Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

TIN MỪNG TỬ TẾ


                                                                           
  Tin Mừng Luca mà người viết mời bạn cùng suy niệm dưới đây là đoạn Tin Mừng tường thuật Đức Giêsu chữa người nô lệ của viên sĩ quan ngọai giáo (Lc 7,1-10), và cho con trai bà góa thành Nain sống lại (Lc 7,11-17). Đọan Tin Mừng rất đặc biệt vì tất cả các nhân vật được nêu tên đều là những người tử tế. Vì thế, người viết mạo muội đặt tên cho đoạn Tin Mừng này là Tin Mừng Tử Tế:
        “Sau khi đã nói hết những điều ấy cho dân chúng nghe, Đức Giêsu vào thành Ca-phác-na-um. Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết, Ông ta yêu qúy người ấy lắm. Khi nghe đồn về Đức Giêsu, ông cho mấy kỳ lục của người Do Thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.
    Họ đến gặp Đức Giêsu và khẩn khoản nài xin Người rằng: “ Thưa Thầy, ông ấy đáng được Thầy làm ơn cho. Vì ông qúy mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”. Đức Giêsu liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người : “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài qúa như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi". Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này : “Đi !” là nó đi; bảo người kia “Đến !” là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi : “Làm cái này !” “là nó làm”. Nghe vậy Đức Giêsu thán phục ông ta. Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân It-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế”. Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.
     Sau đó, Đức Giêsu đến thành kia gọi là Nain, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà góa. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa !”. Rồi Người lại gần sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại, Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh : hãy chỗi dậy !”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng:” Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Lời này về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả liền Giuđê và vùng lân cận ( Lc 7,1-17)
     
       Điều dễ nhận ra nhất trong cuộc sống xã hội là hiện tượng của hai thành phần cùng chung sống nhưng rất khác biệt, đó là những người tử tế và những người không tử tế. Người tử tế được đánh giá là người tốt bụng, có lòng, có tâm, có nhân nghiã, có trước có sau, có trên có dưới, trung tín, biết ơn, nhất là thương yêu, hy sinh và hay giúp đỡ mọi người. Khác với người tử tế, người không tử tế  rơi vào phạm trù của những tiêu cực như không lương thiện, lừa đảo, lợi dụng, bất nhân bất nghiã, vô ơn, thiếu nhân cách, ích kỷ, vu khống, bạo lực. Và tất nhiên, xã hội kính trọng những người tử tế và đánh giá thấp những người không tử tế.
       Thánh sử Luca đã tinh tế vẽ lên bức tranh phác họa chân dung những người tử tế trong Tin mừng của ngài. Nhưng  họ là ai và đã làm gì?

1.    Họ là những người quan tâm đến người khác:
   Viên sĩ quan đại đội trưởng, tuy là sĩ quan cao cấp trong quân đội Rôma, nhưng ông rất quan tâm đến tình trạng sức khỏe của một tên nô lệ  là giai cấp tận cùng đáy sâu xã hội : sinh ra để làm tôi mọi,  suốt đời phục dịch người khác và hầu như chẳng bao giờ được người khác đối xử tử tế. Ở vào thời Đức Giêsu, những người nô lệ bị coi như thú vật và phải cật lực làm việc, mà không được trả công. Các ông chủ có quyền sinh sát trên những người nô lệ mà họ đã bỏ tiền ra mua, và khoảng cách giữa ông chủ - nô lệ thì xa thăm thẳm.
     Thế mà viên sĩ quan, người có địa vị cao trong quân đội Rôma hùng mạnh lại “yêu qúy người nô lệ” của mình rất nhiều, yêu nhiều đến nỗi bối rối, hốt hoảng khi nghe tin anh này đau nặng sắp chết (Lc 7,2). Qủa thực, phải là người  từ tâm, bác ái lắm mới có thể cúi xuống thật thấp, thấp đến không còn có thể thấp hơn để quan tâm đến người nô lệ mà ngay đến sự sống, sự chết của họ, nói chi đến bệnh tật, thường chẳng bao giờ được  ông chủ, bà chủ đóai hoài, nhìn ngó đến.
    Viên sĩ quan cao cấp đã yêu thương và thể hiện tình yêu bằng thái độ ân cần quan tâm. Ông quan tâm bằng chạy chọt sự can thiệp của người khác : biết mình là người ngoại đạo, không thế giá với Đức Giêsu, ông sĩ quan này đã cậy nhờ mấy kỳ mục, là những chức sắc trong đạo Do Thái, có thế gía trước mọi người thay ông đi gặp Đức Giêsu để xin Ngài cứu chữa người nô lệ. Thái độ cầu cạnh  một vài kỳ mục nói lên sự quan tâm lo lắng đặc biệt mà viên sĩ quan dành cho người nô lệ, bởi nếu không yêu thương, ông đã không phải “xuống nước” nhờ vả mấy ông kỳ mục, vì ông là người ngoại đạo, chẳng bao giờ phải cần đến những chức sắc trong đạo Do Thái này. 
    
2.    Họ là những người biết ơn :
     Ca ngợi các ông Biệt Phái và kỳ mục trongTin Mừng  là điều rất hiếm hoi, nhưng rất may mắn, ta gặp được  mấy vị kỳ mục rất tử tế, dễ thương trong đọan Tin Mừng này.
      Mấy vị kỳ mục này qủa là tử tế khi chấp nhận đề nghị của viên sĩ quan ngoại đạo đi gặp Đức Giêsu để xin Ngài cứu sống người nô lệ làm việc trong nhà viên sĩ quan. Nhưng điều đáng khâm phục hơn cả là lòng biết ơn của các vị kỳ mục. Các vị đã năn nỉ Đức Giêsu cứu chữa người nô lệ của viên sĩ quan bằng ca tụng, tuyên dương công trạng của viên sĩ quan với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. Vì ông qúy mến dân ta. Vả lại, chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta” (Lc 6,4-5).
      Nói lên việc làm tốt của người khác, làm chứng hành vi  tốt của người khác, mà không “đánh lận con đen”, “nhận vơ ” cho mình đã là qúy hiếm, nhưng cất công đi năn nỉ người khác giúp người đã làm ơn cho mình và kể công đức của người ơn ấy còn qúy hiếm hơn rất nhiều, bởi tâm lý bình thường và rất thường gặp trong cuộc đời là xóa ơn, quên ơn, phụ ơn người đã làm ơn cho mình để xóa hẳn mặc cảm  một thời yếu kém, dốt nát, nghèo nàn, thất thế đã  cần sự giúp đỡ của nhiều người ; để tỏ ra mình là siêu nhân, vĩ nhân chẳng bao giờ cần đến ai, nhưng tự mình làm nên tất cả, làm được tất cả. Thói kiêu căng bao giờ cũng kéo theo tật xấu vô ơn, xóa bỏ hình bóng người đã làm ơn cho mình. Điều chúng ta hay lầm tưởng, đó là nhớ ơn dễ, nhưng trong thực tế, cái khó nhất của mỗi người chính là nhớ ơn, biết ơn, trả ơn người đã thi ân cho mình.    
       Vì thế, hơn nhiều người, mấy vị kỳ mục đã biết ơn, nói lên công ơn và trả ơn cách thiết thực và ân tình viên sĩ quan, ân nhân của cộng đoàn Do Thái giáo vùng đó. Các vị đã thực hiện đòi hỏi của người tử tế là biết ơn và trung thực ghi nhớ công ơn, trung thực nói lên những ân huệ đã nhận được từ người ơn. Thái độ biết ơn xuất phát từ tâm tình tri ân ấy đã nâng các vị lên hàng những  người tử tế đáng ngưỡng mộ.

3.    Họ là những người tình nghiã:
      Tình nghiã là chuyện ai cũng biết, nhưng cách để nhận ra ai là người thực sự tình nghiã với mình là khi ta gặp khó khăn, ai đã là người ở bên ta. Ở bên, ở với, ở cùng ai đó khi họ có vấn đề là tình yêu ở mức độ rất cao, bởi không ai chịu mất giờ, mất sức, mất công việc, mất nếp sống quen thuộc, mất thời khóa biểu riêng tư, mất không gian thư thái, tiện nghi để ở gần một người và phập phồng chia sẻ những lo âu, rủi ro, nguy hiểm của người ấy.
      Ông sĩ quan đại đội trưởng có những người bạn tình nghiã  ở bên ông khi ông bấn lọan, lo lắng vì người nô lệ ông thương nhiều lắm lâm trọng bệnh, sắp chết. Chắc chắn ông hoảng loạn lắm, chẳng thế mà ông chạy đôn đáo, cậy nhờ cả đến mấy kỳ mục đi tìm Đức Giêsu, vì ông biết ngoài Đức Giêsu, Đấng đang làm nhiều phép lạ  không ai có thể cứu sống người nô lệ ông thương yêu. Biết ông hoảng lọan, các bạn hữu của ông đã đến với ông, ở bên ông. Sự hiện diện tình nghiã lúc này là quan trọng và qúy báu. Có bạn hữu ở bên, ông bớt lo lắng; có bạn ở cạnh kề, ông an tâm hơn. Các bạn của ông đã ở gần bên ông và sẵn sàng làm những gì ông cậy nhờ. Ông đã cậy nhờ các bạn ra đón Đức Giêsu thay ông và nói với Ngài : “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài qúa như vậy, vì tôi không xứng đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài” (Lc 6,6-7).
     Các bạn ông đã làm đúng những gì ông nhờ. Thật tình nghiã cái tình tự do nhưng gắn bó, thảnh thơi ; bền chặt, đơn sơ nhưng đậm đà ; nhẹ nhàng nhưng sâu lắng ; hồn nhiên nhưng thiết tha, mặn mà. Tình ấy là tình bạn, thứ tình thông thoáng tự do nhưng tuyệt vời vì không khế ước ràng buộc, không  huyết thống lien kết như tình cha mẹ - con cái , anh chị em, họ hàng ; không hôn ước buộc chặt như tình vợ chồng. Tình bạn hoàn toàn tự do, đến đi tùy ý, gắn bó - buông bỏ mặc sức, không ai kiện tụng ai, tranh chấp ai. Nhưng chính vì tự do hoàn toàn mà tình bạn luôn là tình tuyệt vời cao qúy.
       Khuôn mặt cao qúy của những người bạn viên sĩ quan trong Tin Mừng Luca đã nói lên nét tử tế khi con người sống với nhau bằng tình nghiã thật : tình nghiã nên có nhau trong mọi hoàn cảnh ; tình nghiã nên ở gần, ở bên, ở cùng để hiện diện yêu thương, hiện diện cảm thông, hiện diện chia sẻ, hiện diện phục vụ.

4.    Họ là những người  “vui với người vui, khóc với người khóc”:
      Thoáng nghe chúng ta tưởng “vui với người vui, khóc với người khóc” là chuyện dễ làm, nhưng thực tế chứng minh ngược lại khi không có mấy người đã vui mừng khi người khác thành công hơn mình, đã khấp khởi, hân hoan khi người chung quanh gặp may mắn. Trái lại, lòng ganh ghét luôn rình rập ngăn cấm ta vui khi người khác vui, và buồn khi người khác đau khổ. Tính ích kỷ cản trở ta chia sẻ nỗi đau của người khác và làm lớn hơn niềm vui của họ. Vì thế, thánh Phaolô đã không nhắc nhở gì khác hơn là khuyên chúng ta sống bác ái bằng biết “vui với ai mừng vui, và khóc với ai đang khổ sầu”(Rm 12,15).
      Đoạn Tin mừng được tiếp nối với “đám đông trong thành cùng đi” với người  đàn bà góa bụa trên đường đưa tiễn đứa con trai xấu số ra mộ phần (Lc 6, 12). Đám đông cùng đi với bà hôm ấy là đám đông cùng khóc với bà nỗi đau mất con ; cùng nức nở, quặn thắt với bà nỗi buồn cô đơn chất ngất ; cùng chia sẻ với bà phận góa bụa, đơn độc rất tang thương ngày con trai bà mất. Đám đông đi với bà để cùng ngậm ngùi với bà trong  thương nhớ ngút ngàn và chung giòng nước mắt xót xa với bà để bà vơi sầu, nhẹ đau, bớt khổ.
    Qủa thực, đám đông của Tin Mừng Luca trong đám tang con trai bà góa thành Nain là đám đông yêu thương đã “vui với người vui, khóc với người khóc”; là đám đông biết chạnh lòng xót thương và thực hiện lòng xót thương ấy bằng những bước đồng hành chia sẻ. Nhìn đám đông lặng lẽ từng bước, ngậm ngùi thương cảm người mẹ góa bụa đang vật vã, Đức Giêsu “chạnh lòng thương và nói : “Bà đừng khóc nữa !”… (Lc 6,13). “Bà đừng khóc nữa” là ước mong của đám đông đang khóc với bà. “Bà đừng khóc nữa” là lời ủi an phát xuất từ đáy lòng của đám đông đang  nức nở với bà, và mọi người đi theo bà ra nghiã trang đang khóc với bà để “bà đừng khóc nữa”,  đang đau xót, thổn thức với bà để “bà đừng khóc nữa”, đang nghẹn ngào với bà để “bà đừng khóc nữa”, đang ngậm đắng nuốt cay với bà để “bà đừng khóc nữa”. Và bất ngờ, Đức Giêsu “lại gần, sờ vào quan tài”, và gọi người thanh niên đã chết hãy trỗi dậy (Lc 6,14-15). 
   Phép lạ đã được thực hiện nhờ những tấm lòng chạnh đau của đám đông, nhờ cõi lòng tan nát của người mẹ góa bụa, và nhờ trái tim chạnh lòng thương xót của Đức Giêsu, để rồi phần thưởng được dành cho những người biết khóc với người khóc là niềm vui lớn cho mọi người đang khóc, niềm vui trọn vẹn cho người mẹ khổ đau vì mất con, khi Đức Giêsu cho con bà sống lại và “trao anh ta cho bà mẹ” (Lc 6,15). 
      
5.    Họ là những người khiêm tốn phục vụ:
     Tất cả mọi người được nhắc đến trong đọan Tin Mừng tử tế đều là những người khiêm tốn phục vụ:  
·       Viên sĩ quan đã  khiêm tốn phục vụ khi  kín  đáo xây cất hội đường mà không huyênh hoang kể công. Ông còn khiêm tốn  khi nhận mình “không xứng đáng đón Đức Giêsu vào nhà ”, và hơn thế nữa, còn nghĩ mình “bất xứng để đến gặp Ngài”  (Lc 6, 6-7).
·       Các bạn của viên sĩ quan cũng đã khiêm tốn phục vụ, khi làm đúng những gì viên sĩ quan nhờ, mà không ồn ào phản đối hay linh tinh “ý kiến ý cò”.
·       Các kỳ mục còn tuyệt vời hơn khi khiêm tốn đến gặp Đức Giêsu và khẩn khoản nài xin Ngài thương tình cứu sống người nô lệ của viên sĩ quan.
·       Ngay cả những người khiêng quan tài cũng khiêm tốn phục vụ. Thái độ đằm thắm vâng phục “dừng lại”, khi Đức Giêsu “ lại gần, sờ vào quan tài” biểu hiện sự ân cần phục vụ và khiêm tốn dễ thương của họ.

6.    Họ là những người lương thiện:
Tất cả đều lương thiện khi không bóp méo sự thực như mấy kỳ mục đã lương thiện tuyên dương công trạng của viên sĩ quan ngoại giáo: “Vì ông qúy mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta” (Lc 6,5). Bởi thường tình, thì người ta hoặc “cướp cơm chim”, hoặc cắt xén thế nào cho công trạng của người khác teo hóp lại, còn vinh quang của mình phình béo ra. Ở đây, tuy không cùng đạo, nhưng mấy kỳ mục Do Thái đã rất lương thiện khi kể công của viên sĩ quan trước mặt Đức Giêsu để Ngài thương cứu sống người nô lệ của ông.
     Viên sĩ quan cũng lương thiện khi nói về mình. Ông không phủ nhận mình có quyền, nhưng cũng lương thiện nhận mình dưới quyền nhiều người khác : “Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi” (Lc 6,8). Khác với nhiều người “nổ long trời, nổ thấy ớn”, nổ có bằng cấp: không có, nổ cho có; có chút đỉnh, nổ cho to, nên chẳng còn biết ai thật, ai giả trong xã hội ngày nay, nên lắm lúc cũng đành cắn răng dè dặt với mọi người…
           Nhưng điểm nổi bật ở những người có mặt trong đám tang con trai bà góa thành Nain là lòng trung thực, lương thiện và thái độ khách quan, tôn trọng sự thật: “Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một  vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa  đã viếng thăm dân Người” (Lc 6,16). Đám đông hôm ấy đã nói điều họ đã nghe và đã thấy ở Đức Giêsu mà không vo tròn, bóp méo, giũa gọt sự thật, nên  lời chứng của họ về Đức Giêsu có sức thuyết phục và  “được loan truyền khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận” (Lc 6,17) .
         Qủa thực, Tin Mừng không chỉ mang lại bình an, hạnh phúc thiêng liêng, mà còn cho chúng ta niềm an ủi bên những con người tử tế. Chúng ta cần sống tử tế, như chúng ta cần có những người tử tế sống với mình. Tử tế không chỉ  làm đẹp cuộc đời, làm vui cuộc sống, mà còn là nội dung của Tin Mừng, điều kiện để đón nhận Tin Mừng. Những đức tính nhân bản làm nên người tử tế. Cũng chính những đức tính nhân bản ấy làm nền cho các nhân đức siêu nhiên, bởi không biết quan tâm đến tha nhân, không tình nghiã, không biết ơn, không thông cảm sẻ chia “vui với người vui, khóc với người khóc”, không khiêm tốn phục vụ, không lương thiện - trung thực, hỏi làm sao có thể sống Bác ái : “tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu ” ; làm sao có thể sống thứ tha và cầu nguyện cho kẻ làm hại mình ; làm sao có thể trở thành của lễ đền tội mình và đền tội người khác nữa ?
    Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta là con người, nên chúng ta không thể bỏ qua bổn phận làm người tử tế trước khi bước vào hàng ngũ những người được Chúa mời gọi nên thánh như Thiên Chúa là Đấng thánh. Vì thế, Tin Mừng mời gọi chúng ta nên thánh, nhưng đồng thời cũng thúc giục chúng ta sống tử tế như nền tảng vững chắc xây dựng đời sống thánh thiện như ý Chúa muốn nơi mỗi người. Ước gì thế giới ngày càng thêm đông đảo những con người tử tế, với những nét tử tế của Tin Mừng.
Jorathe Nắng Tím