Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

Suy Niệm TIN MỪNG Chúa Nhật XVII Thường Niên, Năm B


Suy Niệm TIN MỪNG Chúa Nhật 17 TN B : Gioan 6, 1-15
      Suốt năm Chúa Nhật liên tiếp, Tin Mừng trong thánh lễ nói đến Bánh Hằng Sống, nghiã là nói về chuyện  ăn uống, lương thực. Hôm nay thánh Gioan tường thuật một phép lạ lớn: lớn vì chỉ với năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, Đức Giêsu đã nuôi hàng chục ngàn người ăn no nê. Số người ăn được qủa quyết chính xác căn cứ trên khẳng định của Tin Mừng: “Nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn” (Ga 6, 10), “và bánh dư thừa chất đầy được mừơi hai thúng” (Ga 6,13).
    Trước hết, Đức Giêsu đã làm một phép lạ rất lớn trước mặt đám đông hàng chục ngàn người. Không thể chối cãi mục đích của phép lạ Ngài làm là cho dân chúng thấy dấu lạ mà tin Ngài là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian ! (Ga 6, 14). Để mọi người tin Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng Thiên Sai  là lý do của tất cả mọi phép lạ Ngài làm; bởi ngoài mục đích này, Đức Giêsu đã không nhắm bất cứ một mục đích nào khác.
   Để mọi người tin Ngài là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên ở tiệc cưới Cana, khi hoá nước thành rượu ngon, để các môn đệ tin Ngài là Con Thiên Chúa (x. Ga 2,1-11). Để mọi người tin Ngài là Đấng Cứu Thế, Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ cho kẻ chết sống lại, người què được đi, người mù được thấy(Mt 15,29-31), kẻ bị qủy ám được giải phóng khỏi  xiềng xích Satan và bè lũ (x. Mt 5,1-20). Nhưng cũng vì mục đích để mọi người tin Ngài là Thiên Chúa, mà Đức Giêsu đã từ chối làm phép lạ, khi người ta không sẵn sàng tin Ngài là Con Thiên Chúa, như đã từ chối làm phép lạ trên chính quê hương Nadarét của mình, vì bà con họ hàng  đã cứng lòng không tin Ngài (Mt 13,53-58); không làm phép lạ trước thách thức của ma qủy khi Ngài ở trong sa mạc (Mt 4,1-10);  không tự mình xuống khỏi thập giá và làm phép lạ tự cứu mình trước phỉ báng, thị phi của những người không muốn tin Ngài là Con Thiên Chúa (Mt 27,39-44). Rõ ràng hơn cả là khi Ngài từ chối  những người Biệt Phái cứng lòng  xin Ngài cho thấy một dấu lạ : “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào” (Mt 16,4).
    Như thế, phép lạ chỉ được Đức Giêsu thực hiện khi con người sẵn sàng đón nhận Ngài là Cứu Chúa; chỉ được  thực hiện trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho những ai mở lòng đón nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ; chỉ được thực hiện để bày tỏ lòng yêu thuơng, nhân hậu của Thiên Chúa đối với những người thành tâm đến với Đức Giêsu. Tóm lại, phép lạ là dấu chỉ quyền năng và tình yêu thương xót của  Đức Giêsu trên mọi người và dấu chỉ ấy đòi nơi người xin phép lạ một tâm tình và thái độ sẵn sàng đón nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, Cứu Chúa của mình.
     Ở đây, Đức Giêsu đã không làm phép lạ hoá bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá để được đám đông tôn mình làm vua (Ga 6,15); cũng không nhằm mục đích mị dân, lôi cuốn quần chúng, mua chuộc đám đông bằng lời hứa sẽ nuôi họ ăn uống phủ phê dài dài, và họ sẽ chẳng phải vất vả lao động, đổ mồ hôi, sôi nước mắt để kiếm cơm ăn áo mặc; Ngài càng không làm phép lạ để biểu dương quyền năng cho thiên hạ lé mắt, đi theo Ngài để  hưởng thụ hạnh phúc vật chất.Trái lại, Đức Giêsu làm phép lạ cho hàng ngàn người ăn uống no nê hôm ấy, vì “họ đi theo Người..,  đến với Người.., vâng lời Người ngồi xuống..,  từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm” (Ga 6,2.5.10) để họ nhận ra Ngài mới là Lương Thực đời đời, nguồn của mọi Hạnh Phúc, Sức Sống phong phú vô tận, và là Đấng làm cho tất cả được no thỏa.
          Phép lạ nuôi hàng chục ngàn người giữa  đồng không mông quạnh, không chợ búa, quán xá mà Tin Mừng Gioan tường thuật đã mời gọi tất cả tin ở Thiên Chúa, Đấng không bỏ quên ai, nhưng “chạnh lòng khi thấy đông đảo dân chúng đến với mình” (Ga 6,5) nhưng muốn mọi người được chăm sóc, nuôi nấng và không còn ai phải đói khát trong chính Ngài là sự sống và là lương thực đời đời.
      Bên cạnh mục đích chính của phép lạ  Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều, chúng ta còn nhận ra một vài nét nổi bật khác của Tin Mừng hôm nay:
1. Thiên Chúa cần chúng ta cộng tác:
    Không phải vô tình mà Đức Giêsu đề nghị Philípphê dưới hình thức câu hỏi: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây” ? (Ga 6,5).Ngài đặt vấn đề với người Ngài tin tưởng và chờ đợi sự hợp tác của người ấy. Tin Mừng viết : “Ngài nói thế là để thử ông” (Ga 6,6), nhưng thực ra Ngài cần ông, cần sự cộng tác của các Tông Đồ, cần những gì các ông đang có, dù các ông có rất ít, rất nhỏ, rất thiếu thốn. Bằng chứng là Ngài đã đẩy đưa các ông để các ông quan tâm, bàn tính, trao đổi để tìm ra một giải pháp, dù mọi giải pháp xem ra như muối bỏ biển. Điều lạ lùng ở đây là Đức Giêsu đã không coi thường, xem nhẹ những hạt muối bỏ biển cỏn con ấy, không nhìn bằng nửa con mắt năm chiếc bánh to không bằng bàn tay và hai con cá nhỏ xíu xiu mà tông đồ Anrê tìm được ở một em bé (Ga 6,9), nhưng đã hết sức trân trọng “cầm lấy”  (Ga 6,11).
     Đức Giêsu đã cầm lấy năm  chiếc bánh ỉu xìu và hai con cá bé tí teo là những gì chúng ta có trong thân phận người yếu đuối khôn nguôi, thiếu thốn trăm bề. Ngài biết chúng ta có gì, là gì, và những gì chúng ta là, và có ấy sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì tự mình, nhưng với quyền năng xót thương của Chúa, những chút xíu bé nhỏ, tầm thường ấy lại là khởi điểm của công trình cứu độ của Thiên Chúa, như tấm bánh nhỏ bé  đã cho ra hàng trăm thúng bánh thơm ngon hôm nào.
2. Chúng ta được mời gọi lo cho người khác ăn:
   Cùng một trình thuật bánh hoá ra nhiều, Tin Mừng Mátthêu đã ghi : Các môn đệ lại gần thưa với Ngài: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”. Đức Giêsu bảo họ : “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,15-16).
    Khiếp qúa yêu cầu táo bạo và không thể khả thi của Đức Giêsu khi nói với các Tông Đồ lo cho đám đông hàng chục ngàn người được ăn. Đức Giêsu không mông lung, văn vẻ, nhưng chính xác và cụ thể : “Lo cho họ ăn”. Hôm đó, không chỉ các Tông Đồ  vừa nghe đã hết hồn, mà cả đám đông, nếu nghe được cũng sẽ chẳng hiểu Đức Giêsu muốn nói gì, và sẽ phải nghĩ: hoặc Ngài nói lộn, hoặc Ngài mệt nên nói sảng chăng ...
    “Chính anh em hãy lo cho họ ăn” là lệnh truyền, cũng là lời mời gọi của Đức Giêsu gừi đến các môn đệ của Ngài. Lo cho đám đông ăn, lo cho thế giới ăn, lo cho thiên hạ không bị đói sẽ không còn là việc của người khác, của ai đó, của người ta xa lạ, nhưng là việc của người đi theo Đức Giêsu, là công tác của Kitô hữu, là ước mong của chính Đức Giêsu, Đấng chạnh lòng khi thấy đám đông đói: đói lương thực nuôi thân xác, và đói  của ăn nuôi linh hồn.
3. Thiên Chúa làm từ không thành có, từ chút xíu ra lớn lao, dư thừa:
   Trung tâm điểm của phép lạ hoá bánh ra nhiều là việc Đức Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó” (Ga 6, 11). Việc hoá bánh ra nhiều để nuôi đám đông đã quy vào  một điểm rất quan trọng là Tạ Ơn Chúa Cha.  Đây mới thực là trọng tâm của phép lạ, khi Chúa Cha được tôn vinh, cảm tạ, bởi tất cả đời sống và việc làm của Đức Giêsu đều quy hướng về  Chúa Cha và việc thực hiện trọn vẹn Thánh Ý Chúa Cha. Không việc gì, từ tư tưởng, lời nói, việc làm, từ sự sống đến sự chết và phục sinh của Đức Giêsu đã không quy chiếu về một mình Thiên Chúa Cha, nên phép lạ Ngài làm cũng không ra ngoài qũy đạo tôn vinh, cảm tạ thánh thiện đó. Cũng chính vì quy chiếu vào quyền năng của Thiên Chúa mà những gì nhỏ bé được trở nên lớn lao vô tận, và những gì cỏn con được biến thành vĩ đại, bao la.
     Qủa thực, trong khi dâng lời tạ ơn Chúa Cha mà năm chiếc bánh, và hai con cá đã hoá ra nhiều cho cả chục ngàn người ăn no nê. Do đó, không có lời Tạ Ơn Thiên Chúa, phép lạ không ý nghiã vì phép lạ không thuộc về Thiên Chúa, nhưng là dấu lạ của phù thủy, hay ma qủy làm. Đây cũng là đặc điểm để nhận ra dấu lạ nào thuộc về Chúa, và dấu lạ nào do ma qủy thực hiện, bởi ma qủy, nhờ bản tính thiêng liêng vẫn có thể làm được những điều lạ, vì Thiên Chúa  không hủy bỏ bản tính thiêng liêng của các thiên thần mà Ngài đã dựng nên, dù chúng đã phản nghịch và bị trừng phạt trong hoả ngục.
      Như thế, một phép lạ không quy chiếu vào Thiên Chúa, cũng không đặt trọng tâm vào quyền năng của Thiên Chúa  được biểu hiện qua lời Tạ Ơn, Tôn Vinh thì không thể được nhận là phép lạ do bàn tay Thiên Chúa. Hình ảnh Đức Giêsu sốt sắng dâng lời Tạ Ơn với bánh trong tay là hiến lễ Thánh Thể  của Giao Ước mới, ở đó, chính Đức Giêsu trở thành Mình Máu, lương thực nuôi sống muôn dân. Phép lạ bánh hoá ra nhiều vì thế là viễn ảnh của một thế giới được Đức Giêsu cứu độ bằng chính máu thịt của Ngài đã được hiện thực qua sự chết và phục sinh  trong lịch sử nhân loại. Bánh  luá mạch nuôi thân xác hôm ấy chính là hình ảnh Bánh các Thiên Thần nuôi sống linh hồn chúng ta.
4. Hồng Ân Thiên Chúa  luôn chan chứa, dư tràn và đòi được chia sẻ:
     Có một điều chắc chắn là Thiên Chúa luôn quảng đại hơn tấm lòng của chúng ta.  Em bé có năm chiếc bánh và hai con cá hôm ấy hẳn đã là người hiểu được sự qủang đại vô cùng của Thiên Chúa hơn bao  nhiêu người khác có mặt, bởi em thấy tận mắt năm chiếc bánh nhỏ và hai con cá bé của em trao tặng đã biến thành trăm ngàn chiếc bánh và con cá thơm ngon khác nuôi ăn nhiều ngàn người . Hơn ai hết, em cảm động vì không ngờ  lòng qủang đại bé nhỏ của em đã làm chạnh lòng xót thương vô bờ bến của Thiên Chúa.
      Từ xưa đến nay, nhiều người cho em là chú bé bán hàng rong, nhưng  cả bốn Tin Mừng Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan đều không  khẳng định điều này:
 “Ở đây chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá” (Mt 14,17)
 “Có năm chiếc bánh và hai con cá” (Mc 6,38)
 “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này” (Lc 9,13).
 “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá” (Ga 6,9)
     Như thế, chúng ta phải hiểu em bé này mang theo mình năm chiếc bánh và hai con cá, có thể là lương thực cho cả gia đình em cùng đi, và em đã quảng đại đưa cho các Tông Đồ mà không buôn bán, đổi chác gì.
     Qủa thực, hồng ân Thiên Chúa thì luôn dư dả, bao la, không bao giờ cạn kiệt. Vấn đề là chúng ta có đến kín múc hồng ân ấy hay không?  Có nhận ra tình yêu bao la và hồng ân hải hà ?   Nhất là có qủang đại chuyển ban hồng ân đã nhận cho người chung quanh ? Cử chỉ phân phát bánh, cá cho đám đông của Đức Giêsu đã nói lên đòi hỏi phải chia sẻ trong cộng đoàn, chia sẻ từng chén cơm, manh áo với mọi người, vì đó là dấu chỉ của người môn đệ Đức Giêsu. Không phân phát, sẻ chia những gì Chúa ban cho mình là không tin hồng ân Chúa bao la, tràn đầy; không tin Thiên Chúa quảng đại vô cùng và toàn năng vô biên; đồng thời không sống giới răn Yêu Thương, căn tính của người có Đức Giêsu, Đấng là Tình Yêu thương xót.
    Xin Chúa cho chúng con lương thực hằng ngày nuôi thân xác và từng ngày có Chúa là Của Ăn đời đời cho linh hồn được sống và sống dồi dào trong Bình An của Thiên Chúa, Đấng giầu lòng trắc ẩn, luôn chạnh lòng trước cảnh đói khổ, lầm than của dân Ngài.     
Jorathe Nắng Tím