Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

HÀNH TRANG VÀO ĐỜI SAU

Tháng Mười Một gợi nhớ nhiều về sự chết, người chết, và cũng nhắc nhớ sẽ đến phiên mình chết một ngày : xa gần không biết, ở đâu không hay, cách nào không rõ, nên mỗi năm khi tháng cầu cho các linh hồn về, nghe lòng như chùng lại, tim se thắt, xót xa, và cổ họng đắng chát phận buồn con người biết mình phải chết.
Phải chết một ngày vì là con người, bởi đã là người thì phải chết như án lệnh từ đời đời cho cả loài người, và cứ thế, người trước kẻ sau, bất phân mầu da, tiếng nói, tuổi tác, giai cấp, trình độ…, người người nối đuôi nhau, tiếp theo nhau nhận lệnh lên đường đoàn tụ với tổ tiên, ông bà bỏ lại cuộc sống, giã từ trần gian, đi vào cõi chết, mà không thể trì hoãn, gia hạn hay khiếu nại, thắc mắc, cũng không kéo được ai theo mình, hay mang theo được sự gì dù cỏn con, bé bỏng, nhẹ nhõm, ngay cả như hơi thở trước ngưỡng cửa vào thế giới hoàn toàn xa lạ, bí mật, chưa một lần tham quan, khảo sát …
Nhìn người chết vô hồn, bất động, cứng đơ, lạnh lẽo, ai cũng hiểu chết là chấm hết mọi chức vụ, dù người ấy có đang tại chức Giáo Hoàng, Giám Mục chính toà, nguyên thủ quốc gia, chủ tịch, giám đốc ; chết là chấm dứt mọi uy quyền, dù người ấy đang nắm giữ quyền sinh sát toàn thế giới, hay là nhà độc tài hét ra lửa, thở ra khói làm mọi người phải rụng rời, kinh sợ ; chết là kết thúc mọi chiến dịch vận động tìm kiếm  của cải, thành công, vinh quang, huy chương, bằng tưởng thưởng ; là đóng lại mọi ước mơ, kế hoạch, đồ án, chương trình, dù là những kế hoạch kinh thiên động địa, hay những chương trình chuyển núi rời non. Nhưng đồng thời chết cũng là trả hết nợ đời, trút bỏ gánh sầu buồn, tủi nhục của một đời nghèo đói, thất học, không gia thế, địa vị, bị người đời khinh khi, vùi dập, khai thác, bóc lột, lợi dụng ; chết cũng là giã từ những uất nghẹn khi bị người đời chụp mũ oan sai, vu khống hồ đồ, lên án oan uổng, và chết cũng là gửi lại đời những đẳng cấp, số má, bon chen, đấu đá, thị phi, tranh giành.  
Nhưng nếu chết là hết, là dấu chấm hết to đùng làm đứng hình, tắt phim tất cả và thực sự không còn gì sau dấu chấm hết này nữa thì coi như đã xong, đã hoàn tất mọi việc, mọi sự, và không còn gì lấn cấn, vướng víu : người giầu có, uy quyền, khỏe mạnh đã may mắn hưởng một đời hạnh phúc, còn người nghèo khổ, hèn hạ, tật nguyền thì đành chịu đã không may mắn trải qua một đời làm người bất hạnh, để chết rồi người may mắn, kẻ xui xẻo cũng như nhau ở kiếp tro bụi hư vô, không còn là bất cứ sự gì nữa, và cũng chẳng phải bận tâm lo nghĩ nhân qủa, thưởng phạt.
Trái lại, có nhiều dấu hiệu, nhiều điềm lạ, nhiều biến cố cho thấy : chết không hết, xác có tan rữa đấy, nhưng hồn vẫn còn đây. Trong giấc ngủ nửa mơ nửa tỉnh, người thân tuy đã chết nhưng vẫn thênh thang về gặp ; trong lời kinh tưởng nhớ, vẫn thấy gắn bó, gần gũi như ngày xưa những bóng hình đã khuất ; khói nhang quyện hương lòng trước bàn thờ, di ảnh người quá cố vẫn nghe xôn xao, se thắt nỗi  nhung nhớ, niềm tiếc thương… Phải rồi, người chết vẫn sống, vì linh hồn con người bất tử, người chết vẫn còn quanh đây, vì cuộc sống dương thế đã không chỉ toàn là bụi tro, nhưng còn là những thiêng liêng, đời đời, tuyệt đối.
    Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã khẳng định chân lý này :
·      Nếu người ta được cả thế gian, mà mất sự sống đời đời thì nào có ích lợi gì ? (Mt 9,26)
·       Qủa thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. Còn về vấn đề kẻ chết sống lại, thì các ông không đọc lời Thiên Chúa đã phán cùng các ông sao ? Người phán : Ta là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác và Thiên Chúa của Giacóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống (Mt 22,30-32).
·      Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ… Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao (Mt 5,3.12).   
·      Anh em chớ mừng vì qủy thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời (Lc 10,20).
Đức Giêsu nói cho chúng ta, những người biết mình sẽ phải chết, nhưng không biết chết là gì, và chết rồi đi đâu điều này, đó là tất cả mọi người sẽ sống lại sau khi đã chết, có một sự sống vĩnh cửu, không bao giờ bị gián đọan sau sự sống này, có một vương quốc thuộc về Thiên Chúa sau cuộc sống dương thế, có một phần thưởng  lớn lao, có một danh sách ghi tên những người được ở trên trời, và Thiên Chúa là Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa của người sống. 
Nhưng vấn đề quan trọng ở đây là phải có điều kiện nào để được hưởng những điều Đức Giêsu  vừa kể, sau khi chết. Đây chính là bí mật cứu độ của Thiên Chúa đã được Đức Giêsu mặc khải cho những người bé mọn, vì trong thế giới của những kiêu căng, quyền lực, hưởng thụ, xa hoa, bí mật này dù có được công bố trên mái nhà, người ta cũng không mấy quan tâm, như Đức Giêsu đã nhiều lần lên tiếng : Vậy, tôi phải ví người của thế hệ này với ai ? Họ giống ai ? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói : Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa ; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than. Thật vậy, ông Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo : Ông ta bị qủy ám. Con Người đến cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo : Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi (Lc 7,31-34). Ai có tai nghe thì nghe (Lc 8,8).
1.   Điều kiện thứ nhất :  tin nhận Thiên Chúa là Tình Yêu không đổi dời, vô cùng và đến cùng :
Như người con thứ hoang đàng trong dụ ngôn Người cha nhân hậu đã có thể đứng dậy, lên đường trở về, vì anh đã tin Cha lúc nào cũng một mực yêu thương : yêu thương khi con ngoan ngoãn, vâng lời, yêu thương cả khi con ngang ngược, bất hiếu đòi chia gia tài khi cha còn sống ; vì anh đã tin tình Cha vô cùng bao la, hải hà, để yêu anh đến tận bước chân cuối cùng ở đường cùng thân tàn ma dại, sau khi đã ăn tiêu hết sạch tiền bạc, và lâm cảnh túng thiếu, phải đi ở đợ và chỉ dám ao ước lấy cám heo mà nhét cho đầy bụng (x. Lc 15,11-20).
Một khi tin tình yêu Thiên Chúa không đổi dời như tình con người dành cho nhau nay còn mai mất, hôm nay nồng nàn, ngày mai hờ hững, sớm mai sôi nổi, chiều về đã lạnh tạnh, hay khi vui thì đam mê, tha thiết, lúc buồn thì ngao ngán, dửng dưng, con người mới an tâm đi vào đời sau, mới tin tưởng bước vào đời đời, mà không hoang mang, sợ hãi bóng đêm sự chết; có tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu, luôn trung tín với tình yêu bao dung dành cho con cái mình, con người mới bình an nhắm mắt, xuôi tay từ bỏ thân xác tro bụi để đi vào lòng Đấng đã tạo dựng nên mình vì yêu thương ; có tín thác ở Thiên Chúa, Đấng chỉ muốn băng bó, chữa lành, giải thoát và cứu độ ; Đấng không đành bẻ gẫy cây lau bị giập, chẳng nỡ tắt đi tim đèn còn leo lét (Mt 12,20), con người yếu đuối, tội lỗi ở giờ chết mới dám ngước mắt thân thưa trước Thiên Chúa như người con trở về : Lậy Cha, con đã đắc tội với  Trời và với Cha(Lc 15,18).     
2.   Điều kiện thứ hai : yêu thương anh em như chính mình đã được Thiên Chúa yêu thương :
Có một điều không thể chối cãi, đó là ai cũng có khả năng yêu thương, mà không ai có thể tị nạnh : người khác có khả năng yêu thương hơn tôi, hoặc tôi không biết yêu thương, không yêu thương giỏi như người khác. Trái lại, quà tặng đồng đều của Thiên Chúa cho mọi người là khả năng yêu thương, nên bất cứ ai, ở thời nào và ở đâu, trẻ già lớn bé, giầu nghèo, sang hèn, bất kỳ chỗ đứng nào trong gia đình, xã hội cũng đều có khả năng yêu thương như nhau và được Thiên Chúa mời gọi yêu thương như Ngài.
Vì thế, Đức Giêsu đã không đề ra một danh sách những hành trang con người phải mang theo đến trước Nhan Thiên Chúa khi chết, hay những tặng vật con người phải chuẩn bị để biếu xén, mua chuộc Thiên Chúa như con người thường làm đối với người có quyền, có chức, có ảnh hưởng ở thế gian, nhưng Ngài đã chỉ đưa ra một hành trang duy nhất mà con người phải mang theo khi chết, nếu muốn được vào Nước Trời, được sự sống đời đời, đó là Tình Yêu dành cho đồng loại.
Vì tất cả đã nhận đồng đều tình yêu để yêu, nên ai nấy, dù quyền cao chức trọng đến đâu, cũng phải đệ trình Thiên Chúa việc làm yêu thương của mình ; vì tất cả đã nhận cùng một vốn liếng Tình Yêu như nhau, nên không ai, dù thuộc phẩm trật cao cả đến cỡ nào, cũng không được miễn trừ trả lời việc làm sinh sôi nẩy nở nén bạc tình yêu ; vì tất cả đã được đồng đều trao ban tình yêu để yêu như ơn gọi, sứ vụ, nên không ai tránh được câu hỏi về quá trình yêu thương của mình trước Thiên Chúa ; vì tất cả  khi chết đều phải bỏ lại mọi người, mọi sự, mọi vương trượng, mũ mão, quyền lực, tiền của, danh vọng, nên ai cũng sẽ chỉ trơ trọi một mình với Tình Yêu là hành trang duy nhất; vì tất cả đã phải như nhau trở về tro bụi, khi tất cả những gì thuộc vật chất đã tiêu tan, nên ai nấy chỉ còn lại linh hồn thiêng liêng với tình yêu bất tử là hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống, đời đời.
Như thế, con người hoàn toàn như nhau  trước Toà Thiên Chúa, khi ai cũng như ai : không mang được gì, cho dù cả thế giới là của mình ; không thể mua chuộc, mánh mung, đút lót, vì tất cả những gì đã có đều trở thành hư vô, và ai nấy chỉ còn lại Tình Yêu là hành trang để đi vào cõi hằng sống ; chỉ còn Tình Yêu là gia sản có giá trị, được phép mang theo ; chỉ còn Tình Yêu là thông hành phải xuất trình để được nhận vào Nước Trời ; chỉ còn Tình Yêu là dấu hiệu để được nhận ra là Con Thiên Chúa ; chỉ còn Tình Yêu là gien ADN để được khai sinh trong gia đình Thiên Đàng, và chỉ còn Tình Yêu để được  nghe  chính Đức Giêsu từ Toà vinh quang phán:
Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn ; Ta khát,các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ; ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu ; các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han… Và Ta bảo thật : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho ta vậy (Mt 25,34-36.40).   
Qủa thực, niềm an ủi và hy vọng duy nhất của con người biết mình phải chết là sẽ được chết trong Thiên Chúa là Tình Yêu thương xót, như người đầy tớ mắc nợ vua kia mười ngàn yến vàng, bị đòi đến trước mặt Vua, nhưng không có gì để trả, đã sấp mình xuống bái lậy xin Vua rộng lòng hoãn lại kỳ hạn. Vua chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ (Mt 18,27). Tha hết món nợ kếch xù cho anh, Đức Vua chỉ mong anh cũng biết xót thương anh em như vậy. Nhưng rất tiếc cho anh, thay vì tha cho người bạn chỉ mắc nợ một trăm quan tiền, món tiền không là gì so với mười ngàn yến vàng anh vừa được Đức Vua xóa nợ, anh đã mê muội, ích kỷ, ki bo, tàn ác, nhẫn tâm đến độ cứ tống anh bạn mắc nợ kia vào ngục cho đến khi trả xong nợ, dù anh bạn khốn khổ, túng quẫn ấy đã sấp mình xuống và hết lời van xin. Và cái kết không ngờ đã đến với anh, khi Đức Vua biết chuyện đã cho đòi y đến và bảo : Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?. Rồi Đức Vua nổi giận, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho Vua (Mt 18,32-34). Và Đức Giêsu đã kết luận : Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình (Mt 18, 35).      
Lậy Đức Giêsu, Đấng từ bi, nhân hậu, con biết con sẽ chết, nhưng không biết bao giờ chết và chết cách nào. Vì nhiều tội, lắm lầm lỗi, đầy thiếu sót, ngập khuyết điểm, nên con sợ giờ chết, sợ Chúa thịnh nộ từ chối con, không cho con đứng về phiá bên phải của những người lành được chúc phúc vì  họ đã sống một đời yêu thương, thực hành lòng thương xót.
Vì sợ nên con run rẩy sấp mình van xin Chúa thương xót, tha cho con món nợ Tình Yêu khổng lồ mà con biết sẽ không sao trả nổi. Và để được Chúa chạnh lòng thương, tha thứ, con hứa sẽ không độc ác như người đầy tớ không có lòng thương xót trong Tin Mừng mà chính Chúa đã kể, nhưng còn ngày nào được sống trên dương thế này, con sẽ cố gắng thực hiện từng bước Yêu Thương, Tha Thứ trên đường về đời sau.
Xin Chúa thương xót và nhớ đến chúng con trong Nước Chúa, nếu hành trang của chúng con ở giờ chết còn nhẹ tênh, chưa xứng đáng, Chúa nhé !
Jorathe Nắng Tím

DA - KÊU, KẺ ĐI TÌM

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXI Thường Niên, Năm C            
Tin Mừng kể về nhiều người giầu : có người thanh niên giầu đã sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi khi nghe Đức Giêsu đề nghị : Anh chỉ thiếu một điều, là hãy bán đi những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời (Mc 10, 21-22) ; có người giầu khi sống thì lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình, nhưng dửng dưng với người nghèo tên Ladarô mụn nhọn đầy mình, nằm trước cổng nhà ông. Dưới âm phủ, sau khi chết, người giầu này chỉ dám nài xin : Lậy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát ; vì ở đây, con bị lửa thiêu đốt khổ lắm !, nhưng Ápraham trả lời : giữa thiên đàng và hoả ngục đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được (x. Lc 16,19-31) ; có người giầu nứt tường nứt vách hớn hở tự nhủ mình : Hồn ta ơi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !”. Nhưng Thiên Chúa bảo ông : Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ? (Lc 12, 19-20) ; cũng có người giầu tên là Da - Kêu, đứng đầu những người thu thuế, và là người giầu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng lại đông, mà ông ta lại lùn. Ông ta liền chạy tới phiá trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : Này ông Da - Kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông. Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người (Lc 19,2-6).
Ông Da - Kêu đã không giống những người giầu được kể : ông không sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, như người thanh niên giầu có sau khi nghe lời đề nghị của Đức Giêsu, nhưng ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người vào nhà mình ; ông không phải xuống hoả ngục vì đã không từ tâm thương xót người nghèo mụn nhọt đầy mình nằm trước cổng nhà ông như người phú hộ. Trái lại, ông được Đức Giêsu ngước nhìn lên và nói với ông : Này ông Da -Kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông, và trong bữa ăn, Đức Giêsu còn nói về ông ta rằng : Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất (Lc 19,5.9-10) ; ông cũng không như người giầu khác bị chê là đồ ngốc, vì không biết nội trong đêm nay, thần chết sẽ đến lấy mạng, nhưng ông đã thưa với Chúa rằng : Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo ; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn (Lc 19,8).  
Cũng là người giầu, cũng tham ô, hối lộ, chiếm đoạt tài sản của thiên hạ cách này cách khác như chính ông thú nhận (x. Lc 19,8), nhưng Da- Kêu đã hoàn toàn không rơi vào tình trạng rầu rĩ bỏ đi sau khi gặp Đức Giêsu của người giàu thứ nhất, không rơi xuống hoả ngục để rồi bị lửa thiêu đốt khổ lắm (Lc 16,24) như người giầu thứ hai, cũng không phải bất đắc kỳ tử trong đêm mà không mang theo được xu teng nào của người giầu thứ ba.
Nhưng tại sao, Da -Kêu lại may mắn hơn những người giầu này ?
1.   Vì Da- Kêu muốn tìm biết Đức Giêsu là ai ?
Cả ba người giầu tạm gọi là không may mắn đều đã không muốn tìm biết Đức Giêsu là ai, ngay cả anh thanh niên giầu có, anh đến hỏi Đức Giêsu cách thức để được sự sống đời đời và khẳng định những điều kiện Đức Giêsu đưa ra như : Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, chớ làm chứng gian, hãy thờ cha kính mẹ (Mc 10,19), anh đều có tất cả, khi trả lời Ngài : Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ (Mc 10,20). Nhưng anh quên một điều : Thiên Chúa cần anh tìm biết Ngài, vì chính Thiên Chúa sẽ đổi mới anh, thánh hoá anh, cứu độ anh, chứ không phải lề luật, nhân đức, bởi Đấng anh phải tìm, chính là Đức Giêsu, con người Thiên Chúa, chứ không đến hỏi thăm Đức Giêsu để tìm một bí quyết, một quy tắc, một phương cách, hay khoe khoang công trạng, nhân đức, vì chỉ một mình Ngài là Đường, Sự Thật, Sự Sống, và Đấng Cứu Độ.
Da - Kêu đã không tìm ai, tìm sự gì ngoài tìm xem cho biết Đức Giêsu là ai (Lc 19,3), vì ông khao khát muốn biết rõ Đấng mà nhiều người đang đổ xô đi theo, đang say mê nghe Ngài giảng dậy, đang nhận được từ Ngài vô số ơn lành hồn xác. Ông được thúc bách đi tìm xem cho biết Ngài là ai, và chính khi đi tìm cho biết Ngài là ai, ông đã bước trên con đường có Ngài đang đi tìm ông. Một hạnh phúc bất ngờ mà ông không thể biết trước, đó là chính Thiên Chúa đi tìm ông, đến gặp ông khi ông vừa lên đường đi tìm Ngài !
2.   Vì Da - Kêu đã hiện thực ước muốn đi tìm Thiên Chúa của mình :
Ước muốn đi tìm để xem cho biết Đức Giêsu là ai, Da - Kêu đã không chỉ ước mơ xuông, ước ao để đó, ước muốn chờ thời, nhưng thực hiện ước muốn đó bằng chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó (Lc 19,4). Với trí thông minh, và tài tính toán, ông biết địa điểm nào Chúa sắp đi qua ; với ý chí sắt đá và nhiệt tình cao độ, ông thoăn thoắt leo nhanh lên cây sung cao, quyết nhìn thấy Ngài.
Ước muốn đi tìm biết Thiên Chúa là ai đã thúc bách ông lên đường khi chạy tới phiá trước. Ông không ngồi lì một chỗ rồi ước mơ, không nằm ở nhà rồi mơ ước, nhưng bỏ bàn thu thuế, bỏ văn phòng làm việc, bỏ bàn nhậu 1,2, 3 Dzô để chạy tới phiá trước. Chạy tới phiá trước diễn tả từ bỏ chỗ đang đứng, ra khỏi nơi đang ở, rời hẳn tháp ngà đang yên ấm để ra xa, ra sâu, ra vùng ngoại biên lạ lẫm, nhiều rủi ro, ra với người khác còn xa lạ, chưa quen biết bên ngoài. Hơn thế nữa, ước muốn ấy còn thôi thúc Da - Kêu hăm hở leo lên cây, nghiã là cố gắng vươn cao, hướng thượng, nâng tâm hồn và cuộc sống lên một tầm cao xứng đáng.
Vâng, Da - Kêu là người giầu tội lỗi, như bao người giầu, người nghèo tội lỗi khác, bởi đâu cứ nghèo là thánh thiện, cứ giầu là tội lỗi. Điểm then chốt ở đây là Đức Giêsu đã gọi : Da - Kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông, trong bỡ ngỡ ngợp tràn hạnh phúc của một người tội lỗi được Thiên Chúa đích thân đến gặp trên đường đi tìm Ngài : Đức Giêsu đã dừng lại ngay dưới gốc sung, gọi đúng tên, và ngỏ ý ở lại nhà Da - Kêu, khi ông ẩn mình trên cành sung cao chiêm ngắm Ngài. Và còn ngạc nhiên hơn nữa trong niềm vui òa vỡ khi Đức Giêsu tuyên bố : Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này (Lc 19,9), bởi chính Thiên Chúa là Mục Tử dong duổi đi tìm con chiên bị lạc mất (x. Lc 15,4-7), người cha nhân hậu ra đầu ngõ ngóng bóng con trở về (x. Lc 15,20), Đấng Cứu Độ đến giữa loài người để hiến mạng sống làm giá cứu chuộc mọi người, và mãi mãi Ngài đợi chờ và đích thân đến gặp trong ước muốn và ở những bước đầu của hành trình đi tìm Ngài của những con người tội lỗi là chúng ta, như đã gọi tên, đến nhà, ở lại và chúc phúc cho người giầu Da - Kêu năm xưa ở Giêrikhô.
Jorathe Nắng Tím

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

TRƯỚC DI ẢNH NGƯỜI QÚA CỐ

                               Lễ cầu nguyện cho các Linh Hồn
Ngày xưa còn trẻ, mỗi lần đi đám tang, tôi chẳng bao giờ nghĩ phận mình cũng sẽ chết như người chết nằm trong quan tài trước mặt, và tỉnh bơ coi như người khác chết, còn ta bất tử… Lớn lên, rồi già theo thời gian lạnh lùng rảo bước, tôi nhận ra ở mình những dấu hiệu gần đất xa trời như đầu óc lẩm cẩm, chân bước liêu xiêu, mắt mũi, ruột gan, tim phổi thường xuyên bất ổn, lúc này tôi mới giật mình hoảng hốt : rồi một ngày không xa cũng sẽ đến phiên khép mình lặng lẽ trong quan tài buồn thảm.
Kinh Thánh  không ngừng nhắc nhở con người phải chết. Ngay từ chương 3 của Sách Sáng Thế, Thiên Chúa đã phán : “Vì từ đất ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19), đến thánh Tông Đồ dân ngoại trong thư gửi giáo đoàn Corinthô cũng nhắc lại chân lý ngàn đời, không thay đổi này : “Mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết” (1 Cr 15,22).
Hôm nay nhìn lên di ảnh của ông bà, cha mẹ, họ hàng thân thuộc, bạn hữu xa gần trong ngày lễ cầu cho các linh hồn, tôi đọc được qua ánh mắt các vị những gì các vị muốn nói:
1.   Các vị cũng đã sợ chết, như chúng ta đang sợ.
Sợ ra đi một mình vào thế giới hoàn toàn xa lạ ; sợ bỏ lại người thân, cuộc đời ; sợ lỗi lầm còn chồng chất, tội khiên còn ngập tràn ; sợ “Chúa im hơi lặng tiếng” “bắt con phải chết cùng quân tội lỗi, với phường ác nhân” (Tv 28,1.3) ; sợ “Chúa chấp tội”  thì làm sao con đứng vững ? (x.Tv 130,3), sợ “bị lãng quên, như kẻ chết không người tưởng nhớ” (Tv 31,13).
2.   Các vị đã hy vọng như chúng ta đang hy vọng :
Hy vọng  trong Đức Giêsu phục sinh, như thánh Phaolô dậy : “vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Kitô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng nơi Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15,17-19).
Hy vọng được sống lại với Đức Giêsu : “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người : đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8). “Anh em đã được cùng mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết” (Cl 2,12).
Hy vọng  được Chúa thứ tha mọi lỗi lầm, “vì Người là Đấng từ bi, và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương. Người không xử với ta như ta đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi của ta” (Tv 102, 8-10).
Hy vọng Chúa là người cha nhân hậu đã không chấp tội con mình, nhưng tình cha trước sau như một, vẫn “chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ”  người con hoang đàng thống hối khi con còn ở đằng xa trên đường về, lại sai đầy tớ “mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”  (Lc 15,22-24).       
3.   Các vị đã cầu xin  ơn thương xót như chúng ta đang kêu cầu ơn thương xót cho các vị :
Ở giờ lâm chung, khi miệng lưỡi đã tê cứng, thân xác chết dần, các vị chỉ có thể ú ớ, thều thào như người tử tội bị đóng đinh bên phải Đức Giêsu : “Lậy Đức Giêsu, xin nhớ đến con trong Nước của Ngài” (Lc 23,42), và như những người bệnh tật, bị qủy ám ngày xưa đã sấp mặt trên đường đón Chúa đi qua và tha thiết khẩn nài : “Lậy Đức Giêsu, xin thương xót con !” .
Cùng với các vị và cho các vị, cùng toàn thể  Hội Thánh chúng ta dâng lời cầu : “Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng, vui vẻ vô cùng. Amen”.
4.   Các vị đã bình an phó thác linh hồn trong tay  Chúa là Cha toàn năng và  giầu lòng thương xót, trước sự hiện diện từ mẫu của Đức Mẹ :
Vừa lặp lại lời cầu nguyện của Đức Giêsu trên thánh giá, giờ hấp hối : “Lậy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46), các vị vừa nắm chặt tay Đức Mẹ và bình an trút hơi thở cuối cùng, trong lời kinh thuộc lòng từ tấm bé : “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”.
Vâng, ở giờ lâm tử, chỉ còn Đức Mẹ là Đấng ủi an, trạng sư bênh đỡ có thần thế trước mặt Thiên Chúa, và là Đấng duy nhất biết con đường  ngắn nhất, nhanh nhất, dễ nhất đưa kẻ có tội về với Chúa Giêsu, nên vai trò của Đức Mẹ cực kỳ quan trọng ở giờ phút quyết định số phận đời đời của mỗi người. Vì thế, hạnh phúc của những ai yêu mến Đức Mẹ là được chết bình an trong tay Mẹ và được cùng Mẹ đi gặp Chúa Giêsu, Con Mẹ yêu dấu, khi linh hồn ra khỏi xác.
Tháng các Linh Hồn, như Bạn, tôi nhớ lắm và cầu xin ơn tha phần phạt cho những người khi còn sống đã yêu thương, cưu mang, sinh dưỡng, giáo dục, cứu giúp, nâng đỡ, ủi an, bênh vực  tôi trên hành trình cuộc sống của họ ; những người khi sinh thời đã đau khổ, nhục nhã, bị tổn thương, chịu thiệt thòi cách này cách khác vì tôi ; những người lúc sống đã vì tôi mà xa Chúa, do tôi mà mất đức tin ; những người ở dương gian đã không nhận được ở tôi lòng trắc ẩn, tình huynh đệ, việc làm bác ái ; những người khi còn sống đã có lúc kỳ vọng ở tôi rất nhiều, để khi chết mới thấy tôi chẳng có gì, chẳng ra gì, nhưng tội lỗi, tầm thường, và rất bất xứng ; cả những người tôi đã một lần ganh ghét, thù hận, giận dỗi hoặc giận dỗi, thù hận, ganh ghét tôi.
Tôi nhớ tất cả các vị và cúi mình cảm tạ, xin thứ lỗi !
Tôi thành kính tưởng niệm và cùng Hội Thánh thiết tha nguyện cầu cho tất cả các vị ơn Thương Xót và Bình An trong Đức Giêsu, là Thiên Chúa từ bi và nhân hậu  đến “để tìm và cứu những gì đã hư mất” (Lc 19,10) ; là Mục Tử nhân lành “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10) ; là Đấng đã nói với Mácta, khi gọi Ladarô, em cô ra khỏi mồ : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).   
Trong niềm hy vọng vào Đức Kitô phục sinh, tôi hẹn gặp tất cả các vị trong Nước của “Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung” luôn rộng lòng xót thương kẻ có tội.
 Jorathe Nắng Tím

“TRẺ ĐẸP” MÃI VÌ YÊU THƯƠNG

Mừng Kính Các Thánh Nam Nữ
Là người, ai cũng thích trẻ đẹp, kể cả người luống tuổi cũng níu kéo tuổi trẻ, sắc đẹp của mình bằng chạy đến mỹ viện, cậy nhờ son phấn, trong nuối tiếc thời thanh xuân trẻ đẹp, vì trẻ đẹp là ước mơ khôn nguôi của mọi người.
Trẻ là mơ ước, vì tuổi trẻ hào phóng, quảng đại ; người trẻ dễ gần, dễ thương, dễ cảm thông, chia sẻ ; đời trẻ hăng say, không sợ nguy hiểm, bất chấp thử thách, gian nguy, thế hệ trẻ tràn đầy sức sống, niềm vui, hy vọng. Bên cạnh mơ ước “trẻ” là ước mơ “đẹp”, vì người đẹp được chiêm ngưỡng, yêu thương, ca tụng ; nét đẹp luôn làm phấn khởi lòng người, và sắc đẹp ở đâu và thời nào cũng  là lợi thế không thể chối cãi.
Nhưng thực tế cho thấy mơ ước vẫn mãi là ước mơ, nếu chẳng may không được sinh ra với nhan sắc mặn mà, để một thời được đời gọi là “người đẹp” ; và  một điều không thể tránh, đó là mai ngày tuổi già ập đến, tóc bạc, da nhăn, lưng còng, chân mỏi, và “trẻ đẹp” hờ hững bỏ đi như những giòng sông buồn, cô quạnh.
Chính trong nỗi buồn của những giòng sông cuộc đời không còn trẻ đẹp, Đức Giêsu giới thiệu cho chúng ta những con người không bao giờ hết đẹp, và chẳng bao giờ già nua, những con người đã thực hiện trọn vẹn ước mơ trẻ đẹp của đời mình, vì không chỉ trẻ đẹp mãi dưới ánh mắt, mà còn trong trái tim của Thiên Chúa và loài người. Họ là những con người thánh !
Trước hết, Đức Giêsu giới thiệu những “con người thánh” là những người được Thiên Chúa chúc phúc : họ được chúc phúc vì nghèo khó, hiền lành, công chính, nhân hậu, hay xót thương, trong sạch, yêu mến và xây dựng hoà bình, và bị vu khống, bách hại vì danh Chúa (x. Mt 5, 3-12).
Nhưng có phải họ nghèo khổ, hiền lành, bị bách hại … vì lười biếng, ngu ngốc, khờ dại, hay thiếu khôn ngoan, khéo léo trong cuộc sống không ?
Thưa họ chịu thiệt thòi, thua kém người đời đến nỗi trở nên nghèo khó, bị rơi vào cảnh sầu khổ, bị thiên hạ hàm oan, lên án, chịu mất mát, lép vế, xử tệ vì yêu thương những người anh em của mình. Có người trong số họ nghèo vì quảng đại chia sẻ, sầu buồn vì mang lấy gánh nặng tang thương của người khác, bị hồ đồ tố cáo vì quên mình phục vụ, bị oan uổng kết án vì hết lòng xót thương và hết tình bênh vực, cứu giúp người cô thế, bần cùng, không tiếng nói. Cuộc đời họ trở thành những trang sử bi hùng, không vì “vinh thân phì gia” nhưng vì người khác đang cần trái tim chạnh lòng thương xót và bàn tay chia sẻ của họ ; tiếng tăm, danh dự, chỗ đứng của họ bị đe dọa, bôi nhọ, giật sập vì sự sống và hạnh phúc của những anh chị em “thấp cổ bé miệng” bị đời đàn áp, bóc lột.
Tóm lại, những con người thánh luôn thiệt thòi nhiều, mất mát nhiều, thua lỗ nhiều vì anh em ; họ khổ nhiều nỗi, truân chuyên đủ mặt, vất vả đủ kiểu cho sự sống và tương lai của nhiều người, và dưới con mắt người đời, họ là những người không khôn, không khéo. Và một điều chắc chắn : họ đã không nghèo khổ, nhục nhằn, chịu oan sai, lên án, nếu đã ích kỷ co cụm, lo cho thân mình, mà không xả thân gánh vác việc thiên hạ, hy sinh vì hạnh phúc của tha nhân, chạnh lòng thương xót anh chị em cùng khốn. 
Nhưng phúc cho họ, vì chỉ một mình Thiên Chúa biết họ khôn, vì họ yêu thương và họ được Thiên Chúa ủi an, được nhìn thấy Thiên Chúa, được Nước Trời làm gia nghiệp và phần thưởng lớn lao trên trời. Và vì có Thiên Chúa, có Nước Trời, họ đạt trọn vẹn ước mơ trẻ đẹp trong Thiên Chúa là Tình Yêu .
Qủa thực, trong Tình Yêu, Thiên Chúa là mùa xuân vĩnh cửu mãi mãi làm tươi trẻ tuổi thanh xuân của họ, để họ không bao giờ phải già nua, vì tình yêu luôn làm họ tươi trẻ. Chính tình yêu đã làm tâm hồn một thánh Giáo Hoàng Phaolô II trở thành mùa xuân bất tận của tuổi trẻ thế giới, dù tuổi đời của Ngài cao và sức khoẻ  tiêu hao, tàn tạ những năm cuối đời. Ai có thể nói tâm hồn của vị thánh Giáo Hoàng của thế kỷ XX này già nua, cằn cỗi, lạc hậu, bảo thủ ? Ai có thể tìm ra những tiêu cực của tuổi già ở vị thánh của giới trẻ thời đại, ngay cả trên giường bệnh ? Những phong trào trẻ trên khắp thế giới được khai sinh từ “tinh thần trẻ”  Gioan Phaolô II, những đại hội giới trẻ thế giới hằng năm từ sáng kiến của vị giáo hoàng suốt đời thao thức làm trẻ trung Đức Tin ở giới trẻ lôi cuốn hàng triệu bạn trẻ khắp nơi về gặp gỡ, chia sẻ làm chứng điều này, bởi chỉ có tình yêu Đức Giêsu mới làm tươi trẻ mãi cuộc đời của những con người thánh như ngài.
Một con người thánh khác, cũng cùng thời đại chúng ta, là Mẹ Têrêsa Calcutta. Nhìn vào cuộc đời của Mẹ, ai dám bảo đó là cuộc đời không đẹp ? Trái lại, mọi người đều trầm trồ ca ngợi Mẹ là con người sống đẹp, sống cuộc đời rất đẹp khi yêu thương và hiến thân phục vụ những con người bị xã hội xô đẩy xuống đáy vực thẳm cuộc đời. Thử hỏi hoa hậu nào đẹp hơn Mẹ ? Mỹ nhân nào đáng yêu, đáng mến hơn Mẹ ? Và một lần nữa, chính tình yêu Đức Giêsu đã làm đẹp mãi con người và cuộc đời con người thánh Têrêsa Calcutta.
Mừng kính các Thánh nam nữ, chúng ta chiêm ngưỡng cuộc đời tươi đẹp của các vị, nhưng quan trọng hơn cả là nhận ra đâu là “bí quyết” đã làm các vị trẻ mãi không già, đẹp hoài không phôi pha, tàn tạ. Bí quyết đó là Tình yêu : tình yêu đã cho các vị được trẻ mãi khi hiện diện sống động và hạnh phúc trong Thiên Chúa và trong tâm hồn anh chị em mình ; tình yêu đã làm các vị đẹp mãi đời đời, vì được Thiên Chúa trang điểm bằng Hồng Ân, và nét đẹp kiều diễm, tráng lệ, thánh thiện của các vị không ngừng thôi thúc, lôi cuốn trái tim người khác nôn nao muốn trở nên giống các vị.
Vâng, khi chiêm ngắm các Thánh nam nữ trên trời, chúng ta mới nhận ra : chỉ Tình Yêu mới bảo đảm đời đời nét trẻ đẹp của chúng ta, vì chúng ta chỉ trẻ mãi, đẹp mãi trong trái tim và cuộc đời của những người chúng ta yêu thương, phục vụ với tình yêu, và vì tình yêu ; chúng ta chỉ  tươi trẻ và xinh đẹp trong sự sống và hạnh phúc mà chúng ta đã cưu mang, xây dựng nơi người khác ; chúng ta chỉ hiện diện với niềm vui rạng rỡ của tuổi trẻ, và sức hấp dẫn lạ thường của nhan sắc trong người khác, bên những bó lúa vàng lung linh nước mắt hy sinh, và óng ánh mồ hôi của tháng ngày yêu thương, phục vụ ; và chúng ta, những con người tội lỗi, chưa đạt đến độ “làm người thánh” như các Thánh nam nữ sẽ chỉ thực sự được trẻ mãi không già, đẹp hoài không xấu, khi  tìm đến và ở lại trong Thiên Chúa là Tình Yêu không đổi dời, không lừa dối, không dập dờn lên xuống, nhưng trước sau vẫn một tình Cha thương con, vẫn một lời hứa : “tất cả những gì của Cha là của con” (Lc 15,31), vẫn đời đời  một mực trân qúy và “đi tìm cho kỳ được” những gì đã mất (Lc 15,4), vẫn luôn hào sảng “mở tiệc ăn mừng, vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 23-24).
Chính ở Tình Yêu đời đời bất diệt, không đổi thay, nhưng trung tín đến cùng và sâu thẳm tận cùng của Thiên Chúa, dù chúng ta yếu đuối, thay đổi không ngừng, phản bội không hổ thẹn, mà cuộc đời chúng ta được bảo đảm luôn trẻ, đẹp, vì chính Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ nhân hậu sẽ làm tươi trẻ, xinh đẹp cuộc đời mau già nua, héo úa của chúng ta, như đã làm cho các Thánh được bất tử trong tuổi trẻ và sắc đẹp thánh thiện của hồng ân “được làm người để sống yêu thương như Thiên Chúa là Tình Yêu”.
Jorathe Nắng Tím      

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

KHI NGUỜI TỘI LỖI CẦU NGUYỆN

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXX Thường Niên, Năm C  
Tin Mừng Luca với dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế qủa thực là niềm hy vọng lớn cho  tôi lúc này, lúc mà tâm hồn đang hoang mang, sợ hãi sau khi đọc bài viết của một linh mục kể lại giấc mơ kinh hoàng, ở đó, rất đông giáo dân cũ của ngài đã từ hoả ngục về gặp ngài và  cho ngài biết họ đã không được cứu rỗi vì những tội trọng đã phạm ngày xưa trên dương thế. Với Lời Chúa của Chúa Nhật XXX, Thường Niên, Năm C, tôi đã tìm lại được bình an, hy vọng không phải của người thánh thiện, vô tội, nhưng của người tội lỗi, như những người tội lỗi đã từ hoả ngục hiện về với vị linh mục kia, chỉ khác một điều là tôi cố gắng học cách cầu nguyện của người thu thuế tội lỗi đã được Chúa cho nên công chính khi trở về.   
Tin Mừng vẽ lên hai con người : cả hai cùng lên đền thờ cầu nguyện, cùng đến trước Thiên Chúa, cùng cất tiếng, mở lời thân thưa. Nhưng người Pharisêu thì đứng thẳng, nguyện thầm rằng :Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con (Lc 18,10-12). Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ  tội lỗi (Lc 18, 13).
Chẳng nói thì mọi người cũng thấy: người Pharisêu lên đền thờ cầu nguyện hôm ấy trong tư thế của một người đạo đức hoàn hảo, thánh thiện từ trong ra ngoài, công trạng dầy đặc tận chân răng. Bằng chứng là ông thánh sống Pharisêu ấy đã  hãnh diện, tự mãn kê ra hàng loạt các nhân đức mình có, bằng cách so sánh mình với những người bê bối, nguội lạnh, tội lỗi, và ngạo nghễ chê bai, khinh bỉ đời sống của họ. Ông Pharisêu đã khéo phê bình người là tham lam, để  tuyên dương mình là quảng đại ; chỉ trích người là bất chính để ca ngợi mình là người công chính ; lên án người là bọn ngoại tình, để làm nổi bật mình là người chung thủy, tiết độ. Như thế vẫn chưa hả dạ, người  Pharisêu ấy còn tự cho mình là thánh thiện khi lải nhải kể đến chuyện ăn chay, dâng cúng tiền cho đền thờ, góp công góp của xây dựng, mở mang Nước Chúa. Và khi đã nhả cho bằng hết kho tàng các nhân đức, và công trạng, ông liền sực nhớ có tên thu thuế tội lỗi đầy mình phía sau. Thế là ông lấy nó làm đối điểm, chọn nó làm bàn đạp, hầu làm rực sáng đời sống tuyệt vời thánh thiện của mình, và tự bật mình lên thật cao trước vực thẳm tội lỗi của người thu thuế đang đứng đàng xa, chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực, vừa xin ơn thương xót (Lc 18,13).
Rất khác với tư thế hoàn hảo, thánh thiện, đạo đức của người Pharisêu, người thu thuế đã lên Đền Thờ cầu nguyện trong tư thế của người tội lỗi, vì biết mình vô cùng bất xứng trước Thiên Chúa.
Biết mình có tội, rất nhiều tội, người thu thuế lấm lét, thẹn thùng, mang đầy mặc cảm tội lỗi khi bước vào Đền Thờ. Vì thế, ông chỉ dám đứng đàng xa, mà không dám tiến lên gần cung thánh, gần bàn thờ, gần Nhan Thiên Chúa như người Pharisêu hãnh tiến vì cho mình là người đạo đức, công chính kia. Biết mình vô số tội, mà tội nào cũng nặng, cũng trọng, cũng xấu xa, gớm ghiếc, người thu thuế đã chỉ cúi mặt nhìn đất, không dám ngước cao nhìn trời ; chỉ dám cúi mình thật sâu nhìn nhận mình là kẻ có tội và tha thiết van xin lòng thương xót, bao dung, khoan hồng.
Sự khác biệt căn bản giữa hai nhân vật được kể trong Tin Mừng là một người Pharisêu khoác cho mình vai diễn của người đạo đức, trong sạch, thánh thiện, đầy công đức, trong khi người thu thuế không nhập vai ai, không mang lấy lớp áo của người nào, nhưng sống thực với chính con người tội lụy, bất xứng và đáng lên án, nguyền rủa của mình. Rất tiếc, bên cạnh sự khác biệt đó, luôn có một mẫu số chung trước mặt Thiên Chúa, Đấng thông biết mọi sự, và thấu suốt mọi tâm hồn, đó là cả hai người đều chung một phận người tội lỗi luôn cần được Thiên Chúa xót thương.
Như thế, người Pharisêu hoặc không biết, hoặc cố tình không biết mình chưa hoàn hảo, thánh thiện, trong khi người thu thuế thú nhận ngay từ đầu mình là kẻ tội lỗi qua thái độ khiêm tốn, kín đáo, lấm lét khi bước vào Đền Thờ.
Và chung cuộc đã thật bất ngờ với lời tuyên bố của Đức Giêsu trước những người có mặt hôm ấy : Tôi nói cho các ông biết : người thu thuế này khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên (Lc 18, 14).     
Lời Đức Giêsu đã chính thức xác nhận : người thu thuế tội lỗi đã được tha hết tội, vì khiêm tốn biết mình có tội và thú nhận mình là người tội lỗi cần đến lòng Chúa xót thương ; còn người Pharisêu, vì kiêu căng đã tưởng mình thánh thiện, nghĩ mình hoàn hảo, tự nhận mình đạo đức đã không được nên công chính, vì thực sự ông đã không công chính như ông ảo tưởng và tự tuyên dương, đánh bóng, ca ngợi.  Tội của ông là tội kiêu ngạo, tưởng mình xứng đáng hơn mọi người ; tội của ông là tội thiếu bác ái, khi liếc mắt khinh mạn, coi thường người thu thuế tội lỗi lầm lũi, ẩn mình đàng xa, tận cuối Đền Thờ ; tội của ông là tội không cần ơn cứu độ khi tự mãn cho mình không cần ơn thứ tha ; tội của ông là tội đóng chặt trái tim trước yếu đuối của anh em, và khoá kỹ cửa tâm hồn trước Thiên Chúa cứu độ ; và quan trọng hơn cả là ông đã lên Đền Thờ để phô trương trước Thiên Chúa và lên mặt với mọi người, mà không hề cầu nguyện. Khác với người Pharisêu, người thu thuế có nhiều tội, nên lấm lét, run sợ vì chẳng có gì tốt đẹp để có thể kể ra trước mặt Thiên Chúa, ngoài tâm hồn tan nát vì biết mình có tội và lòng khiêm tốn nài xin ơn thương xót, thứ tha, và điều bất ngờ làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả nơi ông, chính là ông đã cầu nguyện với lòng thành và tâm tình thống hối, khi khiêm tốn đấm ngực và thưa rằng : Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi (Lc 18,13).
Lạy Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót, xin dậy chúng con, những kẻ tội lỗi đầy mình, và vô cùng bất xứng, biết khiêm tốn nhận mình là kẻ có tội ; biết tín thác ở Chúa là Thiên Chúa hay chạnh lòng xót thương tội nhân ; biết đứng dậy với niềm hy vọng để lên Đền Thờ tìm gặp lại Chúa, nhất là biết khẩn cấp nài xin ơn tha thứ khi sa ngã, phạm tội, biết tức tốc đấm ngực ăn năn khi rơi vào tình trạng tội lỗi, và luôn thầm thĩ thân thưa lời kinh rất đẹp lòng Chúa của người có tội : Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi Lc 18,13).  
Jorathe Nắng Tím    

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

MẸ DIỄM PHÚC VÌ MẸ HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG !


Khi chiêm ngắm và cầu nguyện với Mẹ, con chỉ thấy Mẹ hiền lành và khiêm nhường : hiền lành mọi nơi, mọi lúc, và khiêm nhường trong từng ý nghĩ, lời nói, việc làm.
Qủa thực, dọc suốt Tin Mừng, Mẹ Maria đã luôn xuất hiện  với tâm tình và cung cách của một con người hiền lành và khiêm nhường : hiền lành khi chào đón  sứ thần Gabrien, và khiêm nhường thân thưa cùng thiên sứ : Việc ấy xẩy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ! (Lc 1,34) ; hiền lành nghe thiên sứ trấn an, và khiêm nhường xin vâng như lời thiên sứ truyền, vì tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa (Lc 1,38). Vượt núi đồi đi thăm chị họ Êlisabét vừa được Thiên Chúa ban cho hồng ân làm mẹ dù tuổi đã cao (x. Lc 1,5-25).  Mẹ đã rất mực hiền lành và khiêm nhường trước lời ca ngợi rất chính đáng của bà chị họ, khi vừa thấy Mẹ :
Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng (Lc 1,42-44), để rồi thay vì tự phụ, kiêu căng nhận hết vinh dự cho mình, Mẹ đã hiền lành và khiêm nhường cất lời ca tụng Thiên Chúa, Đấng đã đoái thương phận nữ tỳ hèn mọn …, và hằng thương xót những ai kính sợ Người (Lc 1, 48.50).  Những ngày trước khi hạ sinh Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ muôn dân, Mẹ hiền lành, khiêm nhường một mực vâng  lời chồng rời Nadarét miền Galilê lên thành vua Đavít tức Bêlem, miền Giuđê, ở đó Mẹ đã sinh con trong thiếu thốn tận cùng, đến nỗi phải đặt con nằm trong máng cỏ, vì không tìm được chỗ trong nhà trọ (Lc 1,2,4.7). Không hiền lành và khiêm nhường, làm sao Mẹ có thể chấp nhận sinh con trong hoàn cảnh rất thiếu thốn, tồi tệ, mà không nổi nóng, tức giận ? Ngày dâng con cho Thiên Chúa qua nghi thức cắt bì như Luật định, Mẹ đã đứt ruột khi nghe lời tiên tri của cụ già Simêon : Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng. .. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà (Lc 2,34-35). Hỏi người mẹ nào nghe những lời xui xẻo về tương lai con mình, mà không bực bội phủ nhận, phản đối, nghi ngờ ? Nhưng Mẹ hiền lành và khiêm nhường, đã không khó chịu với cụ già Simêon, càng không to tiếng biện bác, thanh minh, nhưng đằm thắm, nhẹ nhàng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng (Lc 2,51), như lần Đức Giêsu, Con Mẹ khi tròn  mười hai tuổi đã tự ý tách đoàn hành hương, và gia đình, để một mình ở lại Đền Thờ Giêrusalem, ngồi giữa các thày dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi (Lc 2,46), trong khi Mẹ và thánh Giuse hốt hoảng, lo âu đi tìm khắp nơi suốt ba ngày (x. Lc 2, 41-52).
Đó là những tháng năm của Nadarét ẩn dật. Đến ngày Đức Giêsu thi hành sứ mệnh Cứu Thế, Mẹ vẫn hiền lành, khiêm nhường dong duổi trên đường truyền giáo với Con Mẹ, như khiêm nhường trước lời ca tụng của người phụ nữ giữa đám đông : Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú, và hiền lành không cho là xúc phạm, khi Đức Giêsu, Con Mẹ đỡ lời người phụ nữ : Đúng hơn phải nói rằng : Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa (Lc 11,27-28). Cũng như có lần, người ta nói với Đức Giêsu : Thưa Thầy, có Mẹ và anh em, chị em  Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy !. Nhưng Người đáp lại : Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ? Rồi người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh  và nói : Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em, là mẹ tôi (Mc 3,31-35). Nghe thế, lẽ ra Mẹ phải phản ứng với chút bất bình, nhưng hoàn toàn ngược lại, Mẹ hiền lành, khiêm nhường đón nhận Lời Thiên Chúa từ miệng Con mình với lòng yêu mến, vâng phục. Đặc biệt ở tiệc cưới Cana, dù chính Mẹ đã xin Đức Giêsu làm phép lạ để gỡ cho đôi tân hôn và gia đình hai họ khỏi bàn thua trông thấy, vì hết rượu giữa tiệc cưới linh đình, nhưng Mẹ đã khiêm tốn ẩn mình phía sau, hiền lành, thân thiện chia sẻ công việc phục vụ với gia nhân trong bếp, đến nỗi chỉ  vài người được biết bàn tay Mẹ đã can thiệp xin Chúa cứu giúp làm phép lạ hóa nước thành rượu ngon (x. Ga 2,1-11).
Và trên đường thánh giá, Mẹ cũng vẫn hiền lành và khiêm nhường theo Con từng bước đau đớn, nhục nhằn cho đến đỉnh đồi Canvê, nơi Con Mẹ giang tay chịu đóng đinh tức tưởi chết trần truồng. Ai là mẹ lại có thể hiền lành đến độ lặng lẽ đứng đó nhìn con vô tội chịu chết oan uổng, mà không một lời than trách, lên án, nguyền rủa ? (x. Ga 19,25-27). Ai là mẹ lại có thể khiêm nhường trước yên lặng bỏ rơi đến rùng mình của Thiên Chúa, khi nghe Con mình nức nở, thì thào giờ hấp hối : Lậy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con ? (Mt 27,46), mà không bất mãn, nổi lọan ?  
Sau cùng, ở giữa và đồng hành với nhóm các Tông Đồ (x. Cv 1,14), và cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, sau khi Chúa Giêsu về trời, Mẹ luôn hiện diện với cung cách của người Mẹ hiền lành và khiêm nhường, để với ơn Chúa Thánh Thần, Tin Mừng của Con Mẹ lan toả khắp nơi, đến với mọi dân tộc ở mọi thời.
Thực vậy, ở Nadarét, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa đã dậy con trẻ Giêsu sống hiền lành, khiêm nhường là bài học nhân bản nền tảng, vì Mẹ biết người  tốt phải là người hiền lành và khiêm nhường, bởi kẻ hung bạo, kiêu căng, bợm trợn, trâng tráo, huyênh hoang, tự cao tự đại không bao giờ có thể được coi là người tốt trong xã hội, vì họ chỉ sống cho mình, mà không sống cho tha nhân, chỉ tìm mình mà không nghĩ đến hạnh phúc của anh em, chỉ thu quén, vun xới cho mình, mà vô cảm, dửng dưng trước nhu cầu của người khác. Dậy con trẻ Giêsu hiền lành và khiêm nhường, Mẹ không muốn Con mình học theo thói đời nâng mình lên bằng cách đạp người xuống. Đạp người xuống càng sâu, mình càng dễ lên cao, nên người đời ra sức đạp đổ người khác bằng rình mò, soi bói, bới móc, chỉ trích, phê bình, tung tin hạ uy tín, nặc danh gieo tin đồn thất thiệt phá hoại danh dự bản thân, hạnh phúc gia đình, an sinh, sự nghiệp. Mẹ cũng dậy em bé Giêsu đừng tìm chỗ quan trọng nơi công cộng ; đừng lân la đến người có chức có quyền, giầu có, sang trọng để tìm danh lợi, ảnh hưởng ; đừng khoe khoang công đức, tài năng ; đừng sửa giọng sửa tướng để tỏ ra mình là người quan trọng, không thể thay thế ; đừng hống hách, hà khắc, quát tháo long trời lở đất thách thức, đe dọa ; đừng thượng đội hạ đạp, hèn với quan trên, ác với dân lành, thái độ mà ở đâu và thời nào cũng đáng khinh, đáng trách ; đừng ỷ mình có tài, nhiều của, và không coi ai ra gì; nhất là đừng quên ơn Trời, ơn người hằng bao bọc, ấp ủ đời mình. Và con trẻ Giêsu đã thuộc lòng và thực hành bài học nhân bản nền tảng này, và chính Ngài đã dậy bài học đó cho  các môn đệ của Ngài khi tuyển chọn các ông : Anh em hãy học với Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11,29).
Mẹ còn là thầy dậy sống nhân đức, khi xác tín qua đời mình : hiền lành và khiêm nhường là nền tảng của tất cả các nhân đức, bởi thiếu hiền lành, người ta sẽ nghiêng chiều theo bạo lực, và  không khiêm nhường, kiêu căng sẽ chiếm đóng tâm hồn, mà Kiêu Căng và Bạo Lực là bản chất của Satan và bè lũ.  
Nhưng hơn tất cả, Mẹ khẳng định qua đời sống của Mẹ : hiền lành, khiêm nhường là chân móng  vững chắc xây đời sống Đức Tin. Chính vì hiền lành và khiêm nhường, Mẹ đã vững tin vào Lời Hứa của Thiên Chúa, mà không một  phút giây  bực dọc, phản ứng tiêu cực hay ngông cuồng nổi loạn, dù Lời Hứa ấy đã có những lúc tưởng như  không  có thực, mà chỉ là những lời ngon ngọt, dối trá, như bà chị họ Êlisabét đã khen ngợi Mẹ : Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em (Lc 1,45). Phúc Mẹ có đây, chính là trái tim hiền lành và tâm hồn khiêm nhường tuyệt vời !
Mẹ nhìn thấy trên hành trình Xin Vâng của Mẹ : hiền lành, khiêm nhường là điều kiện không thể thiếu của Đức Ái, vì không thể nhẫn nhục, nhân hậu, không ghen tương, không nóng giận, không nuôi hận thù, nếu không hiền lành ; không thể không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không mừng khi thấy sự gian ác, nếu không khiêm nhường (x. 1 Cr 13,4-6), bởi kẻ kiêu ngạo thì luôn muốn cưỡi đầu cưỡi cổ người khác ; chiếm đoạt, sở hữu moị sự, mọi người cho danh - lợi - thú riêng mình ; vì suốt đời kẻ kiêu căng, hung dữ chỉ  nuôi một ước mơ duy nhất là khuynh đảo, thống trị, khống chế mọi người  để mọi người phục vụ mình. Và như thế, không hiền lành, khiêm nhường, không ai có thể tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả, như Đức Ái đòi hỏi (1 Cr 13,7).     
Mẹ chứng minh qua chọn lựa tín thác vào Thiên Chúa, Đấng đã hứa cùng cha ông chúng tanhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời của Mẹ (Lc 1 55) : hiền lành, khiêm nhường là ngọn gió của Chúa Thánh Thần cho niềm Hy Vọng bay lên cao, vì không hiền lành, không ai có thể hy vọng Nước Trời là của họ khi chấp nhận nghèo khó vì Nước Trời ; hy vọng được Thiên Chúa ủi an, cho thoả lòng khi vui lòng chịu sầu khổ, và vất vả đi tìm sự công chính ; hy vọng được nhìn thấy Thiên Chúa, và được Thiên Chúa xót thương khi giữ tâm hồn trinh trắng, lương thiện, và thương xót anh em. Không khiêm nhường, ai sẽ có thể nuôi niềm hy vọng là con Thiên Chúa, được Nước Trời làm quê hương vĩnh cửu, và phần thưởng lớn lao trong Vương Quốc thiên đàng, khi chịu đựng mọi vu khống xấu xa, sỉ nhục cay đắng, lăng mạ tủi hổ, đàn áp thương đau, bách hại đẫm máu (x. Mt 5,3-12).
Không những thế, Mẹ còn qủa quyết qua cuộc đời người Kitô hữu thứ nhất và tuyệt vời nhất của Mẹ : hiền lành, khiêm nhường là điều kiện để đón nhận Hồng Ân Chúa ban, vì Chúa chỉ thương người hiền lành, khiêm nhường, và chống lại kẻ hung dữ, kiêu căng ; hạ bệ những ai quyền thế, nâng cao mọi kẻ khiêm nhường (Lc 1,52), vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên (Lc 18,14).
Học với Mẹ, Đức Giêsu, Con Mẹ đã tiếp tục dậy các môn đệ và nhân loại bài học quan trọng hiền lành và khiêm nhường mà Ngài đã học ở Mẹ, để Giáo Hội của Ngài trở thành tập thể những người hiền lành và khiêm nhường ở mọi thời, mọi nơi được Chúa Cha yêu thương, như toàn thể các Thánh là những bông hoa hiền lành và khiêm nhường rực rỡ vườn hoa thiên đàng ; như người đàn bà ngoại đạo xứ Ca-na-an đã hiền lành, khiêm tốn thưa với Đức Giêsu : Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống, mặc dù Ngài đã nói với bà : Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con, khi bà đến bái lậy và nài xin Ngài thương xót cứu giúp chữa con gái bà bị quỷ ám rất khổ sở (x. Mt 15,21-28) ; hay như ông đại đội trưởng ngoại giáo đã khiêm tốn thân thưa với Đức Giêsu : Lậy Ngài, tôi chẳng đáng đón rước Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành bệnh (Mt 8,8), và như hàng hàng lớp lớp những giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân, và những người thành tâm đi tìm Chúa đang âm thầm sống Hiền Lành, và Khiêm Nhường như đòi hỏi của Tin Mừng. Các vị là những người đã nhận ra hiền lành và khiêm nhường chính là biết đón nhận ơn sủng với lòng yêu mến, biết ơn ; biết dùng tất cả tài năng Chúa ban để phục vụ mọi người (x. Mt 25,14-30) ; biết làm việc với thái độ và tâm tình của người đầy tớ trung tín nhưng vô dụng, chỉ biết làm công việc được Chủ trao với lòng tín thác (x. Lc 17,10).  
Lậy Đức Maria, Mẹ rất hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu và của mỗi người chúng con !
Xin Mẹ ban cho chúng con trái tim hiền lành và tâm hồn khiêm nhường giống như Mẹ, để đáng được Chúa thương xót cứu độ, vì không trở nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời (Mt 18,3), mà trẻ nhỏ vì bé nhỏ nên hiền lành, khiêm nhường và luôn được Chúa yêu thương.
Jorathe Nắng Tím