Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

CON CÁI VÀ TIỀN BẠC


Con cái nghe cha mẹ nói về tiền, thấy cha mẹ cầm tiền, tiêu tiền. Còn qúa nhỏ để có thể biết tiền là gì và giá trị của tiền, nhưng em đã mang máng hiểu: mọi người cần có tiền. Và từ đó, em muốn tìm xem đâu là mãnh lực của tiền.
Em bé nhận ra nhiều sự thật về tiền ngay khi 4, 5 tuổi:
1.   Tiền có mặt khắp nơi: Tiền không còn là mầu nhiệm hay điều cấm kỵ, nhưng tiền gần gũi,  quen thuộc. Ở nhà với mẹ, em thấy mẹ móc túi lấy tiền cho ba, cho anh chị. Đi chơi với ba, em thấy ba lấy tiền trả taxi. Vào siêu thị với chị, em thấy chị trả tiền khi mua quần áo. Tiền ở khắp nơi và chỗ mua bán nào người lớn cũng phải dùng đến  tiền. Ý niệm về tiền len lỏi vào trong em qua tính “toàn năng và hiện diện khắp nơi” của nó.  
2.   Em nhận ra: bất cứ thứ gì cũng có giá và hầu như mọi thứ đều được mua bằng tiền.
Em bé biết tiền qua người lớn và chỉ có thể nhận định về tiền  đến mức này. Bằng chứng là đi chợ với mẹ, em đòi đủ thứ, muốn đủ thứ vì tưởng rằng em muốn mua gì cũng được. Nếu mẹ nói với em không có tiền, em sẽ tỉnh bơ đề nghị mẹ đút  thẻ vào máy rút tiền tự động để lấy tiền. Em làm như cứ cần tiền là đút cạc vào máy và tiền sẽ nhẩy ra vô tận.
Bình thường trước 5 tuổi, em bé không biết  tiền là gì. Em coi tiền như đồ chơi và không mấy quan tâm. Từ 6 đến 8 tuổi, em quan sát ích dụng của tiền và ý niệm về tiền bắt đầu nhen  nhúm, thành hình trong em. Trên 8 tuổi, em biết tiền cần thiết và muốn có tiền riêng. Đây là giai đoạn quan trọng cha mẹ cần giáo dục con về giá trị của tiền và thái độ phải có đối với tiền.
Để tránh hai thái cực đều mang lại hậu qủa tai hại, đó là qúa say mê tiền đến ki cóp, thu gom bần tiện và phung phí, không biết tiết kiệm,  cha mẹ phải khôn khéo cắt nghiã cho con  những câu hỏi về tiền như: Tiền từ đâu có? Tiền để làm gì? Tiền có mua được tất cả không?    
a.   Tiền từ đâu có?: Em bé thấy mẹ đút cạc vào máy và lập tức tiền chạy ra, thế là em nghĩ: muốn có tiền chỉ việc đút cạc vào máy. Em không có ý niệm về nhà băng, máy rút tiền tự động và nhất là không  biết: để có tiền, cha mẹ đã phải đổ mồ hôi làm việc cực nhọc. Em cần được giải thích: tiền từ việc làm của cha mẹ. Hiểu được như vậy, em sẽ biết trọng giá trị của đồng tiền, vì biết tiền là  lương bổng của những ngày làm việc vất vả. Từ ý thức giá trị tiền là hoa trái của lao động, em sẽ  tập thói quen không coi  thường tiền bạc và sau này khi lớn lên sẽ không bừa bãi, phung phí  tiền bạc.

b.   Có tiền để làm gì? Một cách cụ thể, hãy cắt nghiã cho em: cần có tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền đi chợ mua đồ ăn, tiền sắm sửa đồ đạc, tiền may  quần áo, tiền đi học, tiền đi xe, tiền cho em ăn quà,  tiền cho em nhổ răng, tiền giúp người nghèo, tiền góp  qũy bác ái, từ thiện… Nói tóm lại, cần có tiền để giải quyết những nhu cầu của  đời sống hàng ngày và bảo đảm an sinh,  hạnh phúc của gia đình, cũng như để chia sẻ với những người thiếu thốn. Tuy còn bé, nhưng  con cái rất tò mò muốn biết tiền để làm gì, và tại sao phải đi làm kiếm tiền?  Cha mẹ cần thong thả cắt nghiã cho con, và nhờ thế, con sẽ biết cảm thông hơn với cha mẹ bằng cách không đòi hỏi  tiền bạc cách vô lý.


c.    Tiền có mua được tất cả không? Vì thấy mọi chuyện đều cần có tiền, mọi nhu cầu đều cần tiền để giải quyết, em bé sẽ lầm tưởng: chỉ cần có tiền sẽ mua được tất cả, như con trai một đại gia kia trong phim “Cầu vồng tình yêu” đã thẳng thừng tuyên bố: “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng “rất nhiều tiền”.” Như thế, chẳng có gì mà tiền không mua được.
Đây là nguy hiểm hơn cả nguy hiểm khi con cái ngay từ nhỏ đã bị ám ảnh bởi mãnh lực tưởng như tuyệt đối của tiền. Bị ám ảnh bởi sức mạnh vô song của tiền, con cái khi lớn lên sẽ chỉ biết tiền, ngoài ra không biết gì nữa kể cả lương tâm, đạo đức. 
Nhận định sai lầm về giá trị của tiền sẽ làm con cái trở nên nô lệ của tiền và cuộc đời sau này của chúng sẽ chỉ là cuộc chạy đua với đồng tiền và cuộc sống sẽ chỉ là những  bon chen, tranh giành với người khác để kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền...Và thế giới sẽ biến thành bãi chiến trường, sàn đấu giữa những con người  đã chọn tiền làm  lẽ sống. 
Nhận diện sai về  tiền cũng làm con cái dễ mù quáng trước tiền và sẵn sàng bán rẻ danh dự, phẩm cách vì tiền. Biết bao người trẻ đang lao vào cơn lốc kinh hoàng của đồng tiền và số phận của họ đã không hạnh thông, may mắn vì cái bạc của tiền.

Con cái chúng ta cần được giáo dục về giá trị “tương đối” của tiền ngay từ bé và phải được dậy cách xử dụng tiền ngay khi còn ở với cha mẹ. Cha mẹ có thể tập cho con dùng tiền bằng cách:

a.   Cho con một chút tiền bỏ túi khi con lên 9, 10 tuổi. Không cho nhiều, nhưng với chút tiền này, em sẽ tập xử dụng đồng tiền, tiết kiệm tiền với mục đích trở thành nguời chủ  khôn ngoan của đồng tiền sau này. Với chút tiền bỏ túi, em có tự do mua cho mình những gì em thích và có phương tiện giúp đỡ  người khác. Tập cho con dùng tiền một cách chính đáng là bổn phận của  cha mẹ khôn ngoan biết nhìn trước tương lai của con khi con sẽ một mình với gia đình riêng, đời sống riêng, sinh hoạt riêng; ở đó tiền đóng một vai trò quan trọng.
Khi con xin tiền bỏ túi là lúc con bắt đầu muốn có trách nhiệm trên đời mình. Vì thế, cha mẹ đừng từ chối lời xin chính đáng này để con có cơ hội tập sống có trách nhiệm trên chính đời mình.

b.   Đừng sợ phải nói “không” với con cái khi không thể thoả mản những đòi hỏi vật chất của chúng. Thí dụ: khi em bé cứ đòi mua hết đồ chơi này đến đồ chơi khác, cha mẹ nên  bình tĩnh và ôn tồn  nói với con: Ba không đủ tiền để mua tất cả những thứ này cho con; vì thế mình phải chọn lựa cái gì con thích nhất.  Từ chối không có nghiã là không còn thương yêu; cũng như chấp thuận chưa hẳn là dấu chứng của tình yêu. Cha mẹ đừng quên: những nụ hôn âu yếm, những lời khích lệ, động viên đem lại cho con niềm vui được yêu thương nhiều hơn  cho tiền, mua đồ chơi.
            
c.    Có thể tập cho con biết: đồng tiền do mồ hôi khó nhọc bằng cách đề nghị con thỉnh thoảng, nhất là trong kỳ nghỉ hè làm những việc  không thuộc sinh hoạt thường ngày của gia đình và trả cho con chút tiền lương tượng trưng  như phụ ba mẹ dọn nhà kho, cắt cỏ ngoài vườn…

d.   Tôn trọng quyền xử dụng tiền bỏ túi của con, vì thuộc quyền sở hữu chính đáng của chúng. Nếu cha mẹ không tôn trọng, cha mẹ đã không giúp con trưởng thành trong ý thức tự trách nhiệm  trên những gì thuộc về chúng.
Tóm lại, tiền bạc là phương tiện cần thiết trong sinh hoạt đời sống con người. Là phương tiện trao đổi để đáp ứng nhu cầu vật chất nên ai cũng cần tiền để sống. Em bé cần được giáo dục về tiền để khi lớn, em sẽ không ngỡ ngàng, vụng về khi phải tự mình xử dụng tiền. Vì tính bề ngoài “toàn năng”, tiền làm sáng danh phận, tương lai nhưng cũng  có thể làm lu mờ nhiều thứ, từ mắt đến lương tâm; tiền tạo dựng cơ nghiệp, vị thế xã hội, nhưng cũng sẵn sàng làm sụp đổ nhiều sự, từ con người,  gia đình đến đất nước; tiền cho con người sống hạnh phúc, xứng hợp nhân vị, nhưng cũng làm chết nhiều cuộc đời bất kể cuộc đời của người nghèo, người giầu, người cô thế, người có  chức tước, phẩm hàm.Tiền có thể là tôi tớ trung tín, nhưng cũng có thể tiếm vị để lên ngôi “ông chủ tàn ác”. Tự bản chất, tiền không xấu, không tốt; xấu tốt là do người xử dụng tiền.
Giáo dục tuổi thơ không loại trừ giáo dục về tiền để em bé ý thức về khả năng xây dựng cũng như mãnh lực tàn phá của tiền. Ý thức đúng đắn về tiền sẽ giúp em lớn lên trong lương thiện trước tiền bạc và khôn ngoan trong cách xử dụng. Ngày nay, lương tâm nhân loại không còn trong sáng và phán đoán của  nhiều người không còn lành mạnh trước đồng tiền. Người ta không còn cảm thấy “lương tâm cắn rứt” khi chiếm đoạt tiền bạc của người khác, thâm lạm công qũy, tham ô, lừa đảo. Tiền đã ở đỉnh cao của thang giá trị cuộc đời và người ta chỉ còn mê man tìm kiếm, bốc hốt, tôn thờ. Tiền trở thành thượng đế toàn năng và trí thông minh của con người thời đại chỉ đến được mức coi đồng tiền là tất cả vì  logic thực dụng  của họ là tất cả đều mua được bằng tiền.
Khi thế giới rơi vào thảm trạng tôn thờ tiền bạc thì con người tức khắc xuống cấp làm nô lệ của đồng tiền. Và theo bạn, thế giới con người sẽ đi vể đâu và con người sẽ hạnh phúc hay bất hạnh khi tiền là tất cả và tất cả sẽ không là gì, nếu không có tiền, kể cả tình nghiã ? 
Hỏi tức là trả lời và tương lai của con chúng ta là bài toán mà chúng ta phải tìm lời giải ngay từ hôm nay, tại nơi này.

CHO DƯ ĐẦY MỘT CÁCH NHƯNG KHÔNG

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 18, Thường Niên, Năm A     

Ước gì chúng ta nhận ra ơn Chúa, vì Chúa thật là Đấng nhân ái, nhân hậu: “nhân ái với mọi người, và nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 144,9), để “muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn. Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thỏa thuê” (Tv 144,15-16).  

Ngôn sứ Isai đã mô tả Thiên Chúa ban ơn một cách dồi dào và nhưng không, khi ơn Chúa không khoanh vùng, cấm vận, phân biệt, kỳ thị, khước từ, chối bỏ một ai, nhưng được ban hào sảng, quảng đại và nhưng không, vô điều kiện cho mọi người, nhất là những người nghèo khó không có tiền để mua, không có gì để trả: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào” (Is 55,1).

Như thế, không chỉ những của ăn cho “chắc dạ no lòng”, mà cả những thức ăn, thức uống được xếp vào mặt hàng cao qúy, sang trọng như sữa và rượu cũng được Thiên Chúa ban dư tràn. Tất cả đều được ban nhưng không và chan chứa, dư đầy để dân Ngài được no nê, vui thoả: “Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị”(Is 55,2).

Tin  Mừng Matthêu làm chứng điều này, khi “Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14,14).Và đám đông ấy khao khát lắng nghe Ngài giảng dậy đã không chịu tan hàng dù trời đã về chiều, đến nỗi các “môn đệ lại gần và thưa với Người : “Nơi đây hoang vắng và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn” (Mt 14,15).

Trước lời đề nghị của các môn đệ, Đức Giêsu đã:

1.   Không trốn chạy vấn đề:

Vấn đề trước mắt là đám đông đói, và giải pháp dễ dàng, gọn đẹp nhất được các môn đệ đưa ra là giải tán để ai nấy tự lo cho mình, vì qủa thực lấy đâu ra bánh mà cho đám đông hàng nhiều ngàn người ăn giữa một “nơi hoang vắng riêng biệt”.  Và Đức Giêsu đã làm các môn đệ giật mình khi nói với các ông: “Họ không cần đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16), mà không theo ý các ông giải tán đám đông là giải pháp nhanh chóng, dễ dàng và rảnh tay hơn cả.

2.    Muốn các môn đệ Ngài là những trợ tá của Ơn Chúa:

Không trốn chạy vấn đề, không tránh né khó khăn, không xóa bỏ trách nhiệm bác ái trước nhu cầu chính đáng của ngưới khác, Đức Giêsu đã công khai yêu cầu các môn đệ nhập cuộc, dấn thân vào việc lo cho đám đông ăn, khi nói với các ông như một lệnh truyền: “Chính anh em hãy lo cho họ ăn”. Ngài  giúp các ông nhận ra vai trò cộng tác vào ơn Chúa, vai trò trợ tá phân phát ơn Chúa của mình khi bảo các ông đem lại cho Ngài những gì các ông có. Và tất cả những gì các ông kiếm được trước nhu cầu lương thực của nhiều ngàn người chỉ “vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá” (Mt 14,17).

Thật ít oi những gì các môn đệ mang lại cho Ngài, khi được yêu cầu lo cho đám đông ăn, nhưng với những “ít oi, nhỏ bé” đó, Đức Giêsu đã  làm phép lạ “hoá bánh ra nhiều” nuôi cả đám đông “có tới năm ngàn đàn ông không kể đàn bà và trẻ con” (Mt 14,21).

Qủa thực, từ hoàn cảnh thiếu thốn, đói khát của đám đông và tâm trạng lo âu của các môn đệ, Đức Giêsu đã biến thành bầu khí vui tươi, hạnh phúc khi tất cả được no đủ, và các môn đệ được sung sướng hả hê vì không ngờ Thầy đã làm phép lạ cả thể để mọi người được ăn no và phấn khởi tin Thầy là Đấng Thiên Sai.

Với chúng ta, cuộc sống cũng có những lúc thiếu thốn, cơ cùng cả vật chất lẫn tinh thần và ngoài Chúa ra, chúng ta chẳng còn biết trông vậy vào ai khác.

Xin Chúa dậy chúng ta tin vào lòng nhân ái, nhân hậu của Chúa, Đấng ban ơn dư đầy và nhưng không cho những ai “tìm Người khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người còn ở kề bên” (Is 55,6), vì khi đã nhận ra ơn Chúa từng giây phút bao phủ cuộc đời, chúng ta sẽ như thánh Phaolô xác tín và tuyên xưng: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,39).

Jorathe Nắng Tím 


Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

CON TÔI KỲ CỤC, KHÓ THƯƠNG!


Không cha mẹ nào không  mong con mình là “số một”: đẹp số một, thông minh số một, ngoan số một, dễ thương số một… nhưng cũng có những “số một” không cha mẹ nào dành về cho mình, đó là con quậy  phá “số một”, kỳ cục số một, khó thương số một.
Khi sinh con, người mẹ nào cũng mong con mãi là thiên thần bé nhỏ của mẹ, mãi bé bỏng để mẹ bồng ẵm và mãi ngoan ngoãn để mẹ thương. Nhưng con càng lớn, cha mẹ càng thấy giấc mơ “con tôi số một” ngày càng phôi pha, nhạt mờ. Em bé không còn dễ thương, nhưng quậy phá mệt nghỉ. Em bé hết hiền lành, nhưng ngang tàng, kỳ cục đến khó thương.
Em bắt đầu để lộ những cá tính “khó chịu, khó thương” như  hay cãi lời, lười biếng hung bạo,  giận dỗi. Tuy mới 6, 7 tuổi, nhưng em không còn muốn bị cha mẹ kiểm soát mà luôn tìm cách thoát  khỏi bàn tay của cha mẹ bằng những sáng kiến quái đản. Em trở thành một đứa con khó dậy, rắn mắt, lì lợm và cha mẹ bắt đầu than thở, mệt mỏi, ngao ngán vì em.
Thực ra, ngay ở tuổi thơ, em bé đã kỳ cục, khó thương vì em đang đi vào hành trình tạo nhân cách. Những “khó thương, kỳ cục” của em không hẳn do em kỳ cục, khó thương từ “bao kiếp trước”, nhưng  do những thay đổi tâm sinh lý và những thay đổi này rất cần thiết để nhân cách của em  được tạo hình.
Trước những ngỗ nghịch  kỳ cục của em, cha mẹ cần  phân biệt:
a.   Có thể do thiếu kinh nghiệm, thiếu nhận thức: Em làm một việc mà không biết  hoặc chưa biết hậu qủa của việc sắp làm. Thì dụ: lấy buá đập đầu đạn nhặt được trong vườn.
b.    Biểu lộ tình cảm phản kháng, chống lại quy định của cha mẹ.
c.    Biểu lộ sự bất hợp tác với cha mẹ, nhất là khi cha mẹ cứ luôn miệng nhắc nhở, khiển trách. Thí dụ: em bé đóng mạnh cửa phòng khi mẹ không ngừng nhắc em dọn giuờng gọn gàng, sạch sẽ.
d.   Biểu lộ tình cảm tức giận trước bất công.
e.    Biểu lộ tính quật cường vì bị đán áp, xử ép.
f.     Biểu lộ khao khát được ở một mình, thư giãn khi bị cha mẹ hối thúc, áp lực phải làm cho xong một việc gì, hay phải đạt cho bằng được mục tiêu nào đó. Đây là tình trạng thường gặp trong phạm vi học đường, khi các em bị cha mẹ tạo áp lực phải học cho giỏi, cho nhiều để đạt danh hiệu này, thành tích kia…  
g.   Biểu lộ tình cảm sợ hãi trước một người hay một đe doạ nào đó. Thí dụ: em bé hay nổi khùng chửi tục vì sợ mấy đứa “bạn” đầu gấu sáng nào cũng rình rập đòi chi tiền, đóng hụi chết. Hoặc  em sợ cô giáo la  vì bài làm chưa xong; sợ gia đình không có gì ăn vì ba thất nghiệp; lo  những  ngày sắp tới sẽ không có ai nuôi em, lo cho em, vì cha mẹ hay xích mích, ẩu đả và đang đòi đưa nhau ra tòa ly dị.
Đối diện với những đứa con ngỗ nghịch khi tuổi còn thơ, cha mẹ nên làm một cuộc đối thoại với con để biết con nghĩ gì, muốn gì, cần gì; đồng thời giải đáp cho con mức độ đúng sai của những gì con nghĩ, và khả năng đáp ứng của cha mẹ đối với nhu cầu tinh thần và vật chất của con. Đừng nghĩ: vì còn nhỏ, nên em bé không biết gì, không cần gì; trái lại phải  nhìn em như một người có tư duy và ý chí tuy chưa trưởng thành nhưng đủ để hiểu biết và biết mình muốn gì. Thiếu sót chung của cha mẹ là coi thường những năm tháng tuổi thơ “đã biết tư duy và chọn lựa” của con và chỉ chú trọng đến những tình cảm âu yếm, chiều chuộng …
Đại loại những câu như:
·      Con có thấy được ba mẹ yêu con  không?
·      Con có cần thiết phải làm như vậy không?
·      Nếu con nói với ba mẹ thì sự việc đã khác…
·      Ba mẹ muốn để con tự lựa chon
·      Có thật con chủ ý  hay vô tình? Nhưng ngay cả con chủ ý làm, ba mẹ vẫn thương  con.
Có nhiều cách nói sẽ thuyết phục con hơn là cáu giận khi con làm cha mẹ không vừa ý. Đối với trẻ em, hình phạt không thay thế đối thoại, vì chỉ đối thoại mới cho em thấy giới hạn của mình khi em nhận ra nơi cha mẹ tính chừng mực, nhẹ nhàng,  nhưng cứng rắn. Nhiều cha mẹ không biết đối thoại hay từ chối đối thoại với con cái. Tương quan cha mẹ - con cái nhiều khi chỉ là “ ra lệnh và thi hành lệnh”. Người ra lệnh là cha mẹ và người thi hành là con cái. Vì thế có nhiều ấm ức, bực bội nơi cả hai bên: cha mẹ bực bội vì lệnh không được nghiêm túc thi hành, con cái ấm ức vì lệnh mang tính đàn áp, bất công.Và phần lớn những khó thương của con cái đã phát sinh  từ những “tai nạn” tương quan đáng buồn này.
Tóm lại, con cái dù khó thương hay dễ thương cũng là con của cha, con của mẹ, nên bổn phận hàng đầu của cha mẹ là yêu thương. Cha mẹ có quyền sinh con, nhưng không có quyền sinh tính. Mỗi đứa con là một “con người độc nhất vô nhị”, một mầu nhiệm, một kỳ công, một tương lai khác tất cả các tương lai khác. Nhà Phật gọi là “Duyên” để giải thích những hội ngộ của người này với người kia trong cuộc đời. Cha mẹ - con cái, ở một khiá cạnh nào đó cũng là  cuộc hội ngộ do có “Duyên” với nhau. Giáo lý công giáo gọi là sự quan phòng của Thiên Chúa khi mời gọi cha mẹ cộng tác vời Ngài trong việc tạo dựng những con người mới. Vì có duyên và được quan phòng nên cha mẹ hãy đón nhận con cái với tất cả tình yêu, dù chúng là những đứa con quậy phá, khó thương. Duyên nhà Chùa hay quan phòng nhà Chúa đều nói lên sự can thiệp của Bề Trên trong sự có mặt của con cái. Và nếu duyên đã định, quan phòng đã sắp xếp thì ngay cả những đứa con đã trót mang tiếng quậy phá, khó thương ấy  cũng sẽ được thay đổi nên tốt, hiền hậu, dễ thương hơn nhờ Ơn Trên và nhờ tình mẹ bao la, tình cha hải hà bao bọc, dìu dắt.

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

KHO BÁU NƯỚC TRỜI


Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 17 Thường Niên, Năm A
Sống là lựa chọn, bởi con người không thể sống mà không lựa chọn, khi đứng trước nhiều khả thể, nhiều đối tượng, nhiều phương hướng, và chọn lựa chính là khả năng quyết định hạnh phúc hay bất hạnh của đời mình.
Chàng và Nàng trong chương trình tivi “Bạn muốn hẹn hò” luôn được MC Quyền Linh, Cát Tường hoặc Nam Thư đặt câu hỏi: “Thế nào là mẫu người vợ hay chồng lý tưởng của bạn?” và ai nấy đều say sưa mô tả mẫu người lý tưởng của mình như một kho tàng qúy báu phải tìm cho kỳ được.
Nhưng không phải ai cũng có khả năng biết và đánh giá cái gì hay, cái gì dở, người nào xấu, người nào tốt. Bằng chứng là bao nhiêu hôn nhân đã đổ vỡ, bao nhiêu cuộc sống chung đã đứt gánh giữa đường đời, và người trong cuộc chỉ còn biết thẫn thờ thở than: Tôi lầm! Nếu biết thế, tôi đã không cưới nàng! Biết vậy, tôi đã chẳng nhận lời cầu hôn!
Nếu hành trình cuộc đời ít nhiều đã cho chúng ta kinh nghiệm xương máu của những lần chọn sai, lựa lầm, quyết định không đúng, thì  hành trình đức tin cũng đòi chúng ta phải khôn ngoan để biết đâu là kho tàng qúy giá phải chọn, và đường nào là đường tốt  nhất phải đi.
Sách Các Vua đã kể lại câu chuyện vua Salômôn được thị kiến Thiên Chúa trong giấc mộng, khi Ngài nói với ông: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho ”(1 V 3,5). Ngài muốn ban cho vua điều qúy giá nhất vua muốn xin, và sẵn sàng ban cho vua kho tàng vua muốn có. Và vua đã thân thưa cùng Chúa: “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (1 V 3,9), vì vua biết trách nhiệm làm vua của dân Chúa sẽ rất nặng nề, và “Chúa hài lòng vì vua Salômôn đã xin điều đó” (1 V 3,10). 
Với một tâm hồn biết lắng nghe, vua sẽ lắng nghe dân và lắng nghe Thiên Chúa. Nhờ thế vua sẽ nhận ra điều phải trái, để hoàn thành tốt đẹp sứ vụ cai trị dân như ý Chúa muốn. Và triều đại của vua Salômôn đã là triều đại huy hoàng, vì “Thiên Chúa đã cho vua được dồi dào khôn ngoan, thông thạo, và một trái tim bao la như cát ngoài bãi biển. Sự khôn ngoan của vua Salômôn trổi vượt hơn sự khôn ngoan của tất cả mọi người” (1 V 5,9-10).
Tin Mừng Mátthêu đã ghi lại dụ ngôn “kho báu và ngọc qúy” được kể từ miệng Đức Giêsu. Trong dụ ngôn này, Đức Giêsu ca ngợi sự khôn ngoan của người kia khi “biết có kho báu chôn giấu trong ruộng”. Ông liền “chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy” (Mt 13,44); cũng như người thương gia khôn ngoan đi tìm ngọc đẹp, khi “tìm được một viên ngọc qúy, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13,45). Và Ngài kết luận: Nước Trời chính là kho báu, và viên ngọc qúy ấy .  
Như thế Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta biết kho tàng qúy báu mà chúng ta phải tìm kiếm và chiếm hữu cho kỳ được chính là trở nên giống Đức Giêsu, như thánh Phaolô đã viết trong thư gửi giáo đoàn Rôma: “Vì những ai Thiên Chúa  đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29), để những người em này được nên công chính và được hưởng phúc vinh quang (x. Rm 8,30) .    
Và lậy Chúa, trên đường đời chúng con đi, xin ban cho tôi tớ Chúa ơn khôn ngoan để “hết lòng hết dạ kiếm tìm Người” (Tv 116,2).
Jorathe Nắng Tím

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

THIÊN CHÚA KHIÊM HẠ ĐẾN VỚI NHỮNG NGƯỜI KHIÊM HẠ


Tin Mừng mặc khải một sự thật không thể chối cãi, nhưng lại là sự thật ít được con người đón nhận, đó là Thiên Chúa, mặc dù yêu thương và muốn cứu độ tất cả mọi người, nhưng Ngài chỉ đến với những con người khiêm hạ, cho dù người ấy tội lỗi, bất xứng, yếu đuối đến đâu. Và ngoài con đường khiêm hạ con người phải đi để gặp được Chúa, chúng ta không còn con đường nào khác.
Không còn con đường nào khác, vì Thiên Chúa chỉ thương yêu, chúc phúc và phù trợ những ai khiêm hạ. Còn những kẻ quyền thế lòng trí kiêu căng, Ngài dẹp tan, loại bỏ (x. Lc 1,51-52). Không còn tuyến đường nào khác, vì Đức Giêsu đã thẳng thừng lên án các kinh sư và Pharisêu kiêu căng và gọi họ là “đồ mãng xà, nòi rắn độc” (Mt 23,33), “quân giả hình, gian ác” (Mt 23,28), và qủa quyết số phận bị kết án, hoả ngục của họ (x. Mt 23,13.14.15). Không còn lộ trình nào khác, vì để gặp được Thiên Chúa, bất cứ ai cũng phải trở nên như con trẻ “hiền lành, khiêm nhường, phó thác”, “vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19,14), khác với người kiêu căng  thủ đọan, ma  mãnh, ngang ngược, hung bạo, ích kỷ, thần tượng chính mình, và phủ nhận tha nhân. Không còn lối ngõ nào khác để đến với Chúa, vì Chúa không ở trong dinh thự, biệt phủ của kẻ kiêu căng, nhưng đồng bàn với những người tội lỗi khiêm hạ biết mình có tội (x. Mt 9,10-12), vào nhà những  người như Dakêu bị đời lên án bất chính nhưng có lòng khiêm hạ (x. Lc 19,1-10), vì “người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mt 9,12), và “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Không còn ngóc ngách nào khác để được đứng vào  hàng ngũ “những người được Chúa Cha chúc phúc” ở ngày chung thẩm trước Nhan Thiên Chúa, ngoài những con hẻm lầy lội trong xóm lao động có những người nghèo khổ, đau ốm, thất học khiêm hạ, những ngõ cụt tối tăm không đèn là nơi náu ẩn của cụ già neo đơn, người mẹ  cơ nhỡ, đám trẻ bụi đời không ngày mai, bởi Thiên Chúa đã “tự đồng hoá” mình “với những anh em bé nhỏ nhất” (x. Mt 25,31-46). Không còn phương tiện nào liên lạc được với Thiên Chúa ngoài Khiêm Hạ, vì Thiên Chúa không để tai lắng nghe tiếng nói của người kiêu ngạo, nhưng chỉ quan tâm lắng nghe và đoái nhận lời cầu xin của người thu thuế tội lỗi  khiêm hạ bên cạnh người Pharisêu “được tiếng là gương mẫu đạo hạnh” nhưng kiêu căng, tự phụ (x.Lc 18,9-14).
Thế nên con đường duy nhất, địa điểm duy nhất, phương tiện duy nhất, điều kiện duy nhất  tiên vàn  phải có để gặp được Đức Giêsu chính là biết mình tội lỗi, bất xứng, nhiều giới hạn để khiêm nhường và tự hạ trước Thiên Chúa và anh em. Chính Đức Giêsu không ngớt nhắc nhở các môn đệ và rao giảng cho đám đông tinh thần khiêm hạ, như đòi hỏi tiên quyết mà những ai muốn đi theo Ngài, muốn gặp Ngài, muốn ở lại với Ngài phải đáp ứng.
Khi kêu gọi “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14), Đức Giêsu muốn nói đến lòng Khiêm Hạ từ đó mở ra con đường đến với Ngài là “Sự Thật và là Sự Sống”. Cũng như khi đưa ra điều kiện: “Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27), Đức Giêsu tiếp tục nhấn mạnh đòi hỏi phải Khiêm Hạ, bởi người kiêu căng thích được mọi người răm rắp phục tùng, suy tôn, ca tụng, hầu hạ mình làm sao có thể từ bỏ tất cả, nhất là “cái tôi vĩ đại, cao ngất ngưởng” để theo Đức Giêsu trên đường Thánh Giá với cây thập tự sần sùi, nặng nề, ô nhục trên vai?    
Nhưng có một phần thưởng vô cùng lớn lao cho những tâm hồn khiêm hạ là chính Thiên Chúa tìm đến và đứng vào hàng ngũ Khiêm Hạ với họ.
Tin Mừng Mátthêu kể lại: Đức Giêsu đã tự ý “đến sông Giođan gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình” (Mt 3,13). Vì Gioan biết Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, Đấng mà ông đang loan báo cho mọi người để ai nấy chuẩn bị đón rước bằng ăn năn sám hối, biểu hiện qua việc chịu phép rửa, nên ông đã một mực can Người và nói: “chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt 3,14). Nhưng Đức Giêsu vẫn xin Gioan làm phép rửa cho Ngài, như ông đang làm cho bao nhiêu người khiêm hạ ăn năn sám hối khác.
Thái độ khiêm hạ của Đức Giêsu khi tự ý đến và xin Gioan làm phép rửa, dù Ngài là Thiên Chúa thánh thiện, Chiên trong trắng, vô tội của Thiên Chúa đến để gánh tội và xóa tội trần gian đã làm ngạc nhiên Gioan, vì ông không thể ngờ Đấng Thánh của Thiên Chúa lại khiêm hạ đến độ tự nguyện đứng chung hàng ngũ với những người tội lỗi cần lòng xót thương đang khiêm hạ xin ông làm phép rửa sám hối. Hơn ai hết, ông biết Đức Giêsu là Thiên Chúa, như ông đã giới thiệu với đám đông khi qủa quyết: “Đấng đến sau tôi, và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,27). “Tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng ấy sẽ rửa anh em trong Thánh Thần” (Ga 1,33). Gioan còn sửng sốt, kinh ngạc khi thấy Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra, và Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17). Và Gioan đã vui mừng thốt lên: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,34).
Qủa thực, điều làm Chúa Cha vui lòng chính là thái độ khiêm hạ thẳm sâu của Đức Giêsu khi tự ý đến với Gioan Tẩy Giả như người tội lỗi để nhận phép rửa sám hối từ tay Gioan là người dọn đường cho mình; là tâm tình khiêm hạ của người tôi tớ Thiên Chúa khi kín đáo, lặng thinh theo đoàn người lũ lượt khiêm hạ thống hối ăn năn để đón Nước Trời sắp đến; là chọn lựa khiêm hạ thân phận của tội nhân khi đứng chung hàng ngũ những người cần được thương xót, tha thứ. Và Đức Giêsu đã làm đẹp lòng Chúa Cha không vì những biểu dương vương quyền, uy lực, những nghi lễ ra mắt hoành tráng, uy nghi, những phẩm phục, vương trượng oai phong, huy hoàng, những tuyên ngôn hùng hồn, nẩy lửa như thiên hạ vẫn thi nhau thể hiện khi đến thời, gặp thời. Trái lại, Ngài đã đến im ắng, đã bắt đầu sứ vụ Cứu Thế cách nhẹ nhàng, đơn sơ, đã  khởi sự công cuộc loan báo Tin Mừng bằng tâm tình và cung cách  bình dị, tế nhị, kín đáo, bé nhỏ của một người tội lỗi khiêm hạ đi tìm lòng xót thương, ơn tha tội.
Vâng, nếu Đức Giêsu đã làm đẹp lòng Chúa Cha vì Ngài khiêm hạ, đã làm sững sờ, kinh ngạc Gioan Tẩy Giả vì khiêm hạ, Ngài cũng đang làm chúng ta xúc động, hạnh phúc vì sự khiêm hạ tận cùng của Ngài. Chúng ta không xúc động sao được trước một Thiên Chúa khiêm hạ đích thân đến với chúng ta khi chúng ta khiêm hạ đi tìm Ngài? Chúng ta dửng dưng sao được với một Thiên Chúa không bao giờ bỏ chúng ta đơn độc trên đường Khiêm Hạ đi tìm Ngài? Chúng ta rời xa sao được một Thiên Chúa tự ý đứng chung hàng với tội nhân, tự nguyện mang chung thân phận yếu đuối, tự mình đưa vai gánh hình phạt nặng nề của phạm nhân trọng tội là chúng ta? Chúng ta nhắm mắt làm ngơ sao được trước tình yêu khiêm hạ của một Thiên Chúa đã xuống sâu đến tận cùng của thân phận tro bụi, đã xuống thấp đến tận bàn chân dơ bẩn, đầy cáu ghét của con người tội lỗi để cứu cho kỳ được người con mà Ngài đã dựng nên và luôn thương xót?
Chúng ta chỉ còn biết đón nhận Hạnh Phúc của người được Thiên Chúa thương xót, thứ tha, bằng khiêm hạ cúi mình trước Thiên Chúa rất khiêm hạ, giầu lòng trắc ẩn, cảm thương như người đầy tớ mắc nợ ông chủ món nợ kếch xù mà không có gì để trả đã được ông chủ tha hết nợ (x. Mt 18,23-27), để thờ lậy và cảm tạ  Chúa, vị Mục Tử nhân lành ngày đêm  hớt hải, tất bật đi tìm cho kỳ được đám chiên lạc là chúng ta đang khiêm hạ nài xin Ngài thương cứu độ.  
Jorathe Nắng Tím        

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

ƠN BÌNH AN CHO NGƯỜI KHIÊM HẠ

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,19-22).
Tin Mừng trình bầy cảnh gặp gỡ rất thân tình và cảm động giữa Đức Giêsu và các môn đệ: Đức Giêsu thì mới chịu khổ hình và đóng đinh cách đây ba ngày, vừa  sống lại và hiện ra với các môn đệ  với đầy đủ thương tích Thánh Giá trên mình; các môn đệ thì vửa trải qua những ngày tang thương khi Thầy bị đóng đinh, cơ đồ Cứu Thế hoàn toàn sụp đổ, ước mơ làm lớn trong Vương Quốc của Thầy tan thành mây khói, chưa kể những mất mát, thua lỗ, thiệt thòi sau ba năm “bỏ cha mẹ, vợ con, sự nghiệp, của cải” để đi theo Đức Giêsu, và dấu vết của những ngày khủng hoảng  kinh hoàng vẫn còn đọng trên những đôi mắt ngơ ngác vì lo lắng, sợ sệt. Bằng chứng là “các cửa nơi các ông ở đều đóng kín”.
Như thế, Đức Giêsu đã hiện ra giữa các môn đệ với hình hài một người Thầy khiêm hạ vừa chịu khổ hình và đóng đinh, mà các dấu đinh trên tay chân và vết thương do lưỡi đòng đâm sâu ở cạnh sườn còn mở toang rỉ máu. Ngài đã đến với các môn đệ với thân xác của một con người khiêm hạ, không mang vinh quang, chiến thắng của ngày phục sinh khải hoàn. Ngôn từ và thái độ của Ngài cũng nhẹ nhàng, dịu dàng, thân tình, đằm thắm, chứ không sặc mùi huyênh hoang, ồn ào,  thách đố, máu lửa của người kiêu căng, hãnh tiến. Ngài đã đến sau khi sống lại với con người Thiên Chúa rất khiêm hạ.  
Về phiá các môn đệ, các ông cũng đang ở trong tình trạng và mang tâm trạng của những người khiêm hạ, khi nhận ra mình rất bé nhỏ, bất lực, nhiều giới hạn đang run rẩy trước nhiều nỗi lo sợ. Các ông không chỉ sợ người Do Thái truy lùng bắt bớ để nhổ tận rễ, bứng tận gốc “nọc độc Giêsu” với thứ tin mừng phạm thượng Thiên Chúa Giavê, chống báng Luật Môsê, đả kích hàng Tư Tế, Kỳ Mục, và làm xáo trộn mọi sinh hoạt xã hội, tôn giáo, mà còn sợ tương lai đen tối, mù mịt, sợ ngày mai không điểm tựa, lối thoát, sợ  đường dài trước mặt  hoang vắng, bẽ bàng,  đơn độc.
Trong căn phòng đóng chặt cửa vì sợ hãi ấy, Đức Giêsu khiêm hạ đã đến giữa các môn đệ khiêm hạ của Ngài, và ban Bình An phục sinh của Ngài cho các ông.
Ngài đã ban Bình An của Ngài là “tôi trung Thiên Chúa” sau khi đã khiêm hạ vâng lời Chúa Cha “hoàn toàn trút bỏ vinh quang” của Thiên Chúa, và nhất quyết từ giã “địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” của mình, để xuống thế làm người, sống kiếp phàm nhân như mọi nguời; Ngài đã ban Bình An của Ngài là “Chiên Thiên Chúa” sau khi đã khiêm hạ thực thi ý muốn của Chúa Cha là “bằng lòng chịu chết trên cây thập tự” như kẻ có tội để chuộc tội người khác.
Qủa thực, Đức Giêsu đã chờ cho đến khi thực hiện xong sứ vụ rất khiêm hạ của người Tôi Tớ trung tín và của Con Chiên chịu hiến tế mới chính thức ban Bình An của Ngài cho các môn đệ và mọi người, bởi Bình An của Ngài là hoa trái của Khiêm Hạ, Bình An của Ngài là Bình An mà thế gian không ban được do được cưu mang, nuôi dưỡng bằng máu, nước mắt của một Thiên Chúa khiêm hạ vô cùng, Bình An đến từ đinh sắt, lưỡi đòng, mão gai đã hằn sâu trên thân xác đẫm máu, rũ liệt trên Thánh Giá của một Thiên Chúa khiêm hạ đã xuống tận đáy sâu của thân phận phàm nhân tội lỗi vì yêu thương.
Đức Giêsu đã ban Bình An với thân xác phục sinh khiêm hạ còn thương tích, vì Bình An đích thực, Bình An viên mãn, Bình An đời đời, Bình An mà không ai ban được, cũng không người nào có quyền lấy đi ấy đến từ trái tim của một Thiên Chúa vô cùng khiêm hạ đã hạ mình làm người và chịu chết. Đó là lý do Chúa Cha “đã siêu tôn Người và ban tặng danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vạt phải bái qùy; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,9-11).
Nhưng nếu Bình An đã được ban bởi một Thiên Chúa khiêm hạ là Đức Giêsu, thì người nhận ơn Bình An tuyệt vời ấy cũng phải là những con người có tấm lòng khiêm hạ, bởi Bình An của Thiên Chúa khiêm hạ không thể đến và ở lại trong tâm hồn của kẻ tự cao, kiêu ngạo, vì Thiên Chúa chống lại và “dẹp tan phường lòng trí kiêu căng, hạ bệ những ai quyền thế” (Lc 1,51-52).
Khi được Đức Giêsu ban Bình An, các môn đệ ở trong tình trạng sẵn sàng để đón nhận Bình An của Thầy mình, bởi các ông là những người khiêm hạ, và càng khiêm hạ hơn sau những ngày dồn dập nhiều biến cố đau thương, vô vàn đổ vỡ ê chề, chồng chất những thất bại đắng lòng, xót xa.
Một điều chúng ta cần ghi nhận ở đây, đó là Đức Giêsu đã không ban Bình An của Ngài cho các môn đệ để các ông tiếp tục ở lỳ trong phòng đóng chặt cửa, lấy cớ “còn sợ người Do Thái”, nhưng Ngài thổi hơi để các ông nhận ơn Chúa Thánh Thần hằng ban cho những con người khiêm hạ và sai các ông đi, như Chúa Cha đã sai Ngài xuống thế gian làm con người khiêm hạ, chết khiêm hạ trên thập giá để cứu những người khiêm hạ nhận mình có tội và cần đến lòng Chúa xót thương.
Như thế, để nhận ơn Bình An của Đức Giêsu, Thiên Chúa khiêm hạ, chúng ta cũng phải như các môn đệ đã khiêm hạ nhận mình yếu đuối khi “sợ hãi đóng kín các cửa”, biết mình nhiều khiếm khuyết, bất toàn và luôn cần được xót thương, bởi chính tinh thần khiêm hạ là điều kiện để ơn Bình An của Đức Giêsu phục sinh ở lại với chúng ta; chính tâm hồn khiêm hạ là “căn phòng” Đức Giêsu muốn đến và ban Bình An của Ngài; chính trái tim  khiêm hạ là Đền Thờ Đức Giêsu muốn ngự, và là Mái Ấm Bêtania Ngài muốn ở lại dùng bữa, và nghỉ ngơi.
Là người được sai đi với sứ vụ loan báo Tin Mừng, chúng ta cũng như các môn đệ năm xưa cần ơn Bình An của Đức Giêsu phục sinh, bởi không có ơn Bình An từ đường Thương Khó và Thánh Giá khiêm hạ của Đức Giêsu, không có sức mạnh của Chúa Thánh Thần trên người môn đệ biết khiêm hạ, chúng ta sẽ không đủ tình yêu để “bỏ mọi sư” khi được Đức Giêsu kêu gọi, càng không đủ niềm vui để lên đường khi được Ngài sai đi, bởi chỉ người có tâm hồn khiêm hạ mới có được tình yêu và niềm vui của người môn đệ, nhờ được đón nhận trong khiêm hạ ơn Bình An phục sinh của Ngôi Lời vô cùng khiêm hạ.
Xin Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người khiêm hạ ban cho các tôi tớ của Chúa ơn  khiêm hạ để làm chứng Nước Trời đang ở giữa mọi người bằng sống Niềm Vui của Tin Mừng, Hy Vọng của Lời Hứa và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nhân hậu.
Jorathe Nắng Tím

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

CON CỦA CHA, MẸ NGHIỆN RƯỢU


 “Rượu làm phấn khởi tâm hồn” là châm ngôn của mọi dân tộc, vì thực sự phải có chút men thì tình nghiã mới nồng nàn, chuyện trò mới rôm rả, và người ta mới tự nhiên, hồn nhiên trút bầu tâm sự. Bữa tiệc không rượu thường lạt miệng và kéo theo nhạt lòng.
Không ai chối cãi được sức bốc, độ say của rượu. Nó không chỉ bốc người uống lên đến trời mà còn kéo luôn cả trời xuống với người uống. Nó không chỉ làm say người uống mà làm cả trời đất quay cuồng say theo. Rượu có sức mở được miệng người ít nói, mở được lòng người “nhát gan, hay mắc cở”, vì có rượu vào là lời ra, có chút men là oang oang làng xóm.
Vấn đề ở đây không phải  uống ít hay uống nhiều, nhưng là uống đến nghiện để rượu không còn công dụng làm phấn khởi mà phản tác dụng cầy bới “lục phủ ngũ tạng”. Từ uống ít đến uông nhiều, từ uống nhiều đến nghiện  bước chân rất ngắn; ngắn đến ít ai ngờ, nên mới ra nông nỗi biến thành “ma men” lúc nào không hay biết.
Nghiện rượu là căn bệnh của thời đại. Có nhiều nguyên nhân đưa đến nghiện. Có thể do buồn chán vợ con, thất bại trong công ăn việc làm, thất thế, thất tình nên mượn rượu quên đời, quên người. Nhưng  cũng có thể nghiện vì ham vui, thích tụ tập, gầy xòng: “uống có chiến hữu, nhậu có bạn hiền”. Cứ nhìn các quán nhậu Sàigòn  vào những buổi chiều, bất kể chiều nay hay chiều cuối tuần, ta sẽ được dịp gặp các chiến hữu nam nữ mặt đỏ gay, tay nâng ly, miệng hét khẩu hiệu “Dô” inh ỏi. Các bạn ấy đang say xỉn và không lâu sẽ trở thành những tay nghiện thời đại. Nhìn họ say mèm, hét hò thoải mái, ai bảo họ thất bại, thất tình?
Như thế, nguyên nhân đưa đến nghiện thì phong phú vì trong thực tế, người ta muốn nghiện là nghiện, đâu cần phải buồn hay vui, thành công hay thất bại, giầu hay nghèo, nam hay nữ, già hay trẻ…
Người nghiện rượu cũng như người nghiện những thứ khác chỉ thích thứ mình nghiện và làm mọi cách để có được thứ mình đam mê. Nghiện rượu  là đam mê, nhưng là đam mê xấu, đam mê nguy hại cho sức khoẻ, gia đình, xã hội. Trước hết là nguy hại cho chính bản thân người nghiện rượu:

a.   Người nghiện rượu mất khả năng nhận ra những tương quan một cách bình thường. Thí dụ: say xỉn rồi thì chẳng còn biết ai vào ai. Gặp ai cũng xớn xác, bi bô, huyên thuyên đủ chuyện  chẳng đầu chẳng đuôi. Thấy ai cũng lăng xăng niềm nở nhưng chẳng biết họ là ai, tên gì, rồi cứ thao thao “tỏ tình, thề hứa, thanh minh thanh nga” mà chẳng để ai nói, cũng không cho ai hiểu mình đang muốn nói gì
b.   Người nghiện rượu không làm được công việc đến nơi đến chốn. Họ chỉ bắt đầu rồi bỏ dở dang
c.    Họ cho mình quyền đánh giá mọi người, mọi việc và rất lệch lạc trong phán đoán, định giá.
d.   Họ mất khả năng tâm giao.
e.     Người nghiện rượu rơi vào hai thái cực, hoặc cực kỳ trách nhiệm, hoặc hoàn toàn buông thả.
Để giúp họ, cần khơi dậy tuổi thơ và những biến cố trong quá khứ, vì có thể đây là nguyên nhân sâu xa đã đưa họ đến nghiện rượu. Giúp họ thoải mái bộc lột tình cảm, nhu cầu, ý kiến và tạo cho họ không gian giải trí, chơi đuà. Âm nhạc, thể thao, gặp gỡ người thân là những phương cách hữu hiệu giúp họ lấy lại thăng bằng tâm lý. Cùng với họ thiết lập chương trình sinh hoạt cụ thể từng ngày. Giúp họ tìm lại lòng tự tin và học biết nhận lãnh chứ không chỉ cho đi. Đồng hành bằng cách tôn trọng những sáng kiến tốt và lành mạnh của họ cốt để họ thấy: họ còn nhân cách và  nhiều giá trị; bởi không có gì là tận số và không thể cứu vãn.
Đó là câu chuyện của người nghiện, ở đây ta không đi sâu hơn vào vấn đề này, bởi mục tiêu của bài viết là những khó khăn của em bé khi gia đình có người nghiện rượu, nhất là khi người ấy lại là chính cha hay mẹ của em.
Như đã nói ở trên, người nghiện rượu mất thăng bằng tâm lý và không nhận ra một cách bình thường những tương quan. Vì thế, khi cha hoặc mẹ nghiện rượu, em bé sẽ chịu hậu qủa đầu tiên là không được mẹ hay cha nhận ra đúng như em là; vì khi trong đầu có  men rượu,  chưa chắc cha, mẹ  đã  nhận ra em là con… Chỉ nguyên một chuyện không nhận ra con mình một cách bình thường thôi, em bé đã chịu bao nhiêu thiệt thòi rồi,  chưa kể em phải sống trong  bầu khí lúc nào cũng căng thẳng, sợ hãi, xấu hổ, bất ổn, cô đơn với mặc cảm đồng loã.
Em sẽ luôn sợ hãi  tính khí bất thường, vui buồn bất chợt của cha, mẹ; nhất là khi không có rượu và cơn nghiền hành hạ. Nhiều gia đình đã là bãi chiến trường “non stop” vì những mâu thuẫn không thể giải quyết do “ma men” gây ra. Em sẽ mang tình cảm xấu hổ vì có cha, mẹ say xỉn trước người khác và luôn phải tìm cách ém nhẹm, che dấu bằng yên lặng. Sự bó buộc yên lặng trở nên nguyên nhân của ức chế sẽ đè nặng tâm tư em và tạo nên mất quân bình tâm sinh lý. Tình trạng không an toàn khi ở bên người cha, người mẹ nghiện rượu cũng tạo thêm áp lực trong cuộc sống. Tất cả dồn em vào một góc riêng nhỏ bé còn lại của nội tâm và em sẽ khép kín, ẩn mình trong cô đơn, mặc cảm
Người ta dễ nhận ra tình trạng xuống tinh thần và mất thăng bằng của em khi thấy em thường xuyên mất ngủ, đầu óc khó tập trung, chậm lớn, lo lắng nôn nao, sợ sệt, dễ nổi nóng, hay tức giận, học hành trễ nải. Những cơn đau bụng, nhức đầu cũng thường xuyên xẩy ra như phản ứng tất nhiên của sinh lý khi tâm lý bị giao động mạnh.
Để giúp em bé ra khỏi  khủng hoảng khi có cha, mẹ nghiện ruợu, ta có thể:
a.   Nói chuyện nhiều với em và khẳng định: em không có lỗi gì trong việc nghiện rượu của  cha, mẹ và hoàn toàn không đồng loã tạo nên tình trạng căng thẳng, mâu thuẫn trong gia đình. Ở vào hoàn cảnh này, em bé dễ mang mặc cảm tội lỗi là đã góp phần làm cho tình trạng thêm xấu. Sở dĩ em có mặc cảm này, là vì vô thức đã khẳng định thay em trách nhiệm của con đối với cha mẹ. Vì thế, việc làm đầu tiên là lấy em ra khỏi mặc cảm đ ồng loã  của “vô thức”  để có một lương tâm bình an.

b.   Tạo dịp cho em được nói hết những ý nghĩ còn tồn đọng trong đầu và tình cảm còn ứ nghẹn trong tim. Nói hết là cách tốt nhất để được nhẹ lòng, nguôi ngoai.
c.    An ủi bằng cách trấn an: em không phải là trường hợp duy nhất, nhiều em bé khác cũng rơi vào hoàn cảnh như em.
d.   Củng cố  nơi em lòng tự tin.
e.    Giúp em tạo nhiều liên đới thân thiện, tin tưởng trong gia tộc, làng xóm, trường học.
f.     Bảo đảm an toàn cho em bằng tạo một nhóm người có uy tín và được em tin tưởng  để thường xuyên chia sẻ, thăm nom em.
Làm con của cha hay mẹ nghiện rượu, em bé phải gánh chịu cả một “gia sản” tai ương. Em không được một tuổi thơ đẹp, có cha mẹ âu yếm, yêu thương, chăm nom, săn sóc đã đành mà còn phải lấm lét, sợ hãi, trốn tránh những cơn giận điên khùng của cha, mẹ khi các vị say xỉn, hay cơn nghiền nổi lên. Em mất hẳn tuổi thơ bình an khi không khí gia đình hoà thuận, yêu thương đã bị rượu lấy đi, vì sở trường của người nghiện  rượu là không để ai yên, nhưng phải quậy phá, gây sự, kiếm chuyện với mọi người; chưa nói đến  nhiều trường hợp người nghiện  xử dụng bạo lực để xâm phạm, làm tổn thương người khác.
Ước mong các gia đình trẻ ý thức tai hại của nghiện rượu và nỗi bất hạnh của những đứa con có cha mẹ thường xuyên say xỉn vì nghiện rượu. Số người Việt Nam bị đau gan vì uống ruợu ngày càng cao như hồi chuông cảnh báo nguy cơ đang kề cận. Đành rằng  nhiều khi phải  uống vì giao tế, nghề nghiệp, nhưng uống như một đam mê, một nhu cầu, một thói quen không thể bỏ thì qủa thực người ta đã nhắm mắt liều mạng uống để  sớm được “tiêu diêu miền cực lạc”. Uống như thế còn gì là uống để sống và rượu đâu còn làm “phấn khởi tâm hồn”, như điều vốn ước mong.

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2020

TỐT - XẤU LẪN LỘN

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 16 Thường Niên – Năm A
Ở bất cứ đâu, trong bất cứ tổ chức, cơ chế, hay môi trường nào, chúng ta đều thấy “chung sống, chung đụng” những điều xấu và điều tốt, người dữ và người lành, bậc hiền nhân quân tử và hạng tiểu nhân “đá cá lăn dưa”. Ngoài đời thì thượng vàng hạ cám, vàng thau lẫn lộn, nên chẳng dám tin ai, nhưng tự mình “buộc chỉ cổ tay” không dám “thề non hẹn biển” sống chết với người nào. Trong đạo cũng không khá hơn, vì người nhân hậu, kẻ gian ác cũng lẫn lộn, trà trộn, và kẻ lưu mạnh, thời cơ, thủ lợi, buôn thần bán thánh cũng nhan nhản đồng hành bên thánh nhân đắc đạo khiêm tốn, hiền lành.
Toàn bộ các bài đọc và Tin Mừng của chúa nhật này làm chứng điều trên, và cho chúng ta thấy thánh ý của Thiên Chúa khi để người lành và người dữ chung sống, như lúa và cỏ thi nhau mọc trên cánh đồng.
1.   Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn quyền nhưng vô cùng kiên nhẫn vì Ngài từ bi, nhân hậu:
Sách Khôn Ngoan khẳng định: “Thiên Chúa không phải sợ hãi gì ai, mà Chúa không trừng phạt lỗi lầm của chúng” (Kn 12,11). “Chúng” đây là những kẻ dữ, phường gian ác, vì nào ai dám hỏi: “Chúa làm chi vậy? và ai dám chống lại phán quyết của Ngài?” (Kn 12,12). Nhưng “vì Chúa làm bá chủ vạn vật, nên Chúa nương tay với muôn loài”, và “lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản”, mặc dù “có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn” (Kn 12,16.18).   
Có người đặt vấn đề: nếu đã biết người nào xấu và gian ác thì tốt hơn hết là bứng người ấy ra khỏi Giáo Hội, xã hội để khỏi ảnh hưởng đến người tốt.
Qủa thực, giải pháp bứng đi cho xong nợ là cách giải quyết nhanh gọn của con người không có lòng thương xót, là phương án nhằm đạt kết qủa ngay lập tức của trái tim xơ cứng, vô cảm, là đường lối cấp tốc thanh lọc hàng ngũ, khẩn trương làm sạch Giáo Hội để có một xã hội, Giáo Hội gồm toàn những công dân ưu tú, những đại thánh nhân. Nhưng rất tiếc, tất cả đều không xứng hợp với ý muốn của Thiên Chúa, không xứng đáng với trái tim luôn chạnh lòng trắc ẩn của người Cha Thiên Chúa không bao giờ muốn con mình đã sinh ra phải hư đi.
Khi dùng dụ ngôn cỏ lùng mọc chung với lúa, Đức Giêsu muốn nói đến tình trạng thiện - ác, xấu - tốt, lành - dữ cùng lúc có mặt và chung sống trong tâm hồn mỗi người.
Nhưng cái khác biệt giữa cỏ - luá và con người  ở đây là không như cỏ sẽ mãi là cỏ, và lúa sẽ mãi là lúa, con người vượt xa trên thực vật, nên có khả năng thay đổi cái xấu thành tốt, cái ác thành thiện, kiêu căng thành khiêm tốn, gian tham thành xởi lởi, qủang đại, bất nhân, tàn nhẫn thành hiền lành, nhân hậu… bởi được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người có trí thông minh để nhận định tình hình, có tự do lựa chọn xấu tốt và khả năng thực hiện  sự dữ hay việc lành, thay đổi đời phóng đãng, lăng loàn thành đời đằm thắm, tín trung.
Hình ảnh người con hoang đàng trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” của Tin Mừng Luca chương 15 cho chúng ta thấy rõ hơn tự do và khả năng làm điều xấu khi bỏ nhà cha đi hoang, cũng như tự do và khả năng làm điều tốt khi đứng lên trở về mái ấm gia đình với cha già của người con thứ. Hình ảnh người con hoang đàng ấy là hình ảnh của đời sống mỗi người chúng ta, một đời sống luôn có những xấu, tốt, thiện ác bao quanh, đâm rễ, mà chỉ lòng thương xót và kiên nhẫn của Thiên Chúa mới cho cơ hội để “đổi mới, cải thiện, trở về”.
2.   Thiên Chúa trân qúy và tin tưởng người tốt lành:
Không chỉ thương xót người dữ, kẻ có tội, Thiên Chúa còn công khai bầy tỏ lòng trân qúy người ngay chính, tốt lành khi trả lời đề nghị nhổ hết cỏ lùng của gia nhân: “Đừng, sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13,29-30).
Không cho nhổ cỏ vì sợ làm bật rễ lúa, Đức Giêsu trân qúy những điều tốt lành ở mỗi người, nhưng đồng thời cũng mong đợi những điều xấu ở chúng ta được giảm bớt, khử trừ, khi gia hạn để cả lúa và cỏ “cùng lớn lên cho tới mùa gặt”.
Bên cạnh lòng trân qúy, Đức Giêsu còn tỏ ra tin tưởng ở người tử tế, đạo đức, cũng như những ưu điểm nơi mỗi người. Dụ ngôn “Hạt Cải” và “Men trong bột” (Mt 13,31-33) tiếp liền theo đã làm chứng điều này: “Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành được” (Mt 13,32). Cũng như nắm men bé nhỏ mà “người đàn bà vùi vào ba thúng bột” đã làm tất cả bột dậy men (Mt 13, 33).
Vâng, Đức Giêsu khuyến khích chúng ta đừng nản lòng khi thấy cái xấu vượt trội bên những cái tốt, cũng đừng thối chí bỏ cuộc “dấn thân phục vụ” xã hội và Giáo Hội khi thấy người xấu qúa đông, gương xấu qúa nhiều trong Giáo Hội, xã hội, bởi như hạt cải bé tí teo đã “trở thành cây đến nỗi chim trời có thể làm tổ trên cành”, và nắm men bé nhỏ đã làm “tất cả bột dậy men”, thiểu số người đạo đức, tử tế, cũng như những việc làm tốt lành dù ít oi cũng sẽ có sức “biến đổi” lòng người, thay đổi thế giới, làm mới Giáo Hội, xã hội, với ơn phù trợ của Thiên Chúa.
Với tâm tình của người con yếu đuối dễ sai phạm, hay vấp ngã, chúng ta tín thác vào lòng thương xót, kiên nhẫn của Thiên Chúa, và cùng nhau xin Chúa Thánh Thần dậy chúng ta cầu nguyện, vì “chúng ta là những kẻ yếu hèn, không biết cầu nguyện thế nào cho phải”, và chỉ biết xin “Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta” để chúng ta được sống như Thiên Chúa muốn, hầu xứng đáng được “thu vào kho lẫm” ở mùa gặt là Nước Trời (x. Rm 8,26-27).
Jorathe Nắng Tím