Người phụ nữ trẻ nhận ra giây
phút đầu đời làm mẹ, qua cảm nhận hơi thở của bào thai trong lòng và bác sĩ khẳng
định giờ chết của bệnh nhân, khi hơi thở cuối cùng ra khỏi thân xác.
Không ai nhìn thấy hơi thở, chỉ cảm nhận
và biết chắc hơi thở không thể thiếu cho
sự sống , bởi việc phải làm đầu tiên của thai là thở, việc phải làm liên tục,
suốt đời, không được đứt quãng, đình trệ của con người là thở, và khi không thở
hoặc không còn được thở nữa, lập tức người biến thành ma, thân xác thành “thây
ma”, và người sống biến thành người chết.
Hơi thở tất yếu, nhưng bé nhỏ, gan lì : bé đến nỗi không ai nắm bắt được
chính hơi thở của mình, nhỏ đến độ chẳng ai thấy hơi thở mình vuông tròn, dài
ngắn, xanh đỏ ra sao; lì đến mức chỉ rút quân khi không còn có thể cầm cự. Cũng
nhờ bé nên hơi thở len lỏi dễ dàng vào bào thai cho thai nhi sự sống; nhờ nhỏ
nên dễ nằm vùng và trường kỳ hoạt động trong thân xác qua bao tháng năm dài; nhờ
gan lì, nên bám trụ đến cùng và chỉ rút
đi ở phút chót kiếp nhân sinh.
Hơi thở thiết yếu, nhưng rất yếu đuối, mong manh, chỉ cần bàn tay bịt
kín mũi - miệng vài phút là ngạt thở, hết thở. Việt Nam đang rơi vào thảm trạng
phá thai. Bên cạnh những thai nhi bị hủy hoại từ trong lòng mẹ, chắc phải
còn những em bé bất hạnh vừa chào đời đã bị cướp đi hơi thở.
Hơi thở quan trọng, nhưng giấu mình sau dáng dấp bình thản, thư thái,
không bon chen, giành giật phần trọng yếu, nên không mấy ai quan tâm đến thở,
chỉ đến khi khó thở, ngẹt thở, ngộp thở,
người ta mới cuống cuồng chạy tìm bình khí thở, hốt hoảng đi mua ống thở để
không rơi vào tình trạng bó tay, hết thuốc chữa: tắt thở. Cũng chính vì không mấy
quan tâm, mà đa số có vấn đề vệ sinh hơi thở và hô hấp, vì biếng thở, và không
săn sóc hơi thở cho tinh khiết, thơm tho.
Ngoài ra, hơi thở còn quyết định thành bại của tương quan, khi cho phép
con người nói với nhau. Nhờ có hơi thở,
ta mới nói được. Bởi nói cần thở: người hổn hển thở, nói không ra lời ; người
thoi thóp thở, chẳng tạo được âm thanh, nên khi không thở, người ta mất khả
năng nói, và khả năng nói là khả năng quan trọng tạo tương quan trong cuộc sống.
Nhờ đó, con người mới dễ cảm thông, cảm thương, yêu thương nhau.
Nếu hơi thở cần cho sự sống của thân xác,
thì Chúa Thánh Thần là Hơi Thở của Thiên Chúa Ba Ngôi, Hơi Thở ban sự sống còn
cấn gấp bội cho mỗi người, cho Giáo Hội, cho toàn thể nhân loại.
Ngài là Hơi Thở của Tạo Dựng, “lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.
Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm và thần khí
Thiên Chúa bay lượn trên nước” (St 1,1-2).
Ngài là Hơi Thở của Cứu Độ, khi “ngự xuống trên Đức Giêsu, dẫn Người đi
trong hoang địa” (Lc 4,2); tác động và đồng hành cùng Người trên đường sứ vụ
(Lc 4,14.18-19; 10, 21); tiếp nối công trình cứu độ và dẫn đến sự thật toàn vẹn
(Ga 16,13).
Ngài là Hơi Thở của Hội Thánh, bởi chính Ngài khai sinh Hội Thánh trong
ngày Lễ Hiện Xuống, khi “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thầ” (Cv 2,4). Và chính Hơi Thở Thánh Thần đã liên kết mọi khác biệt, kể cả khác biệt ngôn
ngữ giữa mọi dân tộc, để tất cả dùng tiếng nói mà loan báo những kỳ công của
Thiên Chúa (Cv 2,5-11). Là Hơi Thở của Giáo Hội, Chúa Thánh Thần còn ban dồi
dào sự sống và tình yêu sung mãn của Ba Ngôi Thiên Chúa cho Thân Thể Mầu Nhiệm
này.
Vì thế, là Kitô hữu, chúng ta không thể sống thiếu Hơi
Thở của Thiên Chúa là Thánh Thần, nếu không, lý tưởng “sống chính sự sống của Đức
Kitô” với chúng ta sẽ là ảo tưởng, vì
không “thở Thiên Chúa”, làm sao có thể “sống Thiên Chúa”?
Thở Thánh Thần là để Thánh Thần thở
tình yêu Ba Ngôi vào hiện hữu, sinh hoạt; là đón nhận ơn sủng đổi mới, trở về;
là kêu lên thành tiếng “Abba” cả lúc thở, cũng như khi tắt thở, để tất cả hiện
sinh trở nên gặp gỡ và kết hiệp mật thiết giữa hai tự do,
hai ý muốn, hai chọn lựa của Chúa và ta.
Thở Thánh Thần còn là chăm chú, và ngoan
ngoãn lắng nghe Thánh Thần thỏ thẻ mời gọi. Vì bé nhỏ, kín đáo, nhẹ nhàng nên
Hơi Thở không ồn ào, huyên náo, hung dữ áp đặt, nên phải quan tâm, để tâm, chú
tâm lắm mới nghe và hiểu được Hơi Thở Tình Yêu của Thánh Thần.
Và nhất là đừng bao giờ giập tắt Thánh Thần
trong ta, cũng như ở người khác. Đây là cám dỗ nặng nề nơi người có quyền, vì
nghĩ mình ở vị thế trên và cao, nên biết rõ “đường đi lối về” của Thánh Thần,
khác với điều Đức Giêsu đã nói về Thánh Thần với Nicôđêmô: “Gió muốn thổi đâu
thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu”
(Ga 3,8) và tận mạng của sa lầy này sẽ là ảo tưởng: thánh thần là chính tôi.
Lậy Thánh Thần, xin hãy đến ban cho
chúng con Hơi Thở Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa và dậy chúng con biết ngoan
ngoãn, chăm chú lắng nghe Hơi Thở Thiên Chúa thỏ thẻ, thì thầm trong tâm hồn và
đời sống chúng con.