan. Đây là kinh nghiệm thiêng liêng mà chỉ người trong cuộc mới cảm được sự phong phú của cuộc biến đổi trong Đức Tin.
     Nhờ được biến đổi, anh em phấn khởi khi thấy những hoài nghi trước đây nay trở thành những nấc thang của cầu thang Đức Tin; những nghi vấn về đời này đời sau trước kia nay làm vững mạnh những bước chân trên đường sống đạo; những nghi hoặc có lúc đã là nguyên nhân của bất mãn, nổi loạn trước đó nay trở thành sức mạnh nội tâm nâng đỡ những bước chân đồng hành với anh em ; những nghi ngại của ngày trước nay biến thành niềm xác tín cho những chọn lựa hy sinh, quên mình khi phục vụ tha nhân.
     Không ai trong anh em đã phủ nhận một biến đổi lạ lùng, một tan biến thiêng liêng như giọt nước được hoà tan trong ly rượu, như giòng suối nhỏ được tan biến vào đại dương. Và trong ơn Thánh Tẩy, anh em cảm nghiệm sự biến đổi siêu nhiên và thiết thực trong Đức Giêsu.
    Như thế, hoài nghi không đẩy ta xa Chúa, nhưng giúp ta tìm kiếm Chúa; không đặt ta đối đầu với Chúa, nhưng đi cùng chiều với Chúa; không ngăn cách ta khỏi Chúa, nhưng đưa ta đến gần Chúa; không cản trở chân ta đi theo Chúa, nhưng thúc đẩy ta theo kịp bước chân Ngài, bởi nghi nan là công đoạn cần thiết của tiến trình tư duy và cho mọi chọn lựa.
    Vì thế, một Đức tin có chiều sâu và trưởng thành phải được tôi luyện trong thử thách, mà hoài nghi là thử thách nặng nề và thách đố rướm máu nhất. Các thánh gọi thử thách này là đêm tối Đức Tin, ở đó các ngài chịu thử thách khi hoài nghi về cả sự hiện hữu và lòng thương xót của Thiên Chúa, là đối tượng của niềm tin qua kinh nghiệm từ hoài nghi đến với Chúa của anh em vô thần hoặc từ các tôn giáo khác, và kinh nghiệm đêm tối hoài nghi của Đức Tin nơi các Thánh là những bạn hữu thân tín, tri âm tri kỷ của Đức Giêsu, chúng ta thấy rằng: hoài nghi không rời bỏ thân phận người, và trong đời sống Đức Tin, cho dù biết Chúa lâu năm, cho dù sống chết với Chúa vẫn không tránh khỏi trăm nỗi hoài nghi.
    Giuđa, môn đệ, sống gần kề và biết rõ Đức Giêsu, cũng đã phản bội Thầy, và tự hủy diệt vì không vượt qua được cơn thử thách của hoài nghi. Khác Giuđa, người trộm lành chịu đóng đinh bên phải Đức Giêsu ở giây phút cuối đời đã vượt qua hoài nghi để tin con người cùng chịu đóng đinh với mình hoàn toàn vô tội và là Con Thiên Chúa. Anh đã nghi nan, nhưng đã dám để hoài nghi được trở thành Đức Tin khi tha thiết khẩn nài: “Lậy Đức Giêsu, khi vào Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi !” (Lc 23,42).
     Xin Chúa cho chúng con bình an trong hoài nghi và tín thác nơi Chúa mọi hoài nghi trong cuộc đời, để tất cả được trở thành những viên đá góp phần xây dựng niềm tin của chúng con nơi một mình Chúa.

Jorathe Nắng Tím

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 2 TN, Năm C (Tiệc cưới Cana)


Không phải ngẫu nhiên Đức Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên ở Cana trong khung cảnh tiệc cưới.
Như chúng ta biết, tiệc cưới là cơ hội diễn tả niềm vui của mọi người trước giao ước mới vừa được ký kết giữa hai người nam nữ cho một gia đình mới. Đức Giêsu đã cố ý và tế nhị chọn bầu khí hân hoan, vui mừng của tiệc cưới này để nói lên giao ước giữa Thiên Chúa với con người.
Quả thực, đây là một đám cưới lớn, bằng chứng là “trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự” ( Ga 2, 1-2). Phải lớn mới dám mời toàn bộ các môn đệ đi theo Đức Giêsu, vì con số không nhỏ; đàng khác, gia chủ cũng phải giầu và quảng đại, bởi cho đến lúc bấy giờ, chưa mấy người tin Đức Giêsu là ngôn sứ, nói chi đến chuyện tin Ngài là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa, nên việc mời Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài thực là một nghĩa cử đáng phục và đặc biệt.
Sự cố hết rượu giữa bữa tiệc có thể cắt nghĩa một phần do gia chủ đã không lường trước con số các môn đệ của Đức Giêsu bất ngờ vượt trội ngoài dự đoán. Nhưng dù gì thì đám cưới cũng rơi vào tình trạng bế tắc vì hết rượu trong đường tơ kẽ tóc. Và nếu không có phép lạ thì hai họ chẳng còn mặt mũi nào nhìn nhau, vì mắc cở với quan khách và mọi người.
Rất may, Đức Maria, mẹ Đức Giêsu đã kịp thời can thiệp để  “sáu chum nước dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước” biến thành rượu ngon (Ga 2,6).
Thật bất ngờ, giữa tiệc và ngay lúc bế tắc vì hết rượu, tân lang lại được tiếng chơi trội hơn thiên hạ, khi người quản tiệc vừa trách nhẹ vừa khen: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước và khi khách ngà ngà thì mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ” (Ga 2, 10).
Trong phép lạ, vai trò và sự can thiệp của Đức Maria đã rất quan trọng, bởi nếu không có Đức Maria thì chắc chắn Đức Giêsu đã không làm phép lạ hôm ấy. 
Chúng ta nhận thấy ở Đức Maria những điểm sau:
1.     Đức Maria làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người trong tư cách là Mẹ.
Khi nói với Đức Giêsu : “Họ hết rượu rồi”, Đức Maria đã nói với Đức Giêsu trong tư thế và bằng ngôn từ của người mẹ. Ngài cũng nói với tình yêu và niềm tin tưởng của một người mẹ dành cho con mình. Vì thế, đã không có chút khó khăn hay do dự khi ngài trở xuống gặp gia nhân và tự tin bảo họ : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”( Ga 2, 5).
Nói với gia nhân, Đức Maria cũng giữ cùng thái độ ung dung và cung cách yêu thương của người mẹ, như với Đức Giêsu, vì ngài thực sự là Mẹ của cả hai : mẹ Đức Giêsu và mẹ nhân loại.
             2.     Đức Maria làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người khi làm đầy nỗi thiếu thốn của con người bằng kho tàng vô cùng phong phú của Thiên Chúa:
Đức Maria, từ khi biết không còn rượu đã không nói gì, cũng không kêu ca, xin xỏ gì. Mẹ chỉ trình bầy với Đức Giêsu tình cảnh bế tắc của gia chủ, và tin tưởng ở sự can thiệp của con mình. Đó chính là sự thinh lặng của Đức Tin, sự đằm thắm của Đức Ái và sự dịu dàng của Đức Trông Cậy. Tất cả đều hiện diện nơi Mẹ, và Mẹ đã Hôm nay, trong chúa nhật thứ hai mùa thường niên, ngay sau chúa nhật mừng phép rửa của Đức Giêsu, Giáo Hội đã chọn Tin Mừng tiệc cưới Cana, ở đó vai trò trung gian của Đức Maria nổi bật cách rất đặc biệt. Cũng như Đức Giêsu đã không ngẫu nhiên chọn tiệc cưới ở Cana để làm phép lạ đầu tiên hầu các môn đệ tin Ngài, Giáo Hội cũng không ngẫu nhiên khi chọn trình thuật tiệc cưới Cana, để tuyên xưng vai trò làm Mẹ của Thiên Chúa trung gian giữa Thiên Chúa và loài người của Đức Maria. 
Tóm lại, là Đấng Trung Gian thần thế trước Thiên Chúa, Đức Maria cùng lúc là Đấng Bầu Cử rất nhân hậu của con cái loài người, bởi nhờ Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, Thiên Chúa luôn tỏ lòng thương xót, và loài người được thấy vinh quang lòng thương xót qua ơn cứu độ trong Đức Giêsu, người con Thiên Chúa của Đức Maria, Đấng Trung Gian, Đấng Bầu Cử tuyệt vời .
Đầu năm mới, chúng con xin Mẹ ở với và đồng hành để chỉ dạy chúng con làm tất cả những gì Đức Giêsu, Con yêu dấu của Mẹ dạy. 
Jorathe Nắng Tím

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

Hiền Lành và Khiêm Nhường

https://www.youtube.com/watch?v=IQjjrmU3N-k
Thật khó có thể tìm được người hiền lành và khiêm nhường đích thực trong một xã hội bạo lực, cạnh tranh kinh tế, tranh giành quyền lực, duy ngã và hưởng thụ như xã hội hôm nay.

 Sở dĩ khó tìm, vì để làm người hiền lành và khiêm nhường trong xã hội này, người ta phải bơi ngược giòng, phải làm trái những gì xã hội muốn. Vì thế người hiền lành, khiêm tốn luôn phải trả giá mắc và chịu nhiều thua lỗ, thiệt thòi .

  Trong một xã hội bạo lực, người hiền lành là người bị bắt nạt, ăn hiếp, bởi bạo lực không che chở họ, chỉ vì họ không đứng vào hoặc không được đứng vào hàng ngũ những người nắm giữ, sử dụng bạo lực, cũng như chịu quy phục bạo lực.

   Trong một xã hội mà khoẻ thắng yếu, kẻ mạnh không bênh đỡ người cô thế, thì người hiền lành trở thành mồi ngon, đối tượng lý tưởng của bạo lực. Vì thế, có mấy người hiền lành thoát cảnh bị đàn áp, trấn lột, lợi dụng, sử dụng như phương tiện và bị đẩy vào cảnh lầm than đầy oan ức, bất công.

   Cũng vì bị xử ép, xử tệ, nên phần đông không muốn là người hiền lành, nhưng để tự bảo vệ và để không bị đời ăn hiếp, người ta đành phải làm người hung dữ trong xã hội bạo lực.

  Thực vậy, xã hội bạo lực không cho nhiều người hiền lành được sống hiền, cũng như xã hội cạnh tranh kinh tế không thương tiếc đẩy con người vào bạo lực, vì không thủ đoạn, người ta khó có thể thành công.

  Thế là tự nhiên bạo lực được coi là chìa khoá của thành công mà đa số, dù muốn dù không cũng phải chọn, bởi đã ở vào xã hội cạnh tranh gay gắt, dữ dội, người ta sẽ không chỉ quen, mà còn cần bạo lực như nhu cầu khó có thể thiếu.

  Người hiền lành do đó khó tìm đất sống, và người khiêm nhường cũng chịu chung số phận bị khinh bỉ, loại bỏ trong xã hội mà quyền lực ngày càng biến thành khao khát cháy bỏng, là niềm tự hào không gì có thể so sánh, bởi trong thực tế, có quyền là có tất cả, cầm quyền là nắm tất cả, chưa kể khao khát cháy bỏng ấy còn bùng lên khủng khiếp bởi tính duy ngã và hưởng thụ.

   Tóm lại, sống hiền lành và khiêm nhường được trong xã hội hôm nay là điều không dễ, nếu không muốn nói là rất khó, khó vì ngược giòng, nghịch gió; khó vì khó sống trước những o ép, bắt chẹt của nhiều người; khó vì trong thế giới bạo lực, tranh giành, ích kỷ, hưởng thụ, người hiền bị coi là ngu và khiêm nhường là vô tài bất tướng.

   Đức Giêsu ở thời Ngài, cách đây hơn hai ngàn năm cũng đã đặt hiền lành và khiêm nhường thành một vấn đề quan trọng khi nhiều lần lên án người kiêu căng, bạo lực (Mt 23,12), và không ngừng tuyên dương, hứa phần thưởng Nước Trời cho những ai hiền lành, khiêm nhường (Mt 5,4), đặc biệt Ngài còn mở lớp dậy môn học rất khó khăn và không mấy thức thời này, khi nói với các môn đệ: “Hãy học với Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường tận đáy lòng” (Mt 11,29).

    Qua lời giảng dậy và thái độ của Đức Giêsu đối với người kiêu căng , hung dữ và người hiền lành, khiêm nhường, chúng ta nhận ra những điều quan trọng sau đây:

1/ Ngay từ thưở ban đầu, con người đã kiêu căng, hung bạo:

     Evà đã kiêu căng muốn biết như Thiên Chúa biết, nên mới ăn trái cây Thiên Chúa cấm (St 3,5); Cain ghen ghét, hung bạo nên mới giết em trai mình là Aben (St 4, 1-8), và ở mọi nơi, mọi thời, con người đều bị cám dỗ kiêu căng, bạo lực: kiêu căng vì muốn trổi vượt hơn người, kiêu căng vì muốn mọi người tùng phục mình, kiêu căng vì muốn nắm quyền sinh sát người khác; đồng thời hung dữ, bạo lực để biểu hiện sức mạnh thống trị người khác, và bảo vệ sức mạnh thống trị ấy. 

     Như thế, không phải chỉ ở xã hội chúng ta đang sống hôm nay con người mới phải đương đầu với kiêu căng, bạo lực, nhưng đây là cơn cám dỗ và thách đố của mọi thời, ở mọi nơi, nên những lời Đức Giêsu khiển trách kẻ kiêu căng, hung dữ, hay khen ngợi những người khiêm tốn, hiền lành hai ngàn năm trước ở quê hương Do Thái của Ngài cũng giữ nguyên giá trị thức thời đối với chúng ta hôm nay.

2/ Thế nào là hiền lành và khiêm nhường ?

     Vì não trạng sợ người mạnh, khiếp vía người dữ, nhưng lại coi thường người hiền và khiêm tốn, nên phần đông hiểu khiêm tốn, hiền lành là khờ khạo, nhu nhược, nhát gan, thiếu dũng khí, không dám đương đầu, đối phó.

  Hiểu như thế là sai và hạ thấp giá trị của hiền lành và khiêm nhường. Chúng ta thường ca ngợi “cái Dũng” của thánh nhân, và hiểu người có dũng khí là người không sợ gì, không sợ ai, không sợ bất cứ điều gì xẩy đến cho mình.

 Người hiền lành chính là người có dũng khí đó, bởi không đố kỵ, ganh ghét, đấu đá với bất cứ ai, nên họ chẳng khiếp sợ ai, cũng chẳng khúm núm, khom lưng, quỵ lụy người nào, bởi với người hiền lành, ai cũng đáng trọng, đáng mến, và không có người làm họ sợ, làm họ phải đánh mất hay bán rẻ nhân phẩm của mình.

 Người hiền lành không ghét ai, không hại ai, và cũng không làm nô lệ cho ai, bởi sâu sa trong tâm hồn, họ là những người đơn sơ, chất phác, từ tâm nhưng có bản lãnh, biết mình muốn gì và phải làm gì để luôn giữ được tấm lòng trinh trong, nhân hậu và vị thế độc lập trong mọi tương quan. 

  Người ta dễ lầm tưởng người hiền lành là người nhu nhược, dễ bị khuất phục. Đó là nhận định sai lệch cần được sửa đổi, bởi xa hơn, cao hơn và đáng trân quý hơn, người hiền lành còn là người không làm ai sợ mình.

 Quả thực, không chỉ “không sợ ai, không sợ gì, không sợ bất cứ điều gì xẩy đến”, người hiền lành còn làm một việc rất khó làm khác nữa, đó là “không làm ai sợ mình”.

    “Không làm ai sợ mình” chính là nét đẹp tuyệt vời của người hiền lành, vì họ không đe nẹt, dọa dẫm, nhưng thân thiện, dễ thương, ân cần với mọi người, bởi họ không tìm gì cho mình, không dùng người khác làm bàn đạp hay gạch lát đường tiến thân. Nhờ thế, họ không bao giờ làm tổn thương ai, nhưng chan hoà với mọi người, khởi đi từ cố gắng cao thượng: “không làm ai sợ mình”.

   Bên cạnh hiền lành là khiêm nhường. Thực ra người hiền lành mới có thể khiêm nhường, vì không hiền lành, khiêm nhường không cắm sâu được trong đất, nên rất chênh vênh, dễ đổ. 

Khiêm nhường trước hết là đón nhận những gì mình có với một niềm tri ân, đồng thời chấp nhận giới hạn của mình với thái độ bình an, thanh thản. Đón nhận những gì mình có mà không phóng đại hay dấu diếm là khiêm nhường, bởi chỉ người kiêu căng mới phóng đại và người thiếu thành thật mới dấu diếm.
Đón nhận cách trung thực những gì mình có cũng là biểu hiện lòng biết ơn Đấng đã ban cho mình, và những người đã đóng góp xây dựng “gia sản” tinh thần và vật chất mình có. Với tâm tình biết ơn và tinh thần trung thực, người khiêm nhường thể hiện cách sống động lòng khiêm tốn bằng: 

   a/ Không bao giờ nghĩ mình đạo đức hơn người khác, bởi ảo tưởng đạo đức là thuốc độc giết chết tâm hồn khiêm nhường nhanh chóng nhất.

    b/ Không bao giờ nghĩ mình tài ba, giầu kiến thức hơn người khác, vì ảo tưởng giỏi giang bóp chết trái tim khiêm nhường gọn nhẹ nhất.

   Ngoài việc đón nhận những gì mình có với lòng biết ơn, người khiêm nhường còn biết chấp nhận những giới hạn của mình, bởi giới hạn là đặc tính của con người. Ngoài giới hạn thời gian và không gian, con người còn rất nhiều giới hạn khác như sức khỏe, tương quan, suy nghĩ, tầm nhìn...


   Nhờ biết chấp nhận giới hạn mà người khiêm nhường không nản lòng, thối chí, bỏ cuộc khi thất bại, càng không căm phẫn giận Trời, hận đời, trách mình khi “sa cơ lỡ bước”, “công không thành, danh không toại”, nhưng bình an bắt đầu lại tất cả từ thất bại, lầm lỡ. 

3/ Hiền lành và khiêm nhường là điều kiện của bình an:

   Trái tim ngủ không yên, vì lửa kiêu căng, bạo lực thiêu đốt; gia đình, đất nước không bình an cũng vì đại dịch bạo lực, kiêu căng tràn lan lây nhiễm, trong khi tâm hồn người khiêm nhường bình lặng vì không bị sóng bạc đầu kiêu căng xô lấp, không bị hồng thủy bạo lực nhận chìm. Người hiền lành, khiêm nhường vì thế luôn có bình an, vì nơi trú ngụ đích thực và bền  vững của an bình chính là trái tim khiêm tốn, hiền lành.

4/ Hiền lành và khiêm nhường là nền tảng của các nhân đức:
    
   Điều này muốn nói lên rằng: không một người đạo đức nào có thể bỏ qua hiền lành và khiêm nhường, không một vị thánh nào lại không hiền lành và khiêm nhường, không một con người đáng yêu, đáng mến nào lại có thể là người kiêu căng, bạo lực, bởi một lý do duy nhất: hiền lành và khiêm nhường là nền tảng của các nhân đức.
     
Do đó, để trở thành người tốt, trước hết phải tập sống hiền lành và khiêm nhường; để là người tử tế cũng phải bắt đầu bằng đời sống hiền lành, khiêm nhường; để được “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu cũng phải khởi đi từ bài học hiền lành và khiêm nhường của Ngài. Tắt một lời, để biết một người đạo đức, người ta chỉ cần xem người ấy có hiền lành, khiêm nhường hay không, bởi như nhà xây trên cát phải sụp đổ, thì người không hiền lành và khiêm nhường cũng phí công xây dựng ngôi nhà đạo đức của mình như vậy.

 Vâng lậy Chúa, chúng con biết căn bệnh quái ác có nguy cơ tàn phá chúng con và thế giới hôm nay là kiêu căng và bạo lực, vì cả hai đều khước từ, phủ nhận Chúa, là Đấng ban sự sống cho chúng con và mọi loài. Xin thương xót và cứu chúng con xa khỏi kiêu căng, bạo lực đang làm chúng con mất Chúa, và dậy chúng con hiền lành, khiêm nhường như Chúa, là Con Chiên hiền lành và khiêm nhường đã gánh hết tội thế gian.
Jorathe Nắng Tím

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

MÁI ẤM



Có bay nhảy đến đâu trong trời rộng, “phiêu du lãng tử” cỡ nào trong đời sống, người ta cũng mơ và cần một mái ấm gia đình. 


Gọi là mái ấm, vì ở đó không có cái nóng thiêu đốt, đổ lửa, cũng không có cái lạnh buốt thấu xương. Mái ấm có độ ấm của da thịt người, có hơi ấm của tình người, có nồng ấm của hạnh phúc đời người, và chỉ ở trong mái ấm, ở dưới mái ấm, con người mới thực sự được lớn lên làm người một cách quân bình và toàn diện nhờ cái ấm áp kỳ diệu. 
Cũng vì “kỳ diệu của độ ấm”, mà mái ấm được gọi là “tổ uyên ương, tổ ấm hạnh phúc, nôi ấm yêu thương, bến bờ hy vọng”.
Nhưng mái ấm cùng lúc phải đối mặt với một thách đố rất lớn, đó là không thể đánh mất độ ấm kỳ diệu của mình, nếu không, mái ấm, tổ ấm lập tức biến thành hỏa ngục, lò lửa đốt cháy, thiêu rụi những người trong đó, hoặc khối băng sơn khổng lồ đổ ập lên, làm chết cứng mọi người. Đó là tình cảnh rực lửa ghen ghét, đố kỵ, gây hấn, hận thù giữa những người thân trong gia đình  là cảnh lạnh lùng trong lời nói, lạnh lẽo trong thái độ, lạnh tanh trong tình cảm, lạnh ngắt trong ánh mắt của những người tuy chung một nhà, nhưng lòng vạn dặm cách xa. 
Thực vậy, là người, ai cũng cần một mái ấm. Em bé chào đời, trưởng thành vào đời, già yếu lìa đời, tất cả đều cần, đều mơ ước, và tìm về mái ấm. 
Cần một mái ấm để được yêu thương, và yêu thương; cần một mái ấm để biết nhận và cho đi; cần một mái ấm để được nâng đỡ, chia sẻ và chia sẻ, nâng đỡ. Ở dưới mái ấm, ai cũng có quyền được yêu thương và có bổn phận yêu thương; ai cũng có quyền được giúp đỡ và có trách nhiệm giúp đỡ; ai cũng có quyền được làm phiền người khác và nghĩa vụ  để người khác làm phiền; ai cũng có quyền được an ủi khi khóc lóc sầu buồn, và bổn phận ủi an người khác khi họ sầu buồn khóc lóc; ai cũng có quyền được săn sóc, cưng chiều và nghĩa vụ săn sóc, cưng chiều. Chính nhờ những quyền lợi và bổn phận được tận tâm thực hiện cho nhau mà mái ấm không bao giờ mất đi hay  sút giảm độ ấm cần thiết cho hạnh phúc của mọi người, và mỗi người thuộc về mái ấm. 
Nếu bạn phải tha phương cầu thực, cầu học, hay cầu bất cứ cái gì khác, kể cả cầu thẻ xanh, quốc tịch, bạn cũng mong được về lại mái ấm gia đình, thăm lại mái nhà xưa, mái ấm cũ, tổ ấm năm nào ngày còn thơ bé. Và dù xa xôi, lâu lắm không về, lòng người viễn xứ vẫn mãi không nguôi ngoai nỗi nhớ mái nhà xưa, niềm thương tổ ấm cũ. Tất nhiên, người ta chỉ có thể nhớ mái ấm, thương tổ ấm, chứ không thể nhớ thương “mái nóng, mái lạnh” đã tàn nhẫn đốt cháy, làm tê cóng cuộc đời họ. 
  Nhìn ra ngoài, năm chưa mới, Tết chưa đến, mà đường thành phố đã vắng tanh, vì ai nấy nôn nao bỏ thành thị, phố xá về quê, nơi có mái ấm gia đình, có ông có bà, có mẹ có cha, có anh có chị, có em có cháu vui vầy, ấm áp khôn tả.  Và không chỉ người xa quê tìm về mái ấm, cả người xa đất nước cũng lũ lượt tìm về quê làng xưa, mái ấm cũ. 
Ôi đẹp làm sao những mái ấm đơn sơ, nhưng sâu lắng tình gia đình; những mái ấm nghèo, nhưng giầu tình mẹ cha; những mái ấm xiêu vẹo nhưng kiên cường tình huynh đệ; những mái ấm nhỏ bé, nhưng bao la niềm hy vọng; những mái ấm cũ nát, nhưng luôn mới lòng trắc ẩn, xót thương; những mái ấm không sơn phết loè loẹt, nhưng tươi thắm niềm nhung nhớ; những mái ấm không lung linh ánh đèn mầu, nhưng rực sáng hào quang hy sinh, quên mình; những mái ấm không tường cao cửa kín, nhưng không nơi nào an toàn hơn cho đứa con hoang đàng, lỡ bước những mái ấm không nguy nga, hoành tráng, nhưng không đâu tốt hơn cho tâm hồn tan nát nghỉ ngơi; những mái ấm không đài các, xe xua, nhưng chẳng nơi nào trân quý, và ân cần săn sóc xác thân con rã rời, và đời con cơ nhỡ, tơi tả bằng ở đây. 
Năm mới Tết đến, xin mang đến Mái Ấm quê hương tôi những gì đẹp nhất, mới nhất. Xin đừng làm tăng nhiệt chia rẽ, hận thù, cũng đừng giảm nhiệt đến cóng lạnh trong các mái ấm gia đình trên đất nước tôi. Xin hãy trân quý, giữ gìn và xây dựng mái ấm gia đình, mái ấm quê hương bằng đem lại ấm no, ấm áp, ấm lòng cho mọi người dân Việt ngàn đời yêu dấu. 
Jorathe Nắng Tím


“LẠY CHA, nếu có thể được ...”

Đời con là những chuyến đi, có những chuyến đi vui, chuyến đi không vui, nhưng không chuyến đi nào đã thê thảm, não nề như chuyến đi với Chúa vào vườn Cây Dầu, như năm xưa Chúa đã đưa Phêrô, Gioan, Giacôbê đi riêng với Chúa để cùng Chúa toát mồ hôi máu trước giờ lên đường chịu chết làm lịch sử cứu độ. 
Đi với Chúa vào vườn Cây Dầu, con mới thấm thía nỗi đau cô đơn, cô độc khi bị bỏ rơi; nỗi khổ khi bị tẩy chay, cô lập; nỗi nhục khi bị quy tội, lên án; nỗi buồn khi lực bất tòng tâm, nỗi thất vọng khi ngày mai không một tia hy vọng. Nhưng có lẽ, thấm thía nhất trong con chính là nỗi tủi bị chính cha mẹ, người thân hắt hủi, tra vấn, nghi ngờ. 
 Đi với Chúa vào vườn Cây Dầu, con mới biết thế nào là giọt đắng đọng khô trong cổ họng cháy rát, khi sức tàn, trí khôn bấn loạn, tâm hồn xao xuyến hoang mang, tim gan xe thắt nghẹn ngào chỉ vì con quá khổ đau.
Đi với Chúa vào vườn Cây Dầu, con mới nghe rõ  được âm thanh xé nát lòng của lời cầu trong cơn thử thách cực kỳ cam go: “Lậy Cha, nếu có thể được …”
Đi với Chúa vào vườn Cây Dầu, con mới nếm được vị đắng của ly rượu Thương Xót, ly rượu mà ai chưa uống sẽ chẳng hiểu được thế nào là tình yêu xoá mình.
Đi với Chúa vào vườn Cây Dầu, con mới nhìn tận mắt dung mạo não nề, căng thẳng, nhưng quả cảm của Chúa, dung mạo mà con chưa một lần dám hình dung trước đó.
Một năm sắp qua, và lời cầu nguyện của con với Chúa trong vườn Cây Dầu cũng vẫn thế, vẫn điệp khúc quen thuộc: “Lậy Cha, nếu có thể được ...” của trái tim hao mòn, se thắt. 
Nhưng đêm nay Giao Thừa, trong rạo rực, nôn nao của vạn vật và loài người đang Vượt Qua từ cũ  sang mới, con chợt giật mình nhớ lời Chúa thì thầm bên tai khi con ở với Chúa.
Chúa đã chẳng bảo con chọn một mình Chúa đó sao ? Và nếu chỉ chọn một mình Chúa, con đâu có thể bỏ Chúa đi một mình trên đường lên núi Sọ. 

Chúa đã chẳng bảo con : “Cha ở đâu, thì con cũng ở đó với Cha”. Không lẽ con bỏ Chúa một mình tơi tả trước toà án Philatô ? 
    Chúa đã chẳng mời con cộng tác trong công trình cứu thế giới, và con đã trả lời: “Này con đây !” Không lẽ công trình đang dang dở, đang cần bàn tay con, thì con lại rút lui, hủy hợp đồng ? 
Chúa đã chẳng ngỏ ý xin con quảng đại không chỉ góp công góp của, nhưng góp xương góp máu, góp luôn cả uy tín, danh dự, tính mạng, để muôn người được sống và sống dồi dào, và con đã vui vẻ “Xin vâng”. Không lẽ hôm nay con rút lời, khép lại cửa lòng ? 
Chúa đã chẳng kêu gọi và con đã đáp lời chấp nhận trở thành của lễ hy sinh, để chuộc tội người khác. Không lẽ củi, lửa đã dọn, mà lễ vật là con lại biệt tăm, mất dạng ? 
Chúa đã chẳng chọn con làm bạn tri âm tri kỷ, và chia sẻ với con giấc mơ cứu thế sao ? Không lẽ đến giờ lãnh sứ vụ và lên đường thì con lại do dự, nhụt chí ? 
Cũng trong thinh lặng của đêm nay, trước ngưỡng cửa của năm mới, con nhận ra điều Chúa muốn nói với con :  “Hãy theo Cha !” Và đừng quan tâm gì đến những gì ngoài Cha, bởi Cha đủ sức làm thỏa lòng con, vì Cha là Thiên Chúa. Cha có thể làm tất cả mọi sự như Cha muốn. Con còn tìm kiếm, đợi chờ sức mạnh nào nữa, ngoài Cha ?  
Sẽ chẳng có ai, hay quyền lực nào làm hại được con, vì bàn tay Cha luôn đặt trên vai con và hướng dẫn con. 
Tất cả những gì là con, thuộc về con đều thuộc về Cha, và Cha làm cho tất cả tan biến trong tình yêu của Cha, để không một vết tích nào của con mà không mang thương tích lòng Thương Xót của Cha, vì Cha muốn chọn con làm dung mạo của Cha, cũng như Chúa Cha đã chọn Cha làm dung mạo lòng Thương Xót của Ngài. 
Cha đã chọn riêng con đi với Cha vào vườn Cây Dầu, vì cha tín nhiệm con, yêu con hơn nhiều người khác. Và càng yêu con, Cha càng muốn con nên giống Cha trong lòng thương xót, mà thương xót thì sao tránh khỏi xót xa, nặng lòng ? 
Cha cũng có kế hoạch riêng của Cha trên đời con, kế hoạch mà con chỉ biết hết khi mọi sự đã hoàn tất, như ngày nào năm xưa giờ phút Cha giang tay chịu đóng đinh trên thập giá, đâu có ai, kể cả các môn đệ thân tín đã hiểu được giá trị của ơn cứu độ và thấy được vinh quang của ngày phục sinh. Hãy tin ở Cha, và ở lại trong tình thương của Cha, vì Cha đã yêu con trước và là Đấng kêu gọi, tuyển chọn con cho Cha. 

Vâng, lậy Chúa, sớm mai, trong thánh lễ đầu năm, con sẽ cùng anh em dâng Chúa phần sau lời cầu nguyện của Chúa với Chúa Cha, cũng là sứ mệnh Chúa muốn con thực hiện suốt đời làm người Kitô hữu : 
“Xin cho Ý Cha được thể hiện, chứ không phải ý con”. 
Jorathe Nắng Tím